Giáo xứ Vinh Hương

Trong gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa

Thứ bảy - 20/03/2021 19:54
Niềm vui sống sắp hết hơi, sự an toàn của chúng ta đang sụp đổ, một số thử thách thậm chí có thể nghiền nát chúng ta...

Quá nhiều khó khăn, lo lắng và đau khổ, rồi cuối cùng làm suy yếu niềm tin vào cuộc đời, vào tha nhân và Thiên Chúa. Niềm vui sống sắp hết hơi, sự an toàn của chúng ta đang sụp đổ, một số thử thách thậm chí có thể nghiền nát chúng ta... Làm sao để tái định hướng và giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa? Kitô hữu tin rằng trong đau khổ, sức mạnh của mình trước hết đến từ Thiên Chúa. Một Thiên Chúa chiến đấu với con người và vì con người.

Như một đứa trẻ cầu xin cha mẹ mình, như một người cậy nhờ người bạn trung thành, ki-tô-hữu không ngần ngại đặt gánh nặng khổ đau của mình dưới chân Chúa Giêsu bằng lời cầu nguyện. Chúng ta kêu cầu Thiên Chúa như trong thánh vịnh: "Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa!", và chắc chắn Chúa đã nghe… "Chúa đáp lời và giải thoát tôi!" (Tv 118,5). Trong Tân Ước, tác giả Tin Mừng Matthêu thuật lại rằng khi đi qua các thị trấn và làng mạc, Chúa Giêsu "chạnh lòng thương đám đông và chữa lành bệnh tật cho họ" (Mt 14,14). Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu, vì lòng thương xót, không thể không xúc động khi chứng kiến những đau khổ của nhân loại. Trắc ẩn trước những khó khăn của chúng ta là phản ứng đầu tiên của Ngài.
 
Vượt qua đau khổ với Chúa Giêsu
 
Chúa Giêsu mời gọi nhìn vào cuộc khổ nạn của chính Ngài để hướng đến một cách sống. Vì vậy, hãy nhìn xem Ngài đối mặt với đau khổ như thế nào để hiểu Thiên Chúa là ai và học biết nhờ vào sức mạnh của tình yêu để vượt qua những khó khăn lớn nhỏ trong cuộc sống. Nỗi khổ nhục của Chúa Giêsu lên đến đỉnh điểm trên Thập Tự Giá bởi lẽ Ngài chấp nhận gánh chịu mọi khổ đau của nhân loại cho đến chết. Đây là cách Ngài bày tỏ và thể hiện tình yêu điên rồ của Thiên Chúa dành cho loài người. Nhưng tất cả không dừng lại đó...
 
Thật vậy, qua biến cố phục sinh, Chúa Giêsu chứng nghiệm tình yêu của Thiên Chúa có thể tái sinh, có thể phục hồi từ sự chết và từ mọi khổ đau. Điều này có nghĩa là những khó khăn đau khổ, những yếu đuối mỏng giòn của chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái nếu tín thác vào Chúa là sức mạnh của chúng ta! Ngài chiến đấu với chúng ta, trong chúng ta và vì chúng ta... Và như vậy "khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ", thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Côrintô (2Cr 12,10).
 
"Phúc cho những ai chịu đau khổ vì họ sẽ được ủi an!" (Mt 5,5)
 
Chúa Giêsu Phục Sinh là giải đáp cho khổ nạn đã trải qua và tiên báo một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ dứt khoát chiến thắng sự dữ và sự chết, nếu chúng ta hoàn toàn dự phần vào đó. Nhưng "cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo đang rên xiết quằn quại như sắp sinh nở" (Rm 8,22). Chúng ta vẫn đang trong thời kỳ trông đợi và tín trung phó thác nơi Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta có được niềm vui. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi gặp đau khổ! Vì, ngày nay Chúa Giêsu không loại trừ sự chết, khổ đau hay nước mắt, nhưng Ngài an ủi và làm triển nở những hạt mầm phục sinh mà chính chúng ta phải nhận ra từ trong đời thường: một lời an ủi, một cử chỉ đỡ nâng...
 
Mỗi khó khăn chúng ta gặp phải trong hiện tại là một lời mời gọi bén rễ sâu hơn trong Chúa. Chắc chắn rằng với Ngài, sự dữ sẽ không bao giờ có tiếng nói cuối cùng.

 

Tác giả bài viết: Huuchanh - Theo "Peut-on faire confiance à Jésus dans les difficultés?", Véronique Westerloppe (jesus.catholique.fr)

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây