Giáo xứ Vinh Hương

3 trở ngại có thể ngăn cản chúng ta cầu nguyện

Thứ hai - 20/05/2024 21:32
Dù có nhận ra hay không, chúng ta có thể chọn không cầu nguyện vì dựa theo những thái độ “đời” vốn trở thành những trở ngại rất khó để vượt qua.
3 trở ngại có thể ngăn cản chúng ta cầu nguyện


Là Kitô hữu, chúng ta biết rằng chúng ta nên cầu nguyện hàng ngày và phải dành ít thời gian cầu nguyện vào mỗi Chúa nhật. Tuy nhiên, không phải chúng ta luôn cầu nguyện, và đôi khi chúng ta lấy lý do dựa trên những thái độ “đời” về cầu nguyện.

Chúng ta thậm chí có thể không nhận ra rằng chúng ta có những thái độ này đối với việc cầu nguyện, nhưng nếu đi sâu hơn vào tâm hồn mình, chúng ta có thể tìm thấy những trở ngại sau đây đối với việc cầu nguyện mà Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã liệt kê.

Sách Giáo lý giải thích rằng: “Những người quá đề cao năng suất và lợi nhuận; do đó, lời cầu nguyện nếu không có kết quả thì là vô ích ” (GLCG 2727).
 

Trong nền văn hóa hiện đại, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, “thời gian là tiền bạc”. Nếu chúng ta không sử dụng thời gian hiệu quả thì chúng ta sẽ không “nắm bắt được thời gian”.

 

Đây là lý do tại sao một số người trong chúng ta có thể bỏ bê việc cầu nguyện, vì nó không tạo ra bất cứ điều gì giúp ích cho chúng ta về mặt vật chất. Cầu nguyện không cho kết quả ngay lập tức thế nên chúng ta không muốn cầu nguyện, coi đó là điều vô ích.

 

Để đối phó với xu hướng này, chúng ta cần nhận ra hoa trái tiềm ẩn của việc cầu nguyện và cách nó ảnh hưởng đến thế giới thiêng liêng. Có thể chúng ta không thấy được kết quả lời cầu nguyện của mình, nhưng nếu tin cậy Chúa, chúng ta biết rằng Ngài đang làm điều gì đó đáng kể ở phía sau.

Sách Giáo lý dạy: “Còn có những người tôn sùng cảm xúc và sự thoải mái như tiêu chuẩn của chân, thiện, mỹ; trong khi cầu nguyện mới chính là ‘yêu cái đẹp’ (philokalia), được nhận thấy trong vinh quang của Thiên Chúa hằng sống và chân thật” (GLCG 2727).

 

Nhìn bề ngoài, lời cầu nguyện thường không khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu. Nó cũng không thú vị bằng việc lướt điện thoại và xem video trên YouTube. Các giác quan của chúng ta thường không hoạt động theo hướng tích cực và cơ thể chúng ta thường đau nhức. Khi quỳ, đứng hoặc thậm chí ngồi lâu, việc cầu nguyện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể chúng ta.

 

Cầu nguyện lâu giờ có thể khiến cơ thể chúng ta đau nhức, và đó là một trở ngại. Ảnh: Canva
 

Điều này có thể là một trở ngại đối với chúng ta, vì chúng ta có thể rơi vào quan niệm trần tục rằng mọi thứ đều cần phải mang lại cảm giác dễ chịu.

 

Nếu muốn thành công trong việc cầu nguyện, chúng ta phải thừa nhận rằng việc cầu nguyện không hề thoải mái, nhưng chúng ta có thể kết hợp những đau khổ của mình với Thiên Chúa và nhìn lên Chúa Giêsu như một gương mẫu tối cao về cầu nguyện.


Sách Giáo lý chỉ ra rằng: “Cuối cùng, một số người coi cầu nguyện như là sự trốn tránh khỏi thế giới khi chống lại việc hoạt động; nhưng thực ra, lời cầu nguyện của Kitô hữu không phải là một lối thoát khỏi thực tại và cũng không phải là một sự cách ly khỏi cuộc đời này” (GLCG 2727).

 

Một số người trong chúng ta có thể nghĩ rằng việc cầu nguyện đẩy chúng ta xa thế gian và không làm những điều Chúa Giêsu dạy, chẳng hạn như cho người nghèo ăn.

 

Theo cách này, cầu nguyện được coi như một cuộc chạy trốn khỏi thế gian, một điều gì đó giống như bỏ bê công việc đáng phải làm.

 

Tuy nhiên, những người như Mẹ Têrêsa lại cầu nguyện một giờ mỗi ngày, coi lời cầu nguyện là nhiên liệu cần thiết để hoạt động giữa thế gian.

 
Tác giả: Philip Kosloski
Người dịch: Kim Linh
Nguồn: Aleteia

Nguồn tin: www.dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây