Bầu không khí khác biệt
Khóa họp này tương đối yên hàn so với khóa họp mùa xuân hồi tháng 2 năm nay tại thành phố Augsburg. Hồi đó, vài ngày trước khóa họp, 3 vị Hồng Y của Tòa Thánh gồm ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin, ĐHY Victor Manuel Fernández Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin và ĐHY Robert Prevost, Tổng trưởng Bộ GM, đã gửi thư yêu cầu các GM Đức đừng bỏ phiếu chấp thuận việc thành lập Ủy ban Con đường công nghị (Synodal Ausschuss) để tiến tới Hội đồng Con đường Công nghị (Synodalrat), một cơ quan tân lập trong đó các giáo dân cùng với các GM cùng nhau điều hành Giáo Hội tại Đức, một điều trái với đạo lý và kỷ luật của Giáo Hội.
Chương trình nghị sự
Trong khóa họp vừa qua, 61 GM thuộc 27 giáo phận tại Đức bàn về Thượng HĐGM thế giới: có 6 GM Đức tham dự công nghị này, đứng đầu là Đức Cha Chủ tịch Georg Baetzing và có cả Đức Cha Bohdan Dzyurakh, đặc trách các tín hữu Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương tại Đức và Bắc Âu. Các GM cũng bàn về tài liệu làm việc của Thượng HĐGM về hiệp hành, trong đó những đề nghị nào được 2 phần 3 số phiếu chung kết thì sẽ được đệ lên ĐTC. Điểm mới ở đây là không phải chỉ có các nghị phụ nhưng cả các “nghị mẫu” thuộc số 368 người tham dự Thượng HĐGM với quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên những vấn đề “nóng bỏng”, như luật độc thân linh mục, hoặc truyền chức cho phụ nữ đã bị đưa ra khỏi khóa họp vì ĐTC đã thành lập 10 nhóm nghiên cứu về các vấn đề này, và chỉ có 1 bản tường trình cho Thượng HĐGM.
Các GM Đức cũng quan tâm đến tình hình Giáo Hội tại Trung Đông đang sống trong những cuộc xung đột như tại Gaza và Liban với Israel. ĐHY Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem, được mời đến để thông tin và trao đổi với các GM Đức.
Đức Sứ thần Tòa Thánh kêu gọi các GM Đức
Trong buổi khai mạc khóa họp, 23/9, Đức TGM Nikola Eterovic, người Croát, Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, đã đến chào thăm các GM Đức, đồng thời cũng nói lên lập trường và mong ước của Tòa Thánh. Ngài kêu gọi các GM nước này đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng và đào sâu đức tin.
Đức TGM Eterovic nói: “Khóa hai của Thượng HĐGM sắp khai diễn và Năm Thánh 2025 đến gần là thời điểm đặc biệt để củng cố đức tin của mọi tín hữu, bắt đầu từ chính chúng ta. Nếu không có đức tin sinh động nơi Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần, thì những toan tính cải tổ Giáo Hội sẽ không thành công và những canh tân cơ cấu Giáo Hội đều không có ý nghĩa... Chúng ta cần liên tục đón nhận ơn Chúa và tiếp tục là những tín hữu hạnh phúc vì đức tin lan tỏa trong toàn Giáo Hội và thế giới, để những lời khiển trách của Chúa Giêsu chống những người biệt phái và kinh sư vì khép cửa Nước Trời khỏi áp dụng cho chúng ta”.
Đức TGM Eterovic đã chuyển lời chào thăm của ĐTC đến các GM Đức, và sự khích lệ của Người hãy tiếp tục sứ mạng Loan báo Tin Mừng với một lòng hăng say mới mẻ, và thăng tiến con người trong thời đại ngày nay có nhiều thách đố, trong số những thách đố này có liên hệ tới sự thiếu đức tin một cách tỏ tường”.
Đức Sứ Thần Tòa Thánh nhắc lại rằng cách đây 5 năm (2019) trong thư (19 trang) gửi Cộng đoàn Dân Chúa tại Đức khi Giáo Hội tại nước này chuẩn bị tiến hành Con đường Công nghị để cải tổ sau những vụ lạm dụng tính dục trẻ thành niên trong quá khứ, ĐTC cũng đã bày tỏ đau buồn vì sự suy giảm đức tin ngày càng lan tràn. Đức TGM nói: “Từ đầu triều đại Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô đã cam kết củng cố mọi thành phần Giáo Hội trong đức tin và khích lệ các Kitô hữu sống đức tin một cách không mệt mỏi, khám phá sự phong phú trong đức tin và thông truyền cho những người khác, trước hết bằng cuộc sống chứng nhân, nhưng nếu cần cả bằng lời nói và những phương thế thích hợp. Sự loan báo Tin Mừng dẫn chúng ta tái khám phá niềm vui đức tin, niềm vui vì được làm Kitô hữu”.
Trong thư năm 2019 mà chính ĐTC mất 1 tháng để tự soạn thảo, ngài cũng mời gọi các GM Đức hãy quan tâm hiệp nhất với Giáo Hội hoàn vũ và tiêu chuẩn hướng dẫn cuộc canh tân Giáo Hội phải là để loan báo Tin Mừng.
Lập trường các Giám Mục Đức tại Thượng HĐGM thế giới
Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí hôm thứ tư 24/9, bên lề khóa họp của HĐGM Đức, 5 GM đại biểu của HĐGM Đức cho biết trong khóa họp này cũng nói về vấn đề trong tương lai các HĐGM có thể có tự do quyết định về vấn đề truyền chức thánh cho phụ nữ hay không. Các vị không có lập trường đồng nhất:
- Đức Cha Franz-Josef Overbeck, GM giáo phận Essen, nổi tiếng là cấp tiến, cho biết đứng trước những khác biệt về văn hóa và xã hội trong các Giáo Hội địa phương, có thể có những quy luật khác biệt về sự bình đẳng hóa phụ nữ. Vì thế, Thượng HĐGM thế giới có thể cho các HĐGM quốc gia tự do quyết định về vấn đề truyền chức cho phụ nữ. Tuy nhiên Đức cha nói thêm ngay rằng: “Đề nghị này có thể là quá sớm hiện nay. Nó chỉ có thể khi người ta thấy rõ đây sẽ không phải là một sự mâu thuẫn phá vỡ tình hiệp nhất của Giáo Hội”.
- Một đại biểu khác là Đức Cha Georg Baetzing, Chủ tịch HĐGM Đức, cũng thuộc khuynh hướng cấp tiến, nhận định rằng sự tham gia của phụ nữ vào mọi cấp độ và lãnh vực của đời sống Giáo Hội là vấn đề quan trọng quyết định đối với tương lai của Giáo Hội Công Giáo. Ngài nói: “Tôi rất mong muốn các phụ nữ có thể được chịu chức phó tế”. Vấn đề này trong tương lai phải được địa phương quyết định trong tinh thần tản quyền về địa phương.
- Đức Cha Bertram Meier, GM giáo phận Augsburg, có một lập trường khác. Theo Đức Cha, vấn đề cho phụ nữ chịu chức phó tế hoặc LM hiện nay là điều không có thể, vì Tông thư “Ordinatio Sacerdotalis” (Truyền Chức LM) do ĐGH Gioan Phaolô 2 ban hành, vẫn còn hiệu lực bó buộc. Trong văn kiện đó, Đức Thánh Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng Giáo Hội không có năng quyền truyền chức cho phụ nữ.
Về Thượng HĐGM thế giới, Đức Cha Meier nhận định rằng xác tín nòng cốt của Con đường công nghị thế giới là Giáo Hội không được điều khiển bằng những quyết định đơn độc do những người được quyền từ trên xuống dưới. Đúng hơn là sự tham gia, minh bạch và cởi mở, trách nhiệm trong các quyết định.
- Đại biểu thứ tư của các GM Đức là Đức Cha Felix Genn, GM giáo phận Muenster. Ngài cho giới báo chí biết rằng ngài muốn làm sao để Thượng HĐGM có một hướng đi rõ ràng: “Các vấn đề nêu lên cần có những câu trả lời. Một cuộc thảo luận minh bạch là điều quan trọng, kể cả những vấn đề được chuyển cho các nhóm nghiên cứu, như vấn đề bình quyền của phụ nữ”.
Đức Cha Genn là điều hợp viên của 1 trong 10 nhóm được ĐTC ủy thác nghiên cứu về những vấn đề các quyền và việc bầu các GM.
- Sau cùng, Đức Cha Stefan Oster, dòng Don Bosco, GM giáo phận Passau, vốn bênh vực đạo lý và kỷ luật truyền thống của Giáo Hội, thì nhắc lại cơ cấu phẩm trật căn bản của Giáo Hội, dành quyền quyết định nòng cốt dành cho ĐGH và các GM. Vì thế, Thượng HĐGM thế giới sẽ thảo luận về “sự hội nhập của Giáo Hội hiệp hành và đồng thời là Giáo Hội phẩm trật”. Điều chủ yếu là một cuộc khởi hành mới và một đường lối mới “cùng với nhau là Giáo Hội”.
Quan tâm của các GM Đức về Giáo Hội tại Trung Đông
Về tình hình Giáo Hội tại Trung Đông, có 3 vị đã trình bày lập trường trong cuộc họp báo hôm 25/9, cuối khóa họp vừa qua của HĐGM Đức.
ĐHY Pierbattista Pizzaballa và Đức Cha Meier
Trước hết là Pizzaballa, Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Giêrusalem, kêu gọi tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông.
ĐHY nhận xét rằng hiện nay thiếu những sáng kiến từ phía các cộng đoàn tôn giáo ở Trung Đông liên quan đến cuộc xung đột hiện nay. Ngài nói: “Ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, trong những tháng gần đây người ta không nghe thấy những lần lên tiếng, suy tư hoặc cầu nguyện từ phía các vị lãnh đạo tôn giáo khác biệt với những lãnh đạo chính trị hoặc xã hội”.
ĐHY cho biết ngài có cảm tưởng mỗi vị lãnh đạo tôn giáo chỉ nói lên lập trường phải ánh quan điểm của cộng đoàn của mình, thường là chống lại cộng đoàn khác.”
HĐGM Đức cũng kêu gọi ngưng bắn tại Gaza và phê bình chính phủ Israel. Chủ tịch Ủy ban GM Đức về Giáo Hội hoàn vũ, Đức Cha Bertram Meier, GM giáo phận Augsburg, ví các cuộc oanh kích của Israel tại Gaza như các cuộc tấn công khủng bố.
Đức Cha Meier nhắc đến vụ Hamas tàn sát dã man hơn 1.200 người Israel ngày 7/10 năm ngoái, trong đó đa số là người Do thái. Tuy nhiên sự trả đũa của Israel về mặt quân sự không tương ứng, gây ra vô số các nạn nhân và thảm trạng nhân đạo tại Gaza.
ĐHY Pizzaballa kêu gọi cần thận trọng hơn trong ngôn ngữ, vì “ngôn ngữ đầy bạo lực, gây hấn, oán ghét và khinh rẻ, bác bỏ và loại trừ không giữ một vai trò phụ thuộc trong cuộc chiến tranh này, nhưng nó là một trong những phương thế chính của cuộc chiến này và nhiều cuộc chiến khác”. Oán ghét thường xuất hiện trên các mạng xã hội. Theo ĐHY, những kiểu nói phủ nhận nhân tính của người khác là một hình thức bạo lực có thể tạo thêm những bạo lưc khác vì có những kiểu nói có thể làm thương tổn hơn cả những cuộc thảm sát và bom đạn”.
ĐHY Pizzaballa tỏ ra nghi ngờ về những cuộc thương thuyết để giải thoát các con tin đang bị Hamas cầm giữ. Ngài tin rằng “những dấu hiệu về thành quả của cuộc thương thuyết này rất yếu… không có dấu hiệu chứng tỏ chiến tranh sẽ chấm dứt, và cuộc xung đột không thể được giải quyết với cuộc tấn công của quân đội Israel chống các vị trí của Hezbollah ở Liban, nhưng càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. “Bạo lực không phải là giải pháp”, trái lại cần có những giải pháp sáng kiến về chính trị. Tuy nhiên ĐHY không tin rằng giải pháp một quốc gia với Israel và Palestine là điều có thể thực hiện được.
Đức Cha Udo Bentz
Chủ tịch nhóm làm việc của HĐGM Đức về Trung Đông, là Đức Cha Udo Bentz, TGM giáo phận Paderborn, nói trong cuộc họp báo rằng “Cho dù cuộc chấm dứt chiến tranh không có nghĩa là hòa bình, nhưng vẫn cần ngưng chiến càng sớm càng tốt, và làm cho tình hình lắng dịu, để thương thuyết và đối thoại, chẳng vậy, các cuộc thảm sát tiếp tục và cái vòng bạo lực càng gia tăng mau lẹ hơn”. Bênh vực an ninh của Israel cũng giúp ích cho người Palestine. Ngược lại, bảo vệ các quyền của người Palestine, cũng giúp cho an ninh của Israel.
Đức TGM Udo Bentz mạnh mẽ tố giác tình trạng nhân đạo ở Gaza: hàng trăm ngàn người đang bị nạn đói đe dọa, hơn 85% dân Gaza đang phải di tản. Họ thiếu nước uống, lương thực và thuốc men. Đức TGM kêu gọi nhân dân Đưc tiếp tục ủng hộ công việc khó khăn của các tổ chức từ thiện tại Gaza. Các tổ chức bác ái của Giáo Hội như Caritas quốc tế và Hội hiệp sĩ Mata đang tích cực trong lãnh vực này nhưng hiện nay ít nhận được tài trợ, vì thế Đức TGM Bentz kêu gọi chính phủ Đức gia tăng sức ép trên chính phủ Israel để dân chúng tại Gaza được hoàn toàn trợ giúp nhân đạo và y tế”
G. Trần Đức Anh, O.P-Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn