Giáo xứ Vinh Hương

https://gxvinhhuong.net


Tuổi trẻ trong vòng vây của cơn cám dỗ


Nhiều người cho rằng chưa bao giờ giới trẻ lại dễ bị cám dỗ như thời tục hóa và thế giới Internet hôm nay. Nơi đó, không khác gì trong bối cảnh con rắn đến cám dỗ bà E-và, mẹ chúng sinh. Đôi khi người trẻ kiệt quệ trong vòng vây tội lỗi ấy mà chẳng thể thoát ra! Giáo Hội cũng đang cố gắng hết sức để giúp người trẻ thoát ra khỏi vũng lầy ấy. Hơn nữa, chính Thiên Chúa cũng mong muốn đồng hành với người trẻ trong mọi cảnh huống khó khăn của phận người. Tiếc là số người trẻ lạnh nhạt với tôn giáo, xa lạ với Thiên Chúa có phần gia tăng. Tuy nhiên, không vì thế mà người trẻ đầu hàng trước những cơn cám dỗ như vũ bão của thế lực quỷ ma.

Sở dĩ người trẻ, hay nói đúng hơn, con người luôn có nguy cơ phạm tội là vì chúng ta bị lây nhiễm một tội từ thuở ông bà nguyên tổ: Tội tổ tông. Nhiều bạn có lý khi lập luận rằng, tại sao chúng ta sống trong thế kỷ 21 rồi mà phải chịu hậu quả của lần phạm tội của ông A-đam và bà E-và. Thực ra, Giáo Hội nói “Tội Tổ tông truyền, không có ý nói đến tội của cá nhân nhưng muốn đề cập đến tình trạng thê thảm mà mỗi người khi vừa được sinh ra thì đã vướng mắc rồi.” Đó là thân phận mỏng dòn của kiếp người. Đó là một sự thật khách quan, dù có muốn, người trẻ cũng chẳng thể thoát ra được. Ngược lại, chúng ta lưu ý đến một chi tiết sau khi ông bà phạm tội, Thiên Chúa không ruồng bỏ con người, nhưng hứa ban một Đấng Cứu Thế cho con người. Trong chiều hướng này, lời phụng vụ đêm Phục sinh vang lên: “Tội tổ tông là tội hồng phúc”, vì tội ấy đã đem lại Đấng cứu độ cho con người.

Tuy nhiên, là những người con trong dòng giống mắc tội tổ tông, chúng ta hoàn toàn không bị bắt buộc phạm tội. Chịu phép rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa tảy rửa mọi vết nhơ của tội tổ tông. Từ đó chúng ta nên con người mới trong Đức Kitô. Điều chớ trêu là chúng ta cứ vẫn nghiêng chiều về tội, và vẫn phạm tội như thường! Hình như người trẻ “nghiền” phạm tội, dẫu biết điều ấy chẳng hay ho tốt lành gì! Hoặc nói đúng hơn, chính thánh Phaolô trải nghiệm sức lôi quấn của tội mạnh hơn người ta tưởng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rom7, 19). Dù trong thân phận ấy, Thiên Chúa vẫn không lầm khi tạo dựng nên chúng ta. Đúng như lời nhạc của Lm. Kim Long: “Chúa không lầm, khi Ngài dựng nên con. Dù lời Ngài con không giữ trọn. Vì Chúa đã biết từ ngàn xưa: Rằng thân con bởi tro bụi. Và được cưu mang trong tội lỗi.”

Dĩ nhiên chúng ta đã biết: “Tội là hoàn toàn từ bỏ Thiên Chúa, từ chối không đón nhận Tình yêu Thiên Chúa, khinh thường không giữ giới răn của Thiên Chúa.” Chúng ta thấy tội lỗi không có chỗ cho tình yêu. Ai trong chúng ta cũng cảm nhận được sức nặng nền của lỗi tội. Là tội nhân, thật khó để yêu mến chính mình và tha nhân. Vì xa cách Thiên Chúa, dù là người trẻ, chúng ta cũng thấy mình mất đi sức sống, ngọn lửa hy vọng cũng dường như lụi tàn. Đó là hậu quả của một đứa con xa Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa luôn là người Cha Nhân Hậu luôn chờ người con lầm lỡ ấy quay về. (Lc15,1-32).

Thiên Chúa không chỉ kiên nhẫn đợi chờ, chính Người đã chủ động kéo con người ra khỏi vòng vây của cơn dám dỗ. Bằng cách nào? Trong đêm Giáng Sinh năm xưa, Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại Con Một của Người là Đấng cứu rỗi, Đấng chuộc tội. Chính Người cứu chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi. Như thế nào? Thánh Bernard tóm tắt câu chuyện cứu độ ấy cho các bạn trẻ khi nói rằng: “Khi bàn tay Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá, Người đã đóng đinh cả tội lỗi ta vào thập giá nữa.” Như vậy, dù có ở trong vòng vây của biết bao cơn cám dỗ, người trẻ một khi bám vào thập giá, bám vào tay Thầy Giêsu, chắc chắn Ma Quỷ sẽ thất bại và bỏ đi.

Để được như thế, người trẻ muốn bắt chước vị thánh trẻ Đaminh Saviô trong bốn lời cam kết: 

1/ Tôi sẽ siêng năng xưng tội và rước lễ .

2/ Tôi sẽ thánh hoá các ngày lễ trọng.

3/ Chúa Giêsu và Mẹ Maria là những người bạn thân nhất của tôi.

4/ Tôi thà chết chứ không phạm tội.

Đó là những cách tuyệt vời mà thánh nhân đã chia sẻ với chúng ta để lướt thắng cơn cám dỗ. Ngoài ra nhiều người nói rằng Ma Quỷ hay cơn cám dỗ cũng giống như con chó dữ vậy. Nếu chúng ta sợ nó, nó sẽ tấn công ta; ngược lại, nếu ta chống trả nó bằng những vũ khí hữu hiệu, nó sẽ cao chạy xa bay. Thực vậy, có lần trên kênh truyền hình Công Giáo TV 2000, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết: “Chẳng có điều gì thuyết phục tôi để phải đối thoại với Satan cả!” Sau đó ngài đưa ra lý do vì Satan thông minh hơn chúng ta nhiều. Nếu chúng ta bắt đầu đối thoại với nó, nó sẽ quay chúng ta vòng vòng và sau cùng là chúng ta lạc hướng. Bản chất của Satan là dối trá lừa bịp chúng ta, thậm chí với cả giám mục và linh mục nữa. Ngược lại khi chúng ta cương quyết đuổi nó đi, chúng ta sẽ chiến thắng.

Chúng ta cầu nguyện cho nhau để mỗi người thấy mình yêu đuối mà biết bám víu vào Thiên Chúa, vào tha nhân. Xin đừng thất vọng khi bạn đang sống trong tội lỗi, nhưng trên hết, với tinh thần người trẻ, hy vọng chúng ta lấy lại hy vọng để dám bước ra khỏi tình trạng tội lỗi ấy và đứng lên trở về cùng Thiên Chúa là Đấng luôn thương xót và chữa lành.  

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nguồn tin: www.dongten.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây