Giáo xứ Vinh Hương

Người yêu thương họ đến cùng

Thứ tư - 04/04/2012 21:04

Người yêu thương họ đến cùng

- “Các con cũng hãy rửa chân cho nhau. Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”

Chúa Giêsu biết đã đến giờ phải từ bỏ thế gian, Người vẫn yêu những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ cho đến cùng (Ga 13,1). Đây là phần mở đầu cho một câu chuyện, nó làm ta liên tưởng đến ‘bí kíp tông truyền’ mà nhân vật Hoắc Nguyên Giáp đã học được khi trở thành thành viên của môn phái Hoắc Gia Quyền, chiêu thức nầy được vẽ ở những trang cuối cùng – chỉ truyền lại cho người kế nghiệp - đọc xong phải quên và luyện trong phòng tối – chỉ dùng khi cần kíp… (Phim được VTV3 trình chiếu, vừa kết thúc).
 
Bối cảnh lịch sử Trung Quốc thời ấy rất nhiễu nhương: không có sự thống nhất giữa các môn phái võ thuật nên bị sự quấy nhiễu của những thế lực nước ngoài như Nhật Bản và Liên Xô. Võ thuật Trung Quốc không mạnh lên được vì không ai phục quyền ai, hằng năm vẫn có những cuộc tỷ thí võ thuật để dành cho được danh hiệu chính tông, và liên miên những cuộc trả thù, ai cũng dấu biệt những bửu bối của môn võ mình để thủ thân, nhiều cao thủ đã mai danh ẩn tích vì không muốn chứng kiến những cảnh tương tàn. Hoắc Nguyên Giáp (nhân vật chính và cũng là tên bộ phim) đã học được một số bí kíp với một sư phụ bí ẩn nào đó và càng xuất chúng hơn khi tiếp thu thêm 3 độc chiêu của Hoắc Gia Quyền. Mộng ước cuộc đời của Giáp là làm vẻ vang đất nước bằng phát triển võ thuật, khuyến khích các môn phái truyền bá tinh túy của mình càng nhiều càng tốt, đừng giết hại đồng bào mình – tốt hơn là nên chứng tỏ sức mạnh của đất nước mình khiến ngoại xâm phải nể phục.
 
Ngày thứ năm Tuần Thánh xảy ra nhiều sự kiện ‘mầu nhiệm’ mà trí óc con người phải nghiền ngẫm suy tôn và Thánh linh không ngừng soi sáng để mãi mãi con người phải cảm mến: Chúa lập bí tích Thánh Thể, Chúa thiết lập chức linh mục, Chúa rửa chân cho các môn đệ, những câu chuyện trăn trối khi dùng tiệc, Chúa cầu nguyện và bị bắt trong vườn tiệc ly, các môn đệ bỏ trốn… Đúng là quá nhiều đề tài để ta suy gẫm trong giờ canh thức. Nhưng đọc kỹ lại Tin Mừng Thánh Gioan 13,1-15 ta nhận ra ‘việc Chúa rửa chân cho các môn đệ với lời căn dặn anh em cũng hãy rửa chân cho nhau’ mới là món bửu bối vậy.
 
Hành động quỳ xuống rửa chân cho từng người môn đệ đã làm cho các ông bối rối vì nó vượt quá sự tưởng tượng của con người. Bàn chân là chỗ thấp nhất của cơ thể và là chỗ dễ bẩn nhất, việc rửa chân cho khách là một hành động tôn kính và chỉ dành cho người giúp việc trong nhà, muốn rửa chân cho ai thì phải quỳ xuống mới rửa được… Ấy vậy mà Chúa Giêsu đã đổ nước vào thau, rửa chân trước hết cho ông Phêrô và các môn đệ khác, lấy thắt lưng mà lau: Chúa làm rất cẩn thật và thật tình chứ không phải chiếu lệ, tượng trưng.
 
“Các con cũng hãy rửa chân cho nhau. Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” muôn đời phải là bửu bối cho Giáo hội. Những lúc nhân loại càng chạy theo đàng tội, đời sống luân lý bị tụt dốc, đạo Chúa bị tẩy chay tại nhiều nơi trên thế giới, việc truyền giáo đình trệ, giá trị gia đình bị lung lay, ơn gọi tu trì sút giảm… hãy đem bửu bối Chúa để lại hôm nao ra mà dùng thì chắc chắn linh nghiệm không ngờ! Nếu trong cuộc sống, mỗi người biết hạ mình xuống và biết nhìn thấy Chúa Giêsu trá hình trong anh em, thì chắc chắn ‘hữu xạ tự nhiên hương’: khuôn mặt vui tươi thánh thiện của Giáo hội sẽ cuốn hút muôn vàn ong và bướm đến với mình.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: các con

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây