Giáo xứ Vinh Hương

Tâm tình với cha Phaolô

Thứ bảy - 03/08/2013 05:06
Tin Mừng Gioan đoạn 11 có kể một câu chuyện chung quanh cái chết của Lazarô.“Ngài ở đó và Ngài gọi em”.

Đó là câu nói của chị Matta nói với em mình. Như trong Tin Mừng Thánh Gioan kể lại thì tâm trạng của hai chị em Matta và Maria rất buồn sầu vì người em trai là Lazarô đã chết đến 4 ngày mà Thầy vẫn chưa đến, dù đã báo cho Thầy từ khi em mình ốm nặng. “Tại sao Thầy lại không đến?” vẫn là một câu hỏi được cả hai chị em thốt lên khi vừa giáp mặt Thầy Giêsu: “Nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết”. Nhiều người Do Thái vẫn quanh quẩn bên hai chị em để an ủi họ, khi thấy Maria vội vàng đi ra khỏi nhà thì liền đi theo vì họ tưởng cô đến mộ than khóc, nhưng lần nầy khi không phải như thế, vì cô Maria ra đi để gặp Chúa, vì biết rằng Chúa đang gọi mình và muốn gặp mình.
Câu chuyện trên có nhiều tình tiết giúp ta có nhiều tâm tình hiệp lời cầu nguyện cho người anh em vừa được Chúa gọi.

Đau khổ và cái chết luôn là một vấn nạn thách đố niềm tin con người. Muốn lý giải được vấn nạn “tại sao có đau khổ, cái chết và sự dữ thể lý cũng như luân lý trên trần gian nầy?”. Giải đáp những vấn nạn trên bằng một câu Kinh Thánh hoặc bằng suy luận của lý trí đơn thuần là điều không thể. Con người phải dùng toàn bộ pho Kinh Thánh, phải cầu xin ơn soi sáng mới hiểu được phần nào sự thật, chỉ sau khi sang cõi sống khác, khi mặt đối diện với Thiên Chúa, con người mới có thể khám phá chương trình kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện trên vũ trụ và cho từng người. Bởi vậy, hãy luôn tín thác vào tình thương và sự can thiệp của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, đó mới là đức tin. Thiên Chúa gọi từng người khi Ngài muốn, đó là sự tự do của Chúa. Cô Maria đang buồn sầu vì sự mất mát người thân, nhưng vừa khi nghe biết Chúa gọi mình thì cô đã mau mắn ra khỏi nhà đến gặp Chúa. Đó cũng là hình ảnh của cha Phaolô và của mỗi người khi đối diện với cái chết. Bao lâu còn sống trên trần gian, không ai tránh khỏi những tham sân si, đau buồn tinh thần cũng như vật chất. Tuy nhiên khi đến giờ Chúa muốn, Chúa sẽ gọi tên ai đó lên và họ phải lên đường đến gặp Chúa, dù muốn hay không. Hãy bắt chước cô Maria mau mắn đi gặp Chúa là nguồn sự sống và sự sống lại của mọi người. Lần ra đi gặp Chúa nầy, cha Phaolô ra đi một mình, không ai có thể tháp tùng an ủi cha như những lần trước.

Cuộc ra đi của cha Phaolô khá bất ngờ cho chính cha và cho mọi người. Đúng như lời Chúa nói: “Chính lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”. Bởi vậy hãy sống tốt, sống thánh và sạch tội, vì không ai biết mình sẽ chết lúc nào, cách nào, ở đâu… vì đó luôn là một mầu nhiệm.

Có một linh mục dòng Donboscô sau nhiều lần gặp gỡ cha Phaolô đã nói một câu bất hủ: “Cha xứ của chúng con là một vị thánh sống!”. Nhận xét trên đúng hay sai không quan trọng, nhưng nhiều người nhận ra nơi cuộc sống của cha Phaolô nhiều điều hay giúp họ sống đạo tốt hơn: sự kiên trì và nhẫn nại của cha với công việc của một cha sở, (ước mong của cha lúc làm linh mục là được giảng dạy trong các chủng viện, nhưng Chúa lại muốn cho làm mục tử nơi giáo xứ), đời sống giản dị và khiêm tốn, cha rất siêng năng ngồi tòa giải tội (lúc còn khỏe mạnh, cứ sau thánh lễ là ngài lại ngồi sẵn ở tòa giải tội để chờ đợi hối nhân, vì như cha nói: lòng bác ái không chờ ngỏ lời mà phải đoán trước nhu cầu của người khác), cha sống phó thác trọn vẹn cho Chúa trong mọi sự (hình như cha không có nhiều con cái thiêng liêng và không có di chúc), cha rất khoan dung, không phân biệt và loại trừ (không vì thiếu khả năng hoặc đã phạm lỗi mà không được có cơ hội cộng tác với giáo xứ, người nhỏ làm việc nhỏ). Khi viết những dòng nầy, tôi chợt nhớ đến Đức Cha Trịnh Chính Trực, một người được đánh giá là bậc “chân tu”, Đức cha Giuse cũng rất nổi bật về sự khó nghèo, vâng phục, rộng lượng và phó thác.

Khi còn sống, đôi lúc cha Phaolô cũng làm nhiều người buồn lòng vì sự thẳng thắn trong cách xử sự và dĩ nhiên là con người thì không ai hoàn hảo được. Nhưng hãy nghĩ về những điều tốt nơi Ngài mà học hỏi và hãy thử nghĩ xem “nếu mình nếu bệnh tật như Ngài ta có bình thản và sống gương mẫu được như vậy chăng?”. Hãy tiếp tục cầu nguyện lâu dài cho cha Phaolô
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 74 trong 18 đánh giá

Xếp hạng: 4.1 - 18 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây