Có bắt buộc phải đấm ngực mỗi khi đọc kinh Thú nhận, đến câu “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi…” không?
(Bạn đọc Nguyễn Thanh Thảo, TPHCM)
Trả lời của linh mục Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể:
Ngay từ thế kỷ IV, Thánh Giêrônimô (347-420) và Thánh Augustinô (354-430) đã dạy rằng ngay khi nghe đọc kinh tới chữ “Tôi thú nhận” thì các tín hữu phải đấm ngực đến độ âm thanh nổi lên ầm ầm trong thánh đường, hầu đem ra ánh sáng những điều còn giấu kín trong lòng, và nhờ hành vi này mà thanh tẩy những tội lỗi còn ẩn khuất nơi mình. Bên cạnh đó, thời các ngài, mỗi khi đọc tới câu “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” trong kinh Lạy Cha, thì cả linh mục và giáo dân cũng đều đấm ngực.
Chúng ta dùng tay đấm ngực vì tay trở thành ngôn ngữ tố cáo lòng của mỗi người. Do lòng đã thuận nên mọi sự dữ mới phát sinh. Khi đấm ngực, chúng ta mong ước Thiên Chúa sẽ ra tay mà ban tặng mình một quả tim mới, sẽ đặt vào lòng ta thần khí mới, loại quả tim chai đá ra khỏi thân, để mình có thể lãnh nhận một quả tim mới bằng thịt mềm biết yêu thương (Ed 36,26). Khi đấm ngực, chúng ta biểu lộ sự sẵn lòng cởi bỏ bất kỳ sự lười biếng thiêng liêng nào vốn đã nảy sinh do bóng đêm của tội lỗi và sự cứng cỏi của cõi lòng, tức là thoát khỏi sự thống trị của Thần Dữ. Thánh Giêrônimô tuyên bố rằng, sở dĩ chúng ta đấm ngực vì ngực là nơi chốn của những tư tưởng xấu xa, khi đấm ngực chúng ta muốn xua tan những tư tưởng này, mong ước tâm hồn mình được thanh tẩy.
Trước kia, khi chưa có sự canh tân của Công đồng Vatican II, đã có truyền thống là các giáo hữu đấm ngực khi đọc hay hát: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương ...” (Agnus Dei), và cả khi đọc lời kinh trước hiệp lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con...” (Domine non sun dignus). Vị tư tế cũng đấm ngực đang khi đọc (hay hát) kinh “Đây Chiên Thiên Chúa” (Agnus Dei), ngoại trừ trong thánh lễ cầu hồn để tỏ cho thấy ngài đang nghĩ về người quá cố hơn là về chính mình. Cử chỉ đấm ngực khi đọc câu “Lạy Chiên Thiên Chúa...” được biết là đã tồn tại khoảng năm 1311. Còn cử chỉ đấm ngực khi đọc: “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con...” đã xuất hiện năm 1499, từ bản thảo bằng tiếng Tây Ban Nha.
Việc lặp lại đến 3 lần hành vi đấm ngực như hiện nay nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của cử chỉ này, cũng như giúp tập trung vào ý nghĩa nội tại của những gì chúng ta đọc lên và hành động. Đức Bênêđictô XVI từng huấn dụ: “Cử chỉ này không chỉ về người nào khác, nhưng chỉ đến chính mình là kẻ có tội, vẫn là một cử chỉ cầu nguyện có ý nghĩa...”. Việc này gợi lại những lời trong Tin Mừng Luca: “Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 13).
Nguồn tin: wwww.cgvdt.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn