Giáo xứ Vinh Hương

Thiên Chức Người Thầy

Chủ nhật - 15/04/2012 17:49

Thiên Chức Người Thầy

- Nghề giáo góp phần phát triển năng lực tư duy, trí tuệ, làm phong phú đời sống tâm hồn, hoàn thiên nhân cách học sinh để các em vững bước tiến vào đời và luôn tin yêu cuộc sống.

Để đáp ứng yêu cầu của thời kì hội nhập, trước hết giáo viên phải là người có đạo đức tư cách tốt, có lối sống lành mạnh, luôn chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói, luôn phải nỗ lực phấn đấu để tự hoàn thiện mình.

Người giáo viên cần có năng lực chuyên môn vững để theo kịp với sự phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thuật. Họ tự rèn luyện cho mình thói quen làm việc, không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên dự giờ đồng nghiệp rồi góp ý một cách khách quan khoa học, luôn đọc tài liệu để cập nhật thông tin, tìm hiểu bản chất của những sự kiện xảy ra... Đặc biệt, người giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm đối tượng trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học.

Trước đây, phương pháp chủ yếu là thầy đọc trò chép. Thầy nhồi sọ, áp đặt tri thức, học sinh về học thuộc lòng để đi thi. Ngày nay người thầy dạy giỏi phải là người hướng dẫn học sinh cách học,dạy phương pháp tư duy, dạy phương pháp làm việc khoa học, dạy phương pháp làm việc theo nhóm, dạy cách thích nghi với cuộc sống, dạy cách đối nhân xử thế, tăng cường ứng dụng thực hành. Người học sinh không thụ động ngồi lĩnh hội tri thức mà phải tích cực chủ động, sáng tạo nắm bắt tri thức, chân lí khoa học.

Học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy, làm việc theo nhóm, tích cực phản biện, thắc mắc, luôn đặt ra câu hỏi: vì sao? chỗ nào? đâu là bản chất mấu chốt của vấn đề và luôn đưa ra cách giải quyết tối ưu, thoả đáng nhất. Một giờ dạy học thực sự có hiệu quả là giờ dạy có sự trao đổi dân chủ, thân thiện giữa thầy và trò để cùng tìm kiếm tri thức, chân lí cuộc sống. Vai trò của người thầy là tổ chức, cố vấn, trọng tài cho việc học. Giáo viên cũng phải biết tìm thấy các mặt mạnh, năng khiếu sở trường, sở thích của từng em để định hướng phát triển, để có phương pháp dạy phù hợp.

Chúng ta cứ băn khoăn, đau xót trước nhiều học sinh học xong chương trình phổ thông nhưng lại mù tịt về lịch sử, không biết một thông tin nào ngay cả về người mà con phố mình đang ở được mang tên, còn lúng túng khi mắc một công tắc điện khá đơn giản, hay không khởi động đươc chiếc máy vi tính, học văn mà khi ra trường không đọng lại một tên tác giả, tác phẩm, thậm tệ không viết nổi một văn bản hành chính đơn giản như biên bản đại hội lớp...

Chúng ta cũng không thể chấp nhận một hoc sinh có trí nhớ và biết vận dụng công thức, định luật, định lí, rành về máy tính... đạt kết quả cao trong các kì thi nhưng lại cười đùa, vô cảm trước một ông già bệnh tật không nơi nương tựa, một em bé mồ côi, dửng dưng trước sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, hay việc thủ đô Hà Nội tiến tới kỉ niệm một ngàn năm văn hiến...

Người giáo viên giỏi là người thổi cho được niềm đam mê học tập, tích cực tìm kiếm tri thức ở học sinh. Qua các tiết học, học sinh sẽ ý thức rằng:ở đời này không có con đường của sự đau khổ, bế tắc, tuyệt vọng mà chỉ có những ranh giới giữa đau khổ và hạnh phúc. Điều quan trọng là con người bằng niềm tin, ý chí, bằng sức mạnh của mình để vượt qua những ranh giới đau khổ để đến với  cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Giáo viên thắp lên tình yêu cuộc sống từ học trò bằng tình yêu những gì gần gũi thiêng liêng nhất, từ người mẹ chân lấm tay bùn một nắng hai sương đến anh bộ đội đang ngày đêm vật lộn với sóng nước ngoài đảo xa để bảo vệ sự bình yên cho tổ quốc... biết xao xuyến khi nghe một làn điệu dân ca vọng cổ, biết trân trọng những hạt cơm thừa khi ăn xong hay căm tức trước một tên tội phạm...

Hơn lúc nào hết, người giáo viên phải ý thức rõ thiên chức cao quý của mình, tích cực đổi mới phương pháp dạy học để hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt được sự kì vọng của toàn xã hội. Nghề giáo góp phần phát triển năng lực tư duy, trí tuệ, làm phong phú đời sống tâm hồn, hoàn thiên nhân cách học sinh để các em vững bước tiến vào đời và luôn tin yêu cuộc sống.

Nguyễn Quế Kỳ
Trường THPT Bắc Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An

Nguồn: dantri.com.vn

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây