Giáo hội Công giáo bước vào tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Chuẩn bị cho tháng này, các xứ đạo đã tổ chức sửa sang nghĩa trang, giáo dân thì lo dọn sạch đẹp mộ phần của những người thân trong gia đình. Các linh mục tổ chức tập trung cả xứ dâng lễ tại Đất Thánh, nhắc nhở giáo dân về bổn phận của lòng biết ơn đối với ông bà cha mẹ mình; gia đình tập trung viếng mộ, tặng hoa, cầu nguyện cho người thân đã chết. Họ khuất bóng nhưng vong linh vẫn gần gũi với con cái cháu chắt.
Bây giờ mình hơn 80 tuổi, nhìn về cuộc sống bản thân và của mọi người, mình nhận thấy những người đầy tớ đầu tiên và tốt nhất của mỗi người là chính cha mẹ. Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô ráo để dành cho con. Con đau, dù không tiền thì cũng chạy đi mượn để con được lành. Bây giờ cha mẹ già hay nghe con cái nói: Con rất bận… Cha mẹ chờ một lá thư thăm nom: Con rất bận. Cha mẹ mong một cú điện thoại hỏi han: Con rất bận. Cha mẹ mong ước con về thăm để nhìn thấy mặt con: Con rất bận. Rồi khi hay tin mẹ chết thì con mới về, thấy tiền con gởi về cho mẹ đều ở tất cả dưới gối mẹ nằm, không thiếu đồng nào! Con khóc. Ôi, những giọt nước mắt quá muộn màng! Những người “đầy - tớ - cha - mẹ” này chưa bao giờ hỏi tiền công nơi các “ông - bà - chủ - con - cái” mình! Mà sao xưa nay, chúng ta lại không nghĩ tới chuyện bất công này nhỉ?
Về chữ Hiếu trong đạo Công giáo, xin nêu lên những điểm này:
Thứ nhứt: Hiếu thảo với cha mẹ là luật của Chúa Trời chứ không chỉ là lời mời gọi tự nguyện.
Luật của Chúa là buộc phải giữ và không ai có quyền sửa đổi. Ai là người Công giáo thì đều thuộc 10 giới luật. Ba giới luật đầu là dạy con người phải cư xử với Chúa như thế nào. Bảy giới luật kia là dạy con người phải cư xử với nhau như thế nào. Giới luật đầu tiên của bảy giới luật đó là giới luật thứ tư, thảo kính cha mẹ!
Trong đời sống xã hội, chữ Hiếu đối với cha mẹ chỉ là sự mời gọi có tính tự nguyện. Người ta khinh thường những đứa con thờ ơ với cha mẹ mình. Nhưng theo luật của Chúa thì không phải vậy.
Thứ hai: Chữ Hiếu với cha mẹ còn đang sống.
Khi dạy giáo lý cho trẻ em, mình dạy các em làm bốn điều này với cha mẹ các em:
* Một là phải yêu mến cha mẹ. Mình nói về công lao nhọc nhằn của cha mẹ khi nuôi con lúc còn tấm bé, nói về luật của Chúa, mình trích dẫn ca dao tục ngữ và dạy các em học thuộc lòng… Đối với người lớn mình hay nói câu này: Người ta có thể cho mà không thương, nhưng người ta không thể thương mà không cho. Phải yêu thương cha mẹ thật lòng thì mới thực hiện chữ Hiếu được.
* Hai là phải tôn kính cha mẹ. Không được ăn nói hỗn hào với cha mẹ, không được có những cử chỉ xấc láo với cha mẹ, đó là tội. Nhiều người lớn đã làm gương xấu cho con cái khi ăn nói với cha mẹ mình những lời không đàng hoàng. Cha mẹ phải dạy con cái kính trọng ông bà nội ngoại.
* Ba là phải vâng lời cha mẹ trong điều đúng. Các bạn trẻ ít chịu vâng lời cha mẹ trong việc đạo đức: Đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình, tham gia sinh hoạt trong giáo xứ, sống đạo theo luật của Chúa… Tuy cha mẹ không hành động gì để phản đối, nhưng cha mẹ rất buồn lòng vì ma quỷ đã lôi kéo con mình xa Chúa. Mình đã từng biết nhiều người trẻ như thế. Cha mẹ hay than thở với mình: “Con nuôi con được mà không dạy nó được, buồn lắm cha!”
* Bốn là phải giúp đỡ cha mẹ. Có hai thứ cần giúp đỡ: vật chất và tinh thần. Mình nói chuyện với một vị giám mục hưu. Ngài bảo, cái ăn cũng cần, thuốc men cũng cần, chỗ ở cũng cần, nhưng cần nhứt là người chăm sóc mình biết thông cảm với mình. Đất sinh cỏ, già sinh tật! Mình có một nhóm người tham gia việc từ thiện. Mình luôn dặn họ cách cho quan trọng hơn quà cho. Chuyện thăm viếng là chính, tặng quà là phụ, nhất là đối với người nghèo nhiều mặc cảm. Cắt móng tay, móng chân cho người già, họ thích lắm. Đối với cha mẹ già cũng như vậy thôi!
Thứ ba: Chữ Hiếu đối với cha mẹ đã qua đời.
Đạo Công giáo rất phong phú về mối tương quan giữa người sống và người đã chết. Đức tin Kitô giáo dạy: Có hạnh phúc thiên đàng với Chúa, Hội Thánh thông công qua việc cầu nguyện cho người qua đời… Cha mẹ trên thiên đàng cầu cùng Chúa cho con cái ở còn sống ở thế gian, người còn sống ở thế gian dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn trong nơi luyện tội. Thông công là như vậy.
Giáo hội Công giáo dành nguyên tháng 11 hằng năm cho các tín hữu đã qua đời. Trên cả thế giới, trong mỗi thánh lễ của hàng trăm ngàn linh mục mỗi ngày đều có một lời cầu nguyện cho người đã qua đời. Hằng năm, đến ngày kỵ giỗ, con cháu có bổn phận xin lễ cầu cho ông bà cha mẹ đã qua đời, rồi trong tháng 11 cũng vậy. Mình cũng luôn nhớ cầu nguyện cho cho các ân nhân của mình đã qua đời.
Cũng có khi ông bà tổ tiên mình đã lên thiên đàng rồi, mà vì chữ Hiếu, hằng năm mình cũng xin lễ cầu nguyện cho thì có ích lợi gì? Lúc đó là ích lợi cho chính mình, vì trên hết còn có Chúa, Chúa biết phải làm gì cho mình chứ. Cũng như có người xin lễ cầu cho các thai nhi, điều đó là không đúng nguyên tắc vì các cháu vô tội mà. Thường thì mình giải thích cho giáo dân, rồi mình dâng lễ xin cho các thai nhi còn trong bụng mẹ không bị phá bỏ. Đổi mục đích thì Chúa hiểu ngay.
Tháng 11 tới rồi, mong mọi người hãy chăm sóc phần mộ của người thân. Và chúng ta cũng quan tâm tới những ngôi mộ không có thân nhân, các ngôi mộ ở nghĩa trang thai nhi… Một nén nhang để tỏ lòng, làm sạch đẹp một nấm mồ để tỏ lòng… Bảo đảm ta không mất công bao giờ. Người chết linh thiêng hơn người sống. Các thánh trên trời linh thiêng hơn người trần thế vì các ngài gần Chúa.
Lm Phêrô Nguyễn Vân Đông, GP Kon Tum