Giáo xứ Vinh Hương

Cổ vũ lòng sùng kính Đức Mẹ

Thứ hai - 11/04/2011 19:43

Cổ vũ lòng sùng kính Đức Mẹ

- Từ ngày khánh thành hang đá Lộ Đức, cộng đoàn giáo xứ biểu lộ lòng tôn sùng thiết thực hơn bằng việc cùng nhau kính viếng Đức Mẹ sáng thứ bảy hàng tuần, sau thánh lễ.

 





Đây là một tiền đề cho việc cổ vũ lòng sùng kính Mẹ,
duy trì truyền thống tốt đẹp của người công giáo Việt Nam.
Xin trích đăng tài liệu "ĐỨC MARIA" sau đây
của linh mục Nguyễn Văn Tài
như một chia sẻ của Nemo đến cộng đoàn
trong việc cổ vũ lòng yêu mến Mẹ.
Tài liệu khá dài, xin trích đăng dần hàng tuần.



ĐỨC MARIA
MẸ KHIÊM TỐN ĐÁP TRẢ LỜI CHÚA MỜI GỌI
Mỗi trang Phúc Âm đã được viết ra để huấn luyện con người trở thành đồ đệ đích thực của Chúa. Chúa Giêsu Kitô là mẫu gương tuyệt hảo cho mọi đồ đệ. Nhưng trên con đường đức tin theo Chúa, mỗi người chúng ta còn được khuyến khích thêm bởi những mẫu gương của các vị Thánh và nhất là của mẹ Maria, người đồ đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất của Chúa Kitô Con Mẹ.
Mẹ đã trở nên đồ đệ đầu tiên của Chúa trong biến cố truyền tin, khi Mẹ đáp trả lời sứ thần: Nầy tôi là tôi tớ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời Ngài truyền. Phúc Âm theo thánh Luca, chương 1, câu 27-38, đã kể lại biến cố truyền tin như sau:
Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành ở miền Galilêa, gọi là Nagiarét, để gặp một thiếu nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, con cháu nhà Ðavít. Thiếu nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà cô và nói: Kính chào Bà, Bà đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà. Nghe những lời ấy, cô hoảng sợ, và tự hỏi không biết lời chào ấy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa. Nầy Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên cho là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và thiên hạ sẽ gọi Người là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời và vương quyền Người sẽ vô cùng tận. Cô Maria thưa với sứ thần: lam sao có chuyện ấy được, vì tôi không biết đến người nam, không biết đến chuyện vợ chồng. Sứ thần đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ che chở Bà, vì thế Hài Nhi sắp sinh ra, sẽ được gọi là Ðấng Thánh, là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với Bà, tuy già rồi, mà cũng đã thụ thai, một người vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Bấy giờ cô Maria nói: Vâng, nầy tôi là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Ơn gọi Kitô của Mẹ được công khai hóa với lời chào kính của sứ thần. Hãy vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà. Mẹ được sứ thần cho biết ý định Thiên Chúa muốn chọn Mẹ cho một sứ mạng cao cả. Phản ứng đầu tiên của Mẹ là bối rối lo sợ. Thánh Kinh đã luôn dùng từ ngữ này để diễn tả phản ứng của con người trước sự mạc khải của Thiên Chúa, trước lời mời gọi của Ngài cho một sứ mạng đặc biệt. Nghe lời sứ thần chào kính là Ðấng đầy ơn phước, Mẹ Maria có linh tính báo trước là sắp phải dấn thân vào một công cuộc quan trọng, một sứ mạng cao cả. Mẹ bối rối lo sợ, vì ý thức sự thấp hèn của mình trước mặt Thiên Chúa và vì không thấu hiểu được phải thực hiện sứ mạng đó như thế nào. Bất ngờ, cuộc đời Mẹ như được biến đổi hoàn toàn, ngoài những dự tính trước. Khi gọi ai, Thiên Chúa muốn người đó thực hiện chương trình Ngài muốn, chớ không phải thực hiện điều ưng ý riêng của người được gọi. Không phải chúng con đã chọn Thầy. Nhưng chính Thầy đã chọn chúng con trước và sai chúng con đi, để trổ sinh hoa trái và là những hoa trái tồn tại. Chúa Giêsu đã giải thích như thế cho các đồ đệ Ngài đã chọn trong bữa tiệc cuối cùng. Nhưng không vì thế mà tự do của người được gọi bị bỏ đi. Trong biến cố truyền tin, sau khi sứ thần bộc lộ ý định của Thiên Chúa cho, Mẹ Maria thắc mắc hỏi: làm sao việc đó có thể xảy ra được? Mẹ thắc mắc vì muốn có một quyết định đầy ý thức và tự do. Công cuộc mới, sứ mạng mới, sứ mạng quan trọng, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, quyết định sáng suốt, với hết sức tìm hiểu có thể. Mẹ Maria đã không coi thường Lời Chúa, không có thái độ lơ là với điều sứ thần vừa loan báo và chờ đợi Mẹ trả lời. Mẹ lắng nghe và muốn tìm hiểu thêm. Mẹ đã thắc mắc. Và Thiên Chúa không lấy làm phật ý vì sự thắc mắc nầy. Trái lại, Ngài đã thực hiện một dấu chỉ chuẩn bị và để cho sứ thần giải thích và dùng dấu chỉ đó để chứng thực. Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng của Thiên Chúa sẽ bao phủ lấy Bà. Thiên Chúa có đủ quyền năng để bù đắp cho sự thấp hèn của con người được Ngài chọn. Sự yếu hèn của con người biểu lộ rõ ràng quyền năng của Thiên Chúa. Con người yếu hèn, nhưng Thiên Chúa lại cần đến sự yếu hèn đó, cần con người cộng tác để thực hiện chương trình Ngài muốn.
Ý thức những yếu hèn và giới hạn của mình, Mẹ Maria đã thưa vâng và từ đó suốt cuộc đời Mẹ là một sự thưa vâng liên lỉ. Cuộc đời Mẹ từ đó tùy thuộc hoàn toàn vào thánh ý Thiên Chúa, như người tôi tớ hoàn toàn tùy thuộc vào quyết định của chủ. Mẹ ý thức rõ ràng từ nay Thiên Chúa là Ðấng hoạt động trong Mẹ và nhờ Mẹ. Thái độ tuân phục và cộng tác hoàn toàn với chương trình của Thiên Chúa là một mẫu gương cho chúng ta là những đồ đệ của Chúa Kitô. Người đồ đệ không kiêu ngạo tự phụ gán mình cho những công nghiệp để đòi quyền lợi này nọ. Nầy tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Ngài truyền.
Chúng ta là những tôi tớ, chúng ta chỉ làm những gì phải làm mà thôi (Luca 17.10).
Lạy Mẹ Maria, người tôi tớ luôn trung thành của Chúa, Mẹ đi trước trên con đường theo Chúa để nêu gương khuyến khích chúng con. Xin Mẹ giúp chúng con sống tuân phục thánh ý Thiên Chúa, để đóng góp phần nhỏ bé của mình vào chương trình mang ơn cứu rỗi, niềm vui và an bình đến cho anh chị em xung quanh. Amen

 

ĐỨC MARIA

MẸ KÍN ĐÁO GIÚP CON NGƯỜI TÍN NHẬN CHÚA

Người đồ đệ của Chúa lãnh nhận và chu toàn một vai trò đặc biệt là làm cho Chúa được hiện diện trong cuộc sống con người. Mẹ Maria đã chu toàn vai trò nầy một cách tuyệt vời trong biến cố tiệc cưới Cana. Mẹ đã kín đáo tạo dịp để Chúa Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên, để cho con người được mở mắt nhìn thấy vinh quang của Chúa và tin vào Người.

Chúng ta hãy đọc lại chương Phúc Âm theo thánh Gioan, chương 2, câu 1-12, trong viễn tượng vừa kể như sau:
Ngày thứ Ba, có đám cưới tại Cana, miền Galilêa. trong đám cưới có thân mẫu của Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: họ hết rượu rồi. Ðức Giêsu đáp: Thưa bà, chuyện đó can hệ gì đến bà và tôi. Giờ của tôi chưa đến. Thân mẫu Người nói với gia nhân rằng: Người bảo gì, các anh hãy làm theo.

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái. Mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Ðức Giêsu bảo họ: Các anh đổ đầy nước vào chum đi. Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: Bây giờ các anh hãy múc và đem cho ông chủ tiệc. Họ liền đem cho ông. Khi người chủ tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu, mà không biết rượu từ đâu ra (còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông đã gọi tân lang lại và nói: Ai cũng đãi rượu ngon trước và khi khách đã ngà ngà, mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh đã giữ rượu ngon cho đến bây giờ. Ðức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilêa và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.

Chúng ta đã nhiều lần suy niệm chương Tin Mừng nầy. Ðặc biệt hôm nay, chúng ta hãy chú ý đến vai trò khiêm tốn và kín đáo của Mẹ Maria làm cho Chúa Giêsu mạc khải quyền năng và làm cho những kẻ nào biết chú ý đến biến cố thì tin vào Người.

Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ đầu tiên tại Cana và như thế Người tỏ lộ vinh quang cao cả và các môn đệ tin vào Người. Khi đọc lại chương Phúc Âm trên, chúng ta đồng ý là Mẹ Maria đã có công lớn trong việc nầy. Mọi người đồ đệ của Chúa cần noi gương Mẹ mà hành động, để anh chị em xung quanh được nhìn thấy Chúa và tin Chúa. Thử hỏi Mẹ Maria đã có công như thế nào? Mẹ chú ý đến những gì xảy ra, nhất là những gì người khác cần đến. Mẹ chú ý đến sự lúng túng của gia đình đãi tiệc cưới mà lại hết rượu cho khách. Quan tâm đến việc hết rượu thoạt tiên xem ra như không có gì liên hệ đến việc cứu rỗi con người. Nhưng Mẹ chú ý và đơn sơ trình bày hoàn cảnh lên Chúa Giêsu: họ hết rượu rồi.

Trong Cựu Ước, các tiên tri Ôsêa, Amos và Giêrêmia, đã thường loan báo việc Ðấng cứu thế đến bằng hình ảnh vườn nho sai trái, để có rượu tràn đầy (Osêa 14,8; Amos 9,13-14; Giêrêmia 31,12). Chắc chắn Mẹ Maria không xa lạ gì với những hình ảnh vườn nho và rượu nho được các tiên tri dùng để loan báo Ðấng cứu thế ngự đến. Do đó, lời Mẹ nói với Chúa Giêsu: họ hết rượu rồi, vừa là lời cầu khẩn, vừa là lời tuyên xưng đức tin. Mẹ tuyên xưng đức tin một cách âm thầm kín đáo, nhưng thật mạnh mẽ. Mẹ đã từng được các sứ thần trực tiếp loan báo về thực thể Chúa Giêsu là ai rồi, chẳng hạn như trong biến cố truyền tin. Giờ đây, với lời nói: họ hết rượu rồi, Mẹ Maria như thầm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Mẹ tin rằng Chúa Giêsu Con Mẹ đang hiện diện nơi đó, là Ðấng cứu thế được trông đợi và Người có dư quyền năng để làm nước trở thành rượu, tràn đầy các chum. Chính vì thế, Mẹ tiếp tục điều Mẹ muốn làm và ra lệnh cho các gia nhân rằng: hãy làm điều gì Ngài truyền. Mẹ dám nói thế, vì Mẹ xác tín bên trong là Chúa Giêsu sẽ thực hiện điều Mẹ khẩn cầu.

Noi gương Mẹ Maria, người đồ đệ của Chúa Giêsu ngày nay cần hành động như vậy. Cần chú ý đến cảnh sống, đến những nhu cầu của anh chị em mình và dùng những nhu cầu đó, như là dịp tốt để Chúa hiện diện và tác động. Mọi biến cố trong cuộc sống con người đều có thể là dấu chỉ cho sự hiện diện và tác động của Chúa.

Hãy làm điều Ngài truyền. Mẹ Maria hướng dẫn con người đến với Chúa, khám phá ra quyền năng của Chúa rồi tin vào Ngài. Mẹ biết rõ điều Chúa truyền dạy bên ngoài xem ra như không ăn thua gì, không liên hệ gì đến nhu cầu trước mắt. Gia đình đãi tiệc hết rượu, mà Chúa thì bảo các gia nhân múc nước đổ đầy các chum, là những chum thường được dùng để đựng nước cho khách rửa chân trước khi bước vào nhà. Thế nhưng, nếu không tuân hành lệnh Chúa, thì sẽ không có phép lạ xảy ra. Chúa Giêsu là chủ của lịch sử. Ngài biết rõ mọi liên hệ của các biến cố với ơn cứu rỗi. Vì thế cần phải thực hành điều Ngài truyền, mặc dù lúc đó không hiểu hay chưa hiểu được. Mẹ Maria đã trải qua kinh nghiệm như vậy trong biến cố truyền tin. Lúc đó Mẹ không hiểu ý nghĩa, nhưng Mẹ đã thưa xin vâng. Giờ đây, nơi tiệc cưới Cana, các gia nhân có thể không hiểu mệnh lệnh Chúa truyền và như thế có cơ nguy bỏ mất cơ hội tốt nhìn thấy hành động của Chúa. Vì vậy Mẹ đã căn dặn các gia nhân: hãy làm những gì Ngài truyền.
Noi gương Mẹ Maria, người đồ đệ của Chúa cần trưởng thành trong đức tin của mình, để rồi có thể giúp anh chị em xung quanh đến tin nhận Chúa. Người đồ đệ của Chúa cần sống như thế nào, để cuộc sống của mình trở thành như là lời mời gọi anh chị em: hãy làm điều Ngài truyền, để khám phá ra sự hiện diện của Chúa và tin vào Người.


Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã tạo dịp cho Chúa Giêsu mạc khải vinh quang Ngài và giúp con người thực hành mệnh lệnh Chúa truyền và tin vào Chúa. Xin Mẹ giúp con trở thành phương thế tạo dịp cho anh chị em xung quanh đến với Chúa và tin vào Ngài. Amen.

MẸ SỐNG THEO SỰ HƯỚNG DẪN CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Trong biến cố truyền tin, Mẹ Maria được sứ thần cho biết dấu chỉ chứng thực quyền năng của Thiên Chúa có thể làm được những điều kỳ diệu, nếu con người chấp nhận cộng tác vào đó. Và dấu chỉ đó là việc bà Êlisabét được được ơn đặc biệt mang thai trong lúc tuổi già. Mẹ Maria liền vội vã lên đường tới thăm. Ðây không phải là chuyến viếng thăm vì tò mò, hay vì thiếu lòng tin vào Thiên Chúa và muốn kiểm chứng sự việc thật hư như thế nào, nhưng đây là chuyến ra đi để phục vụ, để giúp đỡ cho người bà con trong những tháng sau cùng trước khi sinh hạ.

Bước vào nhà ông Giacaria, Mẹ Maria lên tiếng chào bà Êlisabét. Ðược Chúa Thánh Thần soi sáng, Bà Êlisabét nhìn nhận người vừa cất tiếng chào mình là Mẹ Thiên Chúa và chúc mừng lại như sau: Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và Người Con Bà đang cưu mang cũng thật là có phúc. Bởi đâu tôi được hân hạnh Mẹ Thiên Chúa đến thăm như vậy... Phúc thật cho Bà, vì đã tin mọi điều Chúa truyền sẽ được thực hiện. Chúng ta lưu ý đến vai trò của Chúa Thánh Thần nơi đây. Ngài tác động âm thầm nhưng rất hữu hiệu. Ngài soi sáng, hướng dẫn con người đến việc nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần tác động trên bà Êlisabét để bà nhận ra Ðấng đến thăm là Mẹ Thiên Chúa và nhìn nhận người con trong lòng Mẹ là Ðấng có phúc. Phần Mẹ Maria, kể từ khi thưa vâng trong biến cố truyền tin, Mẹ luôn được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Trung thành với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria nhìn thấy rõ ràng hơn những hồng ân đó về lòng nhân từ của Thiên Chúa. Sau lời chào của bà Êlisabét, Mẹ Maria đáp lại bằng một bài tâm ca như sau:

Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi. Phận nữ tì hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tôi. Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Ðấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Ngài thật chí tôn chí thánh. Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ nghèo đói, Chúa ban của đầy dư. Người giàu có lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Ngài như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Ngài nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời (Luca 1,46-58).

Ðó là bài ca chúc tụng Thiên Chúa của Mẹ Maria, Ðấng được Thánh Thần bao phủ và không ngừng sống theo sự soi sáng hướng dẫn của Ngài, để có thể nhìn thấy kỳ công của Thiên Chúa không những trong đời sống mình, mà còn trong dòng lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác. Như thế, thêm một điểm nữa trong cuộc đời Mẹ Maria nêu gương cho mọi đồ đệ của Chúa Giêsu Kitô: đó là sống vâng phục ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa. Hằng ngày, trong cuộc sống mình, người đồ đệ được mời gọi chúc tụng Thiên Chúa như Mẹ Maria. Chính vì thế, mà vào mỗi cuối ngày, giáo hội muốn cho những đồ đệ của Chúa Kitô dâng lời chúc tụng Thiên Chúa qua bài ca chúc tụng Thiên Chúa của Mẹ Maria.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đi trước và đi trọn con đường đức tin để nêu gương cho chúng con. Xin Mẹ thương cầu cùng Chúa ban cho chúng con được tràn đầy Thánh Thần và hằng ngày sống trung thành với ơn soi sáng của Ngài, để chúng con có thể nhìn thấy mọi sự là hồng ân Chúa ban và dâng lời chúc tụng Chúa, như Mẹ. Amen.

 

ĐỨC MARIA




MẸ LẮNG NGHE VÀ LƯU GIỮ LỜI CHÚA

Người đồ đệ của Chúa Kitô phải là kẻ biết lắng nghe Lời Chúa. Mẹ Maria đã đi trước nêu gương cho người đồ đệ, trong thái độ lắng nghe Lời Chúa nầy. Hơn ai hết, Mẹ sống kết hiệp với Con và hơn ai hết Mẹ lắng nghe, lưu giữ trong lòng, rồi thực hiện trong cuộc sống. Chúng ta có thể nhìn rõ thái độ lắng nghe đó trong biến cố đầu tiên cuộc đời Chúa Gêsu trên trần gian. Mẹ đã lắng nghe Lời Thiên Chúa gởi đến Mẹ qua lời sứ thần truyền tin. mẹ đã nghe lời Thiên Chúa gởi đến Mẹ qua những mục đồng nghèo hèn, trong biến cố mẹ sinh hạ Chúa Giêsu nơi hang Bêlem. Phúc Âm theo thánh Luca, nơi chương 2, từ câu 15-20, đã kể lại như sau:

Sau khi Mẹ Maria sinh hạ trẻ Giêsu nơi hang đá và các thiên thần hiện ra báo tin cho các mục đồng trong vùng. Các mục đồng liền bảo nhau: Nào chúng ta hãy sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra như Chúa đã tỏ ra cho ta biết. Họ liền hối hả ra đi. Ðến nơi gặp bà Maria, ông Giuse cùng với hài nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều sứ thần đã nói với họ về Hài Nhi nầy. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng phải ngạc nhiên. Còn bà Maria, thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Chúng ta chú ý đến lời Thiên Chúa nói với Mẹ Maria qua sứ thần trong biến cố truyền tin và qua các người chăn chiên trong biến cố sinh ra Chúa Giêsu. Lời đó đều quy về việc mạc khải Chúa Giêsu, Ðấng đã được cưu mang trong lòng Mẹ rồi được sinh ra, Ngài là ai. Ðó là những lời chứng đầu tiên về Chúa Giêsu Kitô mà mẹ Maria lắng nghe. Trong biến cố truyền tin, sứ thần đã nói với Mẹ về Con trẻ như sau: Thưa Bà Maria, đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa. Nầy Bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và đặt tên cho là Giêsu. Người sẽ trở nên cao cả và thiên hạ sẽ gọi Người là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời và vương quyền Người sẽ vô cùng tận.

Trong biến cố sinh hạ, Mẹ Maria nghe lời Chúa nói về Chúa Giêsu qua các mục đồng. Và các mục đồng đã lãnh nhận Lời Chúa đó từ sứ thần hiện ra cho họ trong đêm Chúa sinh ra. Phúc âm theo thánh Luca, nơi chương 2, từ câu 10, đã ghi lại những lời sau đây: Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay, Ðấng cứu độ anh em đã ra đời trong thành vua Ðavít. Người là Ðấng Kitô, là Ðức Chúa. Khi các mục đồng kể lại cho Mẹ Maria nghe những gì thiên thần đã nói cho họ, thánh sử Luca đã ghi lại thái độ lắng nghe của mẹ với những lời như sau: Những người khác thì ngạc nhiên. Còn Ðức Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều nầy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Hơn ai hết, Mẹ Maria được mạc khải về thực thể Chúa Giêsu Kitô là ai, ngay từ đầu, trước hết mọi người. Và Lời Chúa được mạc khải cho Mẹ, qua những trung gian khác nhau. Mẹ không hiểu liền ngay, nhưng Mẹ lắng nghe chấp nhận và hằng suy niệm trong lòng.

Trong Thánh Kinh, bất cứ nhân vật nào được nhận một sứ điệp của Thiên Chúa, đều được mời gọi lưu giữ, được mời gọi khắc ghi sứ điệp đó trong lòng, bời vì sứ điệp đó còn tích chứa nhiều ý nghĩa sâu xa sẽ được lĩnh hội rõ ràng hơn sau đó trong cuộc sống.
Lưu giữ mà thôi chưa đủ. Mẹ Maria còn suy đi nghĩ lại, còn suy niệm, chiêm ngắm, đào sâu ý nghĩa của lời Chúa cho mình trong cái nhìn đức tin. Ngôn ngữ kinh thánh dùng để diễn tả thái độ suy niệm, suy đi nghĩ lại, của Mẹ Maria, bao gồm việc chiêm ngắm, suy nghĩ và cầu nguyện. Những hành động càng ngày càng đạt đến mức độ hoàn toàn và trưởng thành hơn. Lời Chúa gởi đến Mẹ luôn mở ra những viễn tượng bất ngờ mà Mẹ chấp nhận với tinh thần khiêm tốn và đức tin vâng phục.

Ðối với chúng ta, những đồ đệ của Chúa trong thời đại hôm nay cũng vậy. Lời Chúa sẽ mở ra trước mắt những điều bất ngờ, những điều Thiên Chúa muốn chứ không phải chúng ta muốn. Và chúng ta cần đáp lại với lòng khiêm tốn và đức tin vâng phục, noi gương Mẹ Maria. Ðể có lòng khiêm tốn và vâng phục, người đồ đệ Chúa cần sống như Mẹ đã sống, cần lưu giữ và suy niệm những biến cố cứu rỗi, suy niệm Lời Chúa hằng ngày.


Lạy Mẹ Maria, Mẹ đi trước chúng con trên con đường Ðức Tin. mẹ đã chấp nhận lắng nghe lời Chúa với hết lòng khiêm tốn và đức tin. Xin Mẹ khẩn cầu cùng Chúa ban cho mỗi người chúng con được yêu mến Lời Chúa, lưu giữ trong lòng và suy niệm hằng ngày, để rồi có thể sống thực trong đời sống và chia sẻ với anh chị em xung quanh. Amen.

 


ĐỨC MARIA

MẸ THỰC HIỆN THÁNH Ý CHÚA

Khi kể lại về cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, các tác giả nhắc đến biến cố có liên quan đến Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Biến cố thứ nhất là tiệc cưới tại Cana, được nhắc lại nơi Phúc Âm theo thánh Gioan, chương 2, câu 1-12. Mẹ Maria đã hành động để quyền năng và vinh quang của Chúa Giêsu được biểu lộ. Ðó là mẫu gương cho mọi đồ đệ của Chúa qua mọi thời đại, là sống và hành động làm sao, để quyền năng cứu rỗi của Chúa Giêsu được anh chị em xung quanh nhìn nhận.

Biến cố thứ hai liên quan đến Mẹ Maria và Chúa Giêsu, không được nhắc lại nơi Phúc Âm theo thánh Gioan, nhưng được nhắc lại nơi ba Phúc Âm Mathêu, Marcô và Luca. Chúng ta hãy đọc bài tường thuật Phúc Âm theo thánh Mathêu nơi chương 12, từ câu 46-50, như sau:
Khi Chúa còn đang nói với dân chúng, thì Mẹ Người và anh em Người đứng ngoài muốn gặp Người. Có kẻ thưa Người rằng: Mẹ Thầy và anh em Thầy đứng ngoài tìm Thầy. Chúa Giêsu liền nói với người ấy rằng: Ai là Mẹ Ta? Ai là anh em Ta? Ðoạn Người chỉ các môn đệ mình mà phán: Ðây là Mẹ Ta. Ðây là anh em Ta. Vì ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời, thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta vậy.

Bài tường thuật của Phúc Âm theo thánh Mathêu nêu bậc một chi tiết, không có trong hai bài tường thuật song song nơi Marcô và Luca. Ðó là Chúa Giêsu giơ tay chỉ các môn đệ xung quanh Ngài và nói: Ðây là Mẹ Ta, đây là anh em Ta. Vì ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời, thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta vậy.
Ðó là Chúa Giêsu mạc khải mối tương quan thật sự giữa Ngài và các đồ đệ, trước sự hiện diện của dân chúng và nhất là của Mẹ Maria. Mới đọc qua bài tường thuật, chúng ta có thể bở ngỡ đôi chút vì thái độ của Chúa Giêsu đối với Mẹ Maria. Thái độ như vậy có vẻ gì bất kính hay không? Thưa chắc chắn là không. Những người hiện diện lúc đó hiểu rõ ý định Chúa Giêsu muốn nhân cơ hội nầy mà mạc khải mối tương quan giữa Người và các đồ đệ. Và chính Mẹ Maria cũng không cho thái độ của Chúa Giêsu là bất kính. Hơn ai hết, Mẹ hiểu rõ Chúa Giêsu muốn nói gì. Mẹ hiểu rõ hơn ai hết Chúa Giêsu muốn mạc khải mối tương quan sâu xa giữa Mẹ và Chúa, ngoài mối tương quan tự nhiên mẹ con. Mối tương quan đó, Mẹ đã sống thực, ngay từ khởi đầu mầu nhiệm nhập thể, với biến cố Truyền Tin. Mẹ đã lắng nghe và thưa vâng, chấp nhận thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha chọn Mẹ làm Mẹ Ðấng cứu thế.

Mẹ Maria là đồ đệ tuyệt hảo của Chúa hơn mọi đồ đệ, vì Mẹ đã sống đến mức độ tuyệt hảo thánh ý Thiên Chúa Cha. Nầy tôi là tôi tớ của Thiên Chúa, xin vâng như lời Ngài truyền. Phúc cho Bà vì đã tin vào lời Thiên Chúa phán sẽ thực hiện. Ðây là Mẹ Ta, là anh em Ta. Vì bất cứ ai làm theo thánh ý Cha Ta ở trên trời, thì người đó là anh chị em Ta và là Mẹ Ta vậy.

Phúc Âm theo thánh Luca, chương 8, câu 19-21, thì kể lại Lời Chúa nói với một chi tiết thêm như sau: Mẹ Ta và anh em Ta là tất cả những ai nghe Lời Thiên Chúa và thực hiện Lời ấy.
Mẹ Maria đã luôn luôn lắng nghe Lời Chúa và thực hiện Lời ấy, một cách tốp đẹp nhất. Mẹ là mẫu gương cho mọi đồ đệ của Chúa Giêsu qua mọi thời đại.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã nêu gương cho chúng con sống lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Xin Mẹ giúp mỗi người chúng con biết yêu mến Lời Chúa, và mỗi ngày một sống thực Lời Chúa một cách tốt đẹp hơn. Amen.


AVE MARIA



Chúng ta đã nhiều lần đọc kinh Kính Mừng để ca tụng Mẹ Maria. Ðây là lời kinh đầy ý nghĩa kinh thánh. Phần thứ nhất của lời kinh, là lời chúc tụng Mẹ Maria, được lấy từ lời chào của Sứ Thần trong biến cố truyền tin, và lời chào của bà Elisabeth trong biến cố thăm viếng. Theo tường thuật của Phúc âm theo thánh Luca, chương 1, câu 28, thì mở đầu biến cố truyền tin, Thiên Thần Gabriel đã cất tiếng chào Mẹ như sau:

"Xin mừng đi! Thưa Cô được Chúa ban đầy ơn phước! Chúa ở cùng Cô".

Lời kinh thánh được diễn tả lại trong lời kinh:

"Kính mừng Maria, đầy ơn phước! Ðức Chúa Trời ở cùng Bà".

Sứ Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến với Mẹ Maria, và do đó, lời chào của sứ thần bộc lộ được lời chào và sự chúc lành của Thiên Chúa cho Mẹ Maria: Mẹ được đầy tràn mọi ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Mẹ luôn. Ðây là thực thể cao trọng tuyệt vời của Mẹ, là một đặc ân Thiên Chúa ban cho Mẹ. Bản văn tiếng Hy Lạp diễn tả thực thể nầy bằng một từ ngữ duy nhất là: Kêkaritômênê. Các nhà chú giải hiểu đó là tên gọi mới của mẹ Maria. Mẹ là Ðấng đầy ơn phước. Theo truyền thống Á Ðông, tên gọi là người, tên gọi nói lên lý tưởng sống của chính người đó. Khi cha mẹ đặt tên cho con, thì muốn cho người con đó được sống như vậy, được thực hiện điều mong ước. Nơi con người, thì có sự khác biệt giữa ước muốn của cha mẹ, và sự thực hành ước muốn đó nơi người con. Cha mẹ muốn cho con mình tốt, nhưng không có quyền năng đủ để thực hiện, chỉ mong sao là một ngày kia khi con mình lớn lên, thì có thể thực hiện điều mơ ước đó. Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác: Thiên Chúa là Ðấng toàn năng. Ngài phán và sự vật được thành hình tuân theo. Trong biến cố tạo dựng, Thiên Chúa chỉ phán và sự vật được thành hình ngay tức khắc. Thiên Chúa muốn Mẹ Maria được đầy ơn phước ngay từ đầu, và thật sự Mẹ Maria được đặc ân ngay từ đầu. Mẹ là Ðấng đầy ơn phước ngay từ đầu. Mẹ là Ðấng vô nhiễm nguyên tội. Vào giây phút truyền tin, Thiên Thần công bố cho Mẹ và từ đó cho mọi người biết, đặc ân cao vời của Mẹ, và kính chào mẹ, chúc tụng Mẹ: Kính mừng Maria, đầy ơn phước. Thiên Chúa ở cùng Bà... Nền tảng cao trọng của phẩm giá con người là ở đây, là hệ tại ở việc con người được tràn đầy mọi ơn phước lành của Thiên Chúa, được Thiên Chúa ở cùng mình luôn mãi, chớ không hệ tại ở những của cải vật chất bên ngoài.

Kính chào Mẹ Maria với lời chào của Thiên Thần, chúng ta vừa tôn vinh Mẹ mà cũng vừa được mời gọi "nâng tâm hồn lên", thay đổi tâm thức phán đoán của mình, không xét người theo quan điểm tầm thường phàm trần, nhưng theo quan điểm của Thiên Chúa: Con người được chúc phúc, được cao trọng vì được Thiên Chúa chúc phúc, được Thiên Chúa ở cùng.

Sau lời chào chúc của Thiên Thần Gabriel, lời thứ hai trong kinh Kính Mừng là lời chào của bà Elizabeth trong biến cố thăm viếng. Phúc âm theo thánh Luca, chương 1, câu 41 và 42, đã ghi nhận rằng: Bà Elizabeth được tràn đầy Thánh Thần mới cất tiếng chúc tụng Mẹ Maria rằng:

"Bà vinh phúc nhất hàng phụ nữ. Con lòng bà vinh phúc lắm thay".

Và kinh Kính Mừng đã diễn tả lời kinh thánh đó như sau:

"Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và Giêsu, Con lòng bà, gồm phúc lạ".

Chúng ta có thể hiểu lời chào của bà Elizabeth như là lời chào của con người đối với Mẹ Maria. Nhưng để được chào chúc Mẹ Maria như vậy, Bà Elizabeth cần được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và tuân phục theo ơn soi sáng đó. Phúc âm theo thánh Luca, chương 1, câu 41, đã nhấn mạnh rõ ràng chi tiết nầy. Con người chúng ta, để có thể nhìn nhận ơn đặc biệt Mẹ Maria đã lãnh nhận, và cất tiếng kính chào Mẹ là Ðấng có phước, thì cũng cần có Chúa Thánh Thần soi sáng và tuân phục theo ơn soi sáng của Ngài.

Nhìn lên sự tuyệt vời cao cả của Mẹ Maria, chúng ta ý thức thân phận yếu hèn tội lỗi của mình và chạy đến xin Mẹ trợ giúp:

- Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nầy và trong giờ lâm tử. Amen.


 

LỊCH SỬ KINH KÍNH MỪNG

Trước khi có hình thức cố định như hiện nay, Lời Kinh Kính Mừng đã mặc lấy những hình thức hơi khác nhau mặc dù ý nghĩa căn bản vẫn còn nguyên vẹn.

Chẳng hạn như vào giữa thế kỷ thứ XIV, các tu sĩ dòng Các Tôi Tớ của Ðức Maria, tại Firenze bên nước Italia, đã phổ biến lời kinh Kính Mừng như sau:

"Kính mừng Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, rất dịu hiền và rất trinh trong vô nhiễm nguyên tội. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, Mẹ ân sủng và Mẹ nhân từ, xin cầu cho chúng con, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen."

Cũng trong thế kỷ XIV, thánh Bernadino thành Siêna, đã thêm vào sau những lời Cầu cho chúng con, một đặc tính nữa là "những kẻ có tội".

Vào năm 1568, Ðức Giáo Hoàng Pio V, đã tổng hợp tất cả các truyền thống lại, và mặc cho phần thứ hai của kinh Kính Mừng hình thức cố định như hiện nay:

"Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa trời. Cầu cho chúng con, là kẻ có tội, khi nầy và trong giờ lâm tử. Amen."

Ðọc lại toàn bộ lời kinh Kính Mừng, chúng ta có thể chú ý đến hai đặc điểm được đề cao nơi Mẹ Maria, đó là Mẹ đầy ơn sủng và Mẹ nhân từ. Mẹ được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa và Mẹ luôn là người Mẹ nhân từ đối với loài người chúng ta, những kẻ tội lỗi cần nhờ đến lòng nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa. Chính vì thế mà chúng ta không ngần ngại chạy đến Mẹ, xin Mẹ cầu nguyện cho trong giây phút hiện tại và trong giờ lâm tử được ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.

Ðến đây chúng ta có thể thắc mắc tự hỏi: Việc con người chạy đến nhờ một người khác cầu nguyện cho mình. Việc làm đó có phù hợp với tinh thần kinh thánh hay không? Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, là Ðấng tràn đầy ơn phước, nhưng Mẹ vẫn là một con người. Việc xin Mẹ Maria cầu nguyện cùng Chúa cho chúng ta có gì nghịch lại kinh thánh hay không? Thắc mắc nầy có liên quan đến sự trung gian của Mẹ Maria giữa Thiên Chúa và con người, mà thông điệp của Ðức Gioan Phaolô II về Ðức Maria, Mẹ Ðấng cứu chuộc, đã gọi là "sự trung gian hiền mẫu", của một người Mẹ. Và sự trung gian đó không thay thế cho sự trung gian duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, nhưng chỉ tham dự vào đó mà thôi.

Nơi Phúc âm theo thánh Gioan, trong biến cố tiệc cưới Cana, chúng ta thấy Mẹ Maria đứng ra cầu khẩn Chúa Giêsu, Con Mẹ, xin Ngài làm phép lạ giúp cho gia đình đang tổ chức tiệc cưới mà hết rượu. Nơi sách tông đồ công vụ, chương 1, câu 14, chúng ta thấy Mẹ Maria hiện diện giữa các tông đồ, để cầu nguyện cùng với các Ngài và cho các Ngài, vào giây phút quan trọng khai sinh Giáo Hội của Chúa Kitô.

Ðọc lên kinh Kính Mừng với hết lòng đạo đức sốt sắng, chúng ta dâng lời chào kính mẹ Maria, vừa đồng thời xin Mẹ đến hiện diện giữa chúng ta, cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta.

Xin Mẹ hướng dẫn chúng ta trên con đường hành hương tiến về quê trời. Amen.

 


KÍNH MỪNG MARIA


Mở đầu kinh Kính Mừng là lời chào của Thiên Thần Gabriel cho Mẹ Maria, trong biến cố truyền tin. Ðây là một lời chào cô đọng lại tất cả truyền thống Cựu Ước về sự chờ đợi Lời Hứa cứu rỗi được thực hiện.

Kính mừng Maria. Ave Maria
.

Nguyên văn bằng tiếng Hy lạp nơi Phúc âm theo thánh Luca, chương 1, câu 28, là từ ngữ Kairê! Một lời chào, nhưng còn hơn là một lời chào tầm thường. Ðây là một loan báo và một mệnh lệnh: Hãy vui mừng lên! Hỡi Maria, hãy vui mừng lên! Hơn ai hết, Mẹ Maria hiểu lời chào và mệnh lệnh "Hãy Vui Mừng Lên" với trọn đầy đủ ý nghĩa của nó trong truyền thống thánh kinh.


Kairê! Ave Maria. Hãy vui lên, hỡi Maria!


Lời nầy nhắc đến những lời tiên tri trong Cựu Ước, mời gọi thiếu nữ Sion, hãy vui mừng lên vì Thiên Chúa ngự đến giữa dân Ngài và thực hiện lời hứa ban ơn cứu rỗi.

Chúng ta có thể đọc lại nơi đây đoạn tiêu biểu của sách tiên tri Sophonia, chương 3, câu 14-17, như sau:

"Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng, hỡi Israel, hãy mừng lên hết tâm hồn, hỡi thiếu nữ Giêrusalem!... Thiên Chúa, Vua của Israel... đang ngự giữa ngươi. Vào ngày đó, người ta sẽ nói với Giêrusalem: Nầy Sion, đừng sợ, đừng ngã lòng xuôi tay; Chúa là Thiên Chúa ngự giữa ngươi. Ngài là Ðấng cứu rỗi quyền năng!"


Nghe lời Thiên Sứ chào bằng từ ngữ truyền thống kinh thánh "Hãy vui lên", Mẹ Maria hiểu rằng đã đến giờ Thiên Chúa ngự đến thực hiện ơn cứu rỗi, và thiếu nữ Sion được loan báo xa xưa kia, nay là chính Mẹ: mẹ được mời gọi chu toàn phần của mình, phần đặc biệt hơn mọi người khác trong chương trình thực hiện ơn cứu rỗi. Và mẹ đã khiêm tốn chấp nhận thưa vâng: "Nầy tôi là tôi tớ của Thiên Chúa, xin vâng như lời Ngài truyền!"


Ave Maria, Kairê! Hãy vui lên, hỡi Maria.


Niềm vui mà Mẹ Maria được mời gọi để chia sẻ là niềm vui của ơn cứu rỗi, niềm vui vì được Thiên Chúa ngự đến hiện diện trong cuộc đời mình!

Khi chúng ta đọc lên lời kinh Kính Mừng Maria, chúng ta vừa chúc tụng Mẹ vừa muốn chia sẻ niềm vui mừng với Mẹ; chúng ta khiêm tốn mong muốn được Thiên Chúa ngự đến trong cuộc đời, được Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi như Mẹ Maria ngày xưa.


Kính mừng Maria, đầy ơn phước. Thiên Chúa ở cùng Bà!



Lời kinh nhắc chúng ta nhớ rằng, nếu không có Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời thì con người không thể nào có được niềm vui. Mẹ Maria đã được Thiên Chúa chọn bước vào hưởng niềm vui của ơn cứu rỗi. Giờ đây, đến phiên mỗi người Kitô chúng ta nhờ qua bí tích thánh tẩy, chúng ta cũng đã được Thiên Chúa chọn bước vào hưởng niềm vui ơn cứu rỗi.

Nguyện xin Mẹ Maria khẩn cầu cùng Chúa cho chúng ta được khiêm tốn trung thành với ơn cứu rỗi và như thế, hưởng được niềm vui ngay trong giây phút hiện tại mặc cho những khó khăn, thử thách.


Lạy Mẹ Maria, chúng con kính chào Mẹ, và mừng Mẹ đầy ơn phước. Xin Mẹ thương giúp chúng con đến với Chúa, nguồn mạch tình yêu và an bình thật. Amen.

 



KÍNH MỪNG MARIA ĐẦY ƠN PHƯỚC

Kính mừng Maria đầy ơn phước...

Ba từ ngữ "Ðầy ơn phước" được chuyển dịch một từ ngữ Hy Lạp duy nhất là kê-ka-ri-tô-mê-nê, nói lên thực thể thường xuyên của Mẹ Maria trước nhan Thiên Chúa và loài người: Mẹ là Ðấng tràn đầy ơn phước luôn luôn. Nhiều nhà chú giải nhìn đó là tên gọi mới của Mẹ Maria. Trong truyền thống kinh thánh, khi tuyển chọn con người cho một sứ mạng cao cả liên quan đến lịch sử cứu rỗi, thì Thiên Chúa thường đặt cho kẻ được chọn đó một tên mới, thí dụ như khi Chúa chọn Abraham làm người cha của một dân tộc. Thánh Tông Ðồ Simon được Chúa đặt cho tên mới là Petras, Phêrô, trên đó, Chúa xây dựng Giáo Hội.

Giờ đây, qua lời sứ thần Gabriel đến truyền tin, Thiên Chúa mời gọi Mẹ Maria và đặt cho một tên mới: Kêkaritômênê, Ðấng tràn đầy ơn phước luôn luôn; phải chăng Thiên Chúa muốn mạc khải cho Mẹ Maria hiểu sâu xa rằng đã đến lúc Mẹ công khai bước vào trong lịch sử cứu rỗi, vào giai đoạn của một lịch sử cứu rỗi để mọi người nhờ sự cộng tác của Mẹ mà được Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, ban lại cho được tràn đầy ơn phước.

Những lời tiếp sau của sứ thần như được tường thuật nơi chương 1, câu 30-31 của Phúc âm theo thánh Luca, giải thích rõ ràng hơn thực thể tràn đầy ơn Phúc của Mẹ Maria, và lý do tại sao của đặc ân nầy. Sứ thần tiếp:

"Thưa Cô Maria, đừng sợ. Vì Cô đã được ơn trước nhan Thiên Chúa. Nầy, Cô sẽ chịu thai và sinh con trai, rồi phải đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng, sẽ xưng Người là Con của Ðấng chí tôn vô đối".

Lời trên giải thích thêm thực thể Mẹ Maria là được tràn đầy ơn trước nhan Thiên Chúa và ơn đó đến từ Thiên Chúa. Và giải thích lý do tại sao của đặc ân, đó là để làm Mẹ Con Thiên Chúa, Ðấng cứu thế. Chúng ta hãy vui mừng cùng với Mẹ vì đã nhận được một đặc ân to lớn cao cả như vậy.

Kính mừng Maria đầy ơn phước.

Chúng ta đừng hiểu là Mẹ Maria đã có công nghiệp để được Thiên Chúa ban cho đặc ân tràn đầy ơn phước. Thiên Chúa đã chọn Mẹ một cách nhưng không, cũng như trước đó đã chọn Abraham và dân Israel một cách nhưng không. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã có sáng kiến trước tìm đến thi ân cho con người. Hơn ai hết, Mẹ Maria đã hiểu rõ điều này. Nên sau đó, khi đến thăm Bà Elizabeth và trước lời chào chúc: Phúc cho bà là kẻ đã tin vào lời Chúa truyền, thì Maria đã khiêm tốn hướng về Thiên Chúa với hết lòng tri ân mà chúc tụng rằng:

Linh hồn tôi tán tạ Chúa trời,
Và tâm trí mừng reo hớn hở,
Vì Chúa Trời Ðấng cứu độ tôi!

Ngài nhìn xuống phận hèn tớ nữ,
Khiến từ nay muôn thuở muôn đời,
Sẽ ngợi ca tôi đầy phúc cả.

Bởi vì Ðấng uy quyền toàn năng,
Làm cho tôi những việc lạ lùng,
Ôi danh Ngài chí tôn chí thánh.

Lòng Chúa thương lưu tràn muôn thuở.
Trên những ai kính sợ danh Ngài...

Ước chi mỗi lần đọc kinh Kính Mừng Maria Ðầy Ơn Phước, chúng ta noi gương khiêm tốn của mẹ và xin Mẹ dạy chúng ta biết bày tỏ lòng tri ân đối với Thiên Chúa vì những hồng ân đã lãnh nhận...

 

Ðức Chúa Trời ở cùng Bà

Kính mừng Maria, đầy ơn phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà.

Lời quả quyết "Ðức Chúa Trời ở cùng Bà", luôn luôn có mặt trong mọi biến cố Thiên Chúa kêu gọi con người thực hiện sứ mạng Ngài muốn. Khi người được gọi, ý thức mình yếu đuối, không đủ sức đủ tài thực hiện sứ mạng được trao phó và đặt vấn đề muốn thối thác, thì lúc đó, Thiên Chúa, Ðấng kêu gọi, đáp lại bằng một lời bảo đảm vừa trấn an vừa thôi thúc: "Ta sẽ ở với con". Ta sẽ hành động với con, và do đó, con không lẻ loi một mình khi thực hành sứ mạng Ta trao phó cho!

Sách Xuất Hành, chương 2, câu 7.10...12, kể lại biến cố Thiên Chúa gọi Môisen như sau:

"Thiên Chúa phán: Con hãy đi, Ta sai con đến với vua Pharaon. Hãy đưa dân Ta ra khỏi Ai Cập. Môisen thưa với Chúa: "Con là ai mà cả gan đến cùng Pharaon và đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập?" Thiên Chúa trấn an: "Ta sẽ ở cùng con..."

Sau đó, nơi chương 4, từ câu 10-12, cũng của sách Xuất Hành, ta thấy Môisen do dự tìm cách thối thác.

"Môisen thưa với Chúa: "Lạy Chúa, con không phải là một nhà hùng biện..." Thiên Chúa đáp: "Con cứ đi... Ta sẽ ở với con, với miệng lưỡi con, và sẽ chỉ cho con những gì phải nói..."

Rồi còn các thí dụ khác nữa, chẳng hạn như khi Chúa gọi ông Isaac (STK 26,24), ông Giacob (STK 28,15), gọi quan án Gedeon (Giudie 6,11.12.14.16), gọi tiên tri Giêrêmia (Giêr. 1,1.8). Trong Tân Ước, khi sai các tông đồ ra đi chu toàn sứ mạng rao giảng Phúc âm:

Chúng con hãy ra đi..."Chúa Giêsu tiếp: "Ta ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).

Do đó, lời của sứ thần Gabriel nói với Ðức Maria: Thiên Chúa ở cùng Bà, mà trong câu kinh Kính Mừng ta đọc là: Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, lời đó vừa nhắc cho Mẹ Maria biết đây là ơn gọi, là sứ mạng Thiên Chúa muốn Mẹ thực hiện, vừa bảo đảm rằng Mẹ không cô độc lẻ loi một mình, nhưng có Thiên Chúa hằng hiện diện, cùng hoạt động với Mẹ, giúp Mẹ chu toàn sứ mạng làm Mẹ Ðấng Cứu Thế. Thiên Thần kế đó giải thích rõ ràng hơn:

"Thánh Linh sẽ ngự xuống trên Cô. Và uy quyền của Ðấng chí tôn vô đối sẽ cho Cô được nấp bóng Ngài. Nên Con trẻ sinh ra sẽ là chí thánh chí tôn, và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa."

Sau lời giải thích rõ ràng, nói lên quyết định của Thiên Chúa vững chắc hơn, Mẹ Maria khiêm tốn vâng phục thốt lên: Nầy tôi đây nữ tì của Chúa, xin cho tôi được như lời sứ thần truyền...

Quyền năng của Thiên Chúa sẽ gia tăng sức mạnh, sẽ nâng đỡ cho sự yếu hèn mỏng dòn của con người. Mẹ Maria không cô đơn một mình thực hiện sứ mạng nhưng luôn có Thiên Chúa hiện diện trợ giúp...

"Thiên Chúa ở cùng Bà", "Thiên Chúa ở cùng con người", "Chúa ở cùng anh chị em", lời nầy không ngừng vang lên luôn mãi qua mọi thời đại, từ khi Thiên Chúa tạo dựng con người, đặt con người sống trong vườn địa đàng, trong sự hiện diện với Ngài cho tới giây phút hiện tại của ngày hôm nay; Giáo Hội luôn nhắc đi nhắc lại những lời nầy, mọi nơi mọi lúc, nhất là trong cộng đoàn tín hữu họp nhau cử hành bí tích Thánh Thể: Chúa ở cùng anh chị em. Lời đó nhắc cho mọi người Kitô chúng ta về ơn gọi của mình vừa đồng thời bảo đảm vững chắc rằng Thiên Chúa hiện diện bên cạnh để nâng đỡ, để giúp con người chu toàn sứ mạng đã lãnh nhận.

Ước chi mỗi lần chúng ta đọc lên kinh Kính Mừng: Kính mừng Maria đầy ơn phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà... Chúng ta chạy đến với Mẹ Maria, và noi gương Mẹ Maria mà thưa Xin Vâng tuân phục. Nguyện xin thánh ý Chúa được thực hiện trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Amen.

 

 

 

Bà có phước lạ hơn mọi người nữ

Kính mừng Maria đầy ơn phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ.

Ðiều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện cho và nơi Mẹ Maria là Ngôi Lời Nhập Thể mặc lấy xác người trong cung lòng Mẹ.

"...Bà có phước lạ hơn mọi người nữ. Và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ."

Lời chào chúc của bà Elizabeth cho Mẹ: "Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, Con lòng Bà gồm phước lạ" chắc chắn đã nhắc lại trong tâm trí Mẹ Maria lúc đó, và nơi mỗi người đồ đệ của Chúa Giêsu ngày hôm nay. Những lời chúc phúc mà ông Môisen đã để lại cho dân Israel, cho mỗi người dân Israel, khi họ trung thành tuân giữ mệnh lệnh của Giavê Thiên Chúa. Những lời chúc phúc của Môisen đó, được ghi lại nơi sách Ðệ Nhị Luật, chương 28, từ câu 1 trở đi như sau:

"Vậy nếu ngươi chí thú vâng nghe tiếng Giavê Thiên Chúa mà tuân giữ cùng thi hành tất cả các lệnh truyền Ta truyền cho ngươi hôm nay, thì chắc hẳn Giavê Thiên Chúa sẽ nhắc ngươi lên vượt quá các nước trần gian hết thảy, và tất cả các chúc lành nầy sẽ xuống trên ngươi... Phúc cho người trung thành, phúc cho người ngoài đồng, phúc cho hoa quả lòng dạ ngươi, hoa quả đất đai, hoa quả thú vật..."

Những lời chúc trên của Môisen được vang dội lại nơi lời chúc phúc của bà Elizabeth cho Mẹ Maria. Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và hoa quả Con lòng Bà được chúc phúc. Giáo Hội đã lập lại lời kinh thánh đó một cách rõ ràng hơn nơi lời kinh bằng cách nêu rõ: Và Giêsu, Con lòng Bà gồm phước lạ

Trong Cựu Ước, khi Thiên Chúa chúc phúc cho một người, thì Ngài chúc phúc cho tất cả những gì thuộc về, hay có liên quan với người đó. Phúc cho hoa quả lòng dạ người, phúc cho hoa quả đất đai, hoa quả thú vật, v.v... Nhưng, khi thời giờ viên mãn đến, Thiên Chúa chúc phúc lành tràn đầy cho Mẹ Maria, không những vì lòng nhân lành từ ái của Ngài muốn chúc phúc, không những vì Mẹ Maria đã vâng phục mệnh lệnh Thiên Chúa, nhưng nhất là còn vì "công nghiệp Chúa Giêsu Kitô" Con Mẹ, Ðấng đang được Mẹ cưu mang trong lòng. Mẹ Maria được chúc phúc đặc biệt hơn mọi người nữ, vì mối tương quan đặc biệt của Mẹ với Chúa Giêsu Kitô. Trong thần học chúng ta dùng từ ngữ "vì tiền chiếu công nghiệp Chúa Giêsu Kitô". Mẹ Maria đã mở màn một thời đại mới, thời đại con người được Thiên Chúa chúc phúc, qua Chúa Giêsu Kitô, trong Chúa Giêsu Kitô, và với Chúa Giêsu Kitô. Nơi đầu thơ Êphêsô, thánh Phaolô tông đồ đã ca ngợi, chúc tụng Thiên Chúa như sau:

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha của Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chúc lành cho ta, bằng mọi phúc lành trên trời dưới đất, trong Ðức Kitô. Bởi chưng Thiên Chúa Cha đã chọn chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, từ trước tạo thiên lập địa để ta được nên thánh, vô tì vết trước mặt Người. Bởi lòng yêu thương, Người đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, và vì Ðức Giêsu Kitô theo thánh ý Người, để ta được trở nên lời ca tụng qua ân sủng Người, ân sủng mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta trong Ðấng Người yêu thương nhất là Chúa Giêsu Kitô, qua Ngài ta được cứu chuộc nhờ máu thánh Chúa, được ơn tha thứ tội lỗi.

Kính Mừng Maria Ðầy Ơn Phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ.

Chúa Giêsu xuất hiện ngay trung tâm của lời kinh Kính Mừng Mẹ Maria. Lời kinh Kính Mừng Mẹ Maria, hướng đến trung tâm là Chúa Giêsu Kitô. Mẹ Maria được chúc phúc tràn đầy vì Chúa Giêsu Con Lòng Mẹ, đang được cưu mang trong lòng Mẹ. Chúc tụng Mẹ Maria với lời kinh Kính Mừng, chúng ta được hướng dẫn đến Chúa Giêsu, nguồn mạch ơn sủng và phúc lành cho chúng ta. Vì như Mẹ, mỗi người Kitô chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc, được Thiên Chúa Cha cứu rỗi ban ơn tha tội, nhờ qua Chúa Giêsu Kitô.

Kính mừng Maria đầy ơn Phước... Xin Mẹ hướng dẫn chúng con đến gặp Chúa Giêsu Kitô và đón nhận ân sủng cứu rỗi của Chúa. Amen.

 

Và Giêsu, Con lòng Bà, gồm phước lạ

Kính mừng Maria đầy ơn Phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ.

Ðó là phần thứ nhất của kinh Kính Mừng, phần nói lên những lời chúc tụng Mẹ Maria và Chúa Giêsu Kitô, qua những lời chào chúc của sứ thần trong biến cố truyền tin: Kính mừng Maria đầy ơn phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà. Và qua những lời chào của bà Elizabeth trong biến cố thăm viếng: Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ.

Phúc lành của con người, phước lành của Mẹ Maria và của Chúa Giêsu Con Mẹ Maria, hệ tại ở phước lành Thiên Chúa ban cho chớ không hệ tại ở những của cải vật chất. Mẹ Maria là người nghèo, đã sống nghèo, và dù sinh ra Chúa Giêsu trong cảnh khó nghèo. Và Chúa Giêsu lớn lên trong gia đình nghèo làng Nazareth, Ngài chấp nhận cảnh sống nghèo. Nhưng Mẹ Maria và Chúa Giêsu là những kẻ có phước nhất. Mẹ có phước là hơn mọi người nữ trên trần gian nầy, và Chúa Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ.

Sau lời chúc tụng như vậy, phần thứ hai của kinh Kính Mừng đưa chúng ta đến những lời cầu khẩn, cầu khẩn Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa:

"Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội. Khi nầy và trong giờ lâm tử. Amen.

Mẹ Maria, Ðấng đầy ơn phước, đầy ơn sủng của Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần bao phủ, và cưu mang trong mình Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô. Như thế Mẹ Maria là Ðấng Thánh hơn các vị thánh. Mẹ đã trở thành nơi cư ngụ của Con Thiên Chúa, của Ðấng Thánh của Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ đáng được gọi là Thánh. Thánh Maria.

Nhưng sự thánh thiện của Mẹ Maria là sự thánh thiện của con người, sự thánh thiện nhờ quyền phép và ân sủng của Thiên Chúa ban cho, chớ không phải do chính con người tự tạo ra. Chỉ mình Thiên Chúa là Ðấng Thánh, và con người được gọi là thánh vì được nhờ ơn sủng Thiên Chúa tái tạo, thanh tẩy khỏi tội lỗi, được chia sẻ đời sống thần tính của Ngài, được Thiên Chúa chúc phúc.

Thiên Chúa là Ðấng Thánh, nhưng Ngài vô hình không ai nhìn thấy được. Con người phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa. Và Mẹ Maria là vị thánh đầu tiên của Tân Ước vì Mẹ được đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng, và được cưu mang Con Thiên Chúa.

Ngay từ trong Cựu Ước, nơi sách Lêvi, chương 19, câu 2, Thiên Chúa đã mạc khải sự thật căn bản, và cũng là ơn gọi căn bản của con người là "phản chiếu sự thánh thiện của Ngài". "Các người hãy là thánh, hãy sống thánh thiện, bỡi vì Ta là Thiên Chúa của các ngươi là Ðấng Thánh".

Lời nầy, được vang dội lại một lần nữa nơi lời giảng dạy của Chúa Giêsu cho tất cả những ai muốn đến với Ngài. Phúc âm theo thánh Mathêu, chương 5, câu 48, đã ghi lại lời Chúa Giêsu như sau: "Các người hãy nên trọn lành, như Cha các người trên trời là Ðấng trọn lành".

Trước khi mở miệng cầu khẩn Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi chúc tụng Mẹ là Ðấng tràn đầy ơn phước, và chiêm ngắm Mẹ là Ðấng Thánh, tràn đầy ơn sủng. Thánh Maria, Mẹ Chúa trời. Cầu cho chúng con là kẻ có tội. Xin Mẹ cầu Chúa cho mỗi người chúng con được sống thánh thiện như Mẹ, sống trung thành với ơn gọi và duy trì ân sủng Chúa ban cho. Ngay trong hiện tại, và trong giờ lâm tử. Amen.

 

Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con

Kính mừng Maria đầy ơn phước, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu Con lòng Bà gồm phước lạ.

Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nầy và trong giờ lâm tử.

Trong cả hai phần của kinh Kính Mừng, chúc tụng và cầu khẩn, chúng ta hướng về Mẹ, chúc tụng mẹ như là Ðấng đầy ơn phước, được Thiên Chúa ở cùng và chúc phúc, là Ðấng Thánh, là Mẹ Thiên Chúa.

Chúng ta cầu khẩn Mẹ, vì Mẹ là Ðấng đầy ơn phước, đẹp lòng Thiên Chúa. Thể hiện sự thánh thiện của Thiên Chúa, và nhất là vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Ðọc lại biến cố truyền tin như được kể trong Phúc âm theo thánh Luca, chương 1, câu 30, chúng ta ghi nhận rằng hai đặc ân của Mẹ Maria, đầy ơn phước và Mẹ Thiên Chúa, đi liền với nhau. Ðặc ân đầy ơn phước liên hệ đến chính bản thể Mẹ, con người Mẹ, và đặc ân "Mẹ Thiên Chúa" liên hệ đến chức vị cao sang của Mẹ; Mẹ đầy ơn phước nhất, có phước lạ hơn mọi người nữ, và Mẹ được chức vị cao cả nhất làm Mẹ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã loan báo cho Mẹ:

Hỡi Maria, đừng sợ! Vì Mẹ đã được đầy ơn đẹp lòng Thiên Chúa. Này Bà sẽ thụ thai và sinh một con Trai. Sẽ gọi người Con đó là Giêsu. Người sẽ trở nên cao trọng và sẽ được gọi là Con của Ðấng tối cao".

Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì đã sinh ra Ðấng là Con Một Thiên Chúa. Hồng ân cả thể nầy vượt quá sức tưởng tượng của Mẹ. Tâm hồn khiêm tốn của Mẹ không biết làm điều gì khác hơn là hướng về Thiên Chúa và dâng lời chúc tụng Ngài: "Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu. Danh Ngài là thánh". Và điều kỳ diệu đó, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có đủ quyền năng để làm mà thôi.

Ngài có dư thừa quyền năng để sai Con Một Mình xuống thế làm người sinh ra bỡi một người nữ, lớn lên trong cảnh khó nghèo, chia sẻ thân phận con người trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi.

Là Ðấng Thánh, đẹp lòng Thiên Chúa, và là Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Maria hơn ai hết là Ðấng có thể cầu bầu cho chúng ta một cách hữu hiệu.

Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội. Lời cầu khấn của Mẹ Maria cho chúng con những kẻ tội lỗi, được thực hiện dựa theo lời cầu khẩn khác, là lời cầu khẩn của Chúa Giêsu cho những môn đệ của Ngài. Phúc âm còn ghi lại nhiều lần Chúa Giêsu nói là Ngài khẩn cầu cùng Thiên Chúa Cha cho con người. Chẳng hạn nơi Phúc Âm thánh Gioan chương 17, các câu 12-15, 20-21, là những câu nhắc lại thái độ và lời cầu khẩn của Chúa Giêsu cho các đồ đệ:

"Lạy Cha, con không cầu nguyện cho những người này mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai nhờ qua họ mà tin vào Con, ngỏ hầu tất cả được trở nên một".

Phúc Âm theo thánh Luca chương 23,34, thì nhắc lại lời cầu khẩn của Chúa Giêsu cho những kẻ giết hại Ngài như sau: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm".

Và không phải Chúa Giêsu chỉ cầu khẩn cho chúng ta, cho các đồ đệ một lần thôi, nhưng Ngài vẫn hằng luôn cầu nguyện cho chúng ta, cả ngay bây giờ. Nơi thơ Roma 8,34 thánh Phaolô tông đồ đã quả quyết như sau: "Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại. Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa và cầu bầu cho chúng ta". Thánh Gioan tông đồ cũng nhắc cùng một sự thật như sau:

"Hỡi những người con yêu quý của tôi, tôi viết cho anh em thơ nầy để anh em đừng phạm tội. Nhưng rủi có người nào sa ngã phạm tội, thì chúng ta còn có một Ðấng cầu bầu biện hộ cho chúng ta nơi Thiên Chúa Cha, đó là Chúa Giêsu Kitô công chính". (1Gn 2,1)

Như thế, chúng ta thấy rằng, chỉ có một Ðấng duy nhất làm trung gian cho chúng ta với Thiên Chúa Cha là Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội qua mọi thời đại tin tưởng vào sự thật nầy. Vì thế, trong mọi lời kinh phụng vụ, khi kết thúc, Giáo Hội luôn nói: "Nhờ Ðức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con".

Vậy, chúng ta cần hiểu lời kinh Kính Mừng: Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội. Cần hiểu lời khẩn cầu của Mẹ Maria cho chúng ta như là một sự thông phần của Mẹ vào lời khẩn cầu của Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ. Trong thông điệp Mẹ Ðấng Cứu Thế, Ðức Gioan Phaolô II đã gọi Mẹ là Ðấng tham dự vào vai trò trung gian của Chúa Giêsu Kitô. Chỉ có một sự trung gian duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, và sự trung gian của Mẹ, chỉ là một sự tham dự, chia sẻ vào sự trung gian của Chúa Giêsu Kitô, vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, là Mẹ Thiên Chúa.

Lời cầu khẩn của Mẹ, sự trung gian của Mẹ là sự trung gian giúp cho sự trung gian của Thiên Chúa được dễ dàng hơn. Mẹ Maria giúp mỗi người chúng ta đón nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Ðó là tâm tình chúng ta cần có, khi đọc lời kinh Kính Mừng.

 

Lời kết:  Tâm Niệm dâng Mẹ

Lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội, các thế hệ và các dân tộc đều ca tụng Mẹ là Ðấng có phúc. Chúng con xin chúc tụng Mẹ như vậy để nói lên tình thương và lòng tôn kính của chúng con đối với Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Mẹ đã sống thật gần gủi với Thiên Chúa biết là chừng nào. Lạy Mẹ, là người tôi tớ của Người. Mẹ được tôn vinh hơn mọi người nữ trên trần gian nầy biết là chừng nào. Hơn ai hết, Mẹ có thể nói lên: Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại và danh Ngài là Thánh.

Tâm hồn Mẹ đã được biểu lộ trong những lời chúc tụng Thiên Chúa như vừa trích và rất nhạy cảm trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, nhạy cảm trước quyền năng vô biên của Thiên Chúa, nhạy cảm trước tình yêu vô cùng của Thiên Chúa, tình yêu bao gồm tất cả mọi sự thấm nhuần tất cả mọi sự.

Tâm hồn vô nhiễm nguyên tội của Mẹ nhạy cảm hơn ai hết trước Ðấng toàn năng, vừa đồng thời thật gần gủi với Ngài.

Lạy Mẹ, xin dạy chúng con biết được mầu nhiệm của tâm hồn Mẹ. Xin dạy chúng con biết rằng Thiên Chúa là tất cả, rằng vũ trụ nầy từ hư vô mà bước vào hiện hữu nhờ tác động của Thiên Chúa tạo dựng. Xin hãy dạy cho chúng con, những người con của thế kỷ thứ 20, biết càng ngày càng nhìn lên và chỉ nhìn lên Ðấng tạo dựng con người. Xin Mẹ hãy dạy chúng con biết và xin hãy nhắc chúng con nhớ lại rằng, Ðấng đã tạo dựng mọi sự và gìn giữ vạn vật, Ðấng đó là Thiên Chúa, là Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc, là Thiên Chúa Thánh Thần, Ðấng ban sự sống. Xin hãy dạy chúng con nhớ luôn điều này ngỏ hầu chúng con không đánh mất quân bình, và biết nhìn thấy tất cả mọi công việc của con người trong vũ trụ theo ánh sáng sự toàn năng của Thiên Chúa: Quyền năng sáng tạo và cứu chuộc, ngỏ hầu những công việc của con người không quay đầu chống lại con người, nhưng phục vụ cho công cuộc phát triển sự thật và tình thương trong thế giới con người chúng con, sự thật và tình thương đến từ Thiên Chúa.

Xin Mẹ hãy dạy cho những người trẻ ngày nay để họ đừng để một bóng tối nào trong tâm hồn họ làm mờ đi ánh sáng chiếu soi các nẻo đường đời. Xin Mẹ hãy dạy cho các tín hữu biết làm chứng cho tình bác ái và canh tân chính bản thân trong sự thật.

Lạy Mẹ Maria, các thế hệ, các dân tộc khắp nơi trên thế giới ca tụng Mẹ là Ðấng có phúc. Chúng con tin tưởng vào Mẹ theo như lời giảng dạy của Chúa Kitô Con Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, xin chúc lành cho tất cả chúng con trong ngày hôm nay và trong suốt cuộc đời, biết đón nhận Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ. Xin cho mỗi người chúng con biết kết hiệp với những tâm tình của Mẹ mà chúc tụng Thiên Chúa: Linh hồn tôi chúc tụng Thiên Chúa vì Ngài đã thương đoái đến phận hèn tôi tớ, Ngài đã làm cho tôi những điều kỳ diệu và danh Ngài là Thánh. Amen.

 

Tác giả bài viết: Lm. Nguyễn Văn Tài

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây