Giáo xứ Vinh Hương

Báo chí và các thể loại báo chí

Thứ sáu - 26/08/2011 00:27

Truyền thông Công giáo

Truyền thông Công giáo

 

  1. Báo chí là gì?

-         Báo chí là một hình thái ý thức xã hội, lấy hiện thực khách quan làm đối tượng phản ánh. Nghĩa là đối tượng phản ánh đó phải xác thực cụ thể.

-        Báo chí là một hoạt động thông tin đại chúng nhất, năng động nhất trong các loại hình hoạt động truyền thông đại chúng hiện nay.

-         Báo chí Công giáo là một trong những phương tiện hữu hiệu để thi hành sứ vụ truyền giáo và tái truyền giáo; là một thể loại của truyền thông Giáo Hội, được lập ra với nhiệm vụ đem Chúa đến với muôn dân.

  1. Chức năng của báo chí Công Giáo

a.       Chức năng thông tin:đây là chức năng cơ bản của báo chí. Thông tin ở đây được hiểu là truyền tải những sự kiện thời sự trong các hoạt động tôn giáo. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu thông tin ngày càng cao, phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, thông tin đòi hỏi phải chính xác, đầy đủ và cập nhật kịp thời.

b.      Chức năng truyền giáo:đây là sứ vụ chính yếu của báo chí công giáo. Ngoài việc chuyển tải thông tin, báo chí còn giúp độc giả nhận biết Thiên Chúa, yêu mến Chúa và hiệp thông với Giáo Hội của Ngài. 

c.       Chức năng giáo dục và văn hóa:báo chí phải hướng độc giả đến những giá trị nhân văn qua việc chuyển tải thông tin lành mạnh, giúp độc giả thăng tiến đời sống nhân bản. Báo chí còn tham gia nhiệm vụ nâng cao trình độ hiểu biết cho đại chúng, phát huy những giá trị tốt đẹp trong sự kết hợp của hiện đại và truyền thống.

d.      Ngoài ra,báo chí nói chung còn có các chức năng khác như: chức năng giám sát, chức năng giải trí và chức năng tư tưởng nhằm định hướng cho đại chúng.

  1. Các thể loại báo chí

Thể loại là khái niệm để chỉ một chỉnh thể của một hình thức ổn định tương ứng với nội dung của nó.

a.      Tin

Nói đến tin là nói đến những thông điệp về các sự việc, sự kiện, hiện tượng trong đời sống. Tuy nhiên, không phải sự kiện hay hiện tượng nào cũng trở thành tin tức. Sự kiện và hiện tượng đó phải mới, mang tính giáo dục cao và thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Ví dụ: cha xứ cầu nguyện lúc nửa đêm,xét về mặt sự kiện, cầu nguyện là chuyện bình thường của cha xứ. Nhưng xét về mặt thời gian, đó là hiện tượng đặc biệt vì được diễn ra vào nửa đêm. Tính giáo dục ở đây là khích lệ lòng đạo đức của mọi người.

Tuy nhiên, quanh sự kiện này vẫn còn có những câu hỏi đặt ra là: hiện tượng có bình thường hay không? Vì sao cha xứ lại cầu nguyện lúc nửa đêm…Để trả lời câu hỏi này, các thể loại báo chí khác như: phỏng vấn, phóng sự có thể vào cuộc để làm sáng tỏ cụm từ “vì sao?”

b.      Tường thuật

Tường là hiểu rõ, thuật là kể lại những sự kiện, sự việc, hiện tượng mà mình chứng kiến theo tiến trình từ đầu đến cuối. tường thuật là thể loại báo chí giúp cho công chúng biết và cảm nhận sự việc, sự kiện, hiện tượng xảy ra như đang chứng kiến.

Tường thuật phải bảo đảm trật tự diễn biến của sự kiện như nó diễn ra, không được đảo lộn hay sắp xếp lại. Trong bài tường thuật, có thể lược bớt một số chi tiết không cần thiết nhằm làm cho bài tường thuật ngắn gọn súc tích, nhưng không được thêm chi tiết nào ngoại trừ cung cấp thêm thông tin cho sự kiện đang diễn ra nhằm làm nổi bật chi tiết muốn đề cập.

Có hai thể loại tường thuật:

Tường thuật trực tiếp: tường thuật sự kiện, sự việc khi nó đang diễn ra.

Tường thuật gián tiếp: tường thuật lại sự kiện, sự việc tại hiện trường nhưng không phải cùng thời điểm nó diễn ra.

c.       Ghi nhanh

Là phóng sự viết nhanh, nhằm phản ánh nhanh chóng kịp thời sự kiện mới, liên quan đến dư luận và mang tính định hướng dư luận nhận thức đúng sự việc, sự kiện.

Khác với phóng sự, ghi nhanh dừng ở việc mô tả sự kiện chứ không đi sâu nghiên cứu để phân tích, bình luận sâu sắc vấn đề đặt ra của sự kiện. Bút pháp ghi nhanh có sự đan xen linh hoạt giữa thông tin sự kiện nóng hổi kết hợp với mô tả sinh động cùng những nhận xét, phân tích ban đầu của sự kiện, sự việc đó.

Ghi nhanh được thực hiện để phản ánh những sự kiện nóng hổi, cấp bách quan trọng theo dòng chủ lưu thời sự thông qua bút pháp mô tả trực tiếp hoặc tường thuật lại sự việc.

d.      Phóng sự

Là thể loại báo chí quan trọng, thông tin cụ thể, sinh động về con người, sự kiện có thật, có ý nghĩa truyền giáo, giáo dục theo một quá trình phát sinh, phát triển thông qua cái tôi của tác giả với bút pháp linh hoạt.

Trên bình diện tổng thể, phóng sự có tính chất kế thừa và tổng hợp cùng lúc nhiều thể loại báo chí như: tin, phỏng vấn, tường thuật, bình luận.

Phóng sự phải phản ánh sự kiện “có vấn đề”, liên quan đến tín đúng sai của một chương trình, của một quan hệ xã hội; là vấn đề đặt ra hàng loạt câu hỏi cần được giải quyết theo hướng mong đợi của đa số quần chúng.

Khác với các thể loại khác, phóng sự đi vào bản chất của sự kiện, phân tích, làm rõ sự kiện. Tuy nhiên, không phải phóng sự nào cũng có thể giải quyết hết vấn đề đặt ra trong cùng một tác phẩm. Phóng sự có thể chia nhỏ vấn đề ra từng “lát cắt” để phân tích mổ xẻ tạo thành phóng sự nhiều kỳ, nhiều tập.

e.       Phỏng vấn

Phỏng vấn là một hình thức đối thoại có chủ đích giữa hai hoặc nhiều người, trong đó câu hỏi đưa ra nhằm thu nhận thông tin cần thiết từ người trả lời.

Có hai dạng phỏng vấn:

Phỏng vấn để trích dẫn nguồn tin, tức phỏng vấn nhân chứng để lấy phát biểu cho một bài phóng sự, ghi nhận.

Phỏng vấn trực tiếp những người có vai trò, có tầm ảnh hưởng đến một chương trình hay kế hoạch nào đó thông qua hệ thống câu hỏi đã được sắp sẵn theo chủ đích của tác giả.

  1. Mô hình của tác phẩm báo chí

Đối với mô hình của tác phẩm báo chí, một tác bao giờ cũng trả lời các câu hỏi theo công thức: 6W + H:

When: xảy ra khi nào? Lúc nào? Mấy giờ, buổi nào, ngày nào?

Whe-re: ở đâu? Địa điểm nào và địa bàn nào?

What: chuyện gì xảy ra?

Who: ai liên quan?

With: sự kiện đó, sự việc đó còn liên quan đến ai, những ai?

How: xảy ra như thế nào?

Why: tại sao xảy ra như thế? Nguyên nhân?

Ngoài ra, thông qua tác phẩm báo chí, nhà truyền thông muốn nhắn gửi sứ điệp nào đến độc giả.

Lưu ý

Đứng trước nguồn tin bao la, để xác định xem có nên đưa tin hay không, người định viết cần phải trả lời được các câu hỏi sau:

Đó là sự kiện gì?

Sự kiện đó có mới không?

Có liên quan đến nhiều người không?

Thông tin sự kiện, sự việc này mang lại lợi ích gì? Lợi ích cho ai?

Trả lời được các câu hỏi đó, người định viết yên tâm phản ánh sự kiện, sự việc này ở thể loại tin.

Để chọn thể loại ghi nhanh, tường thuật hay phóng sự, người định viết cần phải trả lời được mức độ quan trọng và tầm ảnh hưởng của sự kiện, sự việc đó:

Hình thức xảy ra của sự kiện? Lễ, hội nghị? Hiện trường?

Tầm quan trọng đặc biệt của sự kiện?

Sự kiện có liên quan dòng chủ lưu thời sự của giáo phận, giáo hạt? Tính truyền giáo? Gương sáng?

Sự kiện này có gì đặc biệt so với cùng sự kiện ở nơi khác?

Sự kiện này có được nhiều người quan tâm không?

Để làm được phóng sự, người định viết phải trả lời các câu hỏi:

Vì sao có sự đặc biệt của sự kiện đó?

Đàng sau vấn đề đặc biệt đó là gì?

Từ sự kiện này có sự tác động từ phía ai hay sẽ ảnh hưởng đến ai?

Báo chí là một thể loại của truyền thông, là công việc tưởng chừng như nhỏ bé và âm thầm, nhưng đóng góp hiệu quả cho sứ vụ truyền giáo.

Với những chia sẻ trên, người viết hy vọng sẽ có nhiều người, nhất là các bạn trẻ, tu sĩ và chủng sinh, hiểu để cảm thông, để cộng tác với truyền thông của giáo phận, ngõ hầu góp phần giúp mọi người nhận ra Thánh ý Thiên Chúa và mau mắn đáp trả.

 

 

Tác giả bài viết: G.B. Nguyễn Văn Chiến

Nguồn tin: giaophanthaibinh.org

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây