Giáo xứ Vinh Hương

Một phong cách sống

Thứ tư - 04/05/2011 00:09

Một phong cách sống

- Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi; Tôi biết chúng và chúng theo Tôi (Ga 10,27)

Tôi có dịp gặp một linh mục có một phong cách sống rất hài hòa, có thể đây mới chỉ là những lý tưởng mà Ngài đang cố gắng theo đuổi. Nhưng những điều Ngài chia sẻ thật ‘dễ thương’ và đáng cho mỗi người chúng ta suy nghĩ và noi theo để phát triển nhân cách người Kitô hữu. Đó là cha Dominicô Phạm Sỹ Hiện, Quản xứ Giáo xứ Thổ Hoàng.

Nét đặc trưng của đời sống cha Dominicô là chiếc điện thoại và chiếc xe đạp: một sự linh động trong hoạt động mục vụ và mau mắn đến với mọi người. Số ĐT của cha được phổ biến rộng rãi cho các em thiếu nhi trong xứ, để giáo dân muốn gọi lúc cần thiết: chuyện buồn gia đình, chuyện tệ nạn xảy ra trong giáo xứ, em thiếu nhi xin phép được đi lễ sáng chúa nhật, có người cần xức dầu hiện đang nằm ở bệnh viện, hỏi trước về thủ tục hôn phối để khỏi phải đi lại nhiều lần. Và dĩ nhiên, cha xứ cũng dùng điện thoại để can thiệp kịp thời những điều đáng tiếc trong quan hệ người với người – mà không làm mất sĩ diện của người kia. Với những trường hợp giáo dân vùng kinh tế mới và thực sự vất vả vì mưu sinh, thì cha không nề hà về nguyên tắc và giờ giấc. Cha gọi điện cho họ tự đến lấy sổ ở nhà xứ, hoặc có khi cha đạp xe đến trả sổ tại nhà họ - rửa tội tại nhà họ. Đúng là “Khi quả núi không đến với Mahomet thì Mahomet đến với quả núi”! Khi đến với anh em dân tộc Êđê, cha xứ nhận ra niềm tin của họ thật tinh tuyền, họ chẳng biết sợ là gì vì họ chẳng còn gì để mất… và cha nói đùa: “Mình cũng chẳng còn gì để mất, nên chẳng sợ gì nhiều”.

Nhà xứ chỉ đóng cửa vào ban đêm và điện thoại không bao giờ tắt nguồn (luôn kèm theo pin dự trữ). Ngài tâm sự: nếu mình đóng kín cửa và tắt nguồn điện thoại thì việc nghỉ ngơi tốt hơn, nhưng cha xứ là người của cộng đồng. Nếu trong giờ kinh nguyện mà ĐT vẫn reo, dĩ nhiên là có chia trí, nhưng vì lợi ích mục vụ thì có lẽ chuyện chia trí như vậy cũng đẹp lòng Chúa, vì linh mục là người chuyển cầu cho toàn dân.

Không loại trừ ai ra khỏi sự quan tâm và khỏi Hội Thánh. Người linh mục quản xứ luôn bị nhiều người thúc ép phải đưa ra những quyết định để tẩy chay những con chiên ghẻ, vì nó làm nhơ uế cho cộng đoàn… nhưng coi chừng mình trở nên công cụ của một số người. Ngài thường trả lời: trong Kinh Thánh, không thấy chỗ nào Chúa truyền dạy ta phải làm như thế cả, mà là phải yêu thương an ủi vỗ về những con chiên bị ghẻ lạnh. Cha vẫn thường đến với những trường hợp hôn phối bị gia đình phản đối, để ít là an ủi họ. Vì nếu mình cũng lạnh lùng với kẻ không ưa mình thì mình cũng không hơn gì họ! Và nhiều người đã trở nên tốt hơn khi chứng kiến sự hạ mình của một vị linh mục.

Cha xứ không có ‘bà bếp’. Như thế lại là một điều hay! Ngài có thể mời ai đó dùng bữa mà không ai ngại ngùng gì cả, Ngài tự tay nấu nướng và rửa bát là cách bỏ bớt cái tôi, theo gương Thánh Phaolô tự tay làm việc để nuôi sống mình và không trở nên gánh nặng cho người khác; Ngài nói thêm: “mình tập ăn uống ‘tiết kiệm’ một chút cũng là điều hay: hai cha chỉ tốn 40.000/ngày tiền thức ăn được nhà hàng đưa vào buổi trưa”.

“Tôi bắt đầu tin tưởng vào Đức Mẹ”! Dĩ nhiên đây là một câu nói đùa về thói quen ngồi trầm tư cầu nguyện của mình trước tượng đài Đức Mẹ, để cầu nguyện cho mình và cho những nhu cầu con chiên. Ngài nói thêm: mình phải biết tự vấn xem mình có xúc phạm danh dự của ai đó trước cộng đoàn thì phải xin lỗi trước cộng đoàn. Không bao giờ được đem một em nhỏ lên cung Thánh để cho xấu hổ. Mình phải khiêm tốn khi nghe người ta góp ý qua ĐT về cách giảng và cách đối xử với giáo dân. Đừng dùng tòa giảng như pháo đài để tấn công giáo dân. Khi muốn trách một thành phần bất hảo nào đó, hãy tự xét xem: mình đã làm gì cho họ chưa?

Những giây phút hàn huyên quanh bàn tiệc đã để lại cho tôi tình thân hữu của gia đình Giáo hội, trong đó thật đáng quý những tấm gương mục tử đôn hậu luôn sẵn sàng rời pháo đài nhà xứ để sống tình gia đình với mọi con chiên, vì ý thức mình là người của cộng đồng – là người điều tiết lối sống và cách ứng xử trong giáo xứ của mình. Đức Gioan Phaolô 2 cũng là người rất dễ mến, Ngài cũng thường thăm hỏi những người nhà quê chất phác về con cái và những nỗi khổ tâm của họ…

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây