Giáo xứ Vinh Hương

Giảng lễ thế nào cho hay?

Thứ ba - 21/03/2023 20:50
GiangLeTheNaoChoHay
GiangLeTheNaoChoHay
GIẢNG LỄ THẾ NÀO CHO HAY?

WHĐ (21.3.2023) – “Chúng ta thường đọc Kinh thánh nhất, hoặc lắng nghe Lời Chúa nhiều nhất ở đâu?” Câu trả lời phải là nơi Thánh lễ. Có hai bàn tiệc trong một Thánh lễ: tiệc Lời Chúa và tiệc Thánh Thể. Hai phần đều quan trọng như nhau. Tiệc Lời Chúa chúng ta được lắng nghe trước, tiệc Thánh Thể chúng ta được ăn uống sau. Cả hai làm cho tâm hồn chúng ta trở nên phong phú và được ở gần Thiên Chúa nhất. Hoặc nói như Giáo hội: “Con người, một thụ tạo vừa có thân xác vừa thiêng liêng, diễn tả và tiếp nhận các thực tại thiêng liêng qua dấu chỉ và biểu tượng vật chất. Con người có tính xã hội, nên cần dấu chỉ và biểu tượng để giao tiếp với tha nhân qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Trong tương quan với Thiên Chúa cũng thế.” (GLHTCG 1146).

Chút chia sẻ dưới đây chúng ta thử nhìn lại những gì diễn ra trong phần đầu của Thánh Lễ. Ai cũng biết ít nhiều, do đó thật tốt để chúng ta ý thức lại lần nữa. Ước mong rằng khi thấy được ý nghĩa này, chúng ta tham dự một cách sốt sáng và đầy đủ hơn. Từ đó, đời sống Kitô hữu thêm phần phong phú, vì được Lời Chúa dưỡng nuôi.

1. Phụng vụ để lắng nghe Lời Chúa

Phụng vụ theo nguồn gốc tiếng Hy Lạp: λειτουργία - Leiturgia, có nghĩa là ‘việc công khai’, ‘việc do dân và vì dân’. Theo định nghĩa này, theo truyền thống Công giáo, Giáo hội muốn nói rằng: Dân Thiên Chúa tham dự vào công trình của Thiên Chúa. Qua Phụng vụ, Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc và Thượng Tế, tiếp tục công trình cứu chuộc trong Hội Thánh, với Hội Thánh và qua Hội Thánh” (GLHTCG 1069). Công trình cứu độ này được thể hiện qua một trong những nguồn ân sủng quan trọng đó là Kinh Thánh, Lời Chúa được công bố trong Thánh lễ.

Khi tham dự phụng vụ hoặc Thánh lễ, cũng là lúc chúng ta gặp được Thiên Chúa. Chúng ta gọi bối cảnh này là không gian thánh thiêng. Chúa gặp gỡ dân, dân tôn thờ, phụng sự và lắng nghe những lời dạy của Thiên Chúa. Đó là những lời yêu thương để mỗi người bước đi trong ánh sáng của sự thật. Vì ý nghĩa này mà ngay từ thời Giáo hội sơ khai, “các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng.” (Cv 2,42). Các tín hữu thời đó được các tông đồ kể lại những lời dạy và việc làm của Đức Giêsu. Dĩ nhiên họ cũng tiếp tục đọc Cựu Ước như truyền thống của cha ông. Càng lắng nghe, càng kể cho nhau, họ càng hiểu về Đức Giêsu, về Thiên Chúa. Truyền thống phụng vụ này hẳn nhiên đã thay đổi nhiều qua thời gian. Để tới hôm nay, chúng ta thấy được những gì diễn ra trong Thánh lễ, trong phụng vụ Lời Chúa.

Sau một tuần bôn ba với công việc, thật tốt để chúng ta cùng nhau đi lễ. Nơi đó, chúng ta được “lắng nghe Lời Chúa và tham dự vào Bí tích Thánh Thể, để kính nhớ sự Thương Khó, Phục sinh và Vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Người đã dùng sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động.” (GLHTCG 1166-1167). Thánh Lễ Chúa Nhật thường có hai bài đọc: một bài Cựu Ước và một Bài trích các thư trong Tân Ước. Kế đến là bài Tin Mừng. Ba bài này thường nổi lên một chủ đề phụng vụ tùy theo mỗi Chúa Nhật. Nếu theo lịch phụng vụ trong ba năm, chúng ta sẽ có cơ hội lắng nghe được tất cả các bài trong Kinh Thánh. Đây là lý do tại sao Giáo hội khuyến khích con cái mình chú tâm lắng nghe Lời Chúa: “Mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn nữa, để trong một khoảng thời gian nhất định, dân Chúa sẽ được nghe những phần Kinh Thánh quan trọng.”[1]

Phần đầu của Thánh lễ hẳn nhiên cũng quan trọng như những phần khác. Mục đích để giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa. Các bước ấy quan trọng như là việc chuẩn bị cho chúng ta bước vào không gian thánh. Chính trong bối cảnh này, chúng ta được nghe hai bài đọc và một bài Tin Mừng. Tiếp diễn phần này là linh mục hoặc phó tế sẽ chia sẻ về Tin Mừng.

2. Giảng thế nào cho hay?

Là linh mục, tôi thường đặt câu này cho chính mình. Mục đích không phải để mình nổi tiếng với những bài giảng hay. Hơn hết, mục đích của các bài giảng là giúp giáo dân hiểu thêm về Lời Chúa. Khi học về cách giảng, tôi được tiếp cần một tài liệu rất tốt của Giáo hội: Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng - Evangelii Gaudium. Trong đó, những lời khuyên không chỉ dành cho người giảng, nhưng cũng dành cho mỗi người tham dự, cho người lắng nghe Lời Chúa.

a. Mục đích của rao giảng Lời Chúa

Cần nhớ rằng: “Việc rao giảng lời Chúa trong phụng vụ, đặc biệt trong cuộc tụ họp Thánh Thể, không phải là thời gian suy niệm hay huấn giáo cho bằng một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người, một cuộc đối thoại trong đó các hành vi cứu độ vĩ đại được công bố và các đòi hỏi của giao ước được liên tục nhắc lại”[2] Vì mục đích này, Giáo hội khuyên các linh mục cần giảng lời như lời của người mẹ nói chuyện với con[3]. Nói sao cho con dễ hiểu, thích nghe và dễ thực hành là điều đáng chú tâm.

Để đạt được mục đích trên, các linh mục cần chú tâm đến những lời nói giúp trái tim bừng cháy. Người tham dự cũng cần chú ý đến mục đích này, để lòng mình được sáng lên: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Ðức Kitô.” (Rm 10,17). Như vậy, những lời của linh mục như là lời trung gian của Thiên Chúa nói với dân. Linh mục nào càng gần Thiên Chúa, càng lắng nghe Lời Chúa, người ấy càng có khả năng nói cho dân hiểu. Như lời Giáo hội nhắn nhủ các phó tế và linh mục: “trước hết phải phát triển một sự thân mật sâu xa với Lời Chúa. Hiểu biết các khía cạnh ngôn ngữ hay chú giải chắc chắn là cần nhưng không đủ. Họ cần đến với Lời Chúa bằng một con tim ngoan ngoãn và cầu nguyện, để lời thấm sâu vào các tư tưởng và tình cảm của họ và tạo một cái nhìn mới nơi họ”[4].

b. Giảng ngắn hay giảng dài

Như chúng ta cũng biết: “các linh mục rao giảng, không phải để làm vừa lòng người phàm, mà để làm đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng thử luyện tâm hồn họ.” (1 Tx 2,4). Điều này có nghĩa là người giảng cần cầu nguyện và chuẩn bị những điều cần chia sẻ với giáo dân. Đức Giáo hoàng Phanxicô mô tả bước này như sau: “Ai muốn giảng thì trước tiên phải để cho lời Thiên Chúa lay động mình một cách sâu xa và thấm nhập vào trong đời sống hằng ngày của mình. Như vậy, giảng chủ yếu là ở việc hoạt động sâu xa và hiệu quả ấy, đó là “thông truyền cho người khác điều mình đã chiêm ngắm”[5].

Một câu hỏi nhức nhối cho cả người giảng lẫn người nghe: bài giảng nên ngắn hay nên dài? Não trạng ngày nay thay đổi tương đối nhiều so với thời xưa về khái niệm thời gian. Ngày nay chúng ta thích ngắn gọn, cụ thể và rõ ràng. Tâm trạng ấy cũng đúng trong lãnh vực giảng giải. Điều này được Giáo Hoàng Phanxicô thường nhắc các linh mục để giúp họ giảng hay: “Người giảng thuyết cũng cần để tai nghe dân và tìm xem các tín hữu cần nghe những gì.” Theo ngôn ngữ bình dân: “người giảng cần gãi đúng chỗ ngứa”. Hơn nữa, tôi tin Lời Chúa phù hợp cho mọi người có thể hiểu được, thêm với những giảng giải của các linh mục, ước sao Lời ấy càng đi vào cuộc sống của từng người. Trong tâm thế này, ước sao các bài giảng không quá dài và cũng không quá ngắn để giúp giáo dân hiểu và sống Lời Chúa một cách cụ thể hơn. 

Có thể quý độc giả vẫn chưa hài lòng với câu trả lời trên! Đức Giáo hoàng Phanxicô gợi ý về dung lượng thời gian cho một bài giảng giải Tin Mừng Chúa nhật là 8 phút. Điều này được một linh mục tiến sĩ Fábry Kornél người Hungary, chuyên về phụng vụ, giải thích dí dỏm như sau: “Trong một bài giảng, 7 phút đầu là những lời của Thiên Chúa, 2 phút sau là những lời của người giảng, những phút còn lại là những lời của Ma quỷ!”[6] Hẳn nhiên đó là những lời nói vui, nhưng có thể giúp mỗi người giảng như chúng tôi là các linh mục cần “bác ái” với người nghe. Trong Kinh Thánh chẳng hạn, chúng ta có thể tìm thấy những lời khuyên về cách chuẩn bị một bài giảng thế nào để có thể đến được với dân một cách hiệu quả nhất: “Hãy nói cho gọn, ít lời, nhiều ý” (Hc 32,8). Nghĩa là một bài giảng tốt phải có “một ý tưởng, một tình cảm, một hình ảnh”.[7]

Khi chuẩn bị bài giảng, tôi thường chú ý đến bí quyết này của Đức Phaolô VI: “Các tín hữu mong đợi nhiều từ bài giảng, và sẽ được rất nhiều lợi ích từ bài giảng, miễn là nó đơn sơ, rõ ràng, trực tiếp và thích hợp.”[8]

c. Lời Chúa là những lời yêu thương

Chúa luôn nói với con người bằng ngôn ngữ của tình yêu. Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu. Trong Thánh lễ cũng thế, Tin mừng diễn tả tình yêu của Chúa dành cho con người. Với tình yêu này, lý tưởng là người giảng tiếp tục diễn giải tình yêu này sao cho giáo dân hiểu rõ hơn. Để diễn tả ý hướng này, tôi xin trích nguyên văn lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:

“Tích cực là một đặc trưng quan trọng của một bài giảng tốt. Bài giảng tốt không quan tâm nhiều tới việc nói ra điều gì không được làm, nhưng gợi ý chúng ta có thể làm gì tốt hơn. Bất luận thế nào, nếu kêu gọi chú ý tới một điều gì tiêu cực, nó cũng phải cố gắng vạch ra một giá trị tích cực và hấp dẫn, nếu không nó sẽ bị mắc kẹt giữa những lời phàn nàn, than vãn, phê bình và trách móc. Giảng tích cực luôn luôn cống hiến hi vọng, vạch ra tương lai, không để chúng ta mắc kẹt trong tiêu cực. Tốt biết bao khi các linh mục, phó tế và giáo dân định kỳ tụ họp lại với nhau để khám phá ra các nguồn hỗ trợ có thể giúp cho việc giảng thuyết hấp dẫn hơn!”[9]

Như thế, trọng trách của người mục tử không chỉ gói gọn trong bài giảng, nhưng còn thể hiện bằng đời sống. Lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vẫn đúng trong trường hợp này: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Ước sao mục tử “hãy dạy giáo dân tuân giữ mọi điều Đức Giêsu đã truyền trong Thánh Kinh.” (Mt 28,20). Bên cạnh đó là những chứng từ được diễn tả bằng trái tim người mục tử dành cho đoàn chiên.

Tạm kết

Chút chia sẻ trên đây hy vọng giúp mỗi người thêm yêu mến Thánh lễ. Đó thực sự là bối cảnh để lắng nghe Lời Chúa và đón nhận thần lương. Càng quảng đại với Chúa, chúng ta càng dễ lắng nghe được Lời của Ngài. Chúng ta cũng tiếp tục cầu nguyện cho các linh mục. Ước sao với khả năng của mình, các linh mục có thể giúp giáo dân gặp được Thiên Chúa. Các linh mục là trung gian, là nhịp cầu nối dân với Chúa. Đừng quên xin với Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe!” (1 Sm 3,9).

 
[1] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis 51
[2] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng - Evangelii Gaudium số 137
[3] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng - Evangelii Gaudium 139-148
[4] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng - Evangelii Gaudium 149
[5] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng - Evangelii Gaudium 150
[7] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng - Evangelii Gaudium 157
[8] Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi 43: AAS 68 (1976), 33.
[9] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng - Evangelii Gaudium 159
 

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Nguồn tin: www,hdgmvietnam.com

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây