Giáo xứ Vinh Hương

Trùng tu nhà thờ Bùi Chu: Sao không tính phương án ba?

Thứ ba - 25/06/2019 18:43
- "Tại sao không xây một công trình kiên cố trong khuôn viên nhà thờ để phục vụ nhu cầu của người dân, đồng thời giữ nguyên trạng nhà thờ cổ?"
 
Sau khi khảo sát đánh giá hiện trạng nhà thờ chính tòa Bùi Chu (Nam Định), Viện Bảo tồn di tích vừa báo cáo với Bộ VH-TT-DL 2 phương án trùng tu nhà thờ 134 tuổi này.
 
Cụ thể, Viện Bảo tồn di tích đề xuất hai phương án ứng xử với nhà thờ Bùi Chu. Phương án thứ nhất: trùng tu cục bộ (giữ nguyên quy mô và cấu trúc công trình, hạ giải từng phần). Phương án thứ hai là trùng tu triệt để (hạ giải toàn bộ công trình đến cả phần móng, nền cũ).
 
Về hai phương án này, trao đổi với Đất Việt chiều 24/6, PGS.TS.KTS Trần Văn Khải cho biết, ông ủng hộ phương án một. Theo ông, các di sản kiến trúc không chỉ tạo ra lợi ích về văn hóa, tinh thần cho xã hội mà còn cả lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động du lịch.
 
"Một số người cho rằng phá những công trình cổ để xây công trình mới sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn. Họ không hiểu và không biết khai thác di sản rồi tự đánh vào doanh thu của mình", PGS.TS.KTS Trần Văn Khải nhấn mạnh.
 
Vị KTS lấy ví dụ, một chiếc bát cổ sẽ có giá cao hơn rất nhiều so với những chiếc bát thông thường. Đối với trường hợp nhà thờ Bùi Chu cũng vậy, tạo sao chúng ta không bảo tồn một cách cẩn trọng, từ đó khai thác lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động du lịch, thay vì phá đi xây mới?.
 
"Người ta biết đến nhà thờ Bùi Chu là một nhà thờ cổ, có tuổi đời hàng trăm năm với lối kiến trúc đặc trưng. Giờ đây nếu hạ giải toàn bộ nhà thờ để xây mới thì liệu rằng, du khách có còn quan tâm đến nữa hay không?.
 
Nếu chỉ để đảm bảo an toàn cho người dân tham gia các hoạt động sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ, tại sao không tính đến phương án ba, đó là xây một công trình kiên cố trong khuôn viên nhà thờ để phục vụ nhu cầu của người dân, đồng thời giữ nguyên trạng nhà thờ cổ?.
 
Tôi cho rằng đó là bài toán hiệu quả, vừa có thể đảm bảo an toàn cho giáo dân, vừa có thể bảo tồn, khai thác các giá trị của nhà thờ cổ Bùi Chu", ông Khải nêu quan điểm.
 
Đồng quan điểm, KTS Nguyễn Hạnh Nguyên cho biết bà ủng hộ phương án một.
 
"Phương án này giữ lại được những giá trị cốt lõi của công trình. Đồng thời, nó cũng tránh được trường hợp khả năng thi công, vật liệu, cách chọn màu sắc... bị khó kiểm soát.
 
Cái chính, phương án này giữ gìn được những gì là hiện thân của văn hóa, lịch sử, minh chứng cho thời kỳ đầu của Công giáo vào VN. Đấy là bảo tồn tính nguyên vẹn, bảo tồn tính nguyên gốc", bà Nguyên phân tích.
 
KTS Hạnh Nguyên cũng lo ngại sau khi phá cả tường và móng nhà thờ, chúng ta không tìm được bàn tay tài hoa để làm lại giống như trước.
 
"Người ta chỉ phục dựng khi công trình bị phá hủy hoàn toàn như bị cháy, đánh bom. Trong khi đây là công trình đang nguyên vẹn. Chỉ khi nào không còn di sản, di sản bị phá hoàn toàn, khi đó mới phải dùng phương án phục dựng, tái thiết", nữ kiến trúc sư khẳng định.
 
Trước đó, trao đổi với báo chí, Tổng đại diện Giáo phận Bùi Chu, Linh mục Giuse M. Nguyễn Đức Giang và các giáo dân khẳng định, việc đại tu nhà thờ Bùi Chu là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn, đồng thời phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của bà con ở các xứ đạo, họ đạo trong giáo phận.
 
Theo Linh mục Giuse M. Nguyễn Đức Giang, nhà thờ chính tòa Bùi Chu được xây dựng từ năm 1885. Tồn tại 134 năm, do tác động của thời tiết mưa, nắng, bão gió, các nguyên vật liệu của nhà thờ đã bị hư hại, nhiều vết rạn nứt, dột nát.
 
Nhà thờ đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn đứng trước nguy cơ sụp đổ, nếu không đại tu sẽ gây mất an toàn cho các sinh hoạt tôn giáo của giáo dân tại đây.
 
"Nếu tiếp tục để như vậy sử dụng sẽ rất nguy hiểm. Tại đây, đã từng xuất hiện sự cố khi bà con giáo dân đang hành lễ trong thánh đường, bất ngờ một mảng vật liệu trên trần nhà thờ bong ra rơi xuống, rất may không trúng ai," Linh mục Nguyễn Đức Giang nói.
 
Hai phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu:
 
Phương án thứ nhất: trùng tu cục bộ. Theo đó, giữ nguyên quy mô và cấu trúc công trình, hạ giải từng phần. Có nhiều hạng mục được hạ giải và thay thế.
 
Chẳng hạn, hạ giải phần mái ngói, tận dụng tối đa các viên ngói còn tốt để tái sử dụng. Thay thế phần ngói thiếu khuyết bằng các viên ngói phục chế theo kích thước cũ. Phục hồi lại hệ bờ nóc theo ảnh chụp năm 1950.
 
Hạ giải từng phần những vị trí cần thiết để tu sửa bộ khung gỗ mái vì kèo, thay thế những cấu kiện gỗ hư hỏng hoàn toàn bằng các cấu kiện gỗ mới cùng chủng loại. Việc thực hiện gia cố, thay lõi các cột tiêu tâm. Giữ nguyên quy mô cấu trúc công trình.
  
Cũng theo phương án thứ nhất này, tường bị nứt mất liên kết sẽ được gia cố và phục hồi cả về độ bền lẫn hoa văn. Gia cố móng, tường để cứu gác chuông và tường bị nghiêng...
 
Phương án thứ hai là trùng tu triệt để. Theo đó, hạ giải toàn bộ công trình đến cả phần móng, nền cũ.
 
Thi công hệ thống móng mới theo quy mô phù hợp và công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo thời gian tồn tại lâu dài, ổn định cho công trình. Đặc biệt, trả lại cốt nền ban đầu của công trình với hệ chân đế bao quanh.
 
Mặt bằng nhà thờ mới vẫn lấy theo cấu trúc cũ, quy mô kích thước có thể mở rộng thêm nhưng không quá lớn so với mẫu cũ để không gây cảm giác xa lạ, khác biệt với quy mô ban đầu...
 
 Hoàng Hải
(baodatviet.vn 25.06.2019)
 
 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây