Giáo xứ Vinh Hương

Tình yêu khác đạo

Chủ nhật - 04/12/2016 08:20

Ca khúc “Tình Người Ngoại Đạo” không phải là bài hát liên quan dịp Noël, nhưng lại thường được vang lên trong Mùa Giáng Sinh. Tác giả của ca khúc này là Phượng Linh (tức là NS Nguyễn Văn Đông, sn 1932, tác giả ca khúc “Mùa Sao Sáng” quen thuộc mỗi dịp Giáng Sinh về). Trước năm 1975, khá nhiều ca khúc của Phượng Linh được phát trên làn sóng Đài Quân Đội (đài này có cô Dạ Lan với giọng nói khá đặc biệt).

Ca khúc “Tình Người Ngoại Đạo” cũng giống như đại đa số các ca khúc của các thập niên 1960 và 1970, nghĩa là có cấu trúc A – A’ – B – A’’, lồng trong nhịp 4/4. Độc đáo của ca khúc này là tuy được viết ở âm thể Trưởng nhưng người nghe có cảm giác như giai điệu chảy êm đềm theo âm thể Thứ.

Như đã nói, ca khúc “Tình Người Ngoại Đạo” không liên quan gì tới Giáng Sinh, vậy tại sao người ta lại “lồng” ca khúc này vào dịp chuẩn bị đón mừng Con Thiên Chúa ra đời?

Thiết tưởng, có ba lý do: [1] ca khúc này có giai điệu nhẹ nhàng, nghe như có “mùi vị” thánh ca về Giáng Sinh; [2] ca khúc này nói tới niềm tin vào Thiên Chúa; [3] Noël là dịp hẹn hò đôi lứa, đặc biệt là đêm 24, và mùa này cũng là “mùa cưới” (chứ không như ngày nay, mùa nào người ta cũng cưới).

Ca khúc “Tình Người Ngoại Đạo” nói về tinh yêu giữa hai người không cùng tôn giáo, một trong hai người đó là tín hữu Công giáo. Ca khúc này là lời tâm sự với Chúa về cuộc tình của mình, một người ngoại đạo, với một người Công giáo. Thời nào cũng có những cuộc tình khác đạo như thế, có những người cố gắng và đến được với nhau, nhưng cũng không ít cuộc tình không trọn vì khác đạo.

Tác giả không cho biết chàng và nàng trong ca khúc này có đến được với nhau hay không, mà chỉ cho biết sự ngại ngùng về khác đạo, thế nên thương thì thương đứt ruột mà không dám mở lời. Và anh chàng (cô nàng) thưa với vị-Chúa-của-người-yêu: “Lạy Chúa! Con thương nàng (chàng) đã lâu rồi, thương thì nhiều nhưng con chưa dám nói. Con thương nàng (chàng) đã lâu rồi mà chưa dám hé môi, ngại ngùng không cùng tôn giáo thôi!”.

Khổ thế nhỉ! Đúng như người ta ví von: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Nói là “một ít” thế thôi, chứ nhiều thí mồ. Nhiều lắm, nhiều tới mức không thể nào cân, đo, đong, đếm. Thế nên có những người vì “yếu thần kinh” (và vì không có niềm tin tôn giáo) mà liều chết (thắt cổ, cắt cổ tay, đâm mình, gieo mình xuống dòng sông). Mới đây, có một cô gái tuổi đôi mươi, xinh xắn, đã liều nhảy cầu Bình Lợi (Bình Thạnh, Saigon), nhưng cô may mắn được người ta cứu sống (khoảng 8 giờ tối). Thật là ngu xuẩn!

Lời tự tình có vẻ chân thành, tình yêu có vẻ thanh thoát qua lời kể của người-ngoại-đạo: “Lạy Chúa! Con thương nàng (chàng) rất ngoan đạo, thương nàng (chàng) thường hay luôn đi xem lễ. Con thương nàng (chàng) rất đơn sơ, màu áo trắng thư sinh với nét môi cười nắng nghiêng nghiêng”. Người-yêu-có-đạo ngoan hiền, đơn sơ, trinh nguyên,… Ôi, thật là dễ thương quá chừng, thế mà sao thương không dễ chút nào. Mệt tim và mệt óc quá đi!

Trái tim bồi hồi, nhức nhối, không chịu ngủ yên, thế nên người-ngoại-đạo lại tiếp tục kể lể nỗi lòng của người đang yêu: “Con yêu nàng (chàng), tình yêu rất chân thành, tình yêu không lừa dối. Nhưng Chúa ơi! Nàng (chàng) nào hay biết đâu, một người ngoại đạo tha thiết yêu nàng (chàng), tình yêu trái ngang”. Có nói đâu mà người ta biết, mà người-ngoại-đạo làm sao dám nói chứ? Khổ hết sức! Bao tiếng thở dài não nuột mà khúc nhôi không ai hiểu dùm. Buồn ơi là buồn!

Cảm thấy thất vọng nhưng quyết không tuyệt vọng, và rồi người-ngoại-đạo thề hứa với hy vọng Chúa thấy tội nghiệp mà lay động đối phương. Người-ngoại-đạo nghiêm túc thân thưa: “Lạy Chúa! Con xin nguyện Chúa trên trời, cho trọn niềm tin yêu Thiên Chúa. Con xin được sống bên nàng (chàng), người con nhớ con thương, kính mến tôn thờ Chúa. Amen”.

Là người-ngoại-đạo mà biết như thế thì tốt lắm, Chúa không nỡ bỏ đâu. Các bạn trẻ nào “lâm vào tình trạng” thế này thì đừng vội nản chí. Các cha mẹ của người-yêu-là-Kitô-hữu không khó khăn với các bạn là người-ngoại-đạo chi cả, họ chỉ muốn bạn chứng tỏ tình yêu đích thực với con của họ. Vả lại, không như các tôn giáo khác, vui thì ở, buồn thì đi, đạo Công giáo rất nghiêm túc với nghiêm luật Thiên Chúa đã đưa ra: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6; Mc 10:9). Điều đó có nghĩa là phải chung thủy với nhau trọn đời trong mọi hoàn cảnh, và chỉ một vợ và một chồng mà thôi.

Xin được nói thêm điều này: Các bạn ngoại đạo thường hiểu lầm về hôn nhân Công giáo, cứ cho là “khó khăn”. Nên nhớ rằng nhờ nghiêm luật mà người ta biết sống nghiêm túc, vì khó khăn mà chúng ta nên người. Những người buông thả, dễ dãi, có ai thành nhân không? Chắc chắn các bạn khả dĩ trả lời. Nếu yêu người có đạo và kết hôn với họ, tất nhiên người-ngoại-đạo phải theo đạo, nhưng cái “phải” ở đây không tiêu cực, mà rất tích cực. Bạn sẽ có hai mối lợi: [1] Nhận biết Thiên Chúa và làm con cái của Ngài; [2] Được tận hưởng tình yêu chung thủy, không sợ người vợ/chồng bỏ rơi mình; [3] Được hưởng nhiều lợi ích khác từ các Bí Tích và được cộng đồng cầu thay nguyện giúp. Hoàn toàn có lợi, hãy cố gắng lên!

Một lần nữa, Giáng Sinh đang về – mỗi lúc một gần hơn, ngày tháng cũng đang đi dần vào cuối năm – mỗi lúc càng gấp rút hơn…

Trong không khí Noël, nghe lại ca khúc “Tình Người Ngoại Đạo” để khả dĩ cảm nhận điều kỳ diệu của tình yêu. Ai có vợ/chồng rồi thì cũng hãy coi đây là dịp nhắc lại khế ước hôn nhân với nhau trước mặt Thiên Chúa; còn ai chưa hoặc sắp kết hôn thì đây là dịp để minh định lại vấn đề hôn nhân một cách nghiêm túc, đặc biệt nếu bạn là người-ngoại-đạo nhưng lại yêu người-có-đạo, một người Công giáo, nhất định chọn họ là người phối ngẫu, quyết tâm gắn bó và đồng hành với họ suốt đời.

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH AN LÀNH và HÔN NHÂN THÁNH ĐỨC – MERRY CHRISTMAS and HOLY MARRIAGE.

Sáng Saigon 1-12-2016

TRẦM THIÊN THU

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây