Giáo xứ Vinh Hương

Lời cầu nguyện đích thực – Chúa nhật XXX Thường niên – Năm C

Thứ bảy - 22/10/2022 04:01
Lời cầu nguyện đích thực – Chúa nhật XXX Thường niên – Năm C

LỜI CẦU NGUYỆN ĐÍCH THỰC

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Chúa nhật trước, Phụng vụ nói với chúng ta về sự kiên trì trong cầu nguyện. Hình ảnh người đàn bà goá đến gõ cửa và kiên nhẫn chờ đợi trước cửa nhà ông thẩm phán để được minh oan, là lời mời gọi hãy kiên nhẫn trong lời cầu nguyện. Chúa nhật 30 thường niên này, Phụng vụ mượn lời Chúa Giêsu để lưu ý chúng ta: phải cầu nguyện trong tâm tình khiêm tốn. Người tín hữu đến với Chúa, phải mang theo tấm lòng chân thành, để xứng đáng được Chúa đoái thương.

Người tín hữu cũng được gọi là “người cầu nguyện”. Bởi lẽ tin vào Chúa là xác tín vào quyền năng và tình yêu thương của Ngài, đồng thời luôn tâm sự với Ngài, để ca tụng, tạ ơn và chúc tụng Ngài vì những ơn lành Ngài đã thương ban. Lời cầu nguyện giống như chiếc cầu nối để dẫn đưa ta với Chúa. Cầu nguyện cũng thể hiện Đức tin, vì có tin thì ta mới thưa chuyện với Chúa, và trao gửi nơi Ngài những âu lo trăn trở của cuộc sống chúng ta.

“Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây” (Bài đọc I). Lời cầu nguyện có sức mạnh kỳ diệu, bởi có thể làm thay đổi ý định của Thiên Chúa, như trong trường hợp ông Môisen cầu nguyện xin Chúa bớt giận và không trừng phạt dân Do Thái, mặc dù họ phản loạn và bất tuân (x. Xh 32,11-14). Trong truyền thống Kinh Thánh, Thiên Chúa luôn bênh vực người nghèo khó và khiêm nhường và Ngài luôn sẵn sàng ra tay nâng đỡ họ.

Cầu nguyện là thực hành thường xuyên của người tín hữu, nhưng phải cầu nguyện như thế nào? Chúa Giêsu đã trả lời qua câu chuyện dụ ngôn. “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện”. Cũng là lời cầu nguyện, nhưng người biệt phái lại coi đó là dịp khoe mình về những công trạng đã làm. Trong khi đó, người thu thuế lại khiêm tốn cầu xin lòng Chúa xót thương, vì ông cảm nhận thân phận tội lỗi yếu hèn. Tư thế cầu nguyện của hai nhân vật này được diễn tả rất khéo léo, qua đó, độc giả dễ dàng nhận ra đâu là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa và được Chúa chấp nhận. Người biệt phái thì đứng thẳng, ông thu thuế lại chẳng dám ngước mắt lên trời. Người biệt phái thì kể công, ông thu thuế lại thấy mình đến với Chúa với hai bàn tay trắng. Ông thu thuế chỉ có tấm lòng, với cử chỉ khiêm nhường sám hối. Cũng là lời cầu nguyện, nhưng lời cầu nguyện khiêm tốn của ông thu thuế được Chúa chấp nhận, còn lời cầu nguyện kiêu căng của người biệt phái lại bị chối từ. Thiên Chúa ban ơn không dựa vào công trạng của con người, nhưng vào thái độ khiêm cung và hiền hoà sám hối.

Người biệt phái, không những khoe khoang công trạng của mình, mà lại còn lợi dụng lúc cầu nguyện để miệt thị người khác: “con không tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. Độc giả ai cũng thấy người biệt phái là người đáng ghét. Ông không thấy rằng, bản thân ông cũng như người thu thuế, đều là người đến để thể hiện lòng tin của mình. Ông cũng không nhận ra cả hai thân phận đều đáng thương trước mặt Chúa. Chúa Giêsu đã dạy: những người khoe khoang trước mặt thiên hạ thì sẽ mất công trạng trước mặt Chúa, vì “họ đã được thưởng công rồi” (Mt 6,2). Khoe khoang và tự tôn vinh bản thân, đó cũng là thái độ thường thấy nơi mỗi chúng ta. Thông thường, chúng ta thường tìm dịp để khoe khoang công việc mình làm, một cách trực tiếp hay gián tiếp. Có những người tỏ ra khiêm nhường, nhưng dưới vỏ bọc khiêm nhường ấy, lại là sự kiêu căng hợp hĩnh, chỉ nhằm quy hướng bản thân, thậm chí còn nhằm hạ bệ kẻ khác.

Từ tâm thế cầu nguyện, chúng ta suy tư đến cuộc sống hằng ngày. Tại Việt Nam, những hoạt động từ thiện bác ái của Giáo Hội công giáo thường không được báo đài nêu, vì có nhiều người không thích những ảnh hưởng tích cực của người Công giáo. Thực ra, những người Công giáo được Chúa dạy phải khiêm tốn và kín đáo khi làm việc phúc đức, với niềm xác tín rằng Chúa thấu hiểu những việc họ làm. Chúa dùng một hình ảnh rất cụ thể để dạy chúng ta cần kín đáo và khiêm nhường khi làm việc thiện: “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo” (Mt 6,3). Tay trái tay phải là hai chi thể của một con người, rất gần gũi và liên quan đến nhau, ấy vậy mà việc làm của tay này, cũng không nên cho tay kia biết.

Điều cốt lõi đối với người Kitô hữu, là xác tín rằng Chúa thấu hiểu những việc làm của chúng ta. Trong thư gửi cho ông Timôthê (Bài đọc II), thánh Phaolô đang bị cầm tù và ông cảm thấy ngày ra đi về với Chúa đã gần kề. Ông không hối hận về những việc đã làm. Trái lại, ông tin rằng, ông sẽ được lãnh nhận triều thiên của người công chính. Tù đầy và xiềng xích không làm ông nhụt chí. Người thân kẻ nghĩa bỏ rơi không làm ông thất vọng. Ông vẫn tin tưởng vào Chúa, và ông biết niềm tin ấy là xác thực và chính đáng. Ồng sẵn sàng chịu đựng tất cả, miễn là Thiên Chúa được tôn vinh.

Khiêm tốn trong lời cầu nguyện và trong cách đối xử với anh chị em, đó chính là một đức tính căn bản của người Kitô hữu. Một nhà tu đức đã diễn tả: khiêm nhường là mẹ của các nhân đức. Quả vậy, như nước tìm chảy xuống chỗ thấp, mỗi chúng ta chắc chắn sẽ tiến thân trên con đường trọn lành, nếu chúng ta học và sống đức khiêm nhường trong cuộc sống hằng ngày.

Tác giả bài viết: +TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn tin: www.tonggiaophanhanoi.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây