Giáo xứ Vinh Hương

Linh đạo Thiếu Niên

Thứ hai - 18/04/2011 16:12

Linh đạo Thiếu Niên

Phần lớn các bậc phụ huynh muốn con em mình có được một “cuộc sống tốt”. Cho nên họ đã chi những món tiền khổng lồ để con em mình theo những khóa học đặc biệt. Nếu Capra đúng, thì đáng lẽ các bậc phụ huynh này, về lâu về dài, nên chi tiêu khôn ngoan hơn, bằng cách dạy con em mình biết suy niệm.

 

Linh mục William J. O’Malley, Dòng Tên, là một giáo sư thần học và Anh Ngữ cho lớp chuẩn bị vào Đại Học Fordham, và là người đã dành cả 22 năm trời để nghiên cứu 3,500 học sinh trung học và sinh viên đại học và vì thế, có lúc cha tự hào là hiểu biết hơn bất cứ người nào mới làm cha mẹ lần đầu. Tuy nhiên, khi được một số hiệu trưởng Công Giáo yêu cầu trình bày về linh đạo thiếu niên, cha thú thực bị bối rối. Linh đạo thiếu niên! Nghe sao mà mâu thuẫn, giống như nước không ôxy (dehydrated water) vậy. Bởi trong ngôn ngữ bọn trẻ, nội dung của từ “spirit” chỉ có thể có trong những thuật ngữ như “ngựa chứng” (spirited pony) hay “tinh thần nhà trường”… những thứ nhấn mạnh tới “cá tính” bề mặt, đâu dính gì tới nhân cách sâu xa. Chính bản thân cha, dù viết tới 4 tác phẩm, nhưng xem ra chưa bao giờ đụng tới hạn từ này và cũng chưa từng hiểu rõ ý nghĩa của nó. Đành là phải ngồi xuống mà học vậy.

Linh đạo

Linh đạo, theo cha, là sự sống tinh thần của tôi, mà tinh thần tôi chính là linh hồn tôi, là chính tôi, là nhân cách tôi, là chính bản ngã tôi (who-I-am). Trí hiểu tôi bị gợi tò mò, nhưng linh hồn tôi thì bị đánh động. Chính cái tiềm năng ấy ở trong tôi mới có phản ứng trước thể đáng kính (numinous), thể thánh thiêng trong thiên nhiên, trong nghệ thuật, trong con người, trong Thiên Chúa, mới biết khiêm hạ khi cảm nhận ra thế giới đầy những nét cao cả của Thiên Chúa. Đó chính là nơi mọi khía cạnh huyền ảo (nebulous), không thể định lượng hóa của bản ngã tôi cư ngụ: danh dự, kính phục, chân thành, trung tín, ân hận, yêu nước thương nòi, tin, cậy, mến. Đói khát thực phẩm nằm trong bụng tôi, đói khát lý lẽ nằm trong trí khôn tôi thế nào, thì đói khát sống còn sau khi chết cũng sống trong linh hồn tôi như thế. Nhưng trạng thái sự sống linh hồn tôi, tức linh đạo tôi, là một điều tôi chỉ có thể hiểu một cách mơ hồ, mờ mờ ảo ảo như trong một tấm kính, xuất hiện đấy rồi lại biến đi đấy.

Tất cả các triết gia kinh viện đều nhất trí rằng con người dứt khoát không phải chỉ là “những con vật có lý trí”. Bởi nếu chỉ có thế, chẳng hóa ra con người chỉ là những con vượn có gắn máy vi tính. Đây là chủ trương của phái duy khoa học. Chính cái chủ nghĩa giản lược ấy đã bị C. S. Lewis nghiêm khắc phê phán trong tác phẩm bậc thầy của ông tựa là "The Abolition of Man". Phương châm giáo dục "Mens sana in corpore sano" (tâm trí lành mạnh trong thân xác lành mạnh) cũng không hoàn chỉnh. Nếu chỉ được huấn luyện có thế, cùng lắm ta chỉ có được “những con người không có ngực” (men without chests) như nhận định của Lewis, nghĩa là chỉ có óc và phủ tạng, chứ không phải nhân bản vì thiếu hẳn điều làm ta trở thành nhân bản tức yếu tố tâm linh. Chính trái tim, hay tâm hồn, chứ không phải bộ óc (mà ta vốn có chung với thú vật), mới làm ta thành người, không phải là thứ trái tim theo nghĩa duy cảm, mà là trái tim theo nghĩa của Gerard Manley Hopkins, khi ông dùng để diễn tả cái hiểu đột ngột của Margaret về sự chết:

“Không phải miệng. Cũng không phải trí. Nói lên điều trái tim nghe được, thần minh đoán định.

Chẳng phải ngũ tạng hay bộ óc có thể tính sổ cho cái tình yêu quên mình kia”.

Người cùng thời với Lewis, là Dorothy Sayers, đã giải thích rất hay về linh hồn con người, trong "The Mind of the Maker" (Tâm Trí Đấng Hóa Công). Bà viết rằng: trong sự hợp nhất tam vị của Thiên Chúa, Chúa Cha tự phát biểu mình ra, tức Ngôi Lời của Người, và chính trong việc tự phát biểu đó, một năng lực yêu thương đã được sản sinh ra, đó chính là Chúa Thánh Thần. Cũng thế, chính trong sự hợp nhất quện vào nhau (fusion) của trí và thể mà năng lực thứ ba đã được sản sinh ra, đó chính là tinh thần con người. Nhưng phần đông chúng ta không muốn hay không có khả năng phát biểu hay nắm được bản ngã mình, nên bèn quả quyết là không có bản ngã, không có nhân cách, chỉ có “cá tính”.

Những người duy giản lược, trong đó, không thiếu các người trẻ Công Giáo, luôn khẳng định rằng con người cũng chỉ là những con vật cao cấp. Thú vật nhiều khi còn nhận ra nhiều nguy cơ hơn con người (câu truyện sóng thần năm 2004 làm chết cả hàng trăm ngàn người, nhưng không một con vật nào tử vong); cá heo và cá voi có thể thông đạt với nhau ở khoảng cách rất xa; con vật mẹ tỏ “tình yêu” đối với con có khi đến hy sinh cả mạng sống mình. Nhưng những người duy giản lược quên không tính đến sự dị biệt giữa biết và hiểu, giữa âu yếm và yêu thương, vì yêu thương không phải chỉ là một cảm xúc, nhưng là một hành vi của ý chí. Lý do có lẽ vì họ chỉ được giáo dục để biết chứ không để hiểu, và họ chỉ cảm nhận được sự trung thành và tình âu yếm chứ chưa bao giờ sống thứ tình yêu chân thực, hy sinh quên mình. Con vật có thể hy sinh cho con mình, nhưng ta có thể hy sinh cho cả kẻ thù của ta nữa. Người duy giản lược không hiểu ra rằng không con heo nái nào, đang hạnh phúc vui thú với bày heo con, lại bị ám ảnh bởi điều chắc chắn này là một ngày kia, nó sẽ chết.

Tinh thần con người vượt xa con vật không phải bằng một thay đổi tiệm tiến nhưng bằng một bước nhẩy vọt đầy ngạc nhiên: đó là sự kiện, bản chất con vật là một lệnh truyền, còn bản chất con người là một lời mời gọi. Không con sư tử nào khước từ làm sư tử, trong khi ấy, báo chí hằng ngày vẫn dồn dập đưa tin chứng tỏ con người đang khước từ làm người. Ta được thong dong hành động, hệt như những con vật cao cấp, chỉ khác là có thêm bộ óc người khiến ta nâng cái ranh mãnh của loài vật lên một bậc thành khả năng ném bom cho đến chán và tổ chức ra những trại trừng giới, những nhà tù diệt chủng. Điều khiến ta gọi những con người tàn bạo ấy là “bất nhân” không phải vì họ thiếu một thân xác, cũng không phải thiếu một trí khôn mà là thiếu một linh hồn.

Những chỉ thị di truyền học trong thân xác con người là điều Albert Rosenfeld gọi là “cái khung tạo cơ hội” (a framework of opportunities). Con sư tử chỉ biết tự động tuân theo bản thảo chương nội tại, nhưng con người thì có thể tự ý tập luyện để trở thành một hậu vệ túc cầu hay một nhà vĩ cầm nổi tiếng. Tinh thần con người cũng vậy. Một đứa trẻ ở khu ổ chuột có thể biến tư thế khốn cùng của mình trở thành một huyền thoại như Horatio Alger (một thứ Chú Hỏa Việt Nam). Trái lại một đứa con nhà giầu có thể biến sự may mắn của nó trở thành thảm họa. Chúng ta có tự do, và sự tự do này ở trong chính linh hồn ta. Ta được tự do, muốn thể hiện tiềm năng nhân bản của ta hay không.

Sự đói khát trong cái bụng con người có thể được làm dịu đi nhờ thực phẩm vặt vẵn (junk food) và sự đói khát trong trí khôn con người có thể được thoả thuê nhờ các tạp chí lá cải hay tin tức thể thao thế nào, thì tinh thần hay linh hồn con người cũng có thể tiếp nhận các cảm xúc từ những cuộc biểu tình khích động, những cuộc tuyên thệ của hướng đạo sinh hay nhạc “pop”. Nhiều sinh viên của Cha O’Malley trích dẫn ban nhạc U2 (ban nhạc Rock Ái Nhĩ Lan) và Springsteen (ca nhạc sĩ Mỹ) như thể đó là T.S. Eliot (thi sĩ, kịch tác gia và nhà phê bình văn học Mỹ) hay Sách Thánh. Nhưng hậu quả cho cả linh hồn, cái bụng hay bộ óc đều như nhau. Không lạ gì nhiều người trẻ hiện nay không còn tinh thần chi cả.

Người Rôma gọi tinh thần, vốn là kết quả của cuộc hôn nhân đầy ý thức giữa bộ óc và phủ tạng, là “anima”, giống cái. Cái nhìn này quả thích ứng với các ẩn dụ về linh hồn và Giáo Hội như là Nàng Dâu của Chúa Kitô. Bởi thế, Lewis tin rằng tư thế (posture) thích đáng nhất trước mặt Thiên Chúa của linh hồn, dù là linh hồn của người nam hay linh hồn của người nữ, phải có tính nữ: không hẳn theo nghĩa thụ động, mà là sẵn sàng tiếp nhận, có khả năng sinh sản (mầu mỡ), dễ bị tấn công, nhưng đầy tính sáng tạo. Chính theo nghĩa này, Thiên Chúa đến với mỗi linh hồn ta, trong một cuộc Truyền Tin hằng ngày, để yêu cầu ta “Hãy thụ thai Con Ta ngay ngày hôm nay”.

Cũng theo nghĩa này, diễn trình văn minh hóa hay nhân bản hóa vốn là diễn trình nữ hóa khía cạnh vũ phu man dại của điều mới chỉ là những con người nhân bản trong khả thể. Người Viking hay hiệp sĩ chỉ là một đồ tể thuộc giai cấp thế vận chưa có người hát rong (minstrel) để đem lại một ý nghĩa, một ngữ cảnh cho việc sát hại của anh ta, và làm cho câu truyện của anh ta không chỉ kích thích tâm trí mà còn đánh động linh hồn. Nhưng Kitô Giáo mới làm được một bước nhẩy vọt thực sự: người anh hùng của tôn giáo này không phải chỉ tránh việc chiến trận; mà còn thắng trận nhờ chính sự bất lực của mình.

Các trở ngại

Thế hệ bây giờ đã đánh mất hầu hết sự ngạc nhiên, kính phục. Trong một lớp học 30 em, chỉ có một hay hai em nhận là chẩy nước mắt khi xem một cuốn phim cảm động. Tình yêu nước trở thành khuôn mặt nhăn nhó khi phải trả thuế hay đi bầu. Thế thì điều gì khiến giới trẻ ngày nay há hốc miệng? Một cuộc đua xe liên lục địa, một thân hình xinh xắn, một cú tung lưới ngoạn mục, một đại hội nhạc trẻ giật gân. Tất cả chỉ là bề ngoài, thay thế cho linh hồn. Muốn có lòng kính sợ, theo định nghĩa, người ta phải cảm thấy mình nhỏ bé trước đối tượng kích thích: một ngọn núi lúc bình minh, một bầu trời đầy sao, người yêu, Thiên Chúa. Nhưng tư thế thường hằng của giới trẻ ngày nay không còn là thế dễ bị thương tổn, thế nhỏ bé nữa mà là thế phòng thủ, không bái qùy nhưng ngẩng đầu nghinh chiến.

Một bài báo nhằm suy tư kia có yêu cầu sinh viên cho biết ai là anh hùng hay anh thư của họ; càng ngày, càng có đến nửa số sinh viên trả lời: tôi nghĩ tôi không có ai là anh hùng hay anh thư gì cả! Mà quả đúng thế. Tinh thần Mỹ hiện nay đã bị phủ bóng bởi cả một chủ nghĩa hoài nghi phổ quát. Không một anh hùng hay một anh thư nào sống được lâu khi có cả một đạo quân phóng viên rình rập bên cạnh để hạ độc chiêu (Achille’s heels). Các phương tiện truyền thông làm ta ngột ngạt bằng cả một kế hoạch thảo chương xúc cảm vũ bão mà ai cũng biết là giả tạo nhưng vẫn bị vướng kẹt vào. “Giá trị” chỉ còn là món hàng của não bộ phía trái, một thứ lời lãi chắc chắn cho việc đầu tư của người ta.

Về giá trị, một lớp học kia được cho xem một bức tranh vẽ một bé gái tay phải cầm tờ 50 dollars, tay trái ôm một con thỏ nhồi bông. Rồi người ta hỏi các sinh viên: “Nếu tình thế bất đắc dĩ nào đó đòi bạn phải liệng 1 trong 3 người và vật này vào lò lửa, thì bạn sẽ liệng người hay vật nào?”. Những sinh viên hay đùa dỡn thường trả lời: bé gái. Nhưng đại đa số trả lời: con thỏ. Tại sao? Thì lấy 50 dollars mua con thỏ khác, dĩ nhiên quên khuấy rằng tiền ấy là tiền của bé gái. Rồi từ từ một số sinh viên mới bắt đầu hiểu ra rằng bé gái kia không coi trọng gì giá trị tờ giấy bạc, nhưng con thỏ cũ mèm mới là sở hữu qúi giá nhất của em. Có hai thứ giá trị, một thứ được não bộ phía trái định lượng một cách dễ dàng, thứ kia thì không dễ dàng bị đóng hộp nhưng vang dội trong linh hồn nhạy cảm của con người. Việc thực hành dựa trên “tình thế bất đắc dĩ” cũng vậy. Năm, sáu mươi năm trước đây, người ta cũng chạm trán với sự lựa chọn như thế, và họ đã “chế biến” hàng triệu bé gái trong những lò sát sinh, giống hệt rác rưởi. Những người đồng ý làm việc đó vẫn còn đủ cả tâm trí lẫn thể xác con người, nhưng họ đã đánh mất sở hữu linh hồn nhân bản của họ.

Một suy tư khác tưởng cũng có ích: “Giả thiết phải chọn giữa một công việc bạn ghét nhưng lương cực kỳ cao, và một công việc bạn thực sự yêu thích nhưng khiến bạn và vợ con bạn phải chật vật mới đủ sống, thì bạn chọn công việc nào?”. Ít nhất có đến 85% người được hỏi chọn công việc “khốn kiếp” nhưng lương cực kỳ cao. Lý lẽ của họ khá cao thượng: Sẵn sàng nhận phần tồi bại, miễn nó mang lại một đời sống tốt cho vợ con! Ít khi họ chịu suy sét: hạnh phúc của gia đình của họ có thể vì cái tồi bại kia mà bị ảnh hưởng. Bất chấp sự kiện ta phải kinh qua giai đoạn bất quân bình cần thiết cho việc phát triển con người như Erikson từng chủ trương, ít sinh viên cho hay họ sẵn sàng muốn cho con cái họ phải chật vật để phát triển bộ xương sống; thay vào đó, họ muốn mang lại cho con cái họ sự tiện nghi chứ không phải nhân cách. Không một sinh viên nào cho hay họ muốn chọn một người phối ngẫu biết làm cho họ được thành toàn hơn là có được một hồ tắm ở vườn sau. Họ chỉ có một ý nghĩa duy nhất dành cho “đời sống tốt đẹp”, và ý nghĩa này chẳng có gì ăn có với Platông hay Aristốt, càng không ăn có gì với Chúa Giêsu Kitô.

Nhiều người trưởng thành không nhận ra điều này: “hình ảnh” là điều hết sức quan trọng đối với cuộc sống của người trẻ. Tuổi dậy thì ngày nay bỗng dưng bừng tỉnh trước ý thức về khuôn mặt và vóc dáng mình: “Má ơi, con có đẹp không má?... Thân mình con có xệ không má?”. Và kỹ nghệ khai thác quan tâm này hiện lên đến hàng tỉ đôla. Những tiếng nói không tự tin trong đứa trẻ đang được khuếch đại và nhân thừa lên cho tới lúc cuộc đời các em hoàn toàn bị vây kín bởi những chiếc gương đầy phán xét. Hiện có hàng loạt những đáp ứng khác nhau trước những kích thích thiếu tự tin ấy: “phải chì” (cool), phải hợp thời, phải phản ảnh, đừng lẻ loi lạc đàn, phải làm cho mình hơn hẳn (1). Ấy mới chỉ là một số. Nhưng ai cũng thấy đó chỉ là những phản ứng dựa trên phán đoán về bề mặt, về cá tính, chứ không hẳn về nhân cách. Điều hình như mình là quan trọng hơn điều mình thực sự là gấp bội; không có gì thành công như dáng dấp của thành công.

Nhưng nếu việc khám phá ra linh hồn mình hệ ở việc thấy mình nhỏ bé, thì làm sao ta thuyết phục được người trẻ hiểu tầm quan trọng chủ yếu của việc nắm lấy bản thân mình, khi họ dành hầu hết thì giờ vào việc phòng ngự?

Không phải chỉ có các quảng cáo và các phương tiện truyền thông mới phá hoại công cuộc đi tìm linh hồn, mà chính nền giáo dục của con em ta, cả ở trường lẫn ở nhà, cũng gần như chỉ có tính bề mặt và thực tiễn. Cả thầy giáo lẫn phụ huynh đều chỉ chú tâm tới động lực duy nhất khiến chúng học hành: không phải để khám phá ra bản thân, nhân cách hay một nền triết lý sống, mà để có được một công việc tốt. Từ ngày có phi thuyền Sputnik, “mọi người đều biết rằng” toán và khoa học là những môn chủ yếu, dù là để làm luật sư hay nghệ sĩ. Cả những môn “mềm” như Anh Văn hay tiếng Việt và lịch sử cũng chủ yếu có tính phân tích, thuộc não bộ phía trái (2). Mục tiêu giáo dục là nắm vững các dữ kiện, không để mình bị chúng làm thương tổn và tuân theo bất cứ điều gì môn này muốn dẫn ta tới. Khi phụ huynh hỏi: “Con học hành ra sao tại trường?” thì câu này không có nghĩa “nó có thú vị không?” mà thường chỉ có nghĩa: “điểm số của con thế nào?”

Khả thể linh đạo thiếu niên xem ra càng ngày càng không sáng sủa. Tuy nhiên, theo Cha O’Mailley, còn nước còn tát, dù chỉ là một tia quan tâm cũng đủ làm ta hy vọng. Nếu phụ huynh và thầy cô vẫn làm cho các cử tọa này chú tâm tới những lãnh vực tâm linh không phải là tôn giáo, thì ta vẫn có cơ may nói với họ: “ê, hình như các bạn còn thiếu điều gì đó. Có phải các bạn muốn nghe về … Thiên Chúa?”

Nhậy cảm hóa linh hồn

Bước đầu tiên phải làm là nhìn nhận rằng bổn phận của ta trong tư cách phụ huynh và nhà giáo dục Kitô Giáo không phải là lượng định khả năng cao đẳng (S.A.T = Scholastic Assessment Test). Dĩ nhiên không nên bỏ qua khía cạnh này, nhưng đó không phải là lý do để ta đòi học phí và treo Tượng Chịu Nạn trong lớp. Ta có bổn phận đối với tâm trí sinh viên, nhưng bổn phận sâu xa hơn phải là linh hồn họ, làm sao nhậy cảm hóa linh hồn đó, nữ hóa nó để không một người trẻ nào, nhất là con trai, phải xin lỗi vì đã có một linh hồn. Bổn phận làm tông đồ của ta đối với giới trẻ là hướng dẫn họ, như Thiên Chúa, để họ hiểu và phát biểu bản ngã họ ra, một bản ngã không phải chỉ là “một điều gì đó thuộc tinh thần” tình cờ xuất hiện trong một Thánh Lễ bắt buộc hay trong một biến cố ngoại thường nào đó, nghĩa là những giây phút “ Trời đất ơi!”, mà là chính tinh thần, chính linh hồn, chính bản ngã chân thực của người trẻ. Và điều này đòi các thầy cô và các nhà quản trị phải từ bỏ não trạng quá ư thực tiễn và chuộng hiệu năng hiện nay.

Trong mỗi con người, kể cả những con người không tôn giáo, đều có một tiềm năng tự nhiên muốn đáp ứng thể đáng kính và thể thánh thiêng tìm thấy trong thiên nhiên và trong nghệ thuật và nếu ơn thánh bồi đắp lên thiên nhiên, ta có thể khởi sự cuộc hành trình hướng tới một linh đạo có Chúa bằng cách giúp đứa trẻ từ sớm biết nhậy cảm đối với việc kết hợp bàng bạc và ít có tính dọa nạt hơn với các lực lượng mạnh mẽ và vô hình vốn bao quanh chúng, mà thực sự là chính tính sinh động của Thiên Chúa.

Ở trường tiểu học, thay vì dạy các em về tội (mà các em chưa có khả năng hiểu) hay về Đức Mẹ sinh con mà vẫn còn đồng trinh hay về Chúa Ba Ngôi (mà đến cả Thánh Tôma Tiến Sĩ cũng vẫn lúng túng), ta hãy dạy các em, ít nhất mỗi tuần một lần, những cách thư giãn và tập trung cũng như mở lòng ra cho Thiên Chúa. Các thiếu nhi là các ứng viên rất tốt cho lối cầu nguyện suy gẫm, tiếp nhận và “nữ tính”, hơn hẳn người lớn tuổi. Chúng rất ít khép kín, phòng thủ, mà lại nhiều óc tưởng tượng. Theo Chúa Giêsu, các em luôn luôn hiện diện trong Nước Thiên Chúa. Hãy dạy các em cảm nhận Nước ấy, vui hưởng Nước ấy, say mê trong đó, và tiếp tục “ngụ cư” trong đó.

Đâu đó sau ban tiểu học, việc học dần dần hết còn là một cuộc phiêu lưu kỳ thú, mà trở thành một việc buồn chán. Đây có lẽ là lúc ta thấy mình như đã “lừa” được các em “vào tròng” và là lúc bắt đầu cái công việc nghiêm chỉnh và đầy hiệu năng của những cuộc lượng định khả năng theo S.A.T. Dĩ nhiên, các em phải vật lộn với những kỹ năng căn bản, nhưng dù cho việc học không còn luôn luôn vui đùa thích thú nữa, thì nó vẫn phải có tính kích thích gay cấn. Như chương trình truyền hình “Sesame Street” đã chứng tỏ, trẻ em sẽ học hỏi nhanh hơn nhiều khi trí tò mò của các em được kích thích, khi chúng nhận được không phải là câu trả lời mà là những câu hỏi để các em lên đường tự tìm ra câu trả lời.

Năm nào cha O’Mailley cũng ngạc nhiên gặp được những học sinh giỏi, tốt nghiệp trung học, mà không bao giờ đọc ngụ ngôn Aesop hay truyện thần tiên của Grimm. Họ không sống với rồng tiên và độc sừng (unicorns). Họ không biết tới những câu truyện mà từ thuở xa tít mù khơi từng giúp trẻ em hiểu đời và hiều mình. Họ có biết Luke Skywalker (Star Wars), nhưng không bao giờ nghe về Odysseus, Theseus hay Psyche của thần thoại Hy Lạp, những câu truyện từng khiến họ mơ tưởng Địa Đàng…

Hãy đưa những người này vào rừng hay ra bãi biển, tránh xa những toà cao ốc và bảng quảng cáo, những Playboy cùng truyện hoạt họa Thứ Bẩy, những trò chơi như “Trivial Pursuit” hay “Monopoly” và hỏi xem họ có cảm thấy một sự hiện diện nào đó ở đó không, một điều gì đó vượt quá làn gió vi vu và sóng biển rì rào. Những điều này không cải thiện điểm số của họ; nhưng đúng hơn chúng là những thử nghiệm cho điều nhà giáo và phụ huynh chúng ta cho là quan trọng đối với con em mình.

Hãy làm cho phụng vụ trở thành vui tươi đối với các em, đừng giảng cho các em. Hãy để mỗi em nói xem Chúa ra sao; hãy để mỗi em nói “em thích nhất điều này ở Sarah…” Đừng làm việc ấy thay cho các em. Các ca khúc phải có tính thức tỉnh, điều ta quen gọi là “các bản tâm linh ca Da Đen” (Negros spirituals), những trào dâng đánh thức cả khía cạnh tự nhiên và siêu nhiên của linh hồn. Và ít nhất ở ban trung học đệ nhất cấp, phải chuẩn bị để các em sẵn sàng tham dự các buổi tĩnh tâm cuối tuần. Có lẽ chưa phải là những buổi tĩnh tâm thiêng liêng, mà chỉ là những buổi tĩnh tâm để các em an tâm hạ bệ hết những phòng thủ về cái tôi (ego-defences) và vươn tay ra, để mình có thể bị tổn thương mà không sợ sệt, nhất là cảm thấy mình nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa. Việc này không phải một sớm một chiều mà đạt được.

Ở ban trung học đệ nhị cấp, Cha O’Malley dành 2 quí (quarters) để cùng các em tìm hiểu tâm lý quần chúng (pop-psychology) trong các lớp giáo dục tôn giáo. Trừ một số trường hợp hãn hữu, môn này không có tính tôn giáo bao nhiêu. Nhưng theo cha, nếu không thể giúp các em hiểu làm cách nào trở nên một người trưởng thành, thì làm sao ta có thể kích thích “linh đạo thiếu niên” nơi các em? Bởi thế, Cha giúp các em khám phá ra điều này: các ý niệm thuần phân tích, thuộc phía trái não bộ thực ra chỉ là những hiểu biết nửa vời (half-witted) và tất cả chúng ta đều là nạn nhân của bản sắc thú vật và của cái siêu bản ngã vốn thu lượm được từ diễn trình xã hội hóa từ nhỏ, trừ khi ta cố gắng vươn tới chính bản ngã mình, chính cái chân thân của mình, chính cái nhân cách, một nền đạo đức thực sự có tính bản thân. Cha cũng cho các em học hỏi các giai đoạn phát triển của Erikson và những ngỡ ngàng tự nhiên các em gặp phải trên diễn trình trưởng thành. Các em cũng có dịp tìm hiểu không những các dị biệt về tính dục mà còn cả bản chất ái nam ái nữ (androgynous) của linh hồn, bất luận là của nam giới hay của nữ giới. Và cuối cùng, các em được học hỏi về 9 loại cá tính khác nhau (enneagram). Đây là đề tài được các em hết sức chú ý, ngay các lớp sau giờ ăn trưa, vẫn không có em nào ngủ gục.

Điều khá nghịch thường là chính các thầy cô dạy khoa học lại đặc biệt có khả năng đả phá khuynh hướng thiên não bộ phía trái của học sinh và mở cửa cho các em cảm nhận được thể đáng kính (the numinous) miễn là họ phá bỏ được các hạn chế của thứ học trình theo chiều hướng công thức. Đối với đa số chúng ta, môn vật lý vốn là môn khó nhá nhất, đây là hình thức cực kỳ chuyên môn của tâm trí phân tích. Từ Democritus tới Newton và sau này, nó vốn có ý niệm duy cơ khí về thế giới, một mô thức trong đó, vật chất được chia nhỏ thành những yếu tố cấu thành căn bản, hoàn toàn thụ động. Nhưng từ Heisenberg, Einstein và Planck trở đi, khối lượng (mass) hay những đồ vật có góc cạnh mà ta đụng tới đâu phải chỉ là những vật nằm khườn ra đó (res extensa) như quan điểm của Descartes, mà chúng chính là một hình thức của năng lượng. Các hạt nguyên tử không hề bao gồm những “chất” căn bản mà là tổng hợp “các khuynh hướng hiện hữu”. Các điện tử (electrons) vừa là hạt (particles) vừa là sóng (waves). Và thật khó tìm thấy một hạt đặc thù tại một nơi và trong một lúc đặc thù nào đó. Nó cũng khó nắm bắt như chính Thiên Chúa vậy. Trong cái chuỗi liên tục bốn chiều của không gian và thời gian, bạn không thể biết chắc một vật đang chạy nhanh ra sao; câu trả lời tùy thuộc nơi bạn đang đứng vào lúc đó. Nhà vật lý bắt đầu nói năng giống như một nhà huyền nhiệm Đông Phương.

Như Fritjof Capra từng viết trên tạp chí The Saturday Review (12/10/77), cả khoa vật lý hiện đại lẫn khoa huyền nhiệm Đông Phương “đều nhấn mạnh rằng vũ trụ phải được nắm bắt một cách năng động vì nó chuyển động, rung động và nhẩy múa; thiên nhiên không phải là một thế quân bình tĩnh lặng mà là một thế quân bình năng động”. Thiên Chúa và vũ trụ của Người không phải là các danh từ mà là các động từ. Cả nhà vật lý lẫn nhà huyền nhiệm phải có được “khả năng thấu đạt các trạng huống bất thường của ý thức trong đó họ vượt quá thế giới ba chiều của cuộc sống hàng ngày để cảm nhận được một thực tại cao hơn, nhiều chiều hơn… Cuối cùng, sự sống còn của xã hội ta tùy thuộc khả năng ta có thể thu nhận được một số thái độ âm tính (yin) của nền huyền nhiệm Đông Phương, cảm nhận được tính toàn bộ của thiên nhiên và nghệ thuật sống hòa hợp với nó”.

Phần lớn các bậc phụ huynh muốn con em mình có được một “cuộc sống tốt”. Họ tin rằng giáo dục đại học là con đường dẫn tới cuộc sống ấy và hệ thống thẩm định khả năng đại học (S.A.T.) chính là cửa hẹp đưa các em vào con đường này. Cho nên họ đã chi những món tiền khổng lồ để con em mình theo những khóa học đặc biệt. Nếu Capra đúng, thì đáng lẽ các bậc phụ huynh này, về lâu về dài, nên chi tiêu khôn ngoan hơn, bằng cách dạy con em mình biết suy niệm. Thành thử, muốn có một nền linh đạo thiếu niên, trước nhất ta phải chứng tỏ để các em thấy có sự hiện hữu của linh hồn. Chỉ sau đó, mới có thể cho các em thấy Đấng mà vì Người, linh hồn kia đã được dựng nên.

Ghi chú

(1) Dịch thuật ngữ “One-upmanship”, tức nghệ thuật hay thực hành làm ta thắng vượt địch thủ. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu trong tác phẩm của Stephen Potter, xuất bản năm 1952. Nghệ thuật này hệ ở việc thực hành lối “hăm dọa đầy sáng tạo” khiến địch thủ cảm thấy ở dưới cơ mình và do đó, mình vượt lên họ một bậc (one-up).

(2) Có lý thuyết cho rằng mỗi phía não bộ chịu trách nhiệm những lối suy nghĩ khác nhau: Phía trái phụ trách luận lý, lý luận, phân tích, khách quan, nhìn từng phần. Phía phải phụ trách khía cạnh trực giác, toàn bộ, tổng hợp, chủ quan, nhìn toàn thể, mạnh về xúc cảm, mỹ nghệ, sáng tạo.

 

Tác giả bài viết: Vũ Văn An

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây