Giáo xứ Vinh Hương

Giáo xứ Vinh Hương - Tư liệu (tt)

Thứ bảy - 10/07/2021 21:19
Các bậc tiền nhân
Các bậc tiền nhân
PHẦN HAI: XÂY DỰNG       

1/ NHÀ XỨ
Nhà xứ 1971
Ngay những ngày đầu được tách khỏi giáo xứ Vinh An để thành lập giáo xứ mới, công việc đầu tiên của giáo dân là dựng nhà thờ tạm để đọc kinh dâng lễ. Với tinh thần hăng hái đoàn kết, một ngôi nhà sàn 3 gian, lợp tôn lát ván nhanh chóng được hoàn thành. Ngôi nhà vừa được dùng làm nơi ở cho linh mục vừa làm nơi thờ phượng trong thời gian chưa có nhà thờ. Năm 1958, nhà thờ mới được xây dựng, ngôi nhà sàn hoàn toàn dành làm nơi ở và làm việc của Cha quản xứ cùng với những người giúp việc.

Ngày 25-06-1970, Cha Hồ Sĩ Cai được sự chấp thuận của GM Giáo phận chuyển về giáo xứ Nam Thiên sau hơn 13 năm làm quản xứ Vinh Hương. Cha Lê Thanh Thiên từ chủng viện Lê Bảo Tịnh được bổ nhiệm về làm quản xứ. Mặc dầu với công việc mục vụ hết sức nặng nề, vì giáo xứ nằm trên một địa bàn quá rộng (Daklao, Đức Lệ, Bác Ái) nhưng Cha đã bắt tay ngay vào việc xây dựng một số công trình. Sau khi hoàn thành ngôi trường cấp 2, còn dư lại một số vật liệu, năm 1971 được sự trợ giúp của Toà GM cùng với sự tham gia của bà con giáo dân, nhà xứ mới được xây dựng để thay thế ngôi nhà sàn bằng gỗ đã bị mối mọt mục nát và không còn phù hợp nữa. Căn nhà có 4 phòng: 1 phòng khách, 2 phòng ở của linh mục và một phòng ăn.

Với lòng yêu thương giáo dân, cùng với việc xây dựng trường học, nhà xứ, Cha đã mua ngay một máy điện khá lớn để dùng chung cho cả giáo xứ. Các thùng đạn được hàn lại thành trụ điện khá đẹp và chắc chắn, điện được kéo dọc quốc lộ 14, đa số các gia đình thuộc 2 giáo họ Thanh Tân và Vinh Sơn đều được sử dụng.

Năm 1998, ngôi nhà xứ cũ sau gần 30 năm sử dụng đã xuống cấp và chật hẹp, nền móng bị lún, tường rạn nứt nhiều, mái tôn bị dột nát, không bảo đảm an toàn. Vì thế cần phải xây dựng lại ngôi nhà xứ đàng hoàng hơn.

Mặc dù công trình nhà thờ  vừa mới hoàn thành chỉ được 2 năm, nhưng vì nhu cầu cấp bách và lòng yêu mến giáo xứ, qua lời kêu gọi của Cha phụ trách Nguyễn Công Minh và HĐGX, toàn thể bà con giáo dân đã đồng lòng nhất trí đóng góp nguồn vốn trong 2 năm 1998-1999.

Công việc khảo sát và thiết kế được tiến hành, nhiều bản sơ phác được tham khảo và sửa đổi. Cuối cùng đồ án thiết kế của KTS Nguyễn Văn Sáng được sử dụng. Sau khi được chính quyền cấp phép, bà con giáo dân san lấp mặt bằng và đào toàn bộ phần móng. Ngày 6-8-1999 nhóm thợ anh Nguyễn Văn Trang bắt đầu thi công.

Trong quá trình xây dựng công trình gặp nhiều khó khăn, do cà phê xuống giá nên nguồn vốn bị thiếu hụt. Nhờ lòng hảo tâm nhiều gia đình đã đóng góp thêm. Công trình chuẩn bị lợp mái thì bị đình chỉ do vượt quá diện tích cho phép. Nhưng nhờ sự nỗ lực của Cha phó, HĐGX và giáo dân, nhờ sự thông cảm và tạo điều kiện của chính quyền các cấp, công trình nhà xứ vẫn được hoàn thiện đúng tiến độ với diện tích bằng ½ nhà thờ.

Ngôi nhà xứ được hoàn thành mang phong cách kiến trúc mới, đầy đủ các tiện nghi tối thiểu cho các cha và các sinh hoạt khác của giáo xứ như hội họp, sinh hoạt, đọc kinh, học giáo lý.v.v…

Công trình nhà xứ cũng đã nói lên sự hy sinh, lòng quảng đại và tinh thần hiệp nhất của cộng đoàn.

Ngày 27-12-1999 ĐGM Giuse Trịnh Chính Trực đã cùng quý linh mục trong giáo hạt, 2 linh mục nguyên quản xứ tới dâng lễ khánh thành, làm phép nhà xứ mới, đúng 3 năm sau ngày cung hiến nhà thờ.

2/ TRƯỜNG HỌC
Cha Gioan Baotixita và ngôi trường đầu tiên
Cha Gioan Baotixita và ngôi trường đầu tiên
Khởi đầu lập làng lập xứ, với bao công việc cần phải làm, nhưng Cha Hồ Sĩ Cai hết sức quan tâm đến giáo dục, quyết không để cho con em thất học. Cha chuyển một ngôi nhà bằng gỗ từ Vinh An về để làm trường học tạm thời, trường có 3 phòng học,  Trường Tiểu Học Trần Hữu Đức, về sau đổi thành Nguyễn Trường Tộ. Với nỗ lực của Cha và bà con, năm học niên khoá 1957-1958 cũng đã kịp thời khai giảng, (Cha Cai kể, ngôi trường này cũng có thời gian dùng làm nơi đọc kinh dâng lễ). Ngôi trường tạm thời bằng gỗ ván quá thấp và chật hẹp không phù hợp với giáo dục nên sớm được thay thế bằng ngôi trường mới, tường gạch, mái tôn, cao ráo và sáng sủa hơn. Với 3 phòng học, nhà trường không thể đáp ứng và thâu nhận hết được con em trong giáo xứ, một số em phải học trường công lập, ngôi trường này cũng nằm trong khuôn viên nhà thờ, bên cạnh trường của giáo xứ và cũng do các thầy cô là người trong xứ giảng dạy. Số học sinh học hết tiểu học ngày càng nhiều, muốn học tiếp chương trình trung học thì phải vào trường Vinh Đoài của giáo xứ Vinh An, cách xa 5km, từ Daklao vào đến trường chỉ là đường đất, mùa mưa hết sức lầy lội, mà phương tiện lúc đó chủ yếu là xe đạp. Nắng mưa đều vất vả, nhiều hôm phải đi bộ. Nhưng tinh thần học tập của học sinh là rất cao, phụ huynh và học sinh đều hài lòng về chất lượng giảng dạy và kỷ luật rất nghiêm của nhà trường.

Năm 1970, Cha Lê Thanh Thiên từ chủng viện Lê Bảo Tịnh về làm quản xứ. Cha rất có tâm huyết với giáo dục. Về Vinh Hương, Cha trực tiếp tham gia giảng dạy tại trường Vinh Đoài, nên thấy rõ sự vất vả thiệt thòi của con em giáo xứ nhà. Với nhu cầu cấp bách, Cha đã kêu gọi bà con trong xứ xây dựng trường sở, để con em có nơi học hành. Được sự hưởng ứng nồng nhiệt của bà con, nên HĐGX cùng với linh mục và giáo dân đã tự nguyện chung tay xây dựng ngôi trường mới. Trường có 5 phòng học thoáng mát, dài 35m, rộng 9m.  Trường lấy tên Trung Tiểu Học Vinh Hương, khai giảng niên học đầu tiên 1971-1972. Tuy khó khăn, nhưng nhà trường cũng đã sắm được những dụng cụ dạy học và một số máy móc cần thiết như máy đánh chữ, máy chiếu phim .v.v… Ngoài con em trong giáo xứ, nhà trường vẫn tiếp nhận những học sinh ngoại giáo từ Daklao vào học.

Năm 1972, giáo xứ chúng ta hết sức may mắn, được Isidoro Cha Lê Hướng (bào huynh của Cha quản xứ) về phụ giúp mục vụ cùng Cha quản xứ và trực tiếp phụ trách trường học. Cha đã mời và tuyển dụng một số thầy của dòng Don Bosco và thành phố Sàigòn lên giảng dạy. Chất lượng giáo dục được nâng cao, phong trào thể dục thể thao phát triển, học sinh được học âm nhạc, hội hoạ… Đây là thời gian mà giáo xứ đã có rất nhiều học sinh vào các nhà dòng, chủng viện, nhiều gia đình có 2 hoặc 3 nam nữ tu sinh. Nỗ lực của các bậc cha mẹ và các chủng sinh, đệ tử đã đem lại lợi ích chung mà giáo xứ cũng được hưởng nhờ trong mấy chục năm qua.

Công việc dạy và học đang diễn tiến tốt đẹp, tháng 4-1975 đất nước thống nhất, nhà trường vẫn tiếp tục giảng dạy chương trình chuyển tiếp của chính quyền cách mạng cho đến hết niên khoá 1974-1975. Đến ngày 12-10-1975, linh mục quản xứ, HĐGX và đại diện phụ huynh đã tự nguyện chuyển giao toàn bộ cơ sở trường trung tiểu học Vinh Hương và các thiết bị của nhà trường cho chính quyền quản lý.

Thời gian hoạt động của nhà trường tuy không được lâu lắm, nhưng nỗ lực của quí cha, quí thầy cô cũng đã đào tạo cho xã hội cũng như giáo xứ một thế hệ học sinh trưởng thành và nhiều người đã thành đạt. Nhiều bác sĩ, giáo viên, viên chức đã từng trải qua tuổi học trò dưới mái trường thân yêu TTH Vinh Hương. Đặc biệt cũng từ mái trường bé nhỏ của giáo xứ đã ươm mầm cho Giáo Hội nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Tuy không còn trực tiếp làm giáo dục, nhưng quí cha luôn quan tâm nhắc nhở các em cố gắng học tập và rèn luyện đạo đức thật tốt. HĐGX cũng cộng tác hỗ trợ về tinh thần và cả vật chất để tạo điều kiện thầy cô dạy tốt con em mình. Đặc biệt đã gần 10 năm qua, giáo xứ kết hợp với CLB Gia Đình Trẻ sử dụng tiền đóng góp của bà con giáo dân, giúp đỡ những em hoàn cảnh gia đình khó khăn, tạo điều kiện cho các em đến trường. Đồng thời mỗi năm chi hàng chục triệu đồng để khen thưởng tất cả những em có thành tích học tập tốt ở nhà trường. Đây là một việc làm đã kịp thời động viên khích lệ con em trong giáo xứ ngày càng cố gắng học tập và rèn luyện tốt hơn nữa.

3/ NHÀ THỜ
Nhà thờ năm 1958, về sau được nới rộng bằng cách xây tường bọc hành lang và thêm một gian cung thánh.
Nhà thờ năm 1958, về sau được nới rộng bằng cách xây tường bọc hành lang
và thêm một gian cung thánh.
Nhà thờ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của cộng đoàn tín hữu, là công trình xây dựng lớn và quan trọng nhất của giáo xứ, với thời gian 50 năm đã 3 lần xây dựng nhà thờ, 3 lần nới rộng, nâng cấp và nhiều lần sửa sang làm đẹp. Tất cả những việc làm trên mọi người đều ý thức được rằng đó là trách nhiệm để tôn vinh và rất đẹp lòng Thiên Chúa nên tất cả bà con giáo dân luôn sẵn sàng hy sinh đóng góp tiền của và công sức. Những năm đầu lập xứ, cuộc sống của giáo dân còn khó khăn, nguồn tài chính để xây dựng các công trình của giáo xứ quí Cha tự lo liệu, bà con chỉ  đóng góp công sức và tinh thần. Sau này, khi cuộc sống ổn định và khá lên, tất cả đều do giáo dân đóng góp.

Trong thời gian ngôi nhà sàn chưa hoàn thành, mái nhà tranh của cố Lân và ngôi trường bằng gỗ của giáo xứ là nơi sáng tối bà con quây quần đọc kinh cầu nguyện. Sau đó một phần ngôi nhà sàn được dùng làm nhà thờ tạm để đọc kinh dâng lễ, nhưng cũng nhanh chóng trở nên chật hẹp vì số giáo dân từ Tầm Hưng tiếp tục chuyển đến ngày càng đông hơn. Năm 1958, công việc làm ăn tạm ổn, do đó cả giáo xứ đồng lòng xây dựng nhà thờ mới, ban đầu chỉ lợp tôn vách ván. Sau đó nhà thờ được nới rộng thêm 1 gian cung thánh, 2 hàng cột phụ được tháo gỡ và xây tường gạch chung quanh, đồng thời chính thức nhận tước hiệu Gioan Tẩy Giả, được mừng kính vào ngày 24-06 hàng năm.

Sau ngày thống nhất đất nước, kinh tế chuyển đổi từ sản xuất cá thể sang tập đoàn rồi hợp tác xã, chưa thích nghi với cách làm ăn mới nên đời sống trở nên khó khăn. Năm 1992, kinh tế hồi phục, nhà thờ được tiếp tục trùng tu, đóng trần bằng ván, các hàng cột lớn, xà ngang, xà dọc đều được tháo dỡ, cung thánh được dựng 3 phông lớn bằng gỗ quí.

Trải dài theo năm tháng, con cháu sinh sôi, đất lành chim đậu, giáo dân ngày càng tăng lên, diện tích giáo xứ được mở rộng. Ngôi thánh đường cũ gần 40 năm đã xuống cấp nặng nề, lại quá chật hẹp, không đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt cho cả cộng đoàn. Việc xây dựng một ngôi thánh đường mới rộng rãi khang trang hơn là một nguyện vọng chính đáng của toàn giáo dân, đồng thời cũng là một nhu cầu thiết thực phù hợp với đà phát triển chung của Giáo Hội và xã hội.

Năm 1994, Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Kim Long về nhận giáo xứ đã cùng với HĐGX bàn thảo kế hoạch xây dựng nhà thờ mới. Kế hoạch đã được ĐGM Giáo phận và chính quyền các cấp cho phép, động viên khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi.

Năm 1995, toàn thể cộng đoàn giáo xứ đồng lòng góp vốn.

Công việc khảo sát thiết kế được tiến hành. Đồ án kiến trúc của KTS Nguyễn Văn Sáng đã được lựa chọn với diện tích 1.100m2 (đồ án được Sở XD thẩm kế, và chấp thuận). Ngày 23-01-1996, nhà thờ cũ được tháo dỡ, mọi sinh hoạt phụng vụ chuyển về nhà thờ họ Vinh Sơn.

Ngày 08-02-96 làm lễ khởi công động thổ. Toàn bộ công việc san lấp mặt bằng và đào móng do giáo dân 4 giáo họ đảm nhận. Ngày 06-03, Công Ty Xây Dựng Bộ Công Nghiệp Nhẹ bắt đầu thi công. Ngày 28-03, ĐGM Giuse Trịnh Chính Trực làm lễ đặt viên đá đầu tiên, có khá đông các linh mục đến tham dự. Từ đó, từng cột trụ vươn cao, từng viên gạch kết mạch và từng tấm sàn được đổ bê-tông. Sau 3 tháng, làm lễ thượng kèo, kết thúc giai đoạn đầu của công trình.

Nhà thờ là một công trình với một khối lượng công việc đồ sộ, có những công việc như san lấp mặt bằng, vận chuyển đất đá, bê-tông và vật liệu phải huy động rất nhiều sức dân. Công trình đã đạt kết quả cao nhờ tập trung trí tuệ công sức của mọi tầng lớp trong giáo xứ.

Qua việc xây dựng nhà thờ mới, ĐGM Giáo phận, các linh mục nguyên quản xứ, quản hạt đã ghi những lời chia sẻ và chúc mừng hết sức quí giá vào sổ vàng.

“…Công trình xây dựng nhà thờ là một việc thánh rất cần thiết và lợi ích cho cuộc phát triển về mọi mặt…” (ĐGM Giuse Trịnh Chính Trực).

- “…Nhà thờ là công trình vĩ đại và là một hông ân Thiên Chúa ban cho giáo xứ, thật đúng hậu sinh khả uý…” (Lm GB Hồ Sĩ Cai).

- “…Một ngày sống trong Nhà Chúa hạnh phúc biết bao, xây dựng Nhà Chúa là một công trình lớn lao. Giáo xứ Vinh Hương vốn sẵn có tinh thần và lòng mến Chúa cao độ…” (Lm Phaolô Lê Thanh Thiên…)

- “…Xây dựng Nhà Chúa là một vinh dự lớn lao của người Ki-tô-hữu, một vinh dự hiếm có mà vua Đa-vít xưa hằng mơ ước suốt cuộc đời mình mà vẫn không được…” (Lm Quản Hạt Anrê Trần Xuân Cương).

Những lời động viên khích lệ vàng ngọc cùng với lời kêu gọi của quí Cha quản xứ và phó xứ đã tiếp thêm tinh thần và lòng mến yêu Nhà Chúa. Ngoài khoản đóng góp chung, nhiều gia đình, nhiều vị ân nhân xa gần đã rộng tay dâng cúng thêm cho công trình. Ngôi thánh đường mới được khánh thành và cung hiến ngày 27-12-1996 do ĐGM Giuse Trịnh Chính Trực cùng với gần 30 linh mục đồng tế. 

Ngôi nhà dù chẳng là chi so với vinh quang Thiên Chúa, tuy bé nhỏ và hữu hạn so với vô biên, nhưng đây là một công trình hoàn mỹ và vĩ đại đối với một giáo xứ bé nhỏ, đời sống kinh tế không đồng đều, nguồn đóng góp chính là 2 giáo họ Thanh Tân và Vinh Sơn. Trong tinh thần đoàn kết, yêu thương và hiệp nhất, cộng đoàn giáo xứ xin dâng lên Thiên Chúa những gì tốt đẹp nhất. Vì Người là Alpha và Omega mà kiểu dáng kiến trúc đã diễn tả. Người là khởi thuỷ và cùng đích mọi loài, mọi công trình. Xin cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

4/ THÁP CHUÔNG

 
Tháp chuông năm 1959 cạnh nhà sàn
Tháp chuông năm 1959 cạnh nhà sàn
Năm 1959 Cha quản xứ GB Hồ Sĩ Cai đổi chiếc xe của ngài để lấy quả chuông, một tháp chuông bằng gỗ được dựng lên, tuy không cao, nhưng tiếng vang cũng đủ báo hiệu đến mọi nhà.

Theo thời gian, tháp chuông gỗ đã hơn 30 mùa mưa nắng, bị hư hỏng lung lay không bảo đảm an toàn, việc xây dựng lai một tháp chuông mới là rất cần thiết. Được sự khích lệ của linh mục quản xứ Lê Thanh Thiên, và HĐGX, toàn thể giáo dân, kẻ ít người nhiều tự nguyện đóng góp nguồn vốn. Sau khi đã có bản thiết kế của KTS Nguyễn Văn Sáng và giấy phép của chính quyền, tháp chuông được khởi công xây dựng ngày 11-02-1993.

Sau 2 tháng thì một tháp chuông vững chắc vươn cao giữa lòng giáo xứ, hai quả chuông ngày ngày sớm tối ngân vang khắp cùng ngõ xóm, như  lời mời gọi tha thiết, thúc giục mọi tín hữu mau mau tiến về Nhà Chúa để cử hành các giờ phụng vụ và dâng lời ngợi khen Đấng toàn năng. Đồng thời tiếng chuông còn báo cho cộng đoàn tín hữu mọi tin vui buồn và các biến cố diễn ra trong giáo xứ.

Tháp chuông tuy không phải là một công trình lớn, nhưng cũng làm thoả lòng mà cả cộng đoàn ước mong từ lâu, đây là một tín hiệu vui cho thấy, đời sống kinh tế của bà con đã bắt đầu hồi phục sau một thời gian dài vô cùng khó khăn. Trong niềm vui chung ngày 22-04-1993, ĐGM Giuse Trịnh Chính Trực về dâng lễ khánh thành. Tháp chuông là sự khởi đầu cho các công trình lớn hơn mà giáo xứ xây dựng vào những năm kế tiếp. Tháp chuông vươn cao cùng với mặt tiền nhà thờ đã làm nổi bật trung tâm giáo xứ, đồng thời tôn thêm vẻ đẹp trang nghiêm cho ngôi thánh đường. Năm 2004 tháp chuông cũng đã được sơn lại màu mới, vì màu cũ đã xuống cấp.

Muôn lời ca hoà cùng tiếng chuông ngân vang lên trời cao thẳm, xin dâng Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân, vì yêu thương, Chúa đã ban nhiều ơn lành cho giáo xứ suốt 50 năm qua.

Tác giả bài viết: Trích Kỷ Yếu "50 năm thành lập giáo xứ"

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây