Giáo xứ Vinh Hương

Giáo xứ Vinh Hương - Tư liệu

Thứ tư - 07/07/2021 22:40
Tháp chuông và ngôi nhà sàn thời kỳ đầu
Tháp chuông và ngôi nhà sàn thời kỳ đầu

PHẦN MỘT: QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP

50 năm, một mốc thời gian để nhìn lại một chặng đường dài nửa thế kỷ lặng lẽ trôi nhanh. Biết bao biến cố cùng nhiều sự kiện cứ diễn biến nối tiếp nhau theo năm tháng. Có nhiều hình ảnh đẹp thân thương và cả những kỷ niệm buồn vui còn khắc sâu trong tâm trí của mỗi người, nhưng cũng có những sự việc đã lùi vào dĩ vãng hay quên lãng. Hôm nay ngược dòng trở về quá khứ để  viết lại những trang sử hào hùng nhưng đầy gian khổ của giáo xứ Vinh Hương bé nhỏ.

Đây quả là một việc làm hết sức khó khăn, sử sách không ghi chép đầy đủ, nhiều nhân chứng thời lập xứ đã ly trần. Tuy không thể dàn dựng lại toàn cảnh với đầy đủ chi tiết một cách chính xác nhất, nhưng BBT sẽ lắng nghe, góp nhặt, sưu tầm, và chọn lọc. Trong đó có những nguồn tư liệu cung cấp thông tin đáng tin cậy nhất, đó là quí linh mục quản xứ qua các thời kỳ, cùng với sự cộng tác giúp đỡ của nhiều người.

Chúng tôi sẽ viết lại những gì chính yếu nhất một cách trung thực và khách quan, nhằm khơi dậy lòng yêu mến và tinh thần hiệp nhất để xây dựng giáo xứ ngày càng bền vững. Đồng thời để giúp cho thế hệ mai sau nhận biết được công ơn trời  biển của quí cha, của các bậc tiền bối cha anh đã đổ ra biết bao trí lực, mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng để khai phá, xây dựng và vun đắp để có một giáo xứ sinh hoa kết trái với những cơ sở, công trình ngang tầm với giáo xứ bạn và một gia bảo đức tin, một nền đạo hạnh vững mạnh như ngày hôm nay.

1/ RỜI QUÊ

Sau hiệp định Genève ngày 20 tháng 07 năm 1954, một làn sóng đồng bào miền bắc di cư vào nam đi xây dựng  kinh tế, vì ở miền nam, nhất là ở Tây nguyên đất rộng người thưa, có nhiều trại định cư được thiết lập, (theo HĐ, vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải, Quảng Trị là biên giới tạm thời phân chia Bắc Nam, mọi người dân cả hai miền được tự do lựa chọn nơi sinh sống của mình). Khoảng 1.300.000 ra đi, đa số là người Công giáo, địa phận Vinh chiếm tỷ lệ cao nhất nhì (hiện nay địa phận Vinh có hơn 400 ngàn giáo dân). Cuộc hành trình Bắc Nam đầy gian nan, phần lớn đi bằng tàu biển quốc tế hay xe lửa, còn những người đi bằng đường bộ thì cơ cực hơn nhiều. Chỉ một quãng đường từ Vinh vào Quảng Trị cũng phải mất gần tuần lễ, vì đường giao thông và xe cộ lúc đó còn rất kém.

Trong số hơn 20.000 di dân trú tại Phan Thiết có bà con giáo dân Vinh Hương hôm nay, họ từ Nghệ An, Hà Tĩnh và một ít Quảng Bình vào Nam tạm cư tại Tầm Hưng và Vinh Thuỷ. Nơi đây cát trắng cằn cỗi, khí hậu nóng bức, mưa ít nắng nhiều. Để bớt khó khăn, bà con được cứu trợ lương thực và một số tiền để dựng nhà ở, hai đến ba gia đình dựng chung và cùng ở một nhà, trẻ em vẫn được đến trường, ngoài lương thực cứu trợ, người lớn phải đi làm thêm để kiếm sống.

Thời gian ra đi là mùa Chay, mùa Phục Sinh 1955 (theo lời kể, trên những chuyến tàu có linh mục, thì cha làm lễ Phục Sinh trên tàu). Phải rời bỏ quê cha đất tổ, chia tay người thân, kẻ đi người ở lại ngậm ngùi rơi lệ, để rồi mãi đến ngày đất nước thống nhất 1975 anh em mới gặp lại nhau (lúc này nhiều người cả hai miền đã chết vì chiến tranh). Một năm trú tại Phan Thiết, ăn một cái tết đầu tiên nơi đất khách xứ lạ với nỗi nhớ quê nhà cùng với nhiều khó khăn thiếu thốn ban đầu, khiến nhiều người ngã lòng nản chí. Nhưng mọi người đều động viên giúp đỡ nhau và nhờ ơn Chúa, tất cả đều vượt qua để tiếp tục cuộc hành trình về miền đất hứa tìm nơi mới để an cư lạc nghiệp.

2/ DỪNG CHÂN

Nơi quê cũ là những người chuyên sống bằng nghề nông, không thích hợp với cuộc sống vùng biển, nên phải đi tìm vùng đất mới thích hợp hơn. Dưới sự hướng dẫn của Cha Phêrô Nguyễn Viết Khai (đại diện Ủy Ban định cư GP Vinh tại miền Nam) và Cha Nguyễn Quang Diệu (nguyên quản xứ Tầm Hưng lúc đó), bà con quyết định dời cư lên vùng Đức Minh, quận Daksong (nay là huyện Dakmil) để lập nghiệp. Trước khi rời Phan Thiết, một số người xung phong đi trước để thăm dò đất đai và chuẩn bị nơi tạm trú. Nhận thấy nơi đây khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ rất thích hợp với nghề nông. Chừng một tháng sau,  từng đoàn người chuyển đến, ban đầu một số người phải ở tạm trong các nhà nuôi bò của đồn điền người Pháp, một số ở tạm trong các lều bạt. Hàng cứu trợ vẫn được cung cấp như lương thực, bơ, bột sữa, quần áo chăn màn và cả những dụng cụ lao động. Bà con bắt đầu cùng nhau dựng nhà ở bằng tranh tre, khai hoang để sản xuất nơi đất mới của núi rừng Tây Nguyên. Giữa rừng thiêng nước độc, đa số chưa thích nghi với khí hậu và còn lạ nước, bệnh sốt rét xuất hiện. Cuộc sống nhiều khó khăn vất vả, hết sức thiếu thốn, nhất là thực phẩm tươi sống rất khan hiếm. Có người cho rằng nơi đây núi rừng hoang vu và quá khắc nghiệt nên muốn quay lại những nơi tạm trú trước. Được quí Cha an ủi nâng đỡ, mọi thử thách cũng vượt qua, tất cả với quyết tâm để có một cuộc sống ổn định lâu dài.

3/ LẬP XỨ

Đồng bào các nơi chuyển đến ngày càng đông, cha GB Hồ Sĩ Cai (nguyên phó xứ Vinh An) nhận thấy đất Đức Minh sẽ trở nên chật hẹp, đường giao thông khó khăn (Cha nói: ra ngoài này có quốc lộ thông thoáng để lập làng mở chợ), nên Cha đã đưa một số bà con Thanh Phong, Bùi Ngoạ, Bố Sơn ra quốc lộ 14 từ cây số 296 – 302 để lập thêm một trại định cư mới. Trước khi chuyển đến, Cha và một số vị cao tuổi trong ban định cư kiến thiết mà Cố Lân là người đứng đầu, đi thăm dò phân chia đất đai cho từng gia đình. Sau đó, hằng ngày bà con từ Đức Minh ra phát dọn và chuẩn bị dời cư. Ban đầu mới thành lập lấy tên “trại Tư Minh” hay còn gọi là trại mới, thuộc hệ thống hành chính xã Đức Minh.

Trong cuộc hành trình vào Nam, đây là lần thứ ba bà con phải gồng gánh ra đi mà Tư Minh là điểm dừng và bắt đầu cho cuộc định cư lâu dài. Lúc này không còn sự trợ giúp nữa, mọi người hoàn toàn tự lực kiếm sống. Với hai bàn tay trắng, bà con vào rừng chặt cây dựng nhà, đa số bằng tranh tre, ruộng rẫy được khai phá để trồng màu cấy lúa. Nhiều người vẫn tiếp tục đi làm công nhân cho đồn điền người Pháp để kiếm tiền. (Đồn điền này sau tháng Tư 1975, đã được quốc hữu hoá và mở rộng nằm dọc quốc lộ 14 từ Daklao đến Thuận An, gọi là nông trường cà phê Đức Lập).

Thế là một ngôi làng mới được định hình, bà con đã bắt đầu thích nghi với đời sống nông nghiệp miền núi. Nhu cầu cấp bách lúc bấy giờ là đời sống đức tin, được sự đồng ý của ĐGM Paul Seitz Gp Kontum, bà con trại Tư Minh được chính thức tách khỏi giáo xứ Vinh An vào cuối năm 1957 để thành lập một giáo xứ mới lấy tên là Vinh Hương do Cha Gioan Baotixita Hồ Sĩ Cai làm quản xứ tiên khởi.  Ban đầu mới thành lập, giáo xứ chỉ có khoảng 55 – 60 hộ với tổng số giáo dân khoảng 350. Theo Cha cố Gioan Baotixita Hồ Sĩ Cai: Thời gian lập xứ trước lễ Giáng Sinh 1957, số giáo dân trên 500, hai giáo họ là Thanh Tân và Vinh Sơn.
(Còn nữa)

Tác giả bài viết: Trích Kỷ Yếu "50 năm thành lập giáo xứ"

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây