Sau lời chào gửi đến Thủ tướng, chính phủ và toàn thể người dân Campuchia, cùng đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế và xã hội dân sự tham gia Hội nghị rà soát Công ước cấm mìn sát thương lần thứ 5, Đức Thánh Cha đề cập đến nỗ lực quốc tế liên quan đến giải trừ quân bị, Công ước này, vì có nguồn gốc vững chắc từ vị trí trung tâm của con người và ý thức trách nhiệm chung, là một ví dụ cụ thể về cách thức chủ nghĩa đa phương có thể thành công và phù hợp với mục đích. Cách tiếp cận này đã trở thành mô hình, truyền cảm hứng cho sự phát triển của các hiệp ước khác.
Đức Thánh Cha lấy làm tiếc, sau 25 năm Công ước quan trọng này có hiệu lực, mìn sát thương vẫn tiếp tục được sử dụng. Theo ngài, các cuộc xung đột là sự thất bại của nhân loại khi không thể sống như một gia đình nhân loại. Hơn nữa, nhiều năm sau chiến sự kết thúc, những thiết bị này vẫn tiếp tục gây đau khổ khủng khiếp cho dân thường, đặc biệt là trẻ em, tạo ra thêm cảm giác sợ hãi làm gián đoạn sinh kế và cản trở hòa giải, hòa bình và phát triển toàn diện.
Sứ điệp viết: “Thật đáng buồn khi số nạn nhân vô tội ngày càng tăng trong những năm gần đây. Sẽ còn bao nhiêu người trong số các nạn nhân phải chịu những vết sẹo của xung đột? Khi điều này xảy ra, rõ ràng là toàn thể nhân loại đều mất mát, bởi vì mọi mạng sống con người đều thánh thiêng”.
Vì những lý do này, ngài kêu gọi tất cả các quốc gia chưa tham gia Công ước hãy tham gia, và trong thời gian chờ đợi, dừng ngay việc sản xuất và sử dụng mìn. Ngài cũng khuyến khích tất cả các quốc gia tham gia thực hiện đầy đủ Công ước, thực hiện các cam kết của mình với sự cấp bách và kiên trì mới, đồng thời củng cố sự hợp tác và liên đới quốc tế. Bởi vì bất kỳ sự chậm trễ hoặc thất bại nào cũng chắc chắn sẽ làm tăng thêm sự mất mát cho con người.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha đặc biệt cám ơn những người tham gia vào hoạt động rà phá bom mìn vốn nguy hiểm, cũng như các tổ chức chính phủ và phi chính phủ đang hỗ trợ các nạn nhân và những người thân của họ. Trong số các tổ chức này, có nhiều các hiệp hội lấy cảm hứng từ đức tin: nếu không có mạng lưới liên đới của họ, người dân ở nhiều nơi sẽ bị bỏ mặc. Về phần mình, Giáo hội Công giáo vẫn kiên quyết dấn thân hỗ trợ các nạn nhân và đóng góp cho hòa bình toàn cầu.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha xin Chúa chúc lành cho Hội nghị được truyền cảm hứng từ các mục tiêu cao cả của Công ước, có thể trở thành một bước quan trọng hướng tới một thế giới không còn bom mìn và đảm bảo hỗ trợ thực sự toàn diện và phục hồi cho các nạn nhân.
Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn