Giáo xứ Vinh Hương

https://gxvinhhuong.net


Tuần Thánh yêu thương


Khi một ai đó sắp đi xa hay phải chia cách người thân mà họ thương mến, họ sẽ thường nói cho nhau nghe những lời tâm huyết tự đáy lòng mình. Một đàng để đối phương hiểu ra tất cả những công việc trước đây họ đã làm. Đàng khác, người mà họ thương mến sẽ biết cách sống tốt hơn khi không còn có họ ở bên. Tương tự, trong những ngày này, Giáo Hội dành thời gian để suy niệm về cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giê-su. Đặc biệt là trong tuần thánh được bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá và kết thúc vào Chúa Nhật Phục Sinh. Hòa trong tâm tình ấy, một vài suy gẫm về những lời nhắn nhủ của Đức Giê-su với các môn đệ trong bữa tiệc ly sẽ thật là ý nghĩa.

Đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan 15, 12-17 là một đoạn nằm trong diễn từ chia ly của Đức Giê-su với các môn đệ. Nơi đó, người ta sẽ bắt gặp những lời tâm huyết mà Đức Giê-su dành cho các môn đệ thân tín của mình.

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

Đoạn trích trên được mở đầu và kết thúc với câu nói của Chúa Giê-su rằng anh em hãy yêu thương nhau. Nếu câu nói này chỉ ngắn gọn và đơn giản thế thôi, thì thiết nghĩ sẽ có nhiều cách hiểu và cách thực hành yêu thương khác nhau. Bởi lẽ, ‘yêu thương’ là một từ khá trừu tượng. Nhiều người sẽ cho rằng yêu thương là phải cho roi cho vọt, là phải cư xử cứng rắn, là phải nghiêm khắc với người mình yêu. Thậm chí, đó là thẳng thắn phê bình những khuyết điểm để người mình yêu thương có thể nhận ra mà sửa đổi. Trái lại, một số người khác cho rằng yêu thương là nên có những lời nói ngọt ngào có tính chất động viên nâng đỡ và khích lệ nhau. Yêu thương là giúp người mình yêu có động lực cảm thấy mạnh mẽ và vượt qua mọi khó khăn. Yêu thương là dành những phần tốt nhất cho người mình yêu.

Vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở một lệnh truyền của Chúa Giê-su rằng anh em hãy yêu thương nhau, thì một cuộc tranh luận sẽ xảy ra và kéo dài mãi mà không có hồi kết. Vì mỗi người đều có cho riêng mình những quan điểm khác nhau về tình yêu. Nhưng may mắn thay, trong câu nói ấy còn có một điểm quy chiếu chung là Đức Giê-su – “yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em”. Vậy, thế nào là yêu thương như Chúa Giê-su đã yêu?

Thứ nhất, Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống của Ngài vì chúng ta. ‘Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình’. Như vậy, trong tình yêu phải có sự hy sinh. Tình yêu nào không có sự hy sinh, tình yêu đó chưa trọn vẹn. Hy sinh làm cho tình yêu trở nên cao cả và có giá trị hơn. Thế nhưng, điều quan trọng là hy sinh điều gì? Quá rõ, hy sinh mạng sống. Vì không ai có thể cho hoặc hy sinh những điều mà bản thân mình không có. Và mạng sống chính là điều mà mỗi người đều sở hữu. Triết gia Parmenides đã từng nói rằng “Hữu là có, Vô là không” do đó, khi ai đó được hiện diện trên cõi đời này đã là một ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho rồi. Vì thế, đừng quá bận tâm đến việc tôi là ai. Tôi có những gì. Tôi như thế nào và sẽ ra sao. Tất cả những điều ấy đều là những điều đến sau. Điều quan trọng nhất vẫn là tôi được hiện hữu. Chẳng ngạc nhiên gì khi trong bài chiêm niệm để đạt được tình yêu, thánh I-nhã mời gọi người thao viên suy ngắm về ơn tạo dựng. Vì ngài muốn mỗi người nhận ra điều quý giá nhất mà Thiên Chúa đã trao ban cho mỗi người – ấy chính là mạng sống.

Đức Giê-su đã không nói suông và dạy người môn đệ những gì vượt quá sức của họ. Ngài đã nhận món quà quý giá là mạng sống từ nơi Chúa Cha, và đã trao ban nó cho chúng ta trên cây thập giá. Thực vậy, trên thập giá Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống của mình một cách trọn vẹn nhất trong một ý nghĩa tuyệt đối nhất. Ngài đã dành cả đời của mình để rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân và đã hy sinh đến giọt máu và nước cuối cùng trên cây thập tự. Vì thế, hy sinh mạng sống và dành cả đời mình để người khác được hạnh phúc là sự hy sinh cao cả nhất của tình yêu.

Thứ đến, Chúa Giê-su đến với chúng ta như một người bạn thân. ‘Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu’. Địa vị giữa Thiên Chúa và con người quá cách biệt. Thiên Chúa thì cao sang, con người lại thấp hèn; Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, con người chỉ là bụi tro. Thế nhưng, khoảng cách ấy đã được xóa bỏ từ khi Chúa Giê-su xuống thế làm người. Con người diễm phúc được gọi Thiên Chúa là Cha, và được làm bạn đường với Đức Giê-su. Vì vậy, trong tình yêu không có sự phân biệt. Khi mọi địa vị trong xã hội được xóa bỏ, không còn phân biệt chủ tớ, sang hèn, kẻ trên người dưới, trình độ văn hóa, màu da, thì một tình yêu thực sự đã được bắt đầu.

Cuối cùng, Chúa Giê-su hoàn toàn tin tưởng chúng ta. ‘Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết’. Trong tình yêu phải có sự tin tưởng. Đây là điều kiện tiên quyết cho một tình yêu thực sự. Người ta không thể yêu nhau mà không có sự tin tưởng lẫn nhau. Thời buổi hiện nay, sự tin tưởng đang ngày càng phai nhạt. Người ta không dễ dàng để tin vào bất kỳ người nào. Do đó, làm sao có thể sống yêu thương khi sự nghi ngờ còn ngự trị trong lòng. Chỉ khi nào người ta biết xóa bỏ định kiến, biết mở lòng để đi vào mối tương quan độc nhất của từng cá nhân, lúc đó những gì là sâu thẳm nhất, riêng tư nhất sẽ được bộc lộ. Mối tương quan này chỉ có nơi những người yêu nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em và trong những tình bạn thân thiết. Vì vậy, tình yêu thiếu sự tin tưởng thì vô nghĩa.

Tuần thánh là thời gian quý giá mà Giáo Hội dành cho mỗi người suy ngẫm về cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giê-su. Ước mong sao khi nhìn lên thánh giá, người ta lại một lần nữa nhận ra đó chính là đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa. Và đối tượng của tình yêu ấy không ai khác đó chính là từng người trong chúng ta.

Đaminh. Hoàng Quốc Dũng, S.J.

Học viên Triết II – Học viện Dòng Tên

Nguồn tin: www.dongten.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây