Giáo xứ Vinh Hương

Vào sa mạc – Chúa nhật I Mùa Chay – Năm C

Thứ bảy - 05/03/2022 01:48
Vào sa mạc – Chúa nhật I Mùa Chay – Năm C

VÀO SA MẠC

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – NĂM C

Chúng ta đã bước vào Mùa Chay. Phụng vụ Mùa Chay như một khoảng lặng trong bản nhạc cuộc đời. Không ồn ào, những sâu lắng. Bước vào Mùa Chay cũng là bước vào sa mạc với Chúa Giêsu để sống tinh thần khổ chế và cầu nguyện. Những thực hành đạo đức đều giúp chúng ta hồi tâm để gặp gỡ Chúa, gặp gỡ tha nhân và gặp gỡ chính mình. Tại sao lại phải hồi tâm? Có thể bạn sẽ đặt ra câu hỏi. Thưa, vì cuộc sống của chúng ta quá ồn ào bởi những âm thanh hỗn tạp. Đó là những lo toan cơm áo gạo tiền, những bon chen giành giật ăn thua trong chợ đời. Những tạp âm này làm cho chúng ta quên mất Chúa, và quên luôn cả lý tưởng cuộc đời. Có những người suốt đời bon chen tính toán, khi luống tuổi, thấy luyến tiếc vì mình bỏ ra cả tuổi thanh xuân mà chạy theo những điều vô nghĩa. Vì thế, lời mời gọi của Mùa Chay là: hãy trở về!

Trở về với Chúa để gặp gỡ Chúa và để nhận ra tình thương bao la của Ngài. Trong Bài Sách thánh thứ nhất, ông Môisen chỉ thị cho các tư tế Do Thái, mỗi khi dâng của lễ đầu mùa, phải nhắc lại quá khứ của dân tộc mình. Quá khứ này vừa kể lại thuở hàn vi nghèo khổ, vừa ghi đậm dấu ấn quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Người Do Thái nhớ lại cha ông mình ngày xưa chịu cảnh lang thang phiêu bạt, nhờ quyền năng của Chúa, họ được định cư và phát triển đông đúc “như sao trên trời và như cát dưới biển”.  Quá khứ đã qua của dân riêng Thiên Chúa vừa huy hoàng, vừa đau khổ. Lời cầu nguyện của vị tư tế cũng nhắc tới thời kỳ đen tối, dưới ách nô lệ của người Ai Cập. Lại một lần nữa, Chúa giang cánh tay uy quyền để giải thoát họ, đưa họ về miền đất hứa. Đó là lý do để người Do Thái, từ thế hệ này đến thế hệ khác, phải dâng của lễ để tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa (Bài đọc I).

Trở về để mang một trái tim mới và một tâm hồn mới. Lời sám hối của vua Đavít được xướng lên nhiều lần trong Phụng vụ Mùa Chay, như thôi thúc chúng ta nhìn nhận tội lỗi của mình, đồng thời cam kết với Chúa sống tốt lành thánh thiện hơn. Tội lỗi ta đã phạm luôn hiển hiện trước mắt chúng ta, ám ảnh chúng ta. Lòng nhân từ của Chúa sẽ tha thứ cho những ai thành tâm sám hối và trở về phục thiện. “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ”. Lời kinh của vua Đavít cũng là lời kinh của chúng ta trong Mùa Chay. Đó là nguyện ước quên đi quá khứ lỗi lầm, với nỗi niềm ân hận và hối tiếc vì những điều mình đã làm, phạm đến lòng từ bi Chúa và đến anh chị em. Mùa Chay và Bí tích Hoà Giải sẽ giúp chúng ta có quả tim mới, tràn ngập yêu thương, chan hoà hạnh phúc. “Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con”. Được ban quả tim mới, chúng ta lấy lại niềm vui và trỗi dạy để đi tiếp những chặng đường đời, với xác tín có Chúa luôn đồng hành và ban ơn thêm sức.

Cuối cùng, trở về để có thêm nghị lực chống lại những cơm cám dỗ trong cuộc đời. Khởi đầu Mùa Chay, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta một hình ảnh rất độc đáo khác biệt về Chúa Giêsu, đó là Chúa chịu cám dỗ. Thì ra ma quỷ chẳng tha ai. Đến Chúa mà nó còn cám dỗ rủ rê, hầu mong Người chối bỏ sứ mạng Thiên Sai Chúa Cha trao phó. Những nội dung cám dỗ của ma quỷ là những khuynh hướng tham vọng xem ra rất đỗi quen thuộc với chúng ta trong cuộc sống thường ngày: đó là cơm bánh, là bổng lộc quyền hành trần gian và là sự thách thức Thiên Chúa. Quả vậy, bất kể thời nào, lứa tuổi và bậc sống nào, chúng ta cũng bị cám dỗ về ba thứ này. Trở về chính là nhận ra những cơn cám dỗ ấy, để khôn ngoan can đảm khước từ những lời mời gọi ngọt ngào nhưng chứa nọc độc. Cám dỗ giống như những viên thuốc độc bọc đường, bên ngoài thì đẹp đẽ, nhưng dễ dàng đầu độc và giết chết chúng ta.

Sau khi thất bại, quỷ rút lui và chờ đợi thời cơ – Thánh Luca kết thúc trình thuật như thế. Kể cả lúc chúng ta chiến thắng cám dỗ của ma quỷ, chúng ta vẫn phải luôn thận trọng. Tâm tình cầu nguyện, gắn bó với Lời Chúa sẽ giúp chúng ta sức mạnh để chiến thắng những tấn công của Satan. “Lời Chúa ở gần bạn, ngày trên miệng, ngày trong lòng”. Sức mạnh của chúng ta đến từ Lời Chúa và vào lòng trông cậy vững vàng nơi Ngài. “Tất cả những ai kêu cầu Danh Chúa sẽ được cứu thoát” (Bài đọc II).

“Nhân danh Đức Giêsu Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa”. Đó là lời năn nỉ của thánh Phaolô. Có cũng là điều Giáo Hội luôn mời gọi. Thiên Chúa như người Cha luôn giang rộng vòng tay chờ đợi. Muốn được ơn tha thứ, con người phải có can đảm lao mình vào vòng tay yêu thương ấy. Đừng mặc cảm tội lỗi mà nghĩ rằng tội tôi không được Chúa thứ tha, vì Thiên Chúa không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Trong bài giảng tại Nhà nguyện Thánh Matta ngày 28-3-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ: “Thiên Chúa là Đấng chờ đợi chúng ta, Thiên Chúa là Đấng tha thứ cho chúng ta. Ngài không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta là những người luôn mệt mỏi cầu xin sự tha thứ.” “Bảy mươi lần bảy, luôn luôn là như thế. Chúng ta hãy tiến về phía trước với sự tha thứ của Ngài. Từ quan điểm kinh doanh, cán cân luôn luôn là âm. Ngài luôn luôn thua lỗ: Ngài thua lỗ trong cán cân chi thu nhưng chiến thắng trong tình yêu”. Thiên Chúa là người đầu tiên thực hiện giới răn yêu thương. Ngài yêu thương và không biết làm sao làm khác đi.

Để Mùa Chay sinh ơn ích thiêng liêng, mỗi chúng ta cùng vào sa mạc với Chúa Giêsu. Chắc chắn những cám dỗ vẫn còn đó, nhưng với sức mạnh của ân sủng, chúng ta sẽ chiến thắng cám dỗ. Xin Chúa chúc phúc cho thiện chí cố gắng của chúng ta.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây