Giáo xứ Vinh Hương

Câu chuyện thần tiên dưới “mái nhà” Kađơn

Thứ tư - 17/07/2024 20:25
Câu chuyện thần tiên dưới “mái nhà” Kađơn


Xuất phát từ “duyên” may và sự tình cờ nảy sinh bởi một ý tưởng của hai kiến trúc sư ngoại đạo, nhà thờ Kađơn - GP Đà Lạt được xây dựng và hoàn thành tháng 7.2014 đã trở thành một công trình kiến trúc đặc biệt mang nét độc đáo đậm hồn núi rừng...

CÔNG TRÌNH CỦA NHỮNG NIỀM VUI

Kađơn là xứ đạo nghèo vùng cao thuộc huyện Đơn Dương - Lâm Đồng. Với những ai đã từng biết đến giáo xứ trước kia có lẽ sẽ không giấu nổi sự ngỡ ngàng sau một thời gian quay lại. Nét mộc mạc vẫn còn đó nhưng giờ đây người ta mới dám dùng từ “kiến trúc” khi nói về nhà thờ. Bởi trước kia ngoài mấy vách tôn cũ, mái bằng thì cơ sở vật chất chẳng có gì hơn. Với số giáo dân vào khoảng 5.000 (2/3 là người dân tộc K’Ho, Chu Ru), đời sống còn khó khăn nên theo lời chia sẻ của cha chánh xứ Giuse Nguyễn Đức Ngọc, “việc xây nhà thờ mới chỉ dám dừng ở mơ ước”. Thế nhưng, như một sự “sắp đặt” diệu kỳ, Kađơn không những có nhà thờ mới mà còn có một công trình độc đáo.


Chuyện về Kađơn, theo lời kể của vị linh mục gắn đã đời mình với người dân tộc đầy những chi tiết bất ngờ. Vài năm trước, trong một dịp đi thăm người bà con ở vùng Đơn Dương, một cặp vợ chồng cùng là kiến trúc sư ở Hà Nội khi đến giáo xứ tham quan đã nảy ra ý tưởng thiết kế ngôi thánh đường dựa trên không gian xanh bao la, nhấp nhô đồi núi quanh đó làm luận án Thạc sĩ bên Đức. Ý tưởng của họ đến với cha Ngọc trở thành những điều thích thú. “Các con thích thì cứ làm, đó là ý tưởng hay, cần hỏi gì cha sẽ trả lời...” - chừng đó sự ủng hộ đủ để sự khởi đầu suôn sẻ. Ít lâu sau, đồ án hoàn thiện và vợ chồng kiến trúc sư Vũ Thị Thu Hương, Nguyễn Tuấn Dũng giành được Giải thưởng Kiến trúc Thánh Âu châu lần IV - 2011 (dành cho các luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ nghiên cứu thiết kế Kiến trúc và Nghệ thuật Thánh).

Mặc dù không phải là người Công giáo nhưng bản thiết kế thực sự thuyết phục được cả hội đồng giám khảo (luận án đạt điểm tối đa 10/10). Cha Ngọc cũng có mặt trong ngày bảo vệ luận án của đôi vợ chồng kiến trúc sư theo lời mời và đã có những buổi chuyện trò đặc biệt với các giáo sư danh tiếng trong ngành kiến trúc thế giới. Đồ án được chú ý hầu như ngay lập tức, đồng thời được tư vấn hoàn chỉnh thêm từ những vị giáo sư nước ngoài. Sau đó, chính các giáo sư này đã tìm được nguồn tài trợ giúp nhà thờ Kađơn bước ra khỏi bản vẽ. Giáo sư Finn Geipel cùng các đồng nghiệp thuộc Phân viện Kiến trúc trường ĐH Kỹ thuật Berlin đã đỡ đầu cho công trình. Sau đó còn có sự góp tay của quỹ truyền giáo quốc tế Missio Aachen CHLB Đức, Tổng giáo phận Berlin và một cá nhân người Mỹ tên Randy McLaughlin.


Kađơn vì vậy trở thành một công trình hoài thai ở Việt Nam, được cưu mang ở Đức nhưng đồng thời là biểu tượng sự giao kết giữa hồn văn hóa Churu cùng kiến thức xây dựng ưu việt ở Âu châu. Chính nét đẹp mộc mạc nhưng đầy cuốn hút cùng sự “nổi tiếng” đã có từ khi trên mô hình, nên ngay khi được hoàn thành vào tháng 7.2014, Kađơn nhanh chóng trở thành một điểm đến của du khách gần xa, phần nào đã mang đến ít nhiều sự mở mang cũng như niềm vui mới cho những giáo dân trên mảnh đất nghèo. Nhà thờ mới còn giúp các sinh hoạt tôn giáo cũng như văn hóa dân tộc của giáo dân Kađơn thuận tiện hơn...

KAĐƠN - CHỞ NẶNG NÉT VĂN HÓA DÂN TỘC

Từ ngày nhà thờ nên dáng nên hình và trở thành điểm tham quan, cha Ngọc với lòng hiếu khách cũng ngẫu nhiên trở thành một hướng dẫn viên nhiệt tình. Với mong muốn giới thiệu những nét riêng trong kiến trúc Công giáo cùng không gian văn hóa địa phương, cha luôn rộng cửa cho những ai muốn chiêm ngắm cái đẹp cũng như có cơ hội tìm hiểu những ứng dụng và sự sáng tạo trong kiến trúc. Nhiều khách không giấu nổi sự yêu thích còn để lại lưu bút bày tỏ những cảm xúc, sự trân trọng trước vẻ đẹp của ngôi thánh đường.


Cha Ngọc thường diễn giải ý tưởng, sự tính toán của kiến trúc sư mà cũng là ý tưởng của chính mình: “Bản thiết kế nhà thờ Kađơn có tựa đề ‘Sự trở lại của hồn địa’ (Return of Genius Loci). Nhà thờ vùi vào núi đồi nên thơ, duy chỉ tháp chuông vươn mình đưa Thánh giá vượt lên...”. Từ ý tưởng đến thực tế quả là một sự thống nhất tuyệt đối. Nét đẹp độc đáo hút nhất ở chỗ đã hòa hợp giữa tổng quan kiến trúc với không gian và thiên nhiên bao quanh. Không có sự nguy nga, choáng ngợp khi chiêm ngắm. Giữa đồi cao xanh, ngôi nhà thờ màu gỗ ấm áp giản đơn, thân thiện.

Sự trở về không gian mang nét truyền thống cũng là lý do gây mối thiện cảm ngay khi nhìn thấy nhà thờ. Phần mái tái hiện sự thân thuộc như bao mái nhà truyền thống của người dân tộc bản địa. Ước vọng nhập hồn quê hương vào mỹ ảnh ngôi nhà Chúa của người sáng tạo biểu hiện rõ ràng, chặt chẽ qua từng chi tiết nhỏ.


Ấn tượng của công trình còn bởi cách sử dụng vật liệu thông minh tô đậm được những điểm mạnh của không gian thiên nhiên. Như toàn bộ phần mái, tường đều cùng một kết cấu “rèm” bằng các nan gỗ kết hợp kiếng, cho cảm giác nhà thờ gần như trong suốt, có thể chạm mắt vào thiên nhiên xung quanh khi ở trong nhà Chúa, và ngược lại cũng có thể thấy Chúa từ bất cứ nơi đâu quanh nhà thờ. Với cảm nghiệm không có gì huy hoàng hơn tạo vật của Chúa, những gì hiện hữu trên mảnh đất này, cha Ngọc diễn giải: “Cảnh vật huy hoàng nhất chính là: nền đất đỏ, núi non trải dài, nắng, gió, không khí, vầng trăng và ánh sao được sử dụng như trang sức cho nhà thờ”.

Cùng với hệ thống cột và phần “rèm” nan gỗ, không gian trong Kađơn tô đậm nét tự nhiên, không chia cắt tầm nhìn với cảnh vật xung quanh mà còn trở thành một phần của cảnh vật nơi đây. Nét độc đáo ở cách thiết kế còn ở chỗ không có cửa sổ, không có cửa chính, thay vào đó, phần tường nan gỗ và kiếng có thể kéo qua kéo lại. Chính cách vận dụng này giúp nhà thờ có thể được chia nhỏ ra thêm thành hai phòng riêng hai bên hông làm phòng học giáo lý, phòng sinh hoạt đa năng một cách cơ động. Cửa và vách là một. Hệ thống âm thanh, dây điện vì vậy cũng được “giấu” đi một cách tinh tế.


Kađơn không những là kiệt tác kiến trúc, độc đáo trong sử dụng vật liệu, mà còn là công trình mang tính nhân văn rất lớn : con đường chính vào khuôn viên nhà thờ, đến sân và vào tận nơi dâng lễ không có hàng rào, gờ chắn, bậc thang. Vì lẽ đó, không có sự cản trở, ngăn cách nào với mọi thành phần dân Chúa. Người già và người khuyết tật có thể tự mình vào nhà thờ dự lễ, cầu nguyện; mái hiên lớn, vươn rộng nên trẻ em có thể học hành và chơi đùa trong cả hai mùa mưa nắng; hành lang dài thích hợp cho những buổi khám bệnh cho cả ngàn người vào những lúc có đoàn từ thiện...

Ghế ngồi không có phần tựa lưng, không bàn quỳ, ngoài lý do vì hợp với kiến trúc nhà thờ mộc mạc, còn là sự tính toán để dễ dàng hơn cho phụ nữ dân tộc có thể địu con không vướng víu khi dự lễ. Đối tượng đi lễ nhiều nhất là người già nên các bậc cấp hầu như không tồn tại... Ngoài công trình nhà thờ, Kađơn còn có bảo tàng văn hóa Churu do chính cha Ngọc sưu tầm đã giúp Kađơn làm nổi rõ hơn nét hồn dân tộc của vùng đất.

*

Kađơn vẫn yên bình hòa mình giữa bao la đồi thông. Người dân của xóm đạo vùng cao vẫn an yên đến nhà Chúa mỗi ngày, và những sáng Chúa nhật lũ trẻ trong buôn lại cùng nhau lên xe máy cày vui vẻ dự lễ từ tờ mờ sương sớm. Nhưng một công trình xuất phát từ sự đồng điệu của những tâm hồn muốn lưu giữ nét đẹp mộc mạc của cảnh vật, con người cao nguyên đã trở thành một “hiện tượng”, ít nhiều tạo sự tươi mới trong tâm hồn con người ở xứ sở mù sương.

Minh Hải

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây