Giáo xứ Vinh Hương

Đức Kitô Phục Sinh - Tín điều căn bản của Kitô giáo

Chủ nhật - 12/04/2020 00:15


Phải công nhận rằng một người chết sống lại không phải là điều dễ chấp nhận. Đối với Ric-hard Dawkins, một trong những nhà khoa học vô thần nhất, nếu sự sống lại của Chúa Giêsu là thật thì việc đó cũng xảy ra với những người khác. Ông dựa vào nguyên lý rằng mọi thứ xảy ra phải có khả năng lặp lại chính nó một cách thường xuyên và tự nhiên. Tuy nhiên, vì ngày nay chúng ta không thấy sự sống lại thật sự thì nguyên lý của sự phục sinh đối với ông là bất khả. Logic của ông có vẻ mạch lạc khi chúng ta biết rằng ông đã loại trừ khả năng "Thiên Chúa" từ lập luận của mình.
 
Các Kitô hữu tiên khởi có phải là những người cả tin?
 
Ý kiến phổ biến là các Kitô hữu tiên khởi đều có tâm hồn đơn sơ, sẵn sàng tin mọi thứ người ta nói với họ. Người đọc Tin Mừng nhận ra điều ngược lại: Chẳng hạn họ phát hiện ra rằng Chúa Giêsu đã trách môn đệ Ngài cứng tin. Người ta cũng biết các môn đệ không muốn tin mấy phụ nữ nói đã nhìn thấy Chúa Giêsu phục sinh, chính vì họ là phụ nữ. Người ta chỉ ghi nhận không lâu sau đó rằng các môn đệ đã "kinh hồn bạt vía" và tưởng là ma khi Chúa Giêsu hiện ra với họ sau khi Ngài chết.
 
Thật vậy, rất khó để họ tin vào sự phục sinh của Ngài. Họ cũng nhận thức được rằng đó không phải là lẽ tự nhiên.
 
Những lý do xác đáng để tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu
 
Các nhân chứng
 
Nhiều người nhìn thấy Chúa Giêsu sau khi qua đời. Một số người nói rằng lời chứng không đáng tin cậy, hoặc các bản văn đã bị Kitô hữu tiên khởi "làm giả". Nhưng nếu vậy thì họ đã chọn nhân chứng giả tốt hơn các phụ nữ. Thật vậy, trong văn hoá thời đó, phụ nữ không được pháp luật tôn trọng và chứng ngôn của họ chẳng có giá trị gì. Nếu các Kitô hữu muốn tạo chứng ngôn giả thì họ đã chọn những chứng nhân tin cậy hơn. Vả lại, chúng ta không có lý do chính đáng để nghi ngờ tính chân thực của các chứng từ trong bản văn Tin Mừng. Điều này tất nhiên làm tăng thêm vấn nạn về độ tin cậy của các bản văn, nhưng đó là vấn đề khác...
 
Sự phục sinh đã biến đổi sâu sắc các môn đệ
 
Kitô hữu tiên khởi đã đi từ sợ hãi đến mạnh dạn, như chúng ta thấy nơi Phêrô, một người chối Chúa trở thành người đầu tiên công khai tuyên bố sự sống lại của Chúa.
 
Làm sao chúng ta có thể tin được sự bùng nổ của Kitô giáo trong đế chế La Mã mà không có sự phục sinh của Chúa Giêsu? Chẳng lẽ không phải do giá trị đặc thù của đời sống các Kitô hữu tiên khởi là họ đã tuyên xưng Chúa Giêsu trong toàn đế chế? Sự can đảm căn bản này không thể hiểu được nếu không có biến cố phục sinh.
 
Vẫn đang biến đổi cuộc sống hiện nay
 
Trước khi rời các môn đệ, Chúa Giêsu đã hứa về sự xuất hiện của Thánh Linh, nói cách khác là "một bản thể khác của chính Ngài". Khi các tín hữu ngày nay dành trọn đời mình cho sự hiện diện của Chúa Giêsu, sự hiện diện đó biến đổi họ và làm triển nở trong họ tình yêu, niềm vui, an bình, nhẫn nại... theo gương Ngài. Chính nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh mà sức mạnh của tình yêu và sự biến đổi là khả dĩ.
 
Chúa Giêsu đã báo trước
 
Hầu như mỗi lần tiết lộ về cái chết của mình cho các môn đệ, Chúa Giêsu luôn hứa với họ là sẽ trở lại. Thêm nữa, các Kitô hữu tiên khởi phát hiện ra sự phục sinh của Đấng Thiên Sai đã được tiên báo trong phần đầu của Kinh Thánh, rất lâu trước khi Ngài được sinh ra. Do đó, Kinh Thánh có sự thống nhất khi khẳng định Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Chắc chắn là sự phục sinh của Chúa là một trong những điều khó chấp nhận nhất nhưng lại là điều căn bản nhất của đức tin. Nó cho phép tín hữu biết mình tin vào ai.
 
Đối thoại với người điếc
 
Ngay từ đầu Tin Mừng, chúng ta chứng kiến cuộc đối thoại tuyệt vời này.
 
Chúa Giêsu: "Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, và trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại".
 
Các lãnh đạo tôn giáo: "Đền thờ  này phải mất 46 năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông  xây lại được sao?"
 
Tác giả Tin Mừng nhận xét: "Khi Chúa Giêsu nói về ngôi đền, là Ngài nói về chính thân thể mình. Vì thế, khi Chúa từ cõi chết chỗi dậy, các môn đệ mới nhớ lại rằng Thầy đã nói điều đó. Từ đó, họ tin vào Kinh Thánh và những lời Chúa Giêsu nói" (Ga 2,19-21).
 
"Nếu Đức Kitô không sống lại thì niềm tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của mình" (1Cr 15,14-17). 
 
Tông đồ Phaolô cho biết thêm rằng lời rao giảng của ông cũng trống rỗng nếu Đức Kitô không sống lại. Với ông, nếu không có sự phục sinh lịch sử và xác thể của Chúa Giêsu thì không có phục sinh cho tín hữu. Trong trường hợp này, Đức Kitô không phải là Thiên Chúa làm người.
 

Tác giả bài viết: Huuchanh (chuyển ý từ "Est-il possible de croire en la résurrection?", Yannick Imbert, croirepublications.com)

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây