Với tầm nhìn vươn đến một cộng đồng huynh đệ phát triển bền vững, Ban tông đồ xã hội Dòng Tên đã triển khai dự án nước sạch trong 5 năm qua trên khắp cả nước, nhưng chủ yếu là tại khu vực miền Trung
Chia sẻ về dự án nước sạch, cha Phêrô Trương Văn Phúc, SJ, Trưởng ban Tông đồ Xã hội Dòng Tên, cho biết: “Dự án nước sạch là một trong những dự án ưu tiên của ban Tông đồ Xã hội Dòng Tên. Nó không chỉ cung cấp nước uống mà còn cung cấp nguồn nước sạch cho dân sinh hoạt. Các trạm nước lọc có công suất 1000 lít/1h, có thể phục vụ khoảng 10 năm cho một cộng đồng từ 1000 đến 2000 dân”.
Nơi dự án bắt đầu
Nói về lí do dự án ra đời, cha Phêrô không ngần ngại chia sẻ: “Dự án ra đời từ nhu cầu nước sạch của bà con, nhưng có thể kể đến một số nguyên nhân chính sâu xa như sau. Trước hết là do khủng hoảng nước sạch, bởi vì sau một thời gian dài phát triển nông nghiệp, việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học đã gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp như Fomosa xả nước thải vào biển khiến tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng. Ngoài ra, tình trạng nhiễm phèn, nhiễm mặn của dải đất miền Trung vào mùa khô lại càng khiến cho cuộc sống người dân thêm khó khăn”.
Giữa bối cảnh nguồn nước bị ô nhiễm như vậy, người dân rất dễ mắc các loại bệnh, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo như ung thư. Bác Hoàng Ngọc Tâm thuộc giáo họ Cồn Cát, giáo xứ Lạc Sơn, giáo phận Hà Tĩnh cho biết: “Vùng này cái bệnh ung thư bắt đầu phát triển và tràn lan rồi. Những địa bàn xung quanh đây cũng đã có 5 -7 trường hợp gặp bệnh hiểm nghèo”.
Chính vì nguồn nước sạch khan hiếm, cho nên người dân ở đây phải trả chi phí nhiều hơn cho việc mua nước. Một bình nước 21 lít có giá dao động từ 12 – 18 nghìn. Với mức thu nhập lao động từ 100 – 200 ngàn/ngày, người dân ở đây đang phải tốn khá nhiều tiền để mua nước.
Được biết, chi phí lắp đặt một trạm nước vào khoảng 100 triệu đồng. Nguồn kinh phí này đang được thực hiện theo công thức 4 – 3 – 3. Nghĩa là ban Tông Đồ Xã hội Dòng Tên chịu trách nhiệm huy động 40% kinh phí. Ban Caritas giáo phận hỗ trợ 30%, phần còn lại khoảng 30% sẽ do địa phương (giáo xứ thụ hưởng) chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, công thức này sẽ linh động tuỳ theo điều kiện kinh tế của từng giáo xứ. Tính tới thời điểm hiện tại, dự án đã lắp đặt được 120 trạm nước cho các vùng nông thôn khác nhau trên cả nước.
Cánh cửa rộng mở cho mọi người
Giáo họ Kim Long thuộc giáo xứ Tràng Đình, giáo phận Hà Tĩnh là một trong những nơi mới được lắp đặt trạm nước. Anh Trần Văn Huy, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo họ Kim Long cho biết: “Trạm nước này hoàn toàn miễn phí cho bà con. Ai muốn lấy nước thì lấy. Mỗi ngày có khoảng 15 – 20 người đến lấy nước. Khi trạm nước vận hành ổn định rồi, giáo xứ dự tính đặt cái hộp để bà con đóng góp tiền điện với giáo xứ. Coi như một cách liên đới trách nhiệm với nhau”.
Tuy dự án nước sạch được lắp đặt tại các giáo xứ, nhưng cánh cửa được mở rộng cho tất cả mọi người, không phân biệt lương giáo. Người dân cho biết, trước đây, lương dân xa lạ với nhà thờ lắm, nhất là với người không cùng niềm tin tôn giáo hay đạo Công giáo. Nhưng qua những lần lấy nước, họ thấy nhà thờ thân quen, thấy người có đạo sống chan hoà. Từ đó, đôi mắt họ nhìn người Công giáo thiện cảm hơn rất nhiều.
Chị Phạm Thị Yến không phải là người Công giáo, nhưng thời gian gần đây chị thường xuyên đến giáo xứ Lạc Sơn lấy nước. Trước kia, chị thường mua nước từ các xe chở nước ở bên ngoài vào bán. Nhưng từ khi nghe tin giáo xứ có máy lọc nước, chị bắt đầu chuyển qua lấy nước ở đây. Mỗi lần chị lấy 5 bình 21 lít, dùng được khoảng 2 đến 3 ngày. Khi hết, chị lại đến lấy tiếp. Mỗi bình, chị ủng hộ cho giáo xứ 5 nghìn đồng. Chị Yến cho biết: “Nước uống ngọt, nấu nước chè xanh là chè xanh, mà nấu cơm thì cơm trắng. Nói chung gia đình chị sử dụng nước này thì yên tâm nhiều hơn. Chị lên đây lấy nước, vừa có nước ăn này, vừa ủng hộ giáo xứ tiền điện á (cười)”.
Cũng như chị Yến, anh Nguyễn Đức Trị không phải là giáo dân giáo xứ Ngô Xá, nhưng anh thích tới lấy nước tại nhà xứ. Anh nói rằng: “Thích nhất là nguồn nước và máy nước lọc của cha rất là sạch sẽ và ngon, đảm bảo cho người tiêu dùng”. Mỗi ngày anh Trị lấy 3 bình để dùng cho việc ăn uống, nấu nướng trong gia đình. Anh cho biết thêm: “Có những người cách đây cả 10km cũng đến lấy nước. Mặc dù xa, tốn tiền xăng, nhưng họ vẫn đến lấy nước vì nước của cha đảm bảo sức khoẻ”.
Giọt nước tỏ lộ khuôn mặt phục vụ
Đi nghiệm thu giữa cái nóng nực của mùa khô miền Trung, cha Phêrô Trương Văn Phúc, SJ thổ lộ: “Khi triển khai dự án nước tại các cơ sở tôn giáo, tôi muốn giới thiệu khuôn mặt của Giáo hội Công giáo như là giáo hội phục vụ, đặc biệt là các mục tử, các linh mục ngày ngày chăm lo cho người nghèo. Có nước uống, đó là hình ảnh đẹp giúp thay đổi cái nhìn về Giáo hội. Nhà thờ là nơi cung cấp nước cho cả lương dân và giáo dân, chính vì vậy mà có sự gần gũi giữa người lương dân và giáo dân. Cái chính ở đây là hình ảnh một Giáo hội phục vụ, đặc biệt là ở những vùng mà hậu quả tuyên truyền làm người ta sợ Công giáo, sợ linh mục, thì nay cái nhìn bắt đầu thay đổi”.
Sự thay đổi trên diễn ra không phải một sớm một chiều, mà đó là công lao của bao người góp nhặt. Những người trực tiếp phục vụ tại giáo xứ, hằng ngày bơm nước để đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho bà con đến lấy. Những người thực hiện dự án kết nối tấm lòng vàng từ khắp năm châu bốn bể. Cha Phêrô chia sẻ, nguồn hỗ trợ cho các dự án nước của ban Tông đồ Xã hội đến từ các tỉnh Dòng Tên trên thế giới, ví dụ như tỉnh dòng Áo, tỉnh dòng Đức, tỉnh dòng Úc. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của các ân nhân, nhưng con số khá khiêm tốn.
Nhiều nơi ở khu vực miền Trung còn đang “khát” nước sạch. Giữa cái nóng như nung của mùa khô hạn, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sử dụng nguồn nước đã bị ô nhiễm. Ước mong sao khi thấy lợi ích của dự án này, sẽ có nhiều người chung tay góp sức vào việc đem những giọt nước mát trong đến cho anh chị em chúng ta.
Thiên Kính – Trung Thu
Nguồn tin: wwww.dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn