Giáo xứ Vinh Hương

"Làm"

Chủ nhật - 16/12/2012 09:35
"Làm"

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C

 

Làm! Một động từ rất ngắn gọn: chỉ một tiếng, nhưng là cả một con đường dài, khởi đi từ suy nghĩ, đến cái miệng, hoặc cái tai và đến bàn tay.
 

Làm! Một động từ mà bản thân nó chẳng nói lên được điều gì tốt hay xấu. Nhưng khi nó trượt hết con đường dài đến với bàn tay, thì kết quả của nó có thể là hoa trái của tình yêu, nhưng cũng có thể gây ra không biết bao nhiêu hận thù, chết chóc.
 

Làm! Đơn giản là thế, nhưng cũng phức tạp không ít. Vì chỉ một hành vi nào đó, có khi thể hiện ra bên ngoài là một nghĩa cử rất yêu thương, lại ẩn chứa bên trong nó là một thái độ mua chuộc, mưu lợi, tệ hơn: trả thù. Có khi nó là sự che đậy giả tâm của một ai đó.
 

Cũng cùng một động từ làm, nhưng với thánh Gioan Tẩy Giả, nó lại quá sức thân thương, đáng yêu và đánghọc đòi. Thánh Gioan đề nghị mọi người động từ LÀM, mà nếu ai sống như thế, chẳng những bản thân bình an, cuộc sống của mọi người xung quanh cũng sẽ hưởng bình an lớn lao.
 

Đọc lại bài Tin Mừng hôm nay, ta sẽ cảm nhận tất cả tình cảm đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng đối với động từ làm mà thánh Gioan đề nghị: Dân chúng hỏi thánh Gioan, “Chúng tôi phảm LÀM gì?”. Thánh Gioan trả lời cho họ những việc làm thật cụ thể, thật gần gũi, dính kết trong bổn phận của mỗi một người. Và tùy từng đấng bậc, nhiệm vụ mà thánh Gioan dạy họ làm:
 

- Đối với dân chúng: “Ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”.

- Đối với người thu thuế: “Các người đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các người”.

- Đối với quân nhân: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
 

Nếu ở thời đại chúng ta, chắc chắn, thánh Gioan cũng không đề nghị một cái gì khác hơn, nhưng vẫn chỉ là một động từ LÀM, kết dính vào bổn phận của từng người, của chính bạn và chính tôi.
 

Điều cần chú ý ở đây, là những gì thánh Gioan nói cũng chính là những gì Chúa Giêsu dạy. Trong Tin Mừng, động từ LÀM được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần. Chẳng hạn trước câu hỏi của người thanh niên giàu có: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời”, Chúa dạy: “Ngươi hãy bán tất cả của cải và phân phát cho người nghèo, rồi đi theo tôi”. Như vậy, điều cần làm ở đây, đó là sự trút bỏ để nên nghèo khó, là lòng bác ái với anh chị em nghèo.
 

Hay ở nơi khác, Chúa dạy người luật sĩ bằng dụ ngôn về người Samari tốt bụng, giúp đỡ người bị nạn trên đường đi. Và Chúa kết luận: “Anh hãy đi và LÀM như vậy” (Lc 6, 46). “Làm như vậy”, nghĩa là nếu người Samari trong dụ ngôn tốt bụng thế nào, thì người luật sĩ và cả chúng ta cũng hãy tốt bụng như thế. “Làm như vậy” còn là cúi xuống để nâng dậy những anh chị em khốn cùng, bất hạnh, đói rét… “Làm như vậy”, nghĩa là chấp nhận xóa mình, chấp nhận hao mòn sức lực, thời giờ, để hiến thân như chính Chúa đã hiến thân cho chúng ta.
 

Dẫu biết rằng, con đường dài nhất là con đường đi từ nói hoặc nghe đến làm. Nhưng khó không có nghĩa là không thể thực hiện được. Chỉ cần chúng ta học lấy mỗi ngày một chút, chú ý thêm mỗi ngày một chút, chắc chắn không có gì khó đến mức khổng thể làm được. Đó là chưa kể đến ơn Chúa trợ giúp ta. Với ơn Chúa, chúng ta vững tin rằng, lòng mình sẽ được biến đổi để trở nên mềm mại hơn, đáng yêu hơn và dễ đến với anh em hơn. Bởi vậy, động từ làm mà hôm nay thánh Gioan đề nghị sẽ là một từ ngữ đẹp hơn hết mọi thứ mà ta có thể cho là đẹp.
 

Chúng ta cần phải nhìn lại mình để hối lỗi, bởi dù không dám nghĩ tới việc hãm hại anh chị em mình, nhưng cách này, cách khác, bằng sự đố kỵ, bằng thái độ chấp nhất, không tha thứ, không bao dung, nói không tốt về người khác, hoặc có khi trả đũa một người nào, không phải bằng giết người, nhưng bằng một hành động, một việc làm nào đó…, ta đã không LÀM tốt, không LÀM như Tin Mừng dạy. Vì thế, nhiều lần bản thân mỗi người đã xúc phạm đến anh chị em, gây đổ vỡ trong tình yêu, trong những mối tương thân, tương ái, và làm mất bình an trong lòng người khác, nặng hơn: đào sâu thêm mối oán hận, thù nghịch nào đó…
 

Không biết có bi quan quá không, khi nói rằng: Nếu đi từ suy nghĩ đến hành động đã khó, thì từ suy nghĩ đến suy nghĩ đúng, lan rộng tới hành động: làm đúng, lại càng khó. Bởi thế, người Kitô hữu được mời gọi hãy lắng nghe Lời Chúa, hãy sống những gì Tin Mừng dạy và làm những gì hợp Thánh ý Chúa để thế giới hòa thuận hơn, cuộc sống con người bình an hơn. Khi môi trường xung quanh có bình an, mỗi người cũng sẽ tràn ngập bình an.

 

Tác giả bài viết: Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh

Nguồn tin: www.conggiaovietnam

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây