Giáo xứ Vinh Hương

Hãy quan tâm

Thứ tư - 29/02/2012 17:41

Hãy quan tâm

- “…Tha nhân thuộc về tôi, cuộc sống, phần rỗi của họ liên hệ tới cuộc sống và phần rỗi của tôi”.

Một Mùa Chay nữa lại về, những điệp khúc quen thuộc lần lượt được lập lại, rồi Mùa Chay sẽ lại qua đi, bao nhiêu người hồi tâm thật sự, bao nhiêu người tận dụng được ơn ích của Mùa Chay ? Chỉ có Chúa biết !

Mùa Chay làm tôi nhớ lại thời niên thiếu, nơi Xứ Đạo kỳ cựu toàn tòng của chúng tôi, người Bắc di cư vào Nam năm 1954. Mùa Chay là mùa lễ hội, sẽ có “ngắm đứng, ngắm ngồi”. Hầu hết thanh niên đến Nhà Thờ để ngắm… các cô gái thay vì “thông công ngắm”. Thời gian dần trôi, các cô lần lượt “theo chồng bỏ cuộc vui”, bọn thanh niên vào quân ngũ, kẻ nằm xuống, người trở về thân thể tàn phế, lớp trẻ khác lại lớn lên, rồi lại… đi “ngắm”.

Mùa Chay là mùa lễ hội, sẽ có việc chuẩn bị diễn tuồng Thương Khó, sẽ có trăm chuyện bật cười như những trận đòn quân dữ đánh “Chúa”, có lúc đau quá không chịu được, “Chúa” buột miệng… văng tục ra. Sẽ là những cuộc đi hôn chân, bốc nả, trốn quanh Nhà Thờ, theo gót các đoàn hội đi ra đi vào hang đá, cả ngày chơi không mệt.

Mùa Chay của những tiếng trống tiếng kèn, của những tà áo tang trắng xóa Nhà Thờ, của không gian thật thanh bình trong tiếng súng ầm ì từ xa vọng lại, từng ánh hỏa châu rơi sáng trời !

Những Mùa Chay đầy ắp kỷ niệm trôi vào dĩ vãng, theo năm tháng tôi lớn lên, vào Nhà Dòng, bắt đầu học sống những Mùa Chay khác hẳn năm xưa, không còn tiếng trống tiếng kèn, không còn khăn tang áo dài trắng, không “quân dữ”, không có “Chúa” bị điệu đi, không “ngắm đứng, ngắm ngồi”, không những đêm vui chơi thỏa thích. Tôi bắt đầu biết tập đọc Lời Chúa, biết tập thinh lặng trong tĩnh mịch, biết lặng lẽ trong những lời nguyện xin, biết đọc sách thiêng liêng, biết tìm hiểu ý nghĩa đích thực của Mùa Chay Thánh.

Hết rồi những ngày ăn chay dưới sự nhắc bảo của mẹ, “uống nước” buổi sáng, “ăn thật no vào” bữa trưa, phải đợi đúng 12 giờ mới là chay thật, chiều chỉ ăn chút cháo. Trong Tu Viện, ăn uống chẳng ai nhắc nhở, nhà bếp dọn sao ăn vậy. “Cơm nhà bàn, áo nhà tu” mọi người như nhau, Mùa Chay vừa ăn cơm vừa nghe đọc sách đạo, những rộn ràng lễ hội được thay bằng những bài giáo huấn, những bài sách thiêng liêng, những sứ điệp Mùa Chay hằng năm của Tòa Thánh.

Sứ điệp năm nay Đức Thánh Cha triển khai một câu Kinh Thánh trong Thư Do Thái“Chúng ta hãy quan tâm đối với nhau, khích lệ nhau trong Đức Ái và các công việc lành” ( Dt 10, 24 ). Tôi đọc đi đọc lại sứ điệp này hơn chục lần, thấm thía lời sứ điệp, có cha bảo hình như Đức Thánh Cha viết sứ điệp này cho Giáo Hội Việt Nam, tôi cũng nghĩ như vậy và chia sẻ với anh em tôi, ngài viết như viết cho chính chúng mình vậy.

Tuần trước, anh em chúng tôi có mời cha Vũ Khởi Phụng, Bề Trên Nhà DCCT Thái Hà, nhân chuyến vào Nam dạy học, đến nói chuyện với chúng tôi về đề tài Vô Cảm. Ban đầu định gói gọn trong nhóm đang theo học với nhau về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, không ngờ tin tức loan đi, nhiều anh chị em các nơi đã đến tham dự, buổi hội thảo trở nên sinh động, những băn khoăn trăn trở của nhiều người, những ngọn lửa nhiệt thành tâm huyết với quê hương đất nước, với sự tồn vong của dân tộc có dịp thố lộ bộc bạch.

Vô cảm là một hiện trạng có thật, thật đến độ xót xa của xã hội chúng ta, hàng ngày trên mặt báo chúng ta chứng kiến những hành vi, những kiểu sống vô cảm, ngay cả trong phim ảnh, một kênh truyền thông đã có định hướng nhưng cũng luôn phơi bày lối sống vô cảm một cách trần trụi. Không chỉ vô cảm với nhau về thể lý, về vật chất, nhưng vô cảm với nhau đến độ độc ác về tinh thần nữa. Không dừng lại ở sự vô cảm, người ta còn tiến thêm nữa trong sự chà đạp và loại trừ nhau.

Thật chính xác khi công bố sứ điệp Mùa Chay 2012 về đề tài “Hãy quan tâm…” Đây là lúc Tin Mừng lên tiếng, phải lên tiếng trước sự độc ác và gian tà của thế gian, chúng ta hãy lắng nghe một vài đoạn trong sứ điệp:

“Không bao giờ con tim chúng ta được phép bị mất hút trong những sự vật và các vấn đề của mình đến độ trở nên điếc đối với tiếng kêu của người nghèo”.

“Gặp gỡ tha nhân và mở rộng con tim đối với nhu cầu của họ chính là một cơ hội để được cứu độ và hạnh phúc thật”.

“Nói chung ngày nay người ta nhạy cảm đối với những bài nói về sự chăm sóc và tình bác ái đối với thiện ích thể lý và vật chất của tha nhân, nhưng người ta lại hầu như hoàn toàn im lặng về trách nhiệm tinh thần đối với anh em mình”.

“Điều quan trọng là phục hồi chiều kích này của Đức Bác Ái Kitô. Không được im lặng trước sự ác”.

“…Tha nhân thuộc về tôi, cuộc sống, phần rỗi của họ liên hệ tới cuộc sống và phần rỗi của tôi”.

Đức Thánh Cha kết luận: “Đứng trước một thế giới đang đòi hỏi các tín hữu Kitô một chứng tá được đổi mới về tình yêu thương và lòng trung thành với Chúa, tất cả chúng ta cảm thấy sự cấp thiết phải nỗ lực thi nhau làm việc bác ái, phục vụ và làm việc lành ( Dt 6, 10 ). Lời kêu gọi này đặc biệt mạnh mẽ trong Mùa Chay Thánh chuẩn bị mừng Lễ Phục Sinh”.

Hôm qua, tôi trở về thăm Giáo Xứ nhà, cô bạn hoa khôi một thời làm nghiêng ngửa bọn con trai lúc đó, bây giờ đã làm bà nội bà ngoại của một đàn cháu, và cũng đang làm bà quản trong Nhà Thờ, tay cầm những nhánh hoa đang cắm dở dang cho bàn thờ, “bà” vui vẻ hỏi: “Cha ơi, năm nay cha có về tham dự ngắm với Giáo Xứ không, về đi cha, vui lắm”…

Làm sao để sứ điệp Mùa Chay đến với mọi người ?

 

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 26.2.2012, Chúa Nhật 1 Mùa Chay (Ephata 498)

 

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây