Giáo xứ Vinh Hương

Kể chuyện Tết Trung thu

Chủ nhật - 11/09/2011 05:55
- Tết Trung Thu là Tết của trẻ thơ...
Kể chuyện Tết Trung thu

Xin chào các cháu, hôm nay là Tết Trung thu, trên sân nhà giáo lý; các anh chị giáo lý viên đang nổ lực căng dù, dàn dựng sân khấu và các công tác cần thiết để tổ chức đêm sinh hoạt văn nghệ cho các cháu đó. Còn ở trong phòng hội, có các em thiếu nhi đang hăng say tập dợt các tiết mục cho tối nay, chúng ta hãy cùng đến đó để cùng trò chuyện với các bạn ấy nha!

- Chào các cháu.

- Dạ, chào bác.

Trước hết, bác cháu ta cùng nhau hát vui bài Rước đèn tháng tám, các cháu biết không? lúc bác còn nhỏ lắm, nhỏ hơn các cháu bây giờ nữa mà đã thuộc từ “đầu đến chân” bài này rồi đó. Nào bắt đầu nhé!

 

Tết Trung thu rước đèn đi chơi,

em rước đèn đi khắp phố phường

Lòng vui sướng với đèn trong tay,

 em múa ca trong ánh trăng rằm…

 

Rồi, bây giờ bác hỏi xem có cháu nào biết ít nhiều về sự tích của ngày Tết Trung thu không nhỉ? hãy kể cho mọi người nghe. Được không?

- Dạ, một cô bé đang tập bài Múa Trăng Thu nhanh nhẩu trả lời:

Câu chuyện Thỏ Ngọc là câu chuyện thật cao đẹp và cảm động. Thời đó nhiều năm mùa màng thất bát, người và vật ăn thịt nhau để tranh giành sự sống. Thỏ là loài vật yếu đuối không đi được xa để kiếm ăn đành rủ nhau quay quanh bên đống lửa để chống chọi với đói và rét. Trước cảnh khổ ải, khó khăn như vậy, một con thỏ đã nhảy vào đống lửa, thui mình làm thức ăn cho đồng loại của mình, mong tồn tại giống nòi. Khi đó Tây Vương Mẫu đi qua, thương cảm vì nghĩa khí của con vật, người đã nhặt đám xương tàn của con thỏ đó, phù phép cho nó thành hình hài bằng ngọc và được trường sinh bất tử trên cung trăng…

Câu chuyện đang dở dang, một cậu bé khác háo hức xen vào:

Cháu xin kể chuyện khác: Con thiềm thứ (con lân hoặc hổ phù) chính là Hằng Nga, vợ của Hậu Nghệ vua xứ Hữu Cung có tài bắn tên giỏi. Thiềm thứ hơi giống con cóc nhưng lại có sừng mềm, bụng có một dấu vết chữ bát màu đỏ. Hậu Nghệ được Giao Trì Vương mẫu ban cho viên thuốc trường sinh bất tử. Khi chàng vắng nhà, vợ chàng nuốt trộm thuốc rồi bay lên mặt trăng xin Thái Âm thần nữ chở che. Về nhà thấy mất thuốc và cả vợ, Hậu Nghệ tức quá quyết đi tìm vợ mình. Lúc bấy giờ có tất cả 10 mặt trời, chàng ngỡ vợ mình trốn ở đó liền bắn rơi 9 mặt trời và chỉ để lại 1 lấy ánh sáng ban ngày cùng với mặt trăng để có ánh sáng ban đêm dùng cho mình đi tìm vợ. Chàng có ngờ đâu Hằng Nga, vợ chàng đã đội lốt con thiềm thứ náu ở cung trăng…

Còn cháu nào biết chuyện nào nữa không?

Chưa dứt lời, có em bé khối Sơ cấp đang tập múa bài Cô Bé Ngộ Nghĩnh liền ứng khẩu:

Ngoài 2 con vật trên, cung trăng còn có Cây Quế đỏ. Sự tích như sau: Cây quế này cao 105 thước, đường kính 3 trượng, gỗ và vỏ cứng đanh như thép. Có một người tên là Ngô Cương đã tu luyện đắc đạo trên thượng giới, nhưng sau đó không trung với đạo Trời, làm nhiều điều càn rỡ nên bị Ngọc Hoàng đày xuống cung trăng bóc vỏ cây quế đỏ, nhưng vỏ cây quế cứng quá, do vậy đến nay mỗi khi chúng ta nhìn lên mặt trăng thì thấy bóng người hơi gù bóc vỏ cây quế, người đó chính là Ngô Cương. Phải chăng Ngô Cương đã dối đạo bị Trời đày nên thành “Thằng Cuội” trong ca dao của ta:

 

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời...

 

Mới nghe đến đây, từ đàng xa một chị giáo lý viên thấy vậy, cũng bỏ dở công việc của mình, đi tới để kể tiếp một câu chuyện khác:

Các em ơi! Đấy là những câu chuyện thần thoại. Thực chất, Tết Trung thu là đoạn ngắt của chuỗi chu kỳ liên tục tháng, năm. Theo âm lịch, mỗi năm có 24 tiết; đó là quy luật tự nhiên xoay chuyển của Thái dương hệ. Từ đó, trong dân gian có kinh nghiệm tiên đoán, tiên tri trông trăng rằm tháng 8 để đoán thời tiết, thắng thua mùa vụ.

 

Tỏ trăng mười bốn được tằm
Đục trăng hôm rằm thì tốt lúa chiêm.

 

Hay còn xem trăng quầng và khi có nguyệt thực, cho rằng mặt trăng đã bị gấu ăn nên gõ mâm, chậu để xua đuổi điều rủi ro. Nhất là công việc sản xuất của người nông dân rất gắn bó với trăng, theo dõi rất sát nông lịch để cấy trồng theo thời vụ...
Trung thu từ bao đời đã trở thành ngày tết của cả trẻ thơ và người lớn. Ngày Tết Trung thu bày cỗ trông trăng, nam nữ hát đối đáp nhau, trẻ em rộn rã trong đám múa lân và rước đèn.
Ngày nay, Tết Trung thu, cùng với ánh trăng còn có ánh điện hòa cùng. Tâm hồn của thế hệ trẻ, những khát khao rộng mở, với tri thức hiện đại, ước mơ một ngày không xa sẽ có những con tàu đưa con người tới du lịch mặt trăng để thưởng ngoạn không chừng!...

Chị ơi! Nghe nhiều rồi, mệt lắm, ta cùng nhau hát tiếp bài lúc nãy đi. Cô bé vừa rồi kể chuyện nói.

 

Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu

 

Vâng, rước đèn với những ngọn nến, những ông sao, cùng nhau đi khắp đường làng, bọn trẻ tung tăng nhảy múa, vui đùa ngắm trăng, những cây đèn kéo quân cứ hư thư thực thực trong những đêm trung thu ngày ấy.…  đã trở thành dĩ vãng xa xôi, còn đâu nữa miếng giấy màu nham nhở, gọng tre thô.

Các cháu biết không? Thời xưa của lứa tuổi bác là như thế đó.

Còn trẻ thơ bây giờ  suốt ngày đi học, khi về nhà lại vùi đầu vào máy tính, ti vi. Tiếng là cạnh nhà nhưng có mấy khi sang đến nhà nhau. Hình như khi lòng người đã khép thì Nguyên Đán cũng chẳng còn chứ kể gì một Trung thu. Khi người ta không còn trải lòng thì hồn của lễ tết dường như cũng mất đi!

Nhớ làm sao!

 Xin cám ơn các cháu, chuyện kể đã khá dài rồi,  bây giờ chúng ta trở lại với chương trình Trung Thu tối nay nha! Mong tất cả các cháu và mọi người cùng tham dự đông đủ để cầu nguyện và chia sẻ niềm vui Tết Trung thu.

 

18 giờ Thánh lễ

19 giờ Khai mạc

          - Cha quản xứ tuyên bố khai mạc

          - Múa khai mạc Hiến tế (glv)

Sinh hoạt văn nghệ

          1- Múa Trăng Thu (khối Căn bản)

          2- Múa Những cô bé ngộ nghĩnh (khối sơ cấp)

Quà Trung thu

          - Hội các bà mẹ phát biểu và trao quà

          3- Múa Rock Vầng trăng (khối Kinh Thánh)

          4- Múa Tết suối hồng (khối Sơ Cấp)

          5- Múa Giấc mơ cánh cò

Phá cỗ Trăng Rằm

Chúc các cháu diễn thật hay các tiết mục văn nghệ, và cùng  với mọi người chúng ta chờ đón chị Hằng Nga và chú Cuội

 

 

Tác giả bài viết: Caohuong

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây