Giáo xứ Vinh Hương

Trái sầu riêng

Chủ nhật - 14/10/2018 03:54
- Cà Mau, ngày...

Hôm nay mình vớ được tờ Á-Phi Ngày Nay (Asie et Afrique d'aujourd'hui). Đang thèm báo như bé đói sữa, mình ngốn một hơi từ đầu đến cuối. Có một câu chuyện bắt mình suy nghĩ.
 
 Một ký giả Liên Xô bước vô một nhà hàng ở Singapore. Nhác thấy một người Hoa đang hì hục ăn một trái cây có gai lởm chởm. Ăn như xuất thần. Quên không gian và thời gian. Mút mát đến trần trụi. Liếm láp đến nhẵn nhụi …

 Anh ký giả bị cám dỗ đến không chịu nổi, bèn đến vỗ vai một cô gái mặc đồng phục.
 
 - Cô cho tôi một trái cây có gai lởm chởm.
 
 - Thưa ông, trái gì ạ ?
 
 - Trái có gai mà ông Trung Hoa đang ăn đó.
 
 - À, trái sầu riêng. Vâng có ngay ạ.
 
 Nhanh như chớp, một trái sầu riêng được bưng đến và bửa ra ngay trước mặt ông Liên Xô.
 
 - Eo ơi ! Thối như xác chết vậy ! (sic)
 
 - ?!
 
 Ông Liên Xô bịt mũi bỏ chạy. Cô gái mặc đồng phục vội bưng dĩa sầu riêng cất đi, rồi trở ra đòi tiền. Ông Liên Xô móc túi lấy tiền trả, mà lòng đau như cắt. Còn cô gái mặc đồng phục thì chửi thầm trong bụng.
 
 - Tây ngu bỏ mẹ.
 
Cái bộ mặt bơ bơ và ngớ ngẩn của ông Liên Xô, rồi đến cái thái độ khinh khỉnh của cô gái mặc đồng phục, làm mình liên tưởng đến những kỷ niệm chồng chất về trái sầu riêng.
 
 Kỷ niệm một :
 
 Năm 1954, đại chủng viện Xuân Bích dời từ Hà Nội vào Nam và tạm dừng chân ở Thị Nghè. Đại chủng sinh giáo phận Vĩnh Long được gửi học ở đó. Thế là Bắc Nam gặp nhau.
 
 Vĩnh Long là quê hương của trái cây. Cha mẹ đi thăm con thì cho trái cây : Dâu, xoài, vú sữa, boòng boong... được chuyển xuống nhà bếp bằng nhiều cần xé. Cả chủng viện cùng ăn, ăn hoài không hết. Nhưng sầu riêng thì… chỉ dấm dúi vài trái thôi. Ông thầy miền Nam ôm trái sầu riêng, âu yếm hít hà, rồi cất kỹ trong tủ để ... mút mát một mình.
 
 Đêm xuống, cửa đóng kín mít, ông thầy miền Bắc từ trong mùng hỏi vọng ra :
 
 - Cái gì mà thối thế ?
 
 - Thơm thấy mồ !
 
 Sáng hôm sau, ông thầy miền Nam đi kiếm trái sầu riêng... Sững sờ. Ngơ ngác.
 
 - Ủa, đứa nào lấy trái sầu riêng của tao ?
 
 - Tao vứt ra ngoài vườn rồi. Thối quá, nhức đầu không ngủ được .
 
 - Bắc Kỳ ngu thấy mồ, sầu riêng thơm mà biểu là thúi.
 
 - Nam Kỳ ngố bỏ mẹ, sầu riêng thối mà bảo là thơm.
 
 Chân lý ơi, sầu riêng thơm hay thối ?
 
 Sầu riêng ơi, ngươi thơm tuyệt vời hay thối như xác chết ?
 
 Chúng ta có nên đồng tâm nhất trí, một lòng một dạ, để cùng tuyên dương ngươi, hoặc để cùng nguyền rủa ngươi không?
 
 Kỷ mệm hai :
 
 Mình là sinh viên Đại chủng viện Thánh Tôma, tọa lạc ở số 2, đường Làng 21 , Gia Định.
 
 Bà phước trưởng ban hậu cần ưu ái đặt trên bàn ăn của ban giáo sư một dĩa sầu riêng.
 
 - Xin mời quý cha ăn thử trái quý miền Nam.
 
 Cha Hiến Minh lấy tay phảy phảy trước mũi. Cha Bùi Châu Thi lấy khăn cơm phất phất như muốn đuổi tà. Cha nào cũng nhăn mũi, khịt khịt..
 
 Dĩa sầu riêng được chuyển cấp tốc xuống bàn ăn của các thầy. Thầy nào cũng một tay bịt mũi, một tay gạt nhanh dĩa sầu riêng xuống bàn dưới. Cả phòng ăn loạn lên vì dĩa sầu riêng. Sau khi dĩa sầu riêng đã bị hắt hủi, xô đẩy đến thế và đã nằm chết ở dưới nhà bếp, thì trên phòng ăn, các thầy vẫn còn chế giễu và mạt sát một cách không thương xót. Thậm chí còn ví von.
 
 - Vàng vàng như...
 
 - Nhão nhão như...
 
 - Thối thối như...
 
 Tàn nhẫn đến thế là cùng. Sầu riêng ơi, buồn không ? Đời là thế đấy !
 
 Riêng phần mình thì cứ ngồi trơ ra như phỗng. Mình không thấy sầu riêng thối. Dường như thơm thơm, béo béo, bùi bùi. Muốn ăn thử, nhưng sợ bị chửi. Đành im lặng. Im lặng là đồng lõa, là hèn nhát, là phản bội ?! Chỉ có câu trả lời về lâu về dài. Trả lời tức khắc sẽ bị giập liền.
 
 Kỷ niệm ba :
 
 Năm 1961 mình được Đức cha Nguyễn Kim Điền điều về dạy học ở tiểu chủng viện Á Thánh Quý, Sóc Trăng. Chủng viện thì của giáo phận Cần Thơ, nhưng chủng sinh thì được tuyển từ nhiều miền, trong số đó có Cái Mơn, Cái Nhum, Bến Lức, Mặc Bắc… Cái Mơn, Mặc Bắc đều là những vùng nổi tiếng về nghề làm vườn. Cứ mỗi lần phụ huynh đi thăm con em thì chủng viện lại vui hẳn lên. Quà cáp không để trên đĩa, mà chất đầy cần xé. Măng cụt, vú sữa, boòng boong... Mắt các chú sáng lên, mong cho mau tới giờ cơm. Còn sầu riêng thì chỉ có vài trái được đặt trên đĩa một cách trịnh trọng và nằm gọn lỏn trên bàn ăn của ban giáo sư mà thôi.
 
 Với tư cách là giáo sư, mình được quyền ăn sầu riêng. Đây là lần đầu tiên mình được thưởng thức hương vị sầu riêng sau bảy năm thương nhớ. Biết nó và thương nó từ bảy năm rồi, nhưng không tài nào tiếp cận được. Cứ mỗi lần đi chợ Bến Thành mình chỉ dám uống một ly đá đậu, rồi lượn qua quầy bán sầu riêng một cái để lấy chất liệu tương tư. Sầu riêng kiêu sa quá, lúc nào cũng ở ngoài tầm với của học trò. Hai chục đồng một ký sầu riêng. Bốn đồng một phần cơm bình dân. Đành ôm hận Trương Chi.
 
Phải đợi bảy năm mới được ăn sầu riêng. Phải ngồi ghế giáo sư chủng viện Sóc Trăng mới được ăn sầu riêng. Không gian và thời gian khống chế mình nhiều đến thế. Khiếp thật ! 
 

Tác giả bài viết: Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây