Giáo xứ Vinh Hương

Suy tôn Thánh Giá: Tin một Thiên Chúa bị đóng đinh

Thứ năm - 12/09/2013 20:03

Tin một Thiên Chúa bị đóng đinh: không dễ dàng!
 
"Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, và người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, cho dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, quyền năng và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của con người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của con người" (1Cor 1,21-25).
 
Thứ Sáu Tuần Thánh chính là ngày Giáo Hội tưởng nhớ mầu nhiệm cuộc khổ nạn, cái chết trên thập giá và việc táng xác Đức Kitô trong mộ đá. Việc suy tôn này có nghĩa là Đấng Phục Sinh đã từng bị đóng đinh. Nhưng nếu không đi qua sự điên rồ hay chịu báng bổ thì làm sao rao giảng một Đấng Messia, một Đấng Cứu Chuộc đã chết vì bị đóng đinh trên thập giá? Đây chính là trung tâm của đức tin Kitô giáo, một niềm tin mà chúng ta không bao giờ giải thích được. Trong thực tế, để hiểu về Thiên Chúa chịu đóng đinh, chúng ta dám khẳng định rằng: Với Kitô giáo, sự sống sinh ra trong đau khổ, cuộc sống nảy sinh từ cõi chết. Sự Phục Sinh là trung tâm đức tin Kitô giáo không làm cho chúng ta quên con đường khổ nạn mà Chúa Kitô đã đi qua để cứu chuộc con người.
 
Lòng từ bi.
 
Ngoài ra, trong các sách Tin Mừng, mỗi lần nói: "Này là người" là dấu chỉ một "Đức Kitô đội mão gai và khoác chiếc áo choàng đỏ". Đàng sau ý nghĩa này, còn có một thông điệp của Thiên Chúa, hay Lời Chúa cho dành chúng ta: "Này là người" không ngự trên ngai vàng mà bị treo trên thập tự giá. Do vậy, đó là lời hứa phục sinh và là cánh cửa hy vọng. Điều này không loại bỏ thập giá nhưng đến lượt chúng ta phải vác lấy. Dấu thánh giá ghi trên trán khi lãnh nhận bí tích rửa tội đòi hỏi chúng ta điều được gọi là "lòng từ bi". Động lòng trắc ẩn là cùng chịu đau khổ, là giúp đỡ trong thử thách, trong khổ đau, trong cuộc chiến đấu.
 
Tất nhiên, chúng ta không cần thánh hóa mọi đau khổ nhân danh Cuộc Khổ Nạn đến mức quên đi việc phòng ngừa, cứu chữa và khước từ điều không thể chấp nhận được. Chúng ta cũng không cần loại bỏ sự thật của Cuộc Khổ Nạn, khi điều không thể chấp nhận được chỉ đơn giản là chờ mong chúng ta hiện diện, không chần chừ, không phán đoán, không thương hại, mà chỉ với một sự gần gũi trìu mến mà thôi. "Thập giá không có hạnh phúc là điên loạn, nhưng hạnh phúc mà không có thập giá sẽ chỉ là ảo tưởng" (Alexandre Dumas).
 
Năm 1974, nhà thần học người Đức, Jürgen Moltmann, đã nêu rõ thập giá Chúa Kitô là nền tảng của đức tin Kitô giáo trong cuốn sách mang tên "Thiên Chúa bị đóng đinh". Đối với ông, Đấng chịu đóng đinh phải được hiểu trong ánh sáng của cuộc phục sinh và của niềm hy vọng, và chỉ có Giáo Hội đã công khai tuyên xưng niềm tin và niềm hy vọng nơi Đức Giêsu Nazareth, Đấng bị đóng đinh dưới thời tổng trấn Philatô, mới có quyền được gọi là Kitô hữu.
 
Ý tưởng của Moltmann được lặp lại ở châu Phi do nhà thần học người Congo, Benedict Awazi Mbambi Kungua, trong cuốn sách cùng tên "Thiên Chúa bị đóng đinh", xuất bản ở châu Phi năm 2008.
 
Cả hai tác phẩm trên đều mang cùng một thông điệp: Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Cái chết trên thập giá là cách thức Thiên Chúa chọn để giao tiếp với con người. Cách giao tiếp này là một hình thức tự tước và tự hạ. Như vậy, Thập Giá biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa. Nhờ cái chết của mình, Chúa Giêsu nâng đỡ tính yếu hèn và tội lỗi của con người. Ngài nâng đỡ và cứu chuộc thế gian tội lỗi. Thiên Chúa bị đóng đinh nhắc nhở Kitô hữu rằng, đến lượt mình phải giúp đỡ những người yếu kém nhất, những người dễ bị tổn thương nhất và những người nghèo khổ nhất.
 
Người Kitô hữu có lý do để tin vào một "Thiên Chúa chịu đóng đinh và phục sinh". Nhờ sự sống lại của Chúa Giêsu, Thiên Chúa trao cho con người niềm hy vọng chống lại sự chết. Trong mọi trường hợp, đây chính là niềm hy vọng Kitô giáo.
 
Lược dịch từ "Croire en un Dieu crucifié: pas facile!", Jean-Paul Sagadou
 

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây