Giáo xứ Vinh Hương

Người trẻ sống hiếu thảo trong gia đình

Thứ bảy - 13/11/2021 19:00
Người trẻ sống hiếu thảo trong gia đình

ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Người trẻ sống hiếu thảo trong gia đình

Trong Thư Mục vụ 2020, để “đồng hành với các bạn trẻ trong đời sống gia đình”, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã định hướng chương trình mục vụ theo 3 chiều kích: chiều cao hướng lên Chúa trong cầu nguyện, chiều rộng hướng đến tha nhân trong sự hiếu thảo và tình huynh đệ, và chiều sâu hướng đến hoàn thiện bản thân nhờ luyện tập các đức tính nhân bản cần thiết (x. số 6).

Sau khi đã tìm hiểu chiều kích “hướng thượng” của người trẻ trong gia đình, chúng ta cùng tìm hiểu về chiều kích thứ hai là hướng đến tha nhân, cụ thể là sống Ðạo Hiếu với ông bà cha mẹ của người trẻ trong các gia đình hôm nay.

Ðạo Hiếu là đặc điểm nổi bật, là nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nét son này phù hợp hoàn toàn với thánh ý của Thiên Chúa được thể hiện trong Thánh Kinh, được đúc kết thành Giới răn thứ tư: “Hãy thảo kính cha mẹ”, và được thánh Phaolô nhận định “là Giới răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1)

Một vài hoàn cảnh mới ảnh hưởng đến lòng hiếu thảo

Ða số các gia đình Việt Nam hiện nay vẫn còn giữ được nề nếp và tôn ti trật tự, các thế hệ trong gia đình sống chung hòa thuận trong cùng một mái nhà. Tuy nhiên, hoàn cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng cũng đã đặt không ít những gia đình truyền thống đứng trước những vấn đề đôi khi cũng không dễ để giải quyết, nhất là mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình.

Hoàn cảnh mới thứ nhất là ngày nay có một số các bạn trẻ đang phải sống trong những hoàn cảnh đặc biệt: không có một mái ấm trọn vẹn khi cha mẹ ly dị nên chỉ sống với cha hay chỉ sống với mẹ, hoặc trong hoàn cảnh “mẹ đơn thân”… Rồi sau cơn đại dịch này, có hàng ngàn người trẻ mồ côi… Ðiều này ảnh hưởng không hề nhỏ đến việc xây đắp lòng hiếu thảo của con cái một cách trọn vẹn. Về vấn đề này, Ðức Thánh Cha Phanxicô nhận định như sau: “Các gia đình ly hôn, ly dị, tái hôn và cha mẹ đơn thân có thể là nguyên nhân gây đau khổ và khủng hoảng trên nhân cách người trẻ” (Tông huấn Christus Vivit, số 262).

Hoàn cảnh mới thứ hai là tình trạng di dân đã và đang tạo nên nhiều phức tạp về xã hội và văn hóa, khiến nhiều gia đình đang đối diện với nhiều thách thức về khung cảnh sinh hoạt và tương quan trong các gia đình, về môi trường sống, về đời sống kinh tế xã hội và cả trong đời sống luân lý đức tin nữa (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ðề cương Giáo hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ, tháng 10.2008, số 3 và 43). Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc trước làn sóng “hồi hương” từ các thành phố lớn… mà phần đông là người trẻ vào đầu tháng 10 vừa qua!

Hoàn cảnh mới thứ ba chính là ảnh hưởng rất rộng và rất sâu của công nghệ thông tin đến đời sống của những người trẻ. Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định: “Trong thế giới ngày nay, các phương tiện truyền thông hiện đại là khí cụ hữu hiệu đế mở rộng tâm trí, kết nối yêu thương và gia tăng tình liên đới. Ðáng tiếc là có nhiều người sử dụng các phương tiện truyền thông để gây chia rẽ hơn là hiệp nhất, gieo rắc hận thù hơn là tình yêu, cổ vũ lầm lạc hơn là chân lý” (Thư Mục vụ 2020, số 5). Và những tác động tiêu cực ấy tạo ra khoảng cách giữa hai thế hệ: người lớn (ông bà, cha mẹ) và người trẻ (con cái, cháu chắt). Người lớn thì cho rằng người trẻ cấp tiến, mất gốc…; còn người trẻ thì lại than thở người lớn lỗi thời, bảo thủ...

Người trẻ sống hiếu thảo trong gia đình

Bổn phận sống hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ là chu toàn Giới răn của Chúa, là thực hành Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Sách Huấn Ca khuyên nhủ con cái có bổn phận với cha mẹ: “Con ơi, hãy săn sóc cha mẹ con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi…” (Hc 3,12). Thánh Phaolô cũng dạy: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo” (Ep 6,1). Và nhất là chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về thái độ sống hiếu thảo: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51).

Trung thành với Lời Chúa, qua giáo huấn thường xuyên của mình, Giáo hội Công giáo luôn kiên trì dạy về lòng tôn kính và hiếu thảo dựa trên sự biết ơn đối với các bậc sinh thành dưỡng dục (x. Sách Giáo lý của GHCG số 2215; x. Youcat, số 367), và khẳng định về tầm quan trọng của lòng hiếu thảo trong đời sống gia đình: “Một gia đình mà thiếu sự kính trọng và chăm sóc ông bà, vốn là ký ức sống động của mình, sẽ là một gia đình rời rã; ngược lại, một gia đình mà còn nhắc nhở đến quá khứ là gia đình có tương lai” (Ðức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, số 193).

Vì thế, người trẻ phải thực hành lòng biết ơn, phải có tình thương to lớn, phải có sự kính trọng đặc biệt và phải biết trân trọng công đức của ông bà cha mẹ, bằng lời nói và việc làm bày tỏ lòng hiếu kính, để các ngài cảm thấy mình còn đang là một thành phần sống động của gia đình. Bởi lẽ, các ngài “đã từng đi trước chúng ta trên cùng một con đường, sống trong cùng một ngôi nhà của chúng ta, chiến đấu trong cùng một cuộc chiến hằng ngày của chúng ta hầu mưu tìm một cuộc sống xứng đáng” (Ðức Thánh Cha Phanxicô, Tông Huấn Amoris Laetitia số 191). Hơn nữa, ông bà cha mẹ chính là bậc thầy truyền lại cho người trẻ kinh nghiệm sống, các giá trị và tính liên tục giữa các thế hệ (x. Ðức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia số 193; x. Docat, 121).

Ðể các bạn trẻ thực thi Ðạo Hiếu trong gia đình, ngoài sự nỗ lực căn bản của bản thân, người trẻ cần lắm sự đồng hành, nâng đỡ và sẻ chia của mọi thành phần:

Trước hết, là cha mẹ phải trở thành tấm gương sáng cho con cái trong cuộc sống, nhất là trong việc giữ tròn Ðạo Hiếu đối với cha mẹ, ông bà: “Cây xanh thì lá cũng xanh, Cha mẹ hiền lành để đức cho con” (Ca dao).

Kế đến, gia đình giáo xứ đóng một vai trò quan trọng trong việc huấn luyện Ðạo Hiếu cho giới trẻ, cụ thể bằng những chương trình và những gợi ý giúp cho người trẻ thực hành Ðạo Hiếu trong gia đình vào những ngày Lễ, Tết, Giỗ, Kỷ niệm… của cha mẹ, ông bà.

Sau cùng, vai trò của gia đình giáo phận trong việc định hướng chương trình mục vụ đồng hành với giới trẻ là không thể thiếu. Giáo phận cần có chương trình, có định hướng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để giới trẻ có môi trường sinh hoạt, trao đổi, giao lưu, học hỏi… nhất là về những tấm gương hiếu thảo.

Kết luận

Thánh Gioan Bosco nói: “Hãy làm bạn trẻ hiểu rằng, chúng ta yêu mến họ, rồi họ sẽ thực hành điều chúng ta muốn”. Quả vậy, muốn cho người trẻ hiếu thảo thì người lớn cần yêu thương đúng cách. Yêu thương vì Chúa yêu thương và yêu thương như Chúa yêu thương. Tình yêu ấy dựa trên nền tảng là tất cả mọi người đều là hình ảnh tuyệt vời của Thiên Chúa và đã được Chúa Kitô cứu chuộc bằng giá máu của Người.

Trong việc thực hành Ðạo Hiếu, khi người trẻ hiếu kính đối với ông bà cha mẹ, cũng là lúc họ tỏ lòng thảo kính với chính Thiên Chúa là Ðấng dựng nên tất cả chúng ta và là Cha chung của mọi người.

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Vũ Văn Hài, GP Cần Thơ

Nguồn tin: www.cgvdt.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây