Giáo xứ Vinh Hương

Con Người sắp bị nộp … – Suy niệm ngày 24.9.2022

Thứ sáu - 23/09/2022 06:42
Con Người sắp bị nộp … – Suy niệm ngày 24.9.2022

TIN MỪNG (Lc 9, 43b-45) : 

43 Đang lúc mọi người bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su đã làm, thì Người nói với các môn đệ rằng: 44 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”

45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

*************

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại: “Mọi người bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su đã làm”. Thật vậy, Ngài vừa chữa lành một bé trai bị quỉ ám, mà các môn đệ bất lực (x. Lc 9, 37-43a); trước đó, còn có biến cố Đức Giê-su biến hình sáng rực trên núi (x. Lc 9, 28-36). Mọi người, trong đó có các môn đệ, đang bỡ ngỡ, nghĩa là kinh ngạc thán phục.

Những gì xẩy ra giữa các môn đệ sau đó, nghĩa là khi các ông tranh luận với nhau ai trong các ông là người lớn nhất (bài Tin Mừng của thứ hai tuần tới: Lc 9, 46-50), làm cho cho chúng ta hiểu rằng, đó là sự bỡ ngỡ với hi vọng là mình sẽ được vinh quang, được làm lớn, khi đi theo Đức Giê-su!

1. Con đường Thương Khó

Chính lúc đó, Đức Giê-su đột ngột nói về viễn tượng tương lai rất gần:
Con người sắp bị nộp
vào tay người đời!
(c. 44)

Đó là lời loan báo về cuộc Thương Khó. Nhưng lần loan báo thứ hai này không giống như những lần loan báo khác, nghĩa là lần thứ nhất và lần thứ ba (x. Lc 9, 22 và 18, 31-34), vì lời loan báo này vừa bế tắc và vừa trái ngược. Bế tắc, vì không có phần loan báo mầu nhiệm Phục Sinh như lần loan báo thứ nhất (bài Tin Mừng hôm qua, thứ sáu); trái ngược, vì Đức Giê-su quyền năng như thế, nhưng tại sao lại sắp bị nộp vào tay người ta được?

Ngoài ra, trước khi loan báo cuộc Thương Khó, Đức Giê-su muốn các môn đệ lưu ý cách đặc biệt:

Phần anh em, hãy lắng nghe cho kĩ những lời sau đây:
Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.
(c. 44)

Điều này có nghĩa là, câu nói có vẻ bề ngoài vừa bế tắc và vừa trái ngược của Đức Giê-su, nhưng lại có tầm quan trọng quyết định đối với sứ mạng của Người, đối với ơn tha thứ và ơn giải thoát con người khỏi Sự Dữ, đối với kế hoạch thông truyền sự sống và sự sống viễn mãn của Thiên Chúa cho con người, đối với lịch sử cứu độ, đối lịch sử loài người, và đối với từng người chúng ta.

2. Khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa

Thật, vậy, “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”, nhưng đối với loài người, là sỉ nhục và điên rồ, nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, lại là khôn ngoan và sức mạnh, như thánh Phao-lô đã nghiệm ra:

Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. (1Cr 1, 22-24)

Theo thánh Mác-cô, Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết…”. Đức Giêsu dạy, chứ không chỉ báo trước, vì đó là một lựa chọn, một kế hoạch, một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Thật vậy, cuộc Thương Khó và Thập Giá Đức Ki-tô:

  • Mặc khải sự dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ.
  • Mặc khải Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi và ban ơn chữa lành.
  • Mặc khải sự thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người.
  • Mặc khải thân phận con người không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết.

Lời tuyên xưng Đức Giêsu Nazareth là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống của các môn đệ thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, phải đi đôi với lựa chọn đi theo Ngài, đi con đường của Ngài. Và con đường Thương Khó của chúng ta là: nhờ Đức Ki-tô, với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, chúng ta đảm nhận đến cùng thân phận làm người của mình, ơn gọi của mình, với tâm tình tín thác vô kiện của người con thảo, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa Cha.

Như thế, mầu nhiệm Thương Khó thuộc về căn tính của Đức Ki-tô và của tất cả những ai đi theo Người. Trong một bài giảng cho các Đức Hồng Y, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Khi bước đi không có Thập Giá, nêu gương đạo đức không có Thập Giá, tuyên xưng một Đức Ki-tô không có Thập Giá, thì chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những ngưởi đời. Chúng ta có thể là Giám Mục, Linh mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”[1].

Thập Giá thường được hiểu tách biệt khỏi Mầu Nhiệm Vượt Qua, nên bị giản lược vào những đau khổ (những điều xẩy ra cho mình) hay vào những hi sinh, khổ chế, hãm mình và “đền tội” (những điều tự tạo cho mình), hoặc như là bài “kiểm tra, kiểm nghiệm, trắc nghiệm” sự xứng đáng hay khả năng chịu đựng, chịu “sỉ nhục và khiêm nhường”, để được thưởng “vinh quang” (những điều mình bị áp đặt).

Trong khi đó, Đức Giê-su nói về Thập Giá của mình là mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa:
Khi các ông dương cao Con Người lên,
bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.
(c. 28)

Chính vì thế, theo lời kể của Thánh Sử Mác-cô, Đức Giêsu dạy, chứ không chỉ báo trước; điều này có nghĩa là những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, hay “phải chịu đau khổ, mới đạt tới vinh quang”, nhưng còn là một lựa chọn, một kế hoạch, một mặc khải, một sự hoàn tất liên quan đến lịch sử cứu độ:

Rồi Người bắt đầu DẠY cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. (Mc 8, 31)

(a) Nơi Thập Giá, Đức Giê-su bày tỏ căn tính đích thật của Người, là “Đấng Hằng Hữu”, vì Người là Sự Thiện tuyệt đối, đối lập với sự dữ và tất cả những gì liên quan đến sự dữ:  bạo lực, tố cáo, lên án… Chúng ta thường hình dung cách dễ dãi Sự Thiện và Sự Dữ “tố cáo” lẫn nhau; trong khi “tố cáo” tự nó là điều dữ, là hành động đặc trưng của Sự Dữ.

Thập Giá cũng mặc khải cách thức Người mạnh hơn sự dữ và sự chết. Sự Thiện chiến thắng Sự Dữ, không chỉ là khi vượt qua sự chết đi vào sự sống, nhưng còn là sự tự do, không để mình rơi vào vòng xoáy của bánh răng cưa Sự Dữ, theo quy luật sòng phẳng “mắt đền mắt, răng đền răng”, “ác giả ác báo”.

(b) Thập Giá là cách thức Đức Ki-tô bày tỏ “TÌNH YÊU ĐẾN CÙNG” (x. Ga 13, 1) dành cho loài người và từng người chúng ta. “Tình yệu đến cùng” của Người tha thứ, chữa lành và giải thoát chúng ta. Như Thánh Phao-lô xác tin: “Không có gì Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta (Rm 8, 39).

(c) Thập Giá không phải là “ngỏ cụt”, chỉ để thưởng phạt hay thi thố khả năng hãm mình, hi sinh, chịu đựng và các “nhân đức”, nhưng là con đường “vượt qua” dẫn đến sự sống. Sự sống mai sau, nhưng đã hiện diện và sinh hoa kết quả đồi dào, ngay trong sự sống này.

Như thế, điều tồi tệ nhất loài người dành cho Đức Giêsu, nhưng lại được Ngài dùng để bày tỏ căn tính đích thật của mình trong tương quan với Thiên Chúa và với con người. Bài đọc I trích sách Dân Số, ngang qua hình ảnh Con Rắn, còn giúp chúng ta hiểu sâu rộng hơn về mầu nhiệm “Con Người được giương cao” trên Thập Giá trong tương quan toàn bộ lịch sử cứu độ.

3. “Các ông không hiểu”

Về phần các môn đệ, như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng:

Các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông,
lời đó còn bí ẩn, đến nỗi
các ông không nhận ra ý nghĩa.
(c. 45)

Chúng ta hãy cảm thông với các môn đệ, bởi lẽ, chính chúng ta, vốn đã được học biết về Đức Giê-su, về mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài hơn các môn đệ rất nhiều, nhưng thực ra, trong sâu thẳm của lòng và của trí chúng ta, chính chúng ta cũng chẳng hiểu cùng tận tại sao Đức Giê-su lại để mình rơi vào tình cảnh như thế, tại sao Chúa lại phải đi con đường Thương Khó.

Nhưng có một điều chúng ta không nên bắt chước các môn đệ, đó là sợ không dám hỏi Đức Giê-su. Chúng ta được mời gọi đi vào tương quan đích thân với Đức Giê-su trong cầu nguyện, giải bày những ưu tư của chúng ta cho Ngài về hành trình vác Thập Giá của Ngài, và về hành trình vác Thập Giá của chính chúng ta, và nhất là lắng nghe Ngài giải thích trong các Tin Mừng và trong tất cả Sách Thánh. Chính lời của Người sẽ làm cho con tim chúng ta bừng cháy (x. Lc 24, 11-35 và 44), khi giúp chúng ta hiểu được và cảm nếm sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, được tỏ bày nơi mầu nhiệm Vượt Qua.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Nguồn tin: www.daminhtamhiep.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây