Giáo xứ Vinh Hương

https://gxvinhhuong.net


Covid-19: bài học từ kinh nghiệm và sự khôn ngoan của Thánh Vinh Sơn

Thánh Vinh Sơn không xa lạ gì với các đại dịch. Đại dịch có lẽ là chủ đề khuấy động mãnh liệt nhất cảm xúc của ngài. Thời thánh Vinh Sơn, các dịch bệnh thường xuyên hoành hành khắp Châu Âu, và cướp đi sinh mạng nhiều người ngài quý mến. Chị Marguerite Naseau – người được thánh Vinh Sơn thường xuyên nêu gương và coi là chị Nữ tử Bác ái đầu tiên – qua đời vì dịch bệnh lúc mới 27 tuổi, trước cả khi Tu hội Nữ tử Bác ái được công nhận. Cha Lambert Couteau – người được thánh Vinh Sơn sai đi thiết lập Tu hội Truyền giáo ở Ba Lan, và nói như sau khi hay tin về cái chết của ngài: “Cái chết của cha làm tôi đau đớn không khác gì bị người ta móc mất một mắt, hoặc chặt mất một tay” (CCD, 2:10)[1] – qua đời khi đang phục vụ tại vùng dịch bệnh hoành hành ở Warsaw, năm 1653. Cha Antoine Lucas – người không chỉ được thánh Vinh Sơn mà còn được rất nhiều vị sáng lập các Tu hội khác thời đó kính trọng – qua đời vì dịch bệnh ở Genoa, năm 1656 (CCD, 1:39).

Các bi kịch phủ đầy cuộc đời thánh Vinh Sơn, nhất là trong những năm 1650. Ngài thường nói về nỗi thống khổ của người nghèo vì “chiến tranh, dịch bệnh, và mất mùa.” Thêm vào đó là những cuộc bách hại ở Algiers, Tunis, Ái Nhĩ Lan, và Hebrides. Chủng sinh Thaddeus Lye – vị tử đạo đầu tiên của Tu hội Truyền giáo – hiến dâng mạng sống ở Limerick, năm 1652 (CCD, 4:342). Các tên đao phủ đã đập bể sọ và cắt rời chân tay ngài, ngay trước mặt mẹ ngài. Năm 1657, khi biết tin ba linh mục đã chết trên đường đi Madagascar, thánh Vinh Sơn cũng nhận tin sáu thành viên nhà Genoa đã qua đời vì dịch bệnh. Ngài bày tỏ nỗi “thống khổ tột cùng,” và nói đó là cú giáng “đau đớn nhất và hoàn toàn đè bẹp” ngài (CCD, 6:440).

Trong các lá thư và trong các buổi huấn đức, thánh Vinh Sơn nói về dịch bệnh hơn 300 lần. Ngài gửi các bức thư dài cho bạn ngài là Giám mục Solminihac – Giám mục địa phận Cahors (CCD, 4:500-503), và cho các vị bề trên ở Genoa (CCD, 6:52-53) cũng như ở Rôma (CCD, 6:63), để khuyên họ về cách thức giúp các nạn nhân dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Trong các buổi nói chuyện, ngài mô tả dịch bệnh ở Pháp, Algiers, Tunis, Ba Lan, và Ý.

Quy mô các dịch bệnh đó hết sức kinh hoàng. Trong các đại dịch những năm 1628-1631, chỉ riêng nước Pháp đã mất đi gần một triệu người. Cũng trong khoảng thời gian đó, nước Ý mất đi 280.000 người. Năm 1654, 150.000 cư dân vùng Naples bị chết. Trong những năm 1620-1621 và 1654-1657, Algiers mất khoảng 40.000 người.   

Genoa là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 1657, một nửa cư dân thành phố bị chết. Một danh sách dài các thành viên Vinh Sơn bị chết tại đó làm ai cũng bàng hoàng.

Như chúng ta biết, các Nữ tử Bác ái và các Hội Bác ái luôn ở tiền tuyến để chăm sóc các bệnh nhân đại dịch (chưa kể việc họ phục vụ những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, mất mùa, và biến động chính trị trong cùng thời điểm đó). Khi đang phải đối phó với đại dịch Covid-19, chúng ta cần nhớ rằng một số điều thánh Vinh Sơn nói với các linh mục, các tu huynh, và các sơ của ngài, cũng như với các thành viên giáo dân các Hội Bác ái, chỉ phù hợp với bối cảnh thời đó, vốn rất thiếu thốn kiến thức y khoa cũng như các nguồn hỗ trợ mà chúng ta có ngày nay. Nhưng đa số những điều ngài nói và hành động thì rất hữu ích cho các thành viên Gia đình Vinh Sơn chúng ta noi theo.

Tôi xin nhấn mạnh bốn điểm dưới đây:

1. Dù cảm thấy rất đau đớn, thánh Vinh Sơn vẫn luôn vững tin rằng, mặc cho hoàn cảnh có tệ hại thế nào đi nữa, chúng ta không bao giờ được bỏ rơi người nghèo. Như ngài thường nhấn mạnh, người nghèo là “gia nghiệp” của chúng ta. Dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy, ngài vẫn luôn đòi các thành viên Gia đình ngài phải tìm ra những phương thức đáp ứng nhu cầu của người nghèo. Ngài viết cho Giám mục Alain de Solminihac: “Khi dịch bệnh xảy ra, người nghèo miền quê thường bị bỏ rơi và bị đói khát. Thưa Đức cha, xin Đức cha hãy gửi đến những nơi đó các của bố thí để cứu giúp người nghèo. Xin Đức cha hãy trao cho các cha xứ tốt lành các của bố thí đó, để các ngài có thể mua bánh mì, rượu, và một chút thịt, và sắp xếp thời gian cũng như địa điểm để những người nghèo đến lấy… Hoặc, Đức cha cũng có thể giao công việc ấy cho một số giáo dân tốt lành trong các giáo xứ. Trong mỗi vùng, luôn có ai đó đủ khả năng làm những việc bác ái này, nhất là nếu họ không phải đi trực tiếp vào chỗ dịch bệnh” (CCD, 4:502).

2. Trong những thời điểm khủng hoảng đại dịch, thánh Vinh Sơn thường nhanh chóng giải thích các biến cố dưới ánh sáng Phúc Âm. Tháng 12 năm 1657, ngài viết như sau về mười một thành viên Gia đình ngài mới qua đời vì dịch bệnh: “Hôm nay chúng ta có rất nhiều nhà truyền giáo trên thiên đàng. Không có gì phải nghi ngờ về điều đó, bởi vì tất cả anh em chúng ta đều hy sinh mạng sống vì đức ái; và như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu. Vậy, nếu một mặt chúng ta đang phải chịu mất mát, thì mặt kia chúng ta vững tin rằng chúng ta đang được hưởng ân phúc, bởi vì Thiên Chúa vui lòng tôn vinh các thành viên trong Gia đình chúng ta, và tro cốt của các vị tông đồ nam nữ này sẽ là hạt giống cho một mùa bội thu các nhà truyền giáo tốt lành trong tương lai. Ít ra, đây là những lời khẩn cầu tôi xin quý anh em dâng lên Chúa” (CCD, 7:19).

3. Về cách phục vụ người nghèo trong cơn đại dịch, ngài thường khuyên các thành viên Gia đình ngài tiếp tục dấn thân, nhưng với sự thận trọng. Một mặt, ngài thôi thúc họ không bỏ chạy khỏi nơi bệnh dịch; mặt khác, ngài nhắc nhở họ phải tuân thủ các khuyến cáo mà giới chức chính quyền và giáo hội đã đề ra. Ngài nói với cha Etienne Blatiron – Bề trên nhà Genoa: “Tôi khuyên cha hãy hết sức cẩn thận giữ gìn sức khỏe của cha” (CCD, 6:156). Cha Blatiron đã nhiều lần liều mình phục vụ, và đã qua đời vì dịch bệnh năm 1657. Thánh Vinh Sơn viết cho cha Jean Martin – Bề trên nhà Turin: “Tôi đang rất lo vì cha nghỉ ngơi quá ít và thức dậy quá sớm. Nhân danh Chúa Giêsu, tôi xin cha hãy điều tiết công việc, và nhờ người khác giúp cha nữa” (CCD, 6:172). Cha Martin sống sót qua đại dịch, và nhiệt thành phục vụ cho mãi đến năm 1694.

4. Ngài mở rộng định nghĩa tử đạo để bao gồm tất cả những ai đã phục vụ người nghèo một cách anh dũng, và ngài không bao giờ tiếc lời ca ngợi họ. Ngài nói về các Nữ tử Bác ái như sau: “Một Đức Giáo hoàng đã từng nói rằng bất cứ ai hiến dâng chính mình cho Chúa để phục vụ tha nhân, và vui lòng chịu đựng tất cả mọi khó khăn gian khổ trong đời phục vụ, thì là một vị tử đạo. Phải chăng các Sơ này đang không chịu đau khổ như các vị tử đạo?… Các Sơ đã dâng mình cho Chúa qua việc phục vụ những người đau ốm đầy ghẻ chốc và tiết ra những chất mủ hôi thối, đã làm tất cả mọi sự cho các trẻ em nghèo, và đã tận tình chăm sóc các tù nhân bị đè nặng bởi xiềng xích và đau khổ… Họ đáng được ca ngợi hơn bất lời nào tôi có thể diễn tả cho anh em. Tôi chưa từng thấy hy sinh nào cao cả hơn thế. Nếu chúng ta được đến nơi các vị tử đạo đã hiến dâng mạng sống cho Chúa, chúng ta sẽ tỏ ra thành kính biết chừng nào. Chúng ta cũng hãy hướng về các Sơ như những vị tử đạo của Chúa Giêsu, bởi vì họ đang phục vụ tha nhân vì tình yêu dành cho Ngài” (CCD, 9:214).

Đối với hầu hết chúng ta, cơn đại dịch Covid-19 thế giới đang trải qua là một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu. Theo tinh thần thánh Vinh Sơn, chúng ta phải đương đầu với đại dịch này như thế nào? Tôi xin đề nghị ba điều sau:

a. Xả thân phục vụ. Trong những đại dịch như thế này, người nghèo chịu đau khổ nhiều nhất. Họ thường mất việc làm. Họ cần chỗ ở, thức ăn, và những nhu cầu tối thiểu khác. Từ thời thánh Vinh Sơn cho đến nay, truyền thống Gia đình Vinh Sơn chúng ta là luôn trợ giúp các nhu cầu tối thiểu cho người nghèo. Chúng ta hết sức ngưỡng mộ các y bác sĩ, các nhân viên cấp cứu, các người thăm viếng các nạn nhân, và tất cả những ai khác, đang tiếp tục xả thân phục vụ những người đau khổ.

b. Chia cơm sẻ áo. Trong thời gian này, đời sống kinh tế của mọi người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc chia cơm sẻ áo cũng vì đó mà cũng ít đi. Nhưng người nghèo lại cần được giúp đỡ hơn lúc nào hết. Là thành viên Gia đình Vinh Sơn, liệu chúng ta có sẵn lòng tiếp tục quảng đại với người nghèo?

c. Cầu nguyện. Đức Giáo hoàng Phanxicô và nhiều vị lãnh đạo tinh thần khác đang mời gọi chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân, và cho việc sớm chấm dứt cơn đại dịch. Nhiều lời nguyện hay đã được biên soạn. Bên cạnh những lời nguyện đó, tôi xin viết ra lời dạy sau của thánh Vinh Sơn: “Chính Chúa đã phán: ‘Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm’ (Hc 35,17). Những mũi tên tình yêu đó rất đẹp lòng Chúa; và cũng đã được các Đức Giáo hoàng hiểu rõ quan trọng như thế nào và hết sức khuyến khích chúng ta. Thưa anh chị em, đó cũng là điều tôi muốn nhắn nhủ anh chị em” (CCD, 9:32).

 
 
 

 

[1] Pierre Coste, C.M., Vincent de Paul: Correspondence, Conferences, Documents, and translated by Jacqueline Kilar, D.C., Marie Poole, D.C., et. al., 14 vols. (New York: New City Press, 1985–2014)
 

Robert Maloney, CM
P. Phạm Quang Hoàng, CM 
chuyển ngữ
Nguồn: Vinhson.net

 

Nguồn tin: www.hdgmvietnam.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây