Phúc Âm: Mc 9, 30-37
“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm 1: ĐỨC GIÊSU GỌI NHÓM MƯỜI HAI
Trong Tin Mừng Mác-cô, Đức Giêsu là một vị Thầy. Nhiệm vụ chính của Thầy Giêsu là dạy các môn đệ. Động từ dạy nhiều lần được nhắc đến. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài cũng là vị Thầy, luôn rong giuổi với các môn đệ từ nơi này sang nơi khác. Ngài tận dụng thời gian đi đường xa để dạy các ông. Họ là Nhóm Mười Hai môn đệ thân thiết (Mc 9,35). Một cách kín đáo, Ngài đi băng qua miền Galilê, vì Ngài biết thời gian Ngài sống trên đời không còn nhiều. Thầy Giêsu lần thứ hai dạy cho các môn đệ biết những gì sắp xảy đến cho đời Thầy. Thầy sẽ bị nộp vào tay người đời. Đúng là Giuđa Ítcariốt sẽ nộp Thầy cho các thượng tế, đúng là các thượng tế sẽ nộp Thầy cho Philatô, đúng là Philatô sẽ nộp Thầy cho quân lính đóng đinh, nhưng thật ra chẳng ai nộp được Thầy, đúng hơn, chính Thiên Chúa trao nộp Con Một yêu dấu như cách thức biểu lộ tình thương để cứu độ nhân loại. Cả cái chết sắp đến của Thầy cũng nằm trong ý Cha. Nhóm Mười Hai không hiểu những lời Thầy mới nói. Họ càng không hiểu được chuyện Thầy sẽ sống lại. Như thế họ vẫn đứng ngoài con đường Thầy sắp đi. Thầy Giêsu đành chấp nhận chuyện chậm hiểu của họ. Thầy cũng chấp nhận chuyện họ tranh luận trên đường vì một lý do rất xa lạ với suy nghĩ của Thầy: cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Địa vị, quyền lực, là những thèm muốn có từ xa xưa. Con người đấu đá tranh giành với nhau vì chuyện đó. Không rõ làm người lớn nhất trong nhóm của Thầy Giêsu thì được đặc ân nào, nhưng họ vẫn bận tâm về chuyện đó. Thầy Giêsu không ép các môn đệ phải khai tội của họ. Thầy chấp nhận họ làm thinh, vì xấu hổ. Rồi Thầy còn chỉ cho họ cách làm lớn, làm đầu nữa. Vào thời xưa, khiêm tốn hiền lành là dấu hiệu của hèn yếu. Người có quyền thì mong được phục vụ bởi nhiều người. Người ta thích làm lớn vì được phục vụ. Không ai ngờ Thầy Giêsu lại dạy môn đệ cách làm lớn. Đó làm người đứng cuối mọi người và phục vụ mọi người. Phục vụ mọi người cách khiêm tốn là trở nên lớn. Nhưng mọi người ở đây là ai? Thầy Giêsu đã tìm được một em nhỏ để dạy bài học cụ thể. Thời xưa, em nhỏ bị coi thường, phải lệ thuộc hoàn toàn. Cả đến mạng sống của em cũng không được coi trọng. Thầy Giêsu đã trìu mến ôm em nhỏ này trong cánh tay. Và nhất là Thầy đã dạy một điều thời đó chưa ai dám nghĩ: “Ai đón tiếp một em nhỏ vì danh Thầy là đón tiếp Thầy. Ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng sai Thầy” (Mc 9,37). Thầy tự đồng hóa mình với một em nhỏ, như Thầy đã tự đồng hóa mình với người đói khát, trần trụi hay ở tù, yếu đau hay vô gia cư (Mt 25,40). Mỗi em nhỏ là sự hiện diện của Thầy cần được đón tiếp, là sự hiện diện của Thiên Chúa cần được yêu thương. Bài Tin Mừng cho ta thấy Đức Giêsu như vị Thầy mẫu mực. Ngài chịu đựng sự chậm hiểu và khiếm khuyết của môn đệ. Ngài kiên nhẫn và tự chủ khi phải la rầy. Hôm nay, chúng ta đón tiếp Ngài nơi những trại tỵ nạn, thấy khuôn mặt Ngài nơi các trẻ em suy dinh dưỡng, săn sóc Ngài trong các bệnh viện dã chiến mới xây. Chỉ xin được ơn làm lớn bằng cách phục vụ mọi người, nhất là những ai bị bỏ rơi vì nhỏ bé quá.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Ai cũng thích đi trên đường rộng thênh thang. Đường hẹp là đường chẳng ai muốn đi. Vậy mà Chúa lại bảo chúng con đi vào đường hẹp. Đường hẹp là đường Cha chọn cho Chúa, cũng là đường Chúa chọn đi suốt đời. Dù là Con Thiên Chúa, Chúa đã sống phận người như chúng con. sống nghèo, nay đây mai đó, bữa đói bữa no, và chết nghèo, trần trụi trên thập giá như một tử tội. Khi theo Chúa nghiêm túc, Chúng con nhận ra những đòi hỏi của Chúa. Chúng con không thể vừa chọn Chúa vừa chọn thế gian, với những thần tượng của nó. Chúng con không thể vừa muốn sống theo ý Chúa, vừa chiều theo khuynh hướng tự nhiên. Xin cho con chọn đi đường hẹp, vì biết đó là đường dẫn đến sự sống. Xin cho con vui sướng khi đi trên Đường mang tên Giêsu, vì đó là Đường duy nhất dẫn đến Thiên Chúa Cha. Amen
Suy niệm 2: PHỤC VỤ MỌI NGƯỜI
Các kỷ lục thế giới cứ được nâng cao hoài, vì ai cũng muốn phá kỷ lục để được đứng nhất: chạy nhanh nhất, nhảy cao nhất, ném xa nhất... Các đĩa nhạc chỉ muốn nằm mãi trong top-ten, Các cuốn sách chỉ muốn là sách bán chạy nhất. Ðẹp nhất, giỏi nhất, giàu nhất, thế lực nhất... Cuộc sống quả là một cuộc tranh đua không ngừng. Các nhà tâm lý học coi những tranh đua đó là cần thiết để hình thành nhân cách. Các nhà xã hội học coi những tranh đua đó là cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội. Tiếc thay, lắm khi người ta đã dùng bao mưu mô để đạt được và giữ được vị trí hàng đầu. Ðôping trong thể thao chỉ là một thí dụ nhỏ. Ngay trong Nhóm Mười Hai cũng có tranh chấp. Sau khi Ðức Giêsu loan báo con đường hẹp của khổ đau, các môn đệ vẫn chưa ra khỏi được con đường của mình. Ðang lúc đi đường mà các ông cũng cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm. Ðức Giêsu tế nhị đợi về tới nhà mới hỏi như thể Ngài không biết rõ đầu đuôi. Các môn đệ làm thinh không trả lời. Ðức Giêsu tôn trọng khoảnh khắc lặng lẽ cần thiết ấy để mỗi người trở về với bao thèm khát của lòng mình, đối diện với bao tham vọng đang sôi sục.
Ðức Giêsu ngồi xuống thư thái như một vị thầy. Ngài chẳng nặng lời với các nhà lãnh đạo Hội Thánh tương lai. Ngài dạy cho họ con đường trở nên lớn lao thực sự: “Nếu ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người đứng cuối mọi người và phục vụ mọi người”. Ðức Giêsu đưa ra một cuộc cách mạng về quan điểm. Người lớn nhất, người đứng đầu không phải là người dùng quyền để lãnh đạo chỉ huy từ trên cao, nhưng là người đến trước mọi người và về sau mọi người, để phục vụ. Khi phục vụ vô vị lợi, tôi được thực sự lớn lên trước mặt Thiên Chúa, trước mặt anh em. Người lớn nhất là người phục vụ hết mình nhất. Chức vụ, chức vị, chức tước, chức quyền đều không phải là điều xấu, nếu chúng được dùng như phương tiện để phục vụ. Nếu người đứng đầu lại phải sống như người đứng cuối, thì còn ai muốn đứng đầu nữa không? Thế giới hôm nay rất cần những người muốn đứng đầu theo kiểu Ðức Giêsu, nghĩa là trong phục vụ khiêm hạ. Ai trong chúng ta cũng có chút ít quyền hành, cũng là người đứng đầu một tập thể nho nhỏ. Ước gì chúng ta không để mình bị hư hỏng vì quyền hành, nhưng biết dùng quyền hành để đem lại hạnh phúc cho tha nhân.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày, nơi khuôn mặt khốn khổ của tất cả những người bị thử thách: những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn, nhưng vì thiếu Lời Chúa; những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước, nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương; những kẻ vô gia cư, không chỉ tìm kiếm một mái nhà, nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối, không chỉ trong thân xác, nhưng còn trong tinh thần nữa, bằng cách thực thi lời hy vọng này: “Điều mà ngươi làm cho người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính Ta” Amen. (Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn