Giáo xứ Vinh Hương

Suy niệm Tam Nhật Thánh

Thứ tư - 23/03/2016 18:53
Đôi tay biểu tượng tình yêu
(Thứ Năm Tuần Thánh)
 
 Đã nhiều lần chúng ta nhìn thấy bức tranh vẽ hay điêu khắc đôi bàn tay gầy guộc chắp vào nhau hướng lên trời. Nhiều người chỉ biết rằng đây là biểu tượng của cầu nguyện. Thực ra, đôi bàn tay này do một người em đã vẽ bàn tay người anh. Một bàn tay vất vả hy sinh lao động để nuôi em ăn học.

Chuyện kể rằng có một gia đình nghèo gồm 18 người con. Hai người con lớn trong nhà đều chung ước mơ trở thành họa sĩ. Nhà nghèo nên họ quyết định chỉ một người đi học. Họ sẽ tung một đồng xu. Người thua sẽ làm thợ mỏ, dùng toàn bộ thu nhập để chu cấp cho người thắng đi học. Sau này thành tài người thắng sẽ giúp ngược lại.

Đồng xu được tung lên, người em thắng cuộc và được đi học. Người anh trong suốt 4 năm, làm lụng để nuôi người anh em của mình ăn học. Sau 4 năm thành họa sĩ nổi danh, người em muốn thực hiện lời cam kết ngày nào nên trong bữa ăn sum họp, người em đứng dậy để cảm ơn người anh trai đã hy sinh 4 năm giúp mình hoàn thành được ước mơ. Người em nói:

- Anh Albert, bây giờ đã đến lượt anh. Anh hãy theo đuổi ước mơ của mình. Em sẽ lo toàn bộ chi phí và chăm sóc gia đình. Albert mỉm cười, rồi bật khóc:

- Không, anh không thể vẽ được nữa. Đã quá muộn rồi. Bây giờ, sau 4 năm làm việc trong hầm mỏ, không còn ngón tay nào của anh là lành lặn. Thậm chí bây giờ anh còn bị thấp khớp ở tay phải nặng tới mức không thể nâng nổi một chiếc ly, nói gì đến việc cầm cọ vẽ. Cảm ơn em, nhưng bây giờ đã quá muộn rồi…

Trước tình yêu quá cao vời của anh, người em đã thực hiện một tác phẩm cẩn thận nhất trong đời: vẽ lại đôi bàn tay của anh trai mình, với lòng bàn tay hướng vào nhau và những ngón tay gầy guộc hướng lên trời. Ông chỉ gọi bức tranh của mình đơn giản là “Đôi tay”, nhưng cả thế giới đều đặt tên cho kiệt tác đó là “Đôi tay cầu nguyện”.

Xem ra đôi bàn tay còn có ý nghĩa là trao ban, là hy sinh cho người mình yêu. Đôi bàn tay ấy đã nâng ước mơ cho người em thành tài trong cuộc đời.

Hôm nay thứ năm tuần thánh cũng mời gọi chúng ta chiêm ngắm một tình yêu tự hiến qua hình ảnh tấm bánh bẻ ra để trao ban. Chúa Giê-su đã lưu dấu mãi tình yêu tự hiến cho người mình yêu.  Ngài muốn chúng ta mỗi khi ăn tấm bánh ấy phải loan truyền tình yêu tự hiến của Ngài đến muôn đời. Một tình yêu cho đi mà không mong đền đáp. Một tình yêu hiến dâng quên đi cả tính mạng của mình. Một tình yêu chịu nghiền nát thành của ăn cho người mình yêu.

Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Chúa  đã chọn tấm bánh như một biểu trưng, một dấu chỉ cho cả cuộc đời mình. Tấm bánh được làm nên là vì sự sống, vì niềm vui của người khác mà không bao giờ là cho chính bản thân mình. Có thể đó là tấm bánh đơn sơ, dân dã đem lại niềm vui cho trẻ thơ mỗi khi mẹ đi chợ về. Có thể đó là tấm bánh nhỏ bé nhưng vô cùng cần thiết, đem lại sức sống cho người đang đói lả. Bánh có thể được đặt trang trọng trên những bàn tiệc thịnh soạn. Bánh có thể được nâng niu trên đôi tay gầy gò, run rẩy của người hành khất bên vỉa hè. Như thế, Bánh không kén chọn người ăn, và dù là cao cấp hay bình dân, bánh được làm ra là để cho đi chính mình, trao tặng chính mình, để trở nên niềm vui và sức sống cho người khác. Chúa Giêsu đã trở nên tấm bánh thật vừa với tầm tay của tất cả hạng người.

Thật đơn sơ nhưng cũng vô cùng sâu xa, vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến. Khi xưng mình là bánh, Chúa Giêsu muốn bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, chịu tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa  chịu nhỏ đi để con người được lớn lên. Chúa  chịu hủy hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa chịu chết cho ta được sống.

Hơn ba mươi năm đi khắp nẻo đường đời và trên đỉnh cao thập tự giá, Ngài đã sống như một tấm bánh. Tấm Bánh được bẻ ra và trao tặng như một cử chỉ yêu thương. Ngài trở nên Tấm Bánh như một lời mời gọi: “Anh em cầm lấy mà ăn”. Ngài trở nên tấm bánh để từ đây, Thiên Chúa có thể ở lại mãi với con người.

Hôm nay chúng ta kỷ niệm ngày Chúa lập bí tích Thánh Thể. Bí tích của tình yêu tự hiến. Qua tấm bánh đơn sơ nhưng nói lên tình yêu hiến dâng của Thầy Chí Thánh Giê-su chấp nhận tan biến cho người mình yêu.

Xin cho chúng ta nhận ra tình yêu vô biên của Chúa để sống ngàn đời tri ân. Xin cho cuộc đời chúng ta cũng biết tự hủy chính mình như tấm bánh đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người mình yêu. Amen
 
Sống Cao Đẹp Chết Không Cùng
(Thứ Sáu Tuần Thánh)
 
Đời người, ai cũng chết, nghĩa là ai cũng sẽ một lần nhắm mắt xuôi tay. Từ giã bạn bè, người thân ra đi biền biệt. Cái chết là phận số của con người. Không ai mà không chết. Điều quan yếu là chết cách nào? Chết để người đời thương nhớ, lưu danh hay chết là niềm vui của xã hội vì đã loại được một người ăn bám xã hội và hại người.

Người ta nói nghĩa tử là nghĩa tận nhưng xem ra vẫn chưa tận. Vì sau cái chết vẫn còn những lời xì xầm bình loạn của thế gian. Lắm khi cái ác mà người chết gây ra quá lớn thì dẫu chết cũng chưa tận, trong nỗi đau đã khoét sâu trong lòng người sống, khiến số đông không cam lòng. Và, chỉ có thể là “tận nghĩa” giữa cuộc tiễn đưa vắng bóng người, thậm chí không có nước mắt tiếc thương.

Có lẽ nhiều người cũng sợ cái chết của mình chưa tận với miệng lưỡi thế gian, nên trang mạng Facebook đang lan truyền ứng dụng Sát Thủ- chết bất hủ.  Sát thủ - chết bất hủ là một ứng dụng dự đoán vui về kết thúc cuối đời của người tham gia. Những lý do chết mà ứng dụng tiên đoán đều khiến người xem bật cười ngay lần đọc đầu tiên. Kiểu như Chết cháy vì táy máy vào ổ điện, Ngủm vì ngửi phải mùi thum thủm, Chết vì nghĩa tình đã hết, Ra đi vì vợ nghi cặp bồ, Thăng vì rụng hết răng không ăn được, Nghẻo vì trèo cây cao, Thăng vì quá lăng nhăng. . .

Thực ra chết cách nào không quan trọng mà là sống thế nào để khi chết vẫn còn có người thương nhớ. Người chết không “tận” nơi người sống mà họ vẫn ở lại trong trái tim người sống về những hình ảnh yêu thương phục vụ của người ra đi. Họ đã sống đẹp cho đời thì hình ảnh đẹp ấy vẫn được người đời muôn đời ca tụng.

Con người và cuộc đời Chúa Giê-su dường như không kết thúc. Ngài vẫn sống trong lòng nhân loại dầu Ngài đã hiến tế cuộc đời trên đồi Golgotha cách đây hơn 2000 năm. Ngài vẫn ở lại trong trái tim từng người vì Ngài đã hiến dâng mạng sống mình vì loài người chúng ta.

Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giê-su chúng ta chỉ thấy hai chữ hy sinh. Ngài hy sinh nên nhập thể làm người. Ngài hy sinh nên dong ruổi suốt dọc dài đất nước Palestine để thi ân, để cúi xuống phục vụ mọi mảnh đời khổ đau. Sự hy sinh của Ngài nên tới đỉnh điểm là chết cho người mình yêu. Ngài có thể tháo lui trước nhục hình. Ngài có thể từ chối uống chén đắng vì Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã dùng cái chết để mở ra cho nhân loại một con đường về với trời cao. Ngài chết để minh chứng về Chúa Cha, và vì vâng phục Chúa Cha mà Ngài bằng lòng chịu chết. Sự chết của Ngài đã giao hòa con người với Thiên Chúa Cha, để từ nay nhờ hiến tế của Con Thiên Chúa mà con người được trở về nhà Cha.

Hôm nay chúng ta suy tôn thánh giá Chúa. Suy tôn tình yêu tự hiến hy sinh của Chúa. Nhờ hiến tế trên đồi Calve mà con người được sống trong ân nghĩa cùng Chúa Cha. Trong Phúc âm ghi lại: "Họ sẽ nhìn ngắm Ðấng mà họ đã đâm thâu qua" (Ga 19,37). Ngắm nhìn xem Đấng đã bị đâm thâu để thấy tình yêu hiến dâng đến quên cả tính mạng cho người mình yêu. Ngắm nhìn xem Đấng đã bị đâm thâu để thấy mình cũng có trách nhiệm trong cuộc thương khó của Chúa, trong nỗi đau của anh chị em mình. Ngắm nhìn Đấng đã bị đâm thâu để biết sống bù đắp những lỗi lầm của mình đã và đang gây đau khổ cho anh chị em mình.

Nguyện xin Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh giúp chúng con mỗi lần ngắm nhìn Chúa biết giục lòng ăn năn thống hối và can đảm đứng lên làm lại cuộc đời. Xin cho cuộc đời chúng ta sẽ mãi không “tận” trong lòng anh em, mà sống mãi trong mọi người nhờ những hy sinh đóng góp của chúng ta. Amen
 
Hành Trình Về Nhà Cha
(CN Phục Sinh)

Cuộc sống con người là một hành trình. Một hành trình có một cõi đi về. Một cõi về ấy sẽ kết thúc cuộc hành trình loanh quanh có lúc mệt mỏi, rã rời như nhạc Trịnh đã diễn tả.

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”

Cuộc sống một kiếp người trăm năm tưởng dài nhưng nó chỉ thoảng qua như chớp mắt. Bao nhiêu năm trong cái đời sống trăm năm ấy ta vẫn ra đi, dẫu biết rằng chỉ là “đi đâu loanh quanh cho đời  mỏi mệt” mà thôi.

Phải chăng đó là một vòng luẩn quẩn, loanh quanh của một kiếp người. Cuộc sống mưu sinh, cơm áo, gạo tiền, bệnh tật, đau khổ,... tất cả đều trở thành gánh nặng cho ta phải vác đi ngày đêm? Đi cả đời nhưng ta không biết mình đi đâu, về đâu. Cuộc sống không định hướng làm cho ta có những lúc nặng nhọc, buồn khổ, lo lắng và sầu não mỗi ngày. Và cứ như thế, thời gian giống như một chú ngựa phóng nhanh, một đời người ngắn ngủi lắm, mùa xuân mới vừa qua, thì chớp mắt lại mùa hạ cũng sắp tàn, và hình ảnh của một ngày mùa thu hoang tàn khiến ta lại nhớ về "chốn xa".

Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người

Dẫu kiếp người có lắm bể dâu nhưng dường như Trời vẫn yêu thương chăm sóc con người. "Mây" và "nắng" luôn ở phía trên ta, Trời cao và chân lý luôn bảo vệ chúng ta, vì vậy hãy biết nhìn về cõi vĩnh hằng ấy mà sống tốt. Đôi chân ta cứ đi, cứ sống, nhưng vẫn còn đó một dòng "sông" tựa như một dòng chảy của thời gian, của những việc ta làm sẽ mãi ở lại với đời để lưu danh tiếng thơm muôn đời.

Như vậy cuộc đời đầy những vật lộn, vất vả long đong nhưng chúng ta vẫn phải sống sao cho dòng chảy cuộc đời của mình mang lại niềm vui, hạnh phúc, sức sống cho đồng loại. Có như vậy dòng chảy cuộc đời ấy sẽ không còn loanh quanh, mỏi mệt nhưng vui mừng lạc quan dấn thân xây dựng cuộc đời này tốt đẹp hơn.

Hôm nay chúng ta canh thức để Mừng Chúa Phục Sinh. Sự kiện Chúa phục sinh cho chúng ta thêm một niềm hy vọng là hành trình cuộc đời vẫn tiếp diễn ở cõi đi về ấy. Cõi ấy là cõi Trời. Bước vào cõi ấy con người như cảm tưởng thời gian dừng lại vì con người không còn lệ thuộc bởi không gian và thời gian. Chúa Phục sinh đã trở về cõi trời ấy trong vinh quang chiến thắng sau một hành trình hiến dâng phụng sự chương trình Chúa Cha để cứu độ trần gian.

Hành trình cuộc đời của Ngài luôn là một dòng chảy mang lại niềm vui hạnh phúc cho con người. Suốt hành trình rong ruổi ấy Ngài đã hát lên giữa nhân loại khúc hát của tình yêu để đến hôm nay hình ảnh Ngài, lời dạy của Ngài vẫn ở lại với dòng chảy cuộc đời hôm nay.

Cuộc đời con người là một hành trình không bao giờ vắng bóng khổ đau của thập giá cuộc đời. Thập giá của bổn phận. Thập giá của những chuyện ngoài ý muốn. Thập giá của hy sinh vì tha nhân. Thập giá Chúa luôn gởi tới trên hành trình bước về cõi trời. Ước gì chúng ta hãy can đảm vác lấy thập giá Chúa gửi đến trên hành trình cuộc đời. Thập giá ấy sẽ là nhịp cầu để giúp chúng ta bước qua cõi đời này mà về cõi trời. Chúa Giê-su cũng dùng cây thập giá ấy để về cõi trời và cũng nhờ cây thập giá ấy Ngài đã mở lối cho chúng ta về cõi trời. Đó cũng là hành trình mà Chúa đang mời gọi chúng ta trải qua để tiến về hưởng vinh quang Nước Trời.

Xin Chúa giúp chúng ta vui lòng vác thập giá hàng ngày mà theo Chúa ngõ hầu mai sau cùng được chung hưởng hạnh phúc cõi trời vĩnh hằng. Amen
 
 

Tác giả bài viết: Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây