Trong tuyên bố về sáng kiến hội thảo, Toà Thánh và các tổ chức cho biết mục tiêu của cuộc gặp gỡ phù hợp với mong muốn của Liên Hiệp Quốc cho năm nay “Quyền có thực phẩm để có một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn”. Điều quan trọng là áp dụng một quan điểm toàn diện cho phép chúng ta phát triển giải pháp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối trong mô hình dinh dưỡng hiện nay.
Theo Toà Thánh và các tổ chức, chúng ta đang sống trong một thời đại mâu thuẫn với việc thế giới phải đối diện với nhiều cuộc khủng hoảng lương thực ở các khu vực, nhưng đồng thời chúng ta đang chứng kiến sự lãng phí không cân xứng và tiêu thụ thực phẩm quá mức. Các cuộc xung đột, những cú sốc kinh tế và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt tiếp tục đẩy hàng triệu người vào tình trạng nghèo đói và suy dinh dưỡng. Điều nghịch lý là trong khi thế giới hiện nay đủ thức ăn cho mọi người nhưng không phải ai cũng có thể có được.
Để đảm bảo hòa bình và phát triển, được hiểu là cải thiện điều kiện sống của người nghèo, những người đang sống trong chiến tranh, không chỉ cần những tuyên bố long trọng nhưng trên hết là những hành động cụ thể, cương quyết và thận trọng, nhằm tăng cường hiệu quả của việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ lương thực hợp lý cả về số lượng lẫn chất lượng. Thực phẩm đầy đủ và lành mạnh không chỉ là một quyền mà còn bao hàm sự cam kết liên tục và ý chí chung để xóa bỏ một lần và mãi mãi nạn đói. Nếu điều này tồn tại và phát triển theo cấp số nhân mỗi ngày, đó là vì virus vô cảm, thờ ơ và thiếu tình huynh đệ bùng phát từ gốc rễ của nó.
Với thực tế này, ban tổ chức hội thảo muốn đóng góp vào quá trình này bằng cách tiếp cận dựa trên tầm nhìn về hệ sinh thái toàn diện. Điều rất quan trọng để giải quyết các thách đố toàn cầu một cách có hệ thống là không chỉ coi bất công lương thực là vấn đề thiếu lương thực, nhưng còn như một vấn đề công bằng. Điều quan trọng là đảm bảo hệ thống lương thực bền vững, linh hoạt và toàn diện.
Vatican News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn