Trong chuyến Tông du Canada từ ngày 24 đến 30.7.2022, ĐGH Phanxicô đã gặp gỡ, lắng nghe và nói lời xin lỗi đối với thổ dân ở miền đất này, đặc biệt những nạn nhân bị lạm dụng và tổn thương ở các trường nội trú trong quá khứ.
Đêm vọng Giáng Sinh ngày 24.12.2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Năm Thánh qua việc mở Cửa Thánh của Vương cung Thánh đường thánh Phêrô tại Vatican. Sau đó vào lễ kính Thánh Gia 29.12.2024, tại các nhà thờ Chánh tòa trên khắp thế giới, các giám mục giáo phận cũng đã cử hành nghi thức khởi đầu năm hồng ân này.
Một trong những điểm mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề nghị chúng ta thực thi trong Năm Thánh là hòa giải (x. Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, số 23). Trong quá khứ, Giáo hội đã có nhiều lần thực hiện hòa giải, và tôi ấn tượng nhất là khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xin lỗi về các sai lầm của Hội Thánh qua các thế kỷ. Ước gì sự hòa giải này được thể hiện lại nơi chúng ta, từ gia đình đến xã hội, nhất là những nơi đang có những tranh chấp gây khổ đau cho nhiều người.
Nhìn lại một năm vừa qua, khắp nơi đã phải đối mặt với biết bao thách thức và biến động, đặc biệt là những cuộc xung đột kéo dài mà giờ đây vẫn chưa có hồi kết. Điều này đã gây nên những tổn thương sâu xa cho nhân loại: sự đổ vỡ trong mối tương quan giữa con người với con người, giữa các quốc gia với nhau, khiến nhiều người phải sống trong lo sợ và mất bình an.
Chúng ta ai cũng muốn mình được yêu thương, được sống một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nhưng đúng là không phải dễ dàng, nhất là ở những quốc gia đang trong cuộc xung đột. Khi nghĩ tới điều đó, tôi thấy sự đối nghịch nơi chính con người: Muốn được sống trong hòa bình nhưng lại luôn tìm cách gây tổn thương cho người khác. Vậy từ đâu chúng ta lại có sự đối nghịch này? Phải chăng bởi sự kiêu ngạo, ích kỷ nơi chính mỗi cá nhân? Từ những suy tư trên, trong tâm trí tôi xuất hiện hình ảnh Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một vị giáo hoàng đầy lòng khiêm tốn, quả cảm, khi quyết định xin lỗi công khai với toàn thể thế giới. Trong buổi tiếp kiến ngày 12.3.2000, với hàng ngàn người hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha, bằng sự khiêm nhường và thánh thiện, đã công khai xin tha thứ về những sai lầm của Giáo hội qua các thế kỷ: các cuộc Thập Tự Chinh, Tòa án dị giáo và những hành vi sai lầm chống lại người Do Thái và nhóm thiểu số… Ngài nói: “Chúng ta khiêm tốn xin được tha thứ vì mỗi người trong lối hành xử của mình đã góp phần gây ra những sự xấu ấy, đồng thời cũng làm xấu đi bộ mặt Giáo hội”.
Trên cương vị là người kế vị Thánh Phêrô, người mà Đức Kitô trao quyền “cầm buộc hay tháo cởi”, đại diện cho Giáo hội Công giáo, ngài đã thú tội và xin sự tha thứ không phải bởi lỗi lầm của chính ngài, nhưng của toàn thể chúng ta. Vào thời điểm mà việc xin sự tha thứ được xem là thể hiện sự yếu đuối, thì Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chứng minh rằng, hoán cải là một hành động cao đẹp, thể hiện sự mạnh mẽ. Ngài nói: “Chắc chắn là sự tha thứ không đến một cách tự phát hay tự nhiên đối với con người. Sự tha thứ từ con tim là hành động anh hùng. Nhờ sự chữa lành của tình yêu thì thậm chí con tim bị thương tật nhất cũng có thể cảm nhận được cuộc gặp gỡ tự do với sự tha thứ ”.
Như thế, theo Đức Giáo Hoàng, cầu xin sự tha thứ là niềm hy vọng và cũng chính là sự tin tưởng, cậy trông vào tình yêu Thiên Chúa và tình yêu nhân loại, để hòa giải với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Trong thân phận con người, sẽ không tránh khỏi những lầm lỗi, chính vì thế, khi ai đó trót mắc sai lầm, họ không trở nên đáng sợ, đáng trách, mà chỉ đáng sợ và đáng trách khi không can đảm nhìn nhận lỗi lầm. Với người tín hữu, xin lỗi không chỉ thể hiện sự ăn năn hướng lòng về Chúa, mà còn là đặt niềm hy vọng tin tưởng vào tình yêu, vào lòng xót thương của Ngài. Nhưng để cảm thấy sự bình an và niềm vui đích thực thì xin sự tha thứ thôi chưa đủ, chúng ta cũng cần phải tha thứ cho người khác nữa. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói tiếp: “Đồng thời, khi thú nhận tội lỗi của mình, chúng ta cũng hãy tha thứ cho những lỗi lầm mà người khác đã gây ra. Tất cả cần được người khác tha thứ, nên phải sẵn sàng để tha thứ. Cầu xin tha thứ và trao ban tha thứ là điều quý giá sâu thẳm của mỗi người”.
Gần đây hơn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong “Sắc chỉ công bố Năm Thánh” cũng đã viết: “Kinh nghiệm được tha thứ nhất thiết sẽ mở rộng tâm trí để sẵn sàng tha thứ. Tha thứ không thay đổi quá khứ, không sửa chữa được những gì đã xảy ra. Nhưng tha thứ cho phép chúng ta thay đổi tương lai và sống khác đi, không oán hận, không căm phẫn và không báo thù. Tương lai được tha thứ soi sáng sẽ cho phép cá nhân đọc quá khứ bằng đôi mắt khác, an nhiên hơn, ngay cả khi mắt vẫn còn đẫm lệ” (số 23). Thật vậy, Chúa Giêsu từng dạy tha thứ là điều kiện để được tha thứ: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô thành Assisi cũng có câu: “Vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ”.
Trong Năm Thánh “Những người hành hương của hy vọng”, Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước mỗi người nói với mọi người: “Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa” (Tv 27, SCCBNT số 25). Ngài mong muốn các Kitô hữu làm sống lại niềm hy vọng về vinh quang mà ân sủng của Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu đã dành cho. Ước mong ai cũng can đảm nhận diện chính mình, khiêm tốn xin lỗi, sửa mình; can đảm tha thứ, hy vọng và tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, để được bình an và hạnh phúc đích thực.
Nguyện chúc mọi người một Năm Thánh tràn đầy hy vọng và một năm mới an lành, mạnh khỏe, nhiều niềm vui.
... Tha thứ cho phép chúng ta thay đổi tương lai và sống khác đi, không oán hận, không căm phẫn và không báo thù... |
GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG