Giáo xứ Vinh Hương

Lời Chúa và giáo lý viên

Thứ năm - 11/08/2011 20:12

Lời Chúa và giáo lý viên

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

 

Trước khi nói đến Lời Chúa trong Giáo Lý, thiết tưởng phải nói đến Lời Chúa và giáo lý viên, vì giáo lý viên là người hướng dẫn trong buổi gặp gỡ giáo lý. Không có kinh nghiệm về Lời Chúa hữu hiệu và mới mẻ thế nào, thì làm sao glv có thể yêu mến và dành cho Lời Chúa một chỗ xứng đáng trong việc dạy giáo lý.

Để có được kinh nghiệm về Lời Chúa, glv phải xác tín rằng người ta sống không nguyên bằng cơm bánh nhưng còn sống bằng lời: trước tiên là lời của con người, kế đến là Lời của Thiên Chúa. Nếu như lời của con người đôi khi dẫn ta đến cái chết, thì Lời Chúa luôn mang lại cho ta sự sống dồi dào. Thánh Phêrô không phải một lần mà nhiều lần đã có được kinh nghiệm quý giá ấy.

Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn sống bằng lời, trước tiên là lời của con người trong đời…

 “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Không ít lần, chúng ta đã phải nuối tiếc và ân hận vì coi thường lời chỉ bảo của cha mẹ, để rồi ngậm ngùi với cái giá đắt phải trả trong đời. Không ăn lời cha mẹ, thực khó có thể thành người!

Nhìn lại cuộc đời với những chặng đường đã qua, ta thầm cảm ơn những thầy cô đã góp phần làm nên cuộc đời ta bằng những lời khuyên chân thành nhưng vô cùng quý giá, bởi không có những lời khuyên ấy ta chẳng được như hôm nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những lời chỉ bảo và khuyên nhủ đầy thiện ý, cũng có những lời phỉnh gạt và làm băng hoại tinh thần con người. Những lời này thay vì mở đường lại đẩy ta vào ngõ cụt, thay vì yêu thương lại sợ hãi, thay vì tha thứ lại hận thù, thay vì xót thương lại đả thương, thay vì làm cho sống lại dẫn đến cái chết đau thương.

Như vậy, lời của con người có khi giúp ta sống tốt hơn, nhưng cũng có thể dìm ta trong bể khổ mênh mang, như Chu Du khi ngửa mặt kêu trời: “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng!” Chỉ có một người dám nói với ta: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13,31). Chỉ có một người dám xác quyết với ta: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Lời Chúa, lời ban Sự sống đời đời

Một lần nọ tôi dẫn một nhóm các bạn trẻ đi hành hương Bãi Dâu nhưng ngày hôm sau tôi phải về sớm để dự một buổi họp trong giáo phận. Tôi nhờ một sơ ở nhà trọ tìm giúp một người chạy xe ôm để sáng mai đưa mình ra bến xe tốc hành, về lại Tp. HCM. Sơ tìm cho tôi một người và dặn dò tôi: “Cậu ấy có đạo nhưng khô khan lắm. Dọc đường, cha nhớ khuyên bảo anh! Thú thật thật tôi rất ngại và cũng chẳng muốn khuyên bảo ai nhưng đành phải nhận lời: “Nếu có cơ hội, con sẽ thực hiện!” Xe vừa rời khúc đường hẹp để ra con đường mới rộng thênh thang, tôi vui mừng kêu lên: “Chà con đường rộng và đẹp quá!” Anh lái xe lập tức tiếp lời: “Con thấy Chúa nói rất đúng ‘đường thênh thang chỉ dẫn đến địa ngục, còn đường hẹp mới đưa người ta lên thiên đàng”. Tôi ngạc nhiên chưa kịp hỏi thì anh đã giải thích: “Cha biết không, từ ngày có con đường rộng thênh thang này, dân xe ôm chúng con nằm nhà thương khá nhiều, bởi đường rộng nên đám trẻ thường đua tốc độ và nạn nhân phần đông là dân lái xe ôm chúng con.” Tôi không tin nổi một người được coi là “khô khan” mà lại có cảm nghiệm sâu sắc về Lời Chúa như vậy! Tôi thầm nghĩ, mình chưa kịp khuyên thì anh ấy đã giảng cho một bài quá hay, nhớ mãi đến bây giờ.

Một lần khác, tôi đang dạy giáo lý dự tòng cho một anh sắp kết hôn với một chị việt kiều công giáo đang sống bên Nhật, thì có người đến báo cho biết chị kia đã lấy chồng rồi và người ấy lo lắng không biết anh ta có biết không và một khi biết chuyện thì liệu anh ấy có tiếp tục học đạo nữa không. Tôi phải khéo léo lắm mới giúp anh ta tiếp cận được vấn đề nhưng điều xẩy ra thật bất ngờ: chính tôi mới là người phải ngỡ ngàng chứ không phải anh ấy, bởi vì anh đã biết chuyện từ lâu rồi nhưng vẫn tiếp tục học đạo. Anh nói: “Khởi đầu tôi học đạo vì cô ấy, nhưng sau một thời gian học, tôi thấy mình thay đổi nhiều – từ một người ít quan tâm đến người khác, đặc biệt những người nghèo khổ, thường nóng nảy và ít khoan dung, đến chỗ biết quan tâm đến những người chung quanh, điềm đạm và bao dung hơn. Từ đó, tôi hiểu rằng mình không còn học đạo vì cô ấy nữa mà vì lời chân lý đã biến đổi con người và cuộc đời tôi. 

Tôi và bạn vẫn hát như hét lên: “Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho đời ai.” Nhưng thử hỏi có khi nào Lời Chúa thực sự là sự sống, là niềm vui, là hạnh phúc của ta chưa?

 

Tác giả bài viết: Trích "Lời Chúa trong giáo lý" của Lm Pr. Nguyễn Văn Hiền

Nguồn tin: giaolyductin.org

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây