Giáo xứ Vinh Hương

Đức Thượng phụ Giêrusalem than phiền các tôn giáo thiếu lên tiếng vì hòa bình ở Gaza

Thứ sáu - 03/05/2024 20:35
ĐHY Pierbattista Pizzaballa
ĐHY Pierbattista Pizzaballa

Ngày 2/5/2024, phát biểu tại một hội nghị về phát triển các thực hành mục vụ vì hòa bình do Đại học Giáo hoàng Latêranô ở Roma tổ chức, Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ Công giáo Latinh Giêrusalem, than phiền rằng tiếng nói mang tính ngôn sứ của các nhà lãnh đạo tôn giáo nỗ lực thúc đẩy hòa bình và hòa giải ở Thánh Địa phần lớn đã vắng bóng khi cuộc chiến ở Gaza tiếp tục diễn ra.

 

Đức Hồng y nói: “Trừ một số ngoại lệ, không có bài phát biểu, suy tư, cầu nguyện nào được nghe từ các nhà lãnh đạo tôn giáo khác hơn từ bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị hoặc xã hội nào khác”.

Giáo hội Công giáo Thánh Địa dấn thân trên đường đối thoại và gặp gỡ

Theo ngài, khi các nhà lãnh đạo tôn giáo thảo luận về cuộc chiến ở Gaza, “người ta có ấn tượng rằng mọi người chỉ bày tỏ suy nghĩ theo quan điểm của cộng đồng của họ”, trong khi Giáo hội Công giáo ở Thánh Địa “được mời gọi trở thành một con đường rộng mở trên đó nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ nhường chỗ cho hiểu biết, gặp gỡ và tin tưởng, trong đó sự khác biệt là cơ hội cho tình bạn và sự cộng tác chứ không phải là cái cớ để gây chiến”.

Thượng Phụ Giêrusalem khẳng định rằng trong khi thất bại, bạo lực và từ chối đối thoại dường như là những lựa chọn duy nhất đối với người dân ở Thánh Địa, thì cộng đồng Kitô giáo “sẽ tiếp tục khẳng định con đường gặp gỡ và tôn trọng lẫn nhau là con đường duy nhất có khả năng dẫn tới hòa bình”. Ngài nói: “Lời ngôn sứ của chúng tôi sẽ là chứng tá hàng ngày của chúng tôi”, thông qua những cử chỉ rõ ràng ủng hộ hòa bình và tố cáo bạo lực, mà không để tôn giáo bị biến thành một “tác nhân chính trị”.

Giáo hội cần lên tiếng một cách thẳng thắn

Đức Hồng Y Pizzaballa nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Giáo hội tại Thánh Địa không thể chỉ giới hạn ở việc thực hiện các cuộc rước kiệu hoặc chỉ phục vụ bác ái cho những người nghèo nhất nhưng cũng là lên tiếng một cách thẳng thắn. Theo ngài, trong khi Giáo hội thường được yêu cầu đứng về phía nào trong cuộc xung đột, sự hiện diện của Giáo hội ở Thánh Địa “không có nghĩa là trở thành một phần của cuộc xung đột nhưng phải luôn dẫn đến lời nói và hành động thay mặt cho những người đau khổ” chứ không hoàn toàn là “lên án người khác”.

Đức Hồng y nói rằng giáo hội ở Thánh Địa phải vẫn là một cộng đồng đức tin “không tách rời khỏi thực tế”, nhưng là một cộng đồng “luôn sẵn sàng tham gia với bất kỳ ai để xây dựng hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các bối cảnh giúp xây dựng những quan điểm chính trị trong khi vẫn là chính mình, mà không tham gia vào các động lực chính trị vốn không thuộc về Giáo hội và về bản chất thường xa lạ với logic của Tin Mừng”.

Hồng Thủy - Vatican News

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây