Giáo xứ Vinh Hương

Lời tự sự của một Giáo lý viên

Thứ tư - 20/07/2011 00:37

Lời tự sự của một Giáo lý viên

- Ông bà, cha mẹ, anh chị .v.v. đều có thể trở thành Giáo lý viên cho con cái của mình bằng chính đời sống đạo đức và gương mẫu.

Kính thưa quý độc giả, từ nhỏ đến lớn ngoài những giờ tham dự thánh lễ chúng ta đều trải qua ít nhiều là 1 lớp giáo lý để tìm hiểu về Thiên Chúa. Chính vì vậy chúng ta phải khẳng định rằng chính các anh chị Giáo lý viên là những người đã góp phần lớn cho nền tảng đức tin của chúng ta. “Giáo lý viên” một nghề mà ít ai nghĩ đến, một nghề “không hái ra tiền” được, nhưng chắc chắn khi ai đã lựa chọn công việc này rồi thì họ có thể dễ dàng xây dựng cho mình một nấc thang đi sâu vào cánh cửa tình yêu của Thiên Chúa, nơi mà của cải không bao giờ mua hoặc đánh đổi được.

Nói rõ ràng hơn “Giáo lý viên” là việc giảng dạy giáo lý. Nhưng không phải dạy giáo lý một cách hiểu theo lý thuyết, mà còn dìu dắt các em biết tìm đến Chúa và cầu nguyện, biết sống một lối sống đạo đức thánh thiện theo ý Chúa, một công việc noi gương các thánh nhân đó là xây dựng nền tảng đức tin, xây dựng tâm hồn thánh thiện và rao truyền lời Chúa.

Muốn “thổi” vào các em những điều đó thì trước tiên bắt buộc người Giáo lý viên phải là một tấm gương sáng, sống cho đúng một người công giáo tốt để các em noi theo. Vậy để trở thành một người công giáo tốt hơn nữa trở thành một Giáo lý viên tốt, tôi thiết nghĩ ta cần phải có những điều kiện sau: đó là tự huấn luyện cho chính mình bản thân mình một đời sống đạo đức tốt, chịu khó học hỏi về những chương trình Thần học Giáo dân, những khóa đào tạo Giáo lý viên, những khóa tu nghiệp để tăng thêm vốn hiểu biết kiến thức về kinh thánh và để có nền tảng vững vàng trong đời sống tâm linh… và đặc biệt không bao giờ sống tách rời lời cầu nguyện và thánh lễ. Vì siêng năng tham dự thánh lễ mi sa, chầu Thánh Thể và cầu nguyện trong đời sống hằng ngày là công cụ, là cầu nối để người Giáo lý viên kết hợp và gần gũi được với Thiên Chúa, một điều hết sức tuyệt vời cho tâm hồn chúng ta. Và khi đã trở thành một Giáo lý viên, chúng ta đang có rất nhiều cơ hội tạo ra những lợi ích cho chính tâm hồn mình. Lợi ích vì được gần Chúa hơn cùng với niềm hy vọng rằng Chúa sẽ thưởng công cho mình ở Nước Trời mai sau, nhưng đó là một lợi ích mà không phải ai cũng có thể đạt được. Vì nói thì đơn giản mà làm được hay không thì lại là một vấn đề.

Thử tính toán, chúng ta sẽ nhận ra ràng cho đến ngày nay số lượng Giáo lý viên ở mỗi giáo xứ hầu như trở nên ít đi, nguyên nhân là do đâu? Có thể do cá nhân họ không đủ khả năng để giảng dạy? Hay họ cảm thấy rằng mình không thể gương mẫu nên mặc cảm không dám giảng dạy?... Có rất nhiều lý do để họ khước từ công việc này. Nhưng theo sự tham khảo của tôi thì lý do chính đó là họ bị cuốn theo những nghề khác, những công việc khác có thể mang lại lợi ích cho họ ngay trong hiện tại. Nói như vậy thì không phải ai làm Giáo lý viên thì mới có được lợi ích trong Nước Chúa, nhưng nhờ trách nhiệm của Giáo lý viên tạo điều kiện cho ta, bắt buộc ta phải tìm đến việc hiểu biết Chúa và vì thế gần gũi Chúa nhiều hơn. Đây chính là điều khó khăn mà các anh chị Giáo lý viên thường xuyên đấu tranh trong tâm hồn để biến nó trở nên dễ dàng và thuận lợi.

Nếu bỏ thời gian đi dạy giáo lý để làm những công việc khác mang nhiều lợi nhuận về của cải hay tìm những thú vui để hưởng thụ về tinh thần ở đời này thì lẽ thường ai chẳng  muốn. Nhưng Giáo lý viên thì ngược lại, họ phải hy sinh lợi ích của bản thân để làm việc nhà Chúa. Đó là điều họ phải luôn suy nghĩ để lựa chọn. Ngoài ra họ còn gặp không ít khó khăn trong giảng dạy như: phải thường xuyên động viên giúp đỡ các em, giúp các em siêng năng đi học giáo lý, thường xuyên đi tham dự thánh lễ, thường xuyên cầu nguyện, mà điều này đối với những em lười biếng thì chẳng dễ dàng ít nào. Bởi vì có một số gia đình khi đã mang con đến lớp học thì giống như “mang con bỏ chợ”, cứ giao hết cho người dạy mà không hợp tác nhắc nhở các em học giáo lý cho tốt. Đó là chưa nói đến việc đa số những ngôn từ trong giáo lý là mang tính chất thần học, vì vậy người Giáo lý viên phải biết cách sử dụng những ngôn từ chính xác hợp lý mà dễ hiểu theo từng lứa tuổi, nhằm không hiểu sai lệch vấn đề. Hơn nữa việc học giáo lý không phải chỉ dừng lại ở lớp rước lễ lần đầu mà còn nhiều lớp khác. Mỗi lớp học các anh chị Giáo lý viên sẽ tiếp xúc với nhiều lứa tuổi khác nhau. Tâm sinh lý ở mỗi em cũng khác nhau. Do đó người Giáo lý viên ngoài việc nắm thật vững kiến thức thần học còn phải nắm thêm phương thức truyền đạt và tâm sinh lý của các em.

Học giáo lý chính là học và hiểu mầu nhiệm của Chúa, vì thế để làm khơi dậy lòng thích thú trong giờ học các anh chị Giáo lý viên còn phải chịu khó tìm tòi đọc sách để lồng vào các mẫu chuyện hay, hấp dẫn khi giảng dạy, có như vậy giờ học mới không căng thẳng và không trở thành áp lực cho các em mỗi khi đến lớp giáo lý .v.v.

Tôi chỉ có thể chia sẻ bấy nhiêu đó thôi thì mọi người cũng thấy rằng trách nhiệm của người Giáo lý viên rất quan trọng. Có dịp gặp gỡ các anh chị dạy giáo lý, tôi đã hỏi rằng: “Vì sao các anh chị lại thích việc dạy giáo lý?”. Có chị trả lời với tôi như sau: “Vì công việc dạy giáo lý mang lại cho ta hai điều lợi ích vô cùng, đó là ngoài việc gần gũi và hiểu biết thêm về Thiên Chúa, thì ta còn có thể giúp ta trẻ mãi lâu già vì lúc nào cũng được tiếp xúc với các em thiếu nhi, thiếu niên đầy hồn nhiên và vui vẻ”. Không biết đối với mọi người thì sao còn riêng tôi thì điều này quả thật rất chính xác. Vì nhìn chị ấy tuy đã gần 40 nhưng lúc nào cũng rất trẻ trung và yêu đời.

Giáo lý viên, những người thợ cần cù gieo mầm đức tin, những tông đồ âm thầm nhưng không thể thiếu trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội. Công việc cao cả này không nhất định dành riêng cho những người đã được đào tạo, mà tất cả chúng ta, những người Tín hữu Chúa Kitô trong vai trò làm ông bà, cha mẹ, anh chị .v.v. đều có thể trở thành Giáo lý viên cho con cái của mình bằng chính đời sống đạo đức và gương mẫu. Và mong sao, tất cả mọi người biết trân trọng, quan tâm khích lệ và cộng tác chặt chẽ với các Giáo lý viên trong việc giáo dục đức tin cho con em mình.

Giáo xứ Thánh Mẫu

Tác giả bài viết: Têrêxa Phùng Thị Phương Uyên

Nguồn tin: http://gpphanthiet.com

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây