Giáo xứ Vinh Hương

Ước nguyện hoà bình

Chủ nhật - 02/12/2012 17:03

Ước nguyện hoà bình

- Tại sao dùng chiến tranh tàn phá? Tại sao chất ngất nỗi u sầu?...

Sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, khổ đau trong chiến tranh… trái tim tôi đã thấm thía tận cùng  những gì là chiến tranh!
 
“Chiến tranh và chiến tranh”!  
 
Chiến tranh trong lòng mỗi người: giữa sự thiện và sự ác, giữa tình thương và tình ghét, giữa tiếng mời gọi “sống vị tha” và tiếng vọng về cội rễ con người: “sống ích kỷ, cho mình và chỉ cho mình”.
 
Chiến tranh trong lòng gia đình: giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em và anh chị em; chiến tranh vì không chấp nhận sự khác biệt về thế hệ, tuổi tác, cách sống, tính tình; vì ghen tương hơn kém…
 
Chiến tranh trong mỗi cộng đoàn, giữa những người cùng chung một chí hướng, một niềm tin…
 
Chiến tranh trong mỗi quốc gia, mỗi chủng tộc, và chiến tranh lan tỏa ảnh hưởng toàn thế giới: chiến tranh suốt giòng lịch sử, rồi chiến tranh thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai, và giờ đây nhân loại hoang mang hồi hộp, mường tượng: có lẽ “ngày nào đó sẽ có đại thế chiến thứ ba”, đại thế chiến “nguyên tử”, thế chiến “hoá học” (chất độc), thế chiến “sinh học” (vi khuẩn, vi trùng) tàn phá tận diệt nhân loại.
 
Chiến tranh! Chiến tranh! 
 
Một cuộc “chi phí” quá tốn kém, một cuộc “tàn sát” quá đau thương. Chiến tranh “vô tình” tàn sát biết bao nhiêu kẻ vô tội, cướp tiền cơm áo của biết bao kẻ túng nghèo… Con người dựng xây thì chiến tranh tàn phá; con người ngày đêm tìm mọi cách băng bó mọi vết thương, chữa trị các thứ bệnh tật thì chiến tranh lại hung hăng chém giết tiêu diệt!...
 
“Chiến tranh! Ôi chiến tranh! Ôi con người!...
 
Ngay từ ngày đầu lịch sử nhân loại, con người đã bắt đầu “chiến tranh” rồi: chiến tranh giữa hai anh em con Ông Bà Nguyên Tổ, giữa Cain và Abel! Máu “Abel vô tội” đã thấm vào lòng đất! (x. St 4,1-11) - Phải chăng chiến tranh là “di sản oan nghiệt” của thân phận con người? - Không, tôi không tin, không nghĩ như vậy; con người có tự do lựa chọn, có lương tâm để nhận định và kiến tạo những gì mình thấy là tốt đẹp. Con người được “định nghĩa”“con vật được phú bẩm trí năng” (L’homme est un animal doué de raison). “Trí năng”“đặc ân” ban cho con người để con người “siêu vượt” loài vật, giúp con người suy tư, tự chủ, để khỏi sống theo “xung động bản năng” lệch lạc, thấp hèn nhưng biết hướng về “chân, thiện, mỹ”, biết nhìn nhận sự cao đẹp của tình yêu thương, biết sống với “người-cùng-sống” trong tình “anh em con cùng một Cha Trên Trời”, trong tình ruột thịt của Đại Gia Ðình Nhân Loại “tứ hải chi nội giai huynh đệ”
 
Vâng! Những lời xót xa trên đây đã rên rỉ trong tôi:
 
“Tại sao “anh em” xâu xé nhau?
Tại sao miệt mài gây thương đau?
Tại sao dùng chiến tranh tàn phá?
Tại sao chất ngất nỗi u sầu?...
 
Tại sao! Tại sao và tại sao?...
 
Những lời “tại sao?” quằn quại trong lòng tôi, khi tôi nhìn thấy những hình ảnh thảm thương được chuyển tải thường xuyên trên têlê: chiến tranh nhiều nơi, khắp nơi, không nơi này thì nơi khác, không năm trước tháng trước thì năm sau tháng sau: chiến tranh “diệt chủng” tại Rwanda, chiến tranh tại Mali, Somalie; chiến tranh Afghalistan, Pakistan, Irak…; và giờ đây chiến tranh đang tàn phá bắn giết, tàn sát những “người anh em” trên miền đất mà Chúa đã ngự đến, “nhập thể làm người”, ban “Ơn Cứu Độ”, mời gọi nhân loại sống yêu thương: chiến tranh đang diễn tiến hằng ngày tại Syrie, chiến tranh triền miên đã lâu năm lắm rồi giữa Israel và Palestine!!!...
 
 Chiến tranh! Chiến tranh!
Tại sao chiến tranh?!... 
 
Mùa Vọng đến, hồi tâm sửa soạn đón mừng “Ðại Lễ”, lắng nghe sứ điệp Giáng Sinh: “Bình An dưới thế cho Người Chúa yêu” (Lc 2,12)… Tôi không có ý xáo động tâm tình “đại lễ” bằng những ý nghĩ, những hình ảnh đau thương u buồn về chiến tranh; nhưng bởi nhắc đến “Sứ Ðiệp Hoà Bình Giáng Sinh”, những lời lẽ trên đây “lên tiếng” làm xúc động tâm hồn tôi, những nạn nhân vô tôi của chiến tranh như muốn mời gọi tôi, mời gọi các tâm hồn thiện chí, cùng họ, thống thiết dâng lên Chúa Hài Nhi những lời “ước nguyện cho Hoà Bình”:
 
Lạy Ngài, lạy Thiên Chúa Toàn Năng,
xin Ngài chúc lành và ban cho các “Thiện Chí Xây Dựng Hoà Bình” được đạt tới những kết quả tốt đẹp.
 
Thật sự, sau trận đại thế chiến thứ hai quá khốc liệt tàn phá giết hại, con người đã thức tỉnh, biết tìm về, gần lại nhau, và tổ chức “Cơ quan Liên Hiệp Quốc” đã hình thành, đã tích cực hoạt động, nhưng, cho đến nay, kết quả vẫn chưa đạt tới mức độ chờ đợi, mong ước: chiến tranh vẫn còn chiến tranh, loài người vẫn còn những thành phần hung hăng, vẫn thích chém giết để chứng tỏ “thế cao” của mình trong những tranh chấp giành giật quyền lợi: “quyền lợi về kinh tế, chính trị, sắc tộc, tín ngưỡng…” hoặc để giải toả “bản năng hậm hực lệch lạc” của mình!…
 
Như vậy, kính thưa Ngài:
Ngày nào mới thật hoà bình?
Ngày nào rạng rỡ Bình Minh Cuộc Ðời?
Ngày nào nơi Trái Tim Người
Hận thù tan biến, Tình Người nở Hoa?
Lòng con lại thì thầm tự hỏi, chất vấn chính mình!...
 
Con nhớ lại lời Ngài đã chỉ dạy:
 
“Hãy học cùng Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng,
thì con sẽ được bình an.” (Mt 11,29)
 
Con cũng nhớ đến lời của vị Ðại diện Ngài, Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhận định: “Sự Bình An của tâm hồn là tâm hồn của sự Bình An (La Paix du Coeur est le Coeur de la Paix)”. Nhận định của Chân phước Giáo hoàng rất chính đáng. Quả vậy, nếu có sự Bình An Ngài ban trong tâm hồn, thì đâu còn “hờn ghen, hậm hực” mà gây chiến nữa; ngược lại, khi thiếu sự Bình An trong tâm hồn, thì lòng mình “căng thẳng” bởi cảnh đời chèn ép, áp bức… rồi, dù có cố gắng “nhịn nhục” mấy đi nữa thì cũng có lúc “nó bùng ra”!... - Trong những hoàn cảnh “khó khăn” của xã hội, các lực lượng an ninh có động viên toàn bộ để “dẹp loạn”, tái tạo trật tự, ổn định tình thế, mà không thay đổi được lòng người thì “ngòi chiến tranh, mầm mống nổi loạn” vẫn có đó!...
 
Vậy,… xin Ngài “biến đổi lòng con người nhân loại chúng con”, ban cho tinh Thần “Yêu Thương” cùng sự Bình An của Sứ Ðiệp Giáng Sinh thấm thía mọi cõi lòng: cõi lòng “thiện tâm” và cả những cõi lòng “thiếu thiện tâm”, vì lời nguyện cầu tha thiết của các cõi lòng “thiện tâm”.
         
Xin Ngài ban cho mỗi gia đình trở thành một “tổ ấm hoà bình”. Ðặc biệt là cho các Gia Ðình Công Giáo, năm nay là Năm Ðức Tin, được biết sống theo “kiểu mẫu Gia Ðình Nazareth”, có Ngài cùng sống với: tuy nghèo về vật chất nhưng lại giàu về tinh thần, vất vả làm ăn nhưng hạnh phúc trong yêu thương. Tiền bạc là phương tiện cần thiết nhưng vẫn chỉ là yếu tố phụ thuộc, Tình Yêu Thương mới là yếu tố chính yếu kiến tạo hanh phúc vững bền. Thật vây, “đâu có Tình Yêu Thương, ở đấy có Ðức Chứa Trời…”, và ở đấy “hạnh phúc Gia Ðình được Tình Yêu Thương quyền năng của Ngài đảm bảo”...
 
Xin Ngài cho xuất hiện một “thế hệ mới”, từ thế hệ cũ, thêm nhiều “Sứ Giả Tình Thương” kiến tạo Hoà Bình… Cho mỗi Kitô hữu ý thức và sống động “vai trò sứ mệnh” của mình trong thế giới hôm nay, theo như lời Ngài mời gọi, nhắn nhủ:
 
“Phúc cho ai xây dựng Hoà Bình
vì họ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5,9)
 
Chúng con là “con cái Thiên Chúa”: chúng con có sứ mệnh “xây dựng Hoà Bình”.
 
 

Tác giả bài viết: Joseph Trần Vũ

Nguồn tin: www.emty.org

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây