Giáo xứ Vinh Hương

Vài nhận định về việc linh mục mặc áo truyền thống dâng lễ

Thứ tư - 24/02/2021 23:17
Mấy ngày gần đây con nhận được nhiều câu hỏi về việc các linh mục thuộc một giáo xứ kia mặc áo dài truyền thống để dâng lễ thay vì mặc áo lễ như thường lệ. Các câu hỏi đại khái là: các cha mặc vậy đúng hay sai? Có được phép mặc không? Phải chăng đang hội nhập quá sâu?
 
Sau đây con xin trình bày một vài ý kiến cá nhân của con và trưng dẫn những chỉ dẫn của Giáo Hội trong việc cử thành Thánh Thể.
 
I. Ý kiến cá nhân
 
Thứ nhất, con không có câu trả lời đúng/sai hoặc được/không được. Đơn giản con không đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi này.
 
Nhưng trong những hiểu biết hạn hẹp của con, con xin khẳng định:
 
a/ Việc linh mục mặc áo lễ khi cử hành Thánh Thể là bắt buộc, nhưng không ảnh hưởng tới việc thành sự của Bí tích. Trong một số trường hợp đặc biệt như tù đày, bệnh tật hoặc không thể mặc áo lễ thì vẫn cử hành Bí tích Thánh Thể thành sự. Vd: Trường hợp của ĐHY Thuận dâng lễ trong tù chẳng hạn.
 
b/ Chúng ta không nên vội vàng đánh giá, kết luận quá sớm một vấn đề nào đó. Trong trường hợp này, chúng ta phải chờ đợi tiếng nói của Giáo quyền và tìm hiểu những chỉ dẫn của Giáo Hội. Con xin trích dẫn những hướng dẫn đó để quý vị tham khảo.
 
II. Hướng dẫn của Giáo Hội
 
Con xin trưng dẫn những chỉ dẫn của Giáo Hội liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ:
 
a/ Phẩm phục riêng cho các linh mục khi cử hành Thánh Lễ hoặc trong các nghi thức liên quan trực tiếp đến Thánh lễ là áo lễ mặc ngoài áo dài trắng và dây các phép trừ khi trù liệu cách khác (Quy chế Sách Lễ Rôma-QCSLRM số 337)
 
b/ Phẩm phục dành cho linh mục nên được làm phép và làm tăng vẻ trang trọng của cử hành phụng vụ(QCSLRM số 335)
 
c/ Linh mục mang dây các phép chung quanh cổ và rủ xuống ngực (QCSLRM số 340)
 
d/ Không được sử dụng những phẩm phục khi chưa được Hội đồng Giám Mục chuẩn nhận và Tòa Thánh châu phê (QCSLRM số 342)
 
e/ Khi có lý do chính đáng, ví dụ số linh mục đồng tế đông, thì trừ vị chủ tế, các vị đồng tế khác có thể bỏ áo lễ mà chỉ dùng áo dài trắng và dây các phép (QCSLRM số 209)
 
Một số việc làm trong cử hành phụng vụ thường được gán nhãn là hội nhập văn hóa, đại kết hay canh tân phụng vụ hoặc nại lý do là mang lại lợi ích cho cộng đoàn dân Chúa…Chúng ta nên biết rằng, mầu nhiệm Thánh Thể là cực kỳ thánh thiêng và cao trọng đến nỗi “không ai được cảm thấy tự do hành động cách tùy tiện và xem nhẹ tính chất thiêng thánh và chiều kích phổ quát của mầu nhiệm này” (Thông điệp Ecclesia de Auc-haristia, số 52)
 
Những việc làm này không giúp gì cho việc canh tân Phụng vụ hay đáp ứng lòng khao khát Thiên Chúa của chúng ta, nhưng lại làm tổn hại đến tính duy nhất thuộc về nghi chế Rôma, làm chia rẽ trong việc cử hành, gây bấp bênh về mặt giáo lý, sự nghi ngờ gương mù trong Dân Chúa, đồng thời gây nhiều xáo trộn và buồn lòng nhiều tín hữu (Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 38 và Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 11)
 
Người mục tử và người giáo dân cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Giáo Hội liên quan đến thánh lễ, nhờ đó, thánh lễ thực sự trở thành bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, để người lãnh nhận Đức Kitô được tràn đầy vinh quang và đón nhận bảo chứng vinh quang đời sau (Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 47).
 
Trên đây là những ý kiến cá nhân của con cùng với một vài trích dẫn liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ. Vì là ý kiến cá nhân nên xin quý vị không nên dựa vào bài viết này để khẳng định việc làm đó đúng hay sai. Bài viết này chỉ có tính chất giúp cho quý vị có cái nhìn chính xác và khách quan hơn mà thôi.
 
Con xin hết lòng cảm ơn.
 

Tác giả bài viết: Joseph Hoàng Văn Thương, CSF (catholic-sunday-homilies)

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây