Giáo xứ Vinh Hương

5 phút Lời Chúa tháng 06.2022

Thứ ba - 31/05/2022 20:25
5 phút Lời Chúa tháng 06.2022

01/06/22 thứ tư đầu tháng tuần 7 ps
Th. Giút-ti-nô, tử đạo
Ga 17,11b-19

 làm chứng cho sự thật

“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.” (Ga 17,17)

Suy niệm: Truyện thánh Pa-côm kể rằng, khi còn ngoại đạo, đã đăng lính trong đạo binh Rô-ma. Ngày kia, các binh sĩ trong đơn vị của ngài, đã kiệt sức vì đói và khát sau khi đi bộ qua sa mạc dưới cái nóng chết người, thất thểu vào thành Tê-bét ở Ai Cập. Thấy cảnh tượng đó, có nhiều người chạy lại bên họ, cho họ ăn uống, cùng chăm sóc họ chu đáo, tận tình. Pa-côm ngạc nhiên hỏi những người tốt lành này là ai và được trả lời rằng: “Họ là các Ki-tô hữu.” Ngài thốt lên: “Một tôn giáo dạy người ta cứu giúp những kẻ khốn khổ hoàn toàn xa lạ với mình là một tôn giáo chỉ có thể đến từ vị Chúa chân thật.” Sau biến cố này, Pa-côm, trở lại đạo Công giáo và trở thành một vị sáng lập các đan viện, sống cộng đoàn bác ái huynh đệ. Phi-la-tô đã từng hỏi: “Sự Thật là gì?” nhưng không thể hiểu được, còn Pa-côm tin nhận Thiên Chúa là Sự Thật nhờ những Ki-tô hữu ở Tê-bét đã làm chứng bằng hành động bác ái.

Mời Bạn: Người Ki-tô hữu được “thánh hiến trong sự thật” nên sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật. Sự thật về Chúa Giê-su chỉ có thể được tỏ hiện qua cái chết tự hiến vì yêu thương trên thập giá: “Ông này quả thật là Con Thiên Chúa.” Noi gương Chúa Ki-tô, người Ki-tô hữu không chỉ làm chứng nhân bằng việc tử đạo mà còn làm chứng cho sự thật bằng chứng từ bác ái nữa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc bác ái với ý hướng làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết lãnh nhận sự thật từ Chúa để thuộc trọn về Chúa, từ suy nghĩ thật đến hành động thật, để được sống hạnh phúc thật trước mặt Chúa và tha nhân.

 

02/06/22 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 7 PS
Th. Mác-xen-li-nô và Phê-rô, tử đạo
Ga 17,20-26

 NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU

“Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một.” (Ga 20,22)

Suy niệm: Cùng tuyên xưng Đức Ki-tô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ mà lại chia ra nào là Công giáo, Chính thống, nào là Tin lành, Anh giáo… Đã vậy lại còn thêm nhiều giáo phái nữa! Chúa Giê-su mong mỏi: “Xin cho họ nên một như chúng ta là một.” Thế nhưng lời cầu nguyện đó với Chúa Cha cho đến nay vẫn chưa trọn. Ngài là vị Mục tử mong muốn cho đoàn chiên của Ngài nhận biết Chúa Cha và hiệp nhất với nhau trong tình yêu, tình yêu hoàn hảo trong Chúa Ba Ngôi. Sự hiệp nhất như thế mạnh mẽ và là dấu hiệu có sức thuyết phục để cho “thế gian nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con.”

Mời Bạn: Chúng ta được tham dự vào sự hiệp nhất trong Chúa Ba Ngôi khi cùng nhau cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, thực hành bác ái yêu thương. Tình yêu thương hiệp nhất đó khiến cộng đoàn Ki-tô hữu trở thành dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa hiện diện ở giữa thế gian. Mỗi người trong cộng đoàn đều có thể góp phần mình xây dựng tình hiệp nhất khởi đi từ gia đình, ra tới giáo xứ, và lan toả đến những nơi, những người mà họ gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày.

Chia sẻ: Đâu là trở ngại lớn nhất cho việc hiệp nhất trong cộng đoàn của bạn?

Sống Lời Chúa: Sống hiệp nhất trong tình yêu qua từng việc nhỏ, cùng nhau cầu nguyện và cộng tác để mọi sự được tiến triển tốt đẹp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con thực sự hiệp nhất yêu thương khi cùng nhau bước đi trong năm hiệp hành này tiến về nhà Chúa theo mẫu gương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.

 

03/06/22 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 7 PS
Th. Ca-rô-lô Loanga và các bạn tử đạo
Ga 21,15-19

 YÊU MẾN ĐỂ GẮN BÓ VỚI SỨ VỤ

“Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?”… “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,16)

Suy niệm: Kỳ lạ, Chúa Giê-su chọn người thay mặt Ngài vào sứ vụ lãnh đạo Giáo Hội, lại không chọn người có địa vị cao, hay bằng cấp chuyên môn trổi vượt. Trong cuộc “phỏng vấn” tuyển nhân sự này, Chúa chỉ đòi hỏi một điều kiện duy nhất: Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? Câu trả lời của Phê-rô có vẻ ngập ngừng thiếu tự tin: “Thầy biết con yêu mến Thầy” thực ra diễn tả một tình yêu chân thành của một môn đệ khiêm tốn. Chỉ có lòng mến Chúa mới giúp Phê-rô sẵn sàng đảm nhận sứ vụ nặng nề; và chỉ có khiêm tốn, không ỷ vào tài năng sức lực của mình, thay vào đó là cậy vào quyền năng và sức mạnh của Chúa, ông mới có đủ sức mạnh để trung thành đến cùng.

Mời Bạn: Mỗi người Ki-tô hữu đều có sứ vụ lãnh đạo vì đã nhận được chức vụ Vương Đế qua bí tích Thánh tẩy. Và việc chúng ta lãnh đạo hay phục vụ người khác sẽ mang lại kết quả thế nào tùy vào lòng mến Chúa của mình. Khi mình có lòng mến Chúa, thì việc mình làm mới là làm theo ý Chúa. Lúc đó không phải mình làm nữa mà Chúa làm trong mình. Mình chỉ là dụng cụ trong bàn tay của Chúa. Vì vậy, dường như Chúa làm qua mình. Việc Chúa làm qua mình thì chắn chắn có kết quả gấp bội phần so với việc tự mình nỗ lực làm.

Sống Lời Chúa: Tăng cường việc gặp gỡ Chúa bằng đời sống cầu nguyện để nung nấu thêm lòng mến Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được chia sẻ sứ vụ lãnh đạo của Chúa. Xin cho chúng con ngày càng yêu mến Chúa hơn, ngõ hầu chúng con can đảm gắn bó với sự vụ Chúa trao.

 

04/06/22 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 7 PS
Ga 21,20-25

 NHÂN CHỨNG HÔM NAY

Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. (Ga 21,24)

Suy niệm: Không chỉ viết ra, Gio-an còn dùng cả cuộc đời gắn bó với sứ mệnh tông đồ để làm chứng về Đức Giê-su. Tuy nhiên, lời chứng cứ là một chuyện, nhận biết lời chứng ấy là chuyện khác. Thời nay, những kẻ chống đối Giáo Hội thi nhau khai thác triệt để việc lạm dụng tính dục nơi một số linh mục để tấn công Giáo Hội. Ảnh hưởng cuộc triệt hạ uy tín Giáo Hội, cụ thể là linh mục, lan rộng, khiến một số tín hữu tưởng rằng ra sức đả kích các linh mục là xây dựng Giáo Hội. Theo cha Landry, tội lỗi của một số linh mục gây nên thương tích cho Hội Thánh. Nhưng không vì một Giu-đa phản bội mà quên đi đời sống chứng nhân của Nhóm Mười Một. Các ngài đã rao giảng và sống hết mình vì tình yêu dành cho Đức Ki-tô. Cũng vậy, không vì sự yếu đuối của một số linh mục mà ta lại không thấy đời sống dấn thân với bao hy sinh âm thầm của nhiều linh mục trên thế giới, nhất là các vị đang hiện diện ở những nơi đầy chống đối, hiềm khích. Đời sống các ngài đang làm chứng về Đức Giê-su và chứng đó là chứng thực.

Mời Bạn: Ý thức mình thuộc về Hội Thánh, để thay vì chỉ trích, lên án như kẻ đứng ngoài Hội Thánh, bạn sẽ nhìn vào đời sống các chứng nhân hôm nay và nỗ lực thực thi sứ mạng của mình xây dựng Hội Thánh.

Sống Lời Chúa: Lời  cầu nguyện và sự trợ giúp của bạn cần cho các linh mục.

Cầu nguyện: Xin Chúa ban cho các linh mục lòng nhiệt thành chăm lo việc Chúa, sống xứng đáng với phẩm chức thánh. Xin thúc đẩy chúng con cộng tác với các ngài để xây dựng Hội Thánh.

 

05/06/22
CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20,19-23

 LỬA THÁNH THẦN

Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,21-22)

Suy niệm: Hơi thở của Chúa Giê-su, hình ảnh của Thần Khí Ngài, ban Thánh Thần cho các môn đệ đã trở thành ngọn lửa bùng cháy nơi các ông trong ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 3,1-4). Từ xa xưa, con người đã bước vào thế giới văn minh khi phát minh ra lửa. Lửa đã trở thành nguồn năng lượng không thể thiếu cho cuộc sống. Ngọn lửa tự nhiên nhiều khi cũng rất đáng sợ, nó có sức mạnh thiêu đốt và làm tan chảy hầu như mọi thứ. Và hôm nay, Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ trong hình dạng một ngọn lửa để nói lên sức mạnh, không phải là sức mạnh hủy diệt nhưng là sức mạnh biến đổi. Đó cũng không phải là một sự biến đối bên ngoài như ngọn lửa tự nhiên làm cháy tan vật chất nhưng là sự biến đổi bên trong làm cho mọi Ki-tô hữu trở thành những chứng nhân loan báo Tin Mừng.

Mời Bạn: Bạn có cảm nhận được sức nóng của ngọn lửa Thánh Thần vẫn đang tác động trong tâm hồn bạn không? Nếu bạn trả lời “có” thì điều đó thật tốt. Bạn hãy luôn giữ mãi ngọn lửa ấy và không ngừng hun đúc để ngọn lửa ấy ngày càng bừng cháy lên và làm lan tỏa đến với những anh chị em khác nữa nhé.

Sống Lời Chúa: Tôi luôn nhớ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần trước khi làm bất cứ công việc gì.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến thiêu đốt tâm hồn chúng con, để chúng con hăng say hơn trong sứ mạng loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa. Amen.

 

06/06/22 THỨ HAI SAU LỄ HIỆN XUỐNG
Đức Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh
Ga 19,25-34

 

ĐÂY LÀ MẸ CỦA CON

Khi thấy thân mẫu và người môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.”  (Ga 19,26-27a)

Suy niệm: Thật đẹp khi lịch Phụng vụ của Giáo hội mừng kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a liền sát với việc cử hành những mầu nhiệm trọng đại của công cuộc cứu độ. Kết thúc tuần bát nhật Giáng sinh, chúng ta ca tụng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nhập thể làm người. Ngày thứ Hai sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khai sinh Giáo Hội, chúng ta cũng kính mừng thiên chức của Mẹ là Mẹ Hội Thánh. Thiên Chúa mời gọi Mẹ tham gia vào công cuộc cứu độ không phải bằng những danh hiệu, mà bằng cả cuộc sống theo sát Chúa Giê-su trong tin yêu và vâng phục. Nơi hang đá, Mẹ đã sinh Đấng Cứu Thế cho cả nhân loại. Giờ đây, dưới chân thập giá, Mẹ đón nhận những người tin vào Đức Ki-tô được qui tụ trong Hội Thánh làm con của Mẹ.

Mời Bạn: Hội Thánh ngay từ buổi đầu khai sinh cho đến ngày nay và cho đến tận thế vẫn luôn có Mẹ là Hiền Mẫu đồng hành chăm sóc giữ gìn. Noi gương Mẹ và cùng với Mẹ chúng ta bước đi trong niềm vâng phục thánh ý Chúa trong cuộc đời mình để góp phần thánh hóa thế giới và đem ơn cứu độ cho con người.

Sống Lời Chúa: Trong sứ mạng là Mẹ Hội Thánh, mỗi lần hiện ra, Đức Ma-ri-a đều kêu gọi chúng ta lần chuỗi Mân côi để cầu cho hoà bình thế giới. Chúng ta gia tăng việc lần chuỗi Mân Côi của mỗi cá nhân, trong gia đình, cộng đoàn để đáp lại lời kêu gọi đó của Mẹ.

Cầu nguyện: Đức Bà phù hộ các giáo hữu, cầu cho chúng con. Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh, cầu cho chúng con.

 

07/06/22 thứ ba tuần 10 tn
Mt 5,13-16

 

BẢN CHẤT NGƯỜI MÔN ĐỆ

“Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,16)

Suy niệm: Nhiều người thường vin vào lời Chúa nói là làm việc lành, việc đạo đức thì phải dấu kín đến mức độ “không cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3) mà quên rằng chỉ ít câu trước đó, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa cho biết bản chất của người môn đệ Chúa phải giống như muối, như ánh sáng. Cũng như muối thì phải mặn để ướp cho đồ ăn khỏi hư thối, và món ăn được hương vị đậm đà, người Ki-tô hữu là “muối cho đời” cũng phải mặn mà đậm chất tình yêu Tin Mừng. Nếu ‘muối ki-tô’ mà trở nên nhạt nhẽo, thì người Ki-tô hữu trở thành vô dụng. Cũng thế, là ánh sáng thì phải toả sáng, không thể lấy thùng úp lại mà che giấu đi được. Toả sáng bằng việc lành, đời sống gương mẫu không có nghĩa là khoe khoang để người khác khen ngợi, ca tụng; nhưng là để Thiên Chúa được tôn vinh.

Mời Bạn: Hữu xạ tự nhiên hương, bản chất người môn đệ là thấm đầy tình yêu của Chúa Ki-tô thì việc toả lan tình yêu ấy là điều đương nhiên, là lẽ sống còn, giống như ánh sáng nếu không toả sáng thì không còn là ánh sáng nữa. Bạn có bao giờ cảm nghiệm được niềm vui khi toả lan trong đời sống chất muối và ánh sáng của Tin Mừng?

Sống Lời Chúa: Luôn dám thực hiện những lời khuyên của Tin Mừng dù được người khác nhận biết hay không.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin khuôn đúc trái tim con trong Thánh Tâm Chúa và đốt nóng tâm hồn con bằng tình yêu Chúa để con bừng lên sức sống của Chúa trong những việc con làm hầu vinh danh Chúa. Amen

 

08/06/22 THỨ TƯ TUẦN 10 TN
Mt 5,17-19

 

“PHÁ HỦY SÁNG TẠO”

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)

Suy niệm: “Phá huỷ sáng tạo,” một khái niệm mới lạ xuất hiện vào thập niên 1930 do Nhà kinh tế học nổi tiếng Schumpeter, diễn tả việc hủy bỏ cái cũ để cho ra đời cái mới tối tân, hữu hiệu hơn. Từ đó đến nay, khái niệm này đã đúng trên nhiều mặt của cuộc sống, nhất là về các mảng kỹ thuật số, máy tính, điện thoại,… thế hệ cũ đã được thay thế bằng các loại đời mới. Luật là một mảng của cuộc sống, thường xuyên cần được điều chỉnh cho phù hợp. Chúa Giê-su tôn trọng những điều trọng yếu trong lề luật, nhưng Ngài “kiện toàn” cho đúng ý Thiên Chúa, chứ không “phá huỷ”. “Phá huỷ” nếu có thì đó là ‘phá hủy sáng tạo’ để đưa con người đạt đến tự do, trưởng thành hơn trong luật của tình yêu, chứ không phải là nô lệ cưỡng bách. Ý nghĩa của “kiện toàn lề luật” là ở chỗ: giữ luật không chỉ bên ngoài, nhưng phát xuất từ trái tim, đi đến cốt lõi là thật sự mến Chúa và tha nhân thôi.

Mời Bạn: Luật của Chúa hôm qua và hôm nay vẫn là một. Nhưng tinh thần giữ luật nơi con người thời đại lại khác. Bạn đang sống luật Chúa với một tinh thần nào? Yêu mến và tự do như Chúa Giê-su hay vẫn nệ luật như người Do Thái? Đời sống cầu nguyện, thực thi Tin mừng có làm bạn thêm hạnh phúc, tự do hơn hay khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, nặng nề?

Sống Lời Chúa: Tuân giữ giới răn của Chúa với lòng tự nguyện và yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con yêu luật Chúa truyền. Xin cũng giúp con giữ luật ấy trong tinh thần yêu mến, chứ không phải nệ luật, vì nệ luật là bóp nghẹt chính lề luật. Amen.

 

09/06/22 THỨ NĂM TUẦN 10 TN
Th. Ép-rem, phó tế, tiến sĩ HT
Mt 5,20-26

 

PHẢI CÔNG CHÍNH HƠN

Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5,20)

Suy niệm: Các kinh sư và người Pha-ri-sêu cho rằng họ đã là công chính hoàn hảo, nhưng Chúa Giê-su đòi các môn đệ của Ngài phải công chính hơn. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu cho rằng công chính hệ tại làm đủ mọi việc chi li mà luật Mô-sê – cũng là luật do họ – qui định. Còn tiêu chuẩn công chính của Chúa Giê-su là hoàn thiện như Cha anh em, Đấng ngự trên trời.” Vì thế, Ngài không cho phép người môn đệ có thái độ tự mãn, mà phải cố gắng luôn luôn: phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí (x. Lc 18,1); phải tha thứ bảy mươi lần bảy nghĩa là tha thứ đến vô cùng; không chỉ khi có hành vi giết người, ngoại tình mới là tội mà ngay khi có lòng giận ghét, có lòng ham muốn bất chính đã là tội rồi. Có như thế, mới được kể là “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”.

Mời Bạn: Trong Tông huấn “Hãy vui mừng và hoan hỉ”, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô mời gọi mọi người hãy nên thánh theo bậc sống của mình. Theo ngài, con đường nên thánh không quá khó, chỉ cần chúng ta cố gắng hết mình, phần còn lại là của ơn Chúa. Thậm chí, khi bạn cảm thấy bị cám dỗ ì lại trong sự yếu đuối của mình, hãy hướng mắt về Đức Ki-tô chịu đóng đinh và nói: “Chúa ơi, con là một tội nhân khốn khổ, nhưng Chúa có thể làm phép lạ cho con nên khá hơn một chút” (số 15).

Sống Lời Chúa: Hôm nay hãy cố gắng nên tốt hơn ngày hôm qua của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con yêu đuối, nhưng với ơn Chúa, không có gì mà không thể. Xin thương xót con.

 

10/06/22 THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Mt 5,27-32

 

ĐỂ KIỆN TOÀN LỀ LUẬT

“Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.” (Mt 5,29)

Suy niệm: Chúa Giê-su nhiều lần chỉ trích người Do Thái giữ luật dựa trên mặt chữ với đủ thứ tiểu tiết chi li và hình thức trong khi những đòi hỏi cốt yếu của Lề Luật thì lại bỏ qua. Nói như thế không phải là Chúa Giê-su bãi bỏ Luật Mô-sê (x. Mt 5,17); trái lại Ngài đòi hỏi phải kiện toàn Lề Luật bằng cách có một thái độ quyết liệt, dứt khoát đối với tất cả những tư tưởng đen tối, những ước muốn bất chính, và thậm chí phải “chặt tay, móc mắt” quăng đi nếu chúng “làm cớ cho anh sa ngã”. Khi tuyên bố những lời này, Chúa Giê-su có ý nhấn mạnh ý thức sâu xa và nhạy bén trước tội lỗi và đến tinh thần giữ luật cách triệt để chứ không phải là nghĩa đen của ngôn từ. Đây chính là sự “kiện toàn lề luật” mà Chúa nói đến để có thể trở nên hoàn thiện “như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Mời Bạn: Con người trong xã hội hôm nay đang mau chóng đánh mất cảm thức về tội lỗi. Người ta hăm hở tìm kiếm sự “hoàn hảo” về tri thức, của cải, sắc đẹp… hơn là “trở nên hoàn thiện” trước mặt Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở bạn biết quý trọng vẻ đẹp của linh hồn và dốc sức để bảo vệ và trau dồi nó dù có phải trả giá lớn lao thế nào đi nữa.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm chống lại cơn cám dỗ cách quyết liệt dứt khoát ngay khi nó vừa mới chớm phát sinh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa và lề luật của Ngài, cho con biết quyết lòng từ bỏ những gì không đẹp ý Chúa, để con trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.

 

11/06/22 THỨ BẢY TUẦN 10 TN
Th. Ba-na-ba, tông đồ
Mt 10,6-13

 

RAO GIẢNG NƯỚC TRỜI

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông đồ rằng: “Anh em hãy đi rao giảng: Nước Trời đã đến gần.” (Mt 10,7)

Suy niệm: Đâu là cốt lõi của lời rao giảng mang tính định hướng cho toàn bộ sứ vụ mà Đức Ki-tô giao phó cho các tông đồ? Khi khởi đầu cuộc sống công khai, Đức Giê-su đã rao giảng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong suốt ba năm cuộc sống công khai, Đức Giê-su vẫn miệt mài thực hiện lời rao giảng này. Và hôm nay sai các tông đồ ra đi Ngài nhắc lại lệnh truyền cốt lõi đó: “Anh em hãy đi rao giảng: Nước Trời đã đến gần.” Thật vậy, mục tiêu của sứ vụ của Người là thiết lập Nước Trời ngay giữa lòng thế giới, để nó tiếp tục triển nở cho đến khi hoàn thành chung cuộc trong ngày quang lâm. Đó là vương quốc của sự thánh thiện, hạnh phúc và bình an đích thực. Đó là Tin Mừng của ơn cứu độ mà Đức Giê-su sẵn sàng trả giá bằng chính mạng sống mình.

Mời Bạn: Xây dựng và rao giảng Triều Đại Thiên Chúa là mục tiêu tối hậu của công cuộc loan báo Tin Mừng. Điều này bao hàm toàn bộ ý nghĩa của đời sống Ki-tô hữu, vì chính Đức Giê-su đã mời gọi: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài” (Mt 6,33). Muốn xây dựng Nước Trời, Ki-tô hữu cần thực thi sứ vụ chữa lành, cứu sống (c. 8), và trao ban bình an cho người khác (c. 12).

Sống Lời Chúa: Xây dựng Triều Đại Thiên Chúa bằng cách làm những việc nhỏ hằng ngày để phục vụ cho công ích.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết chung tay rao giảng và xây dựng Nước Trời. Nhờ đó, nhiều người sẽ lãnh nhận niềm vui và bình an của Chúa ngay trong cuộc sống tại thế này.

 

12/06/22 CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – C
Chúa Ba Ngôi
Ga 16,12-15

 

THIÊN CHÚA “ĐI RA”

“Mọi sự Cha có, đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. (Ga 16,15)

Suy niệm: Nói Thiên Chúa “đi ra” nghe có vẻ nghịch lý, bởi vì không có gì ở ngoài Chúa, và Ngài cũng không cần thêm gì khác để phải “đi ra”. Đối với Thiên Chúa là Đấng toàn năng thì “mọi sự Cha có” không chỉ là tất cả mọi sự hiện hữu trên thế gian này mà còn là chính Ngài là nguồn mạch mọi sự hiện hữu. Và “mọi sự Cha có” đó cũng là của Chúa Con, Ngôi Hai Thiên Chúa. Trong khung cảnh rất thân mật của bữa Tiệc Ly, Thầy Giê-su bộc lộ mầu nhiệm thâm sâu đó của Chúa Ba Ngôi; và vì yêu thương nhân loại tha thiết, Thầy Giê-su tỏ ra cho chúng ta biết rằng ai “yêu mến và tuân giữ lời Ngài” thì Chúa Cha và Ngài sẽ “đi ra” để “đến và ở lại nơi người ấy” (x. Ga 14,23), để nhờ Thiên Chúa “đi ra”, chúng ta được “đi vào” và ở lại trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi vì khi ta “yêu mến và tuân giữ” Lời Chúa, Thánh Thần sẽ đem “mọi sự của Chúa Cha” là chính Đức Giê-su mà ban tặng cho chúng ta.

Mời Bạn: Ba Ngôi Thiên Chúa là khuôn mẫu của tình yêu hiệp thông. Nhờ bí tích Thánh tẩy “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, chúng ta được nhận làm nghĩa tử trong “Gia đình Ba Ngôi”. Bạn được mời gọi trở nên tấm gương phản chiếu Tình yêu Hiệp thông đó bằng đời sống bác ái, hiến thân phục vụ.

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm Chúa Giê-su để luôn yêu thương như Chúa yêu để ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, nguồn mạch Tình Yêu, xin giúp con biết họa lại chân dung Chúa Ba Ngôi bằng đời sống yêu thương tự hiến và quảng đại vị tha. Amen.

 

13/06/22 THỨ HAI TUẦN 11 TN
Th. An-tôn Pa-đô-va, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 5,38-42

 

BẰNG MỘT TÌNH YÊU LỚN HƠN

“Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.” (Mt 5,41)

Suy niệm: Chuyện kể rằng có một vị vua sau khi thắng trận liền mở tiệc khao quân. Ông mời cả các tù binh ăn mừng, đãi ngộ rất tử tế rồi trả tự do cho họ. Quần thần hỏi tại sao nhà vua đã thề tiêu diệt hết kẻ thù không sót một người mà nay lại cư xử như thế, nhà vua trả lời: ‘Ta đã tiêu diệt hết kẻ thù bằng cách biến họ thành bạn.’ Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” bế tắc trước vấn đề sự ác, bởi vì lấy oán báo oán thì oán thù chồng chất. Không thể dùng vài giọt nước, càng không thể dùng lửa để dập tắt một đống lửa, mà phải dùng một khối lượng nước lớn hơn đống lửa đó. Chúa Giê-su dạy chúng ta tiêu diệt sự báo thù bằng việc tha thứ, tiêu diệt nhỏ nhen ích kỷ bằng quảng đại quên mình. Trên thập giá Chúa tiêu diệt bạo lực bất công bằng sự hiền lành và tự nguyện chịu chết để đền bù muôn tội lỗi. Không thể tiêu diệt sự ác bằng sự ác mà phải bằng một tình yêu lớn hơn.

Mời Bạn: Chúng ta nói mình đón nhận đạo lý Chúa dạy, nhưng thực tế khi bị ai nói động đến, chúng ta lập tức “xù lông nhím” lên để tự vệ, không trả đũa sòng phẳng thì cũng hậm hực, mặt nặng mặt nhẹ. Muốn uốn nắn bản tính tự nhiên để sống theo Lời Chúa dạy, mời bạn chọn thực hiện những công việc hay cách ứng xử nào giúp mình trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Ki-tô khiêm nhường, nghèo khó, chịu đóng đinh, chịu sỉ nhục.

Sống Lời Chúa: Chọn làm một công việc hèn mọn và âm thầm để phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nếu có điều gì làm cho con trở nên giống Chúa chịu đóng đinh hơn thì con xin nhận lấy vì lòng yêu mến Chúa và để cứu rỗi nhiều linh hồn hơn về cho Chúa.

 

14/06/22 THỨ BA TUẦN 11 TN
Mt 5,43-48

 

YÊU THƯƠNG KHÔNG MỨC ĐỘ

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)

Suy niệm: Theo lý mà xét, lời dạy bảo của Đức Giê-su thật chói tai về từ ngữ lẫn nội dung. Chẳng lẽ Ki-tô giáo lại dạy con người cách sống nhu nhược và chịu khuất phục trước kẻ ác? Không phải thế! Khi bị tên đầy tớ vả má cách bất công trước mặt thượng tế Cai-pha, Chúa Giê-su đã phản ứng lại tức khắc: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23) Ở đây, Chúa Giêsu diễn tả đòi hỏi yêu thương cách quyết liệt và cao độ nhất. Chúng ta cần nắm bắt cho được tinh thần của Lời Chúa. Tinh thần ấy là lòng yêu thương không biên giới, không loại trừ ai dù là kẻ thù, nhưng hướng tới mọi người ở mức độ tuyệt đối. Bởi vì mức độ của tình yêu là yêu thương không mức độ.

Mời Bạn: Yêu hoa không có nghĩa là yêu luôn những những con sâu ẩn núp trong hoa. Đức ái Ki-tô giáo đòi hỏi phải đấu tranh tích cực để trừ khử tội ác và cứu vớt con người, biến kẻ thù thành anh em, biến con người thành con Chúa, đó là lý tưởng phải phấn đấu suốt đời.

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về câu nhận định của Gandhi: “Một trái tim dù chai đá đến đâu, cũng sẽ phải trở nên mềm mại trong lò lửa của tình yêu.”

Sống Lời Chúa: Vui vẻ, hoà nhã với người công kích hoặc dửng dưng với mình; nói tốt cho kẻ nói xấu mình.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con biết sống trong tình yêu, để con sống trong hạnh phúc. Những lúc con để bụng để dạ giữ lòng hận thù, con cũng chẳng sung sướng gì, mà chính là con tự đày đọa mình. Xin cho con biết sống xứng đáng là con cái của Cha, xứng đáng với danh hiệu làm môn đệ của Chúa Giê-su. Amen.

 

15/06/22 THỨ TƯ TUẦN 11 TN
Mt 6,1-6.16-18

 

COI CHỪNG BỆNH THÀNH TÍCH

“Anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy.” (Mt 6,1)

Suy niệm: Các tổ chức xã hội thích đặt ra những chỉ tiêu thi đua với những chế độ khen thưởng để thúc đẩy phát triển. Ý tưởng xem ra thật tốt đẹp nhưng thực tế kéo theo nhiều phản tác dụng. Những bản báo cáo thành tích ảo với những con số ma ngày càng xuất hiện đầy dẫy trong mọi lĩnh vực; đến cả các bé mới chập chững đến trường cũng bị lôi vào căn bệnh thành tích này. Đời sống thiêng liêng cũng không miễn nhiễm với căn bệnh này. Chẳng thế mà Chúa Giê-su đã cảnh báo chúng ta: “Anh em phải coi chừng!” Ngài căn dặn: khi ăn chay cầu nguyện, khi làm các việc lành phúc đức, đừng vì mục đích phô trương “cốt để cho người ta thấy”, trái lại hãy làm chỉ để Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo,” thấy và thưởng công mà thôi.

Mời Bạn: Nếu như bạn tự hào rằng giáo xứ của bạn mở những cuộc lễ lớn, tổ chức linh đình rầm rộ, còn bạn thực hành sống đạo một cách tối thiểu như “xưng tội rước lễ một năm ít là một lần” – trong dịp lễ No-en chẳng hạn, thì hầu chắc bạn đang mắc chứng bệnh thành tích thiêng liêng rồi đấy. Chúa Giê-su dạy bạn phải trở nên ngọn đèn để trên đế và soi sáng cho cả nhà (x. Mt 5,15), nhưng Ngài cũng nói Ngài coi trọng tấm lòng chứ không phải là lễ tế (x. Mt 9,13). Nếu không có điều cốt lõi của đời sống Ki-tô hữu là mến Chúa yêu người thì tất cả sẽ mất hết ý nghĩa và giá trị.

Sống Lời Chúa: Khi làm việc thiện, hãy làm cách kín đáo và tế nhị nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con sa vào cạm bẫy của lợi danh vì cạm bẫy đó sẽ làm con xa Chúa. Xin giúp con biết sống với một tấm lòng chân thành, yêu mến và quảng đại để phụng thờ Chúa và yêu thương anh chị em.

 

16/06/22 THỨ NĂM TUẦN 11 TN
Mt 6,7-15

 

ĐƯỢC GỌI CHÚA LÀ CHA

“Anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ngự trên trời…” (Mt 6,9)

Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu ‘Con có cha như nhà có nóc’. Cái nóc nhà tượng trưng tôn ti trật tự trong gia đình mà người cha là uy quyền đại diện cho trật tự đó. Theo huyết thống ai cũng có một người cha. Trong thực tế một số người không có cha, và thường gặp hơn, người cha lại không thể hiện vai trò của “cái nóc nhà”. Sự thiếu hụt theo tính con người được bù đắp khi chúng ta được “Thiên Chúa Đấng ở trên trời” làm Cha của mình. Khi tuyên đọc “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”, chúng ta chấp nhận một trật tự mới: trật tự thiên linh. Chúng ta chấp nhận mối quan hệ mới với Thiên Chúa: quan hệ cha-con. Chúng ta sẵn sàng nhận chương trình của Thiên Chúa là chương trình của mình, và thực hiện chương trình đó với tất cả tấm lòng của người con chứ không làm như một người làm công hoặc như một nô lệ.

Mời Bạn: Nếu bạn còn cảm thấy việc sống đạo là một gánh nặng, một điều áp đặt, thì đó là dấu bạn chưa thực sự cảm nhận được Thiên Chúa là Cha của mình. Bạn hãy cầu xin Chúa cho bạn cảm nhận được tình Cha yêu bạn và để bạn cũng đáp lại bằng tâm tình cảm mến và hạnh phúc của người được nhận làm con Thiên Chúa.

Chia sẻ: Bạn có cảm thấy được niềm hạnh phúc được làm con cái Chúa?

Sống Lời Chúa: Đừng để ngày nào bạn không đọc kinh “Lạy Cha” ít là một lần, với tất cả tâm tình của người con, ít nhất là trước bữa ăn, hoặc trước khi làm việc.

Cầu nguyện: Sốt sắng đọc kinh Lạy Cha với tâm tình con thảo.

 

17/06/22 THỨ SÁU TUẦN 11 TN
Mt 6,19-23

 

CỦA Ở ĐÂU, LÒNG TRÍ Ở ĐÓ

“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất… nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời.”(Mt 6,19-20)

Suy niệm: Không ít người bị hiểu lầm là sao thấy người quen mà làm lơ hoặc sao gật đầu chào mà không đáp lại. Lý do là khi người ta đang chú tâm tìm kiếm hay tập trung suy nghĩ về một điều gì thì ngay cả những cái sờ sờ trước mắt có khi vẫn không nhìn thấy. Tương tự như vậy, khi chúng ta quá chú tâm tìm kiếm ‘những sự dưới đất này’, chúng ta lo lắng tích trữ cho mình kho tàng ở đời này, thì ‘kho tàng thiêng liêng’ ‘những sự trên trời’ trở nên quá xa vời, chúng ta còn tâm trí đâu mà để ý tới nữa. Bởi vì kho tàng của chúng ta ở đâu thì lòng trí của chúng ta sẽ ở đó.

Mời Bạn: Tiền của, danh vọng, là những điều thế gian đang tìm kiếm, là những cái tưởng rằng đem lại sự bảo đảm vững chắc, nhưng thực ra lại rất mong manh dễ mất. Thế nhưng chúng lại có sức thu hút rất mạnh, chiếm được rồi thì không muốn nhả, đã có rồi lại muốn có thêm. Chỉ khi nào bạn dám “bán tài sản của mình đi mà bố thí” thì lúc ấy tâm trí của bạn mới hoàn toàn thanh thản để chú tâm tìm kiếm “kho tàng không thể hao hụt ở trên trời,” nơi không còn trộm cắp, mối mọt (Lc 12,33).

Chia sẻ: Điều gì khiến bạn bậm tâm nhất và chiếm phần lớn thời gian trong ngày sống của bạn?

Sống Lời Chúa: Hoạch định lại chương trình sống cho bản thân theo tiêu chí: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (x. Lc 12,31).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, suốt cả ngày con toàn bận rộn với những chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Xin cho con biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và luôn tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng.

 

18/06/22 THỨ BẢY TUẦN 11 TN
Mt 6,24-34

 

PHẢI LO GÌ?

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)

Suy niệm: Những thứ kia mà Chúa Giê-su muốn nói đến là cơm ăn, áo mặc, là những nhu yếu phẩm mà con người sống phải có. Nhưng còn một thứ quan trọng hơn mà nếu thiếu thì “những thứ kia” dù có cũng chẳng tích sự gì, đó là chính mạng sống mỗi người. Nếu có được những thứ kia, hay “nếu được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26). Giống như một chiếc tàu chuẩn bị ra khơi, nếu chỉ lo sơn phết thật đẹp, lắp đặt các tiện nghi thật thoải mái mà phao cứu sinh, ca-nô cứu nạn không có… thì mọi sự chuẩn bị kia lại chẳng vô ích lắm hay sao? Vì vậy, theo thứ tự ưu tiên, điều quan trọng nhất là Nước Thiên Chúa, hãy lo tìm kiếm trước “còn những thứ kia, Người sẽ ban cho”. Và Thiên Chúa cũng theo thứ tự ưu tiên đó: chim trời, Ngài còn cho chúng cái ăn, chẳng lẽ chúng ta lại không quí hơn chim sẻ sao?

Mời Bạn: Thiên Chúa là Cha, và Ngài thừa biết chúng ta cần những thứ kia; nhưng Ngài cũng biết mạng sống chúng ta còn quan trọng hơn, nên Ngài dám hy sinh Con Một yêu dấu để cứu chúng ta. Tiếc rằng, nhiều người chỉ lo tìm kiếm những thứ kia mà thờ ơ với Nước Thiên Chúa!

Chia sẻ: Trong việc Phúc Âm hoá gia đình, điều quan trọng nhất mà bạn định thực hiện là gì?

Sống Lời Chúa: Dành thời gian để đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết “mạng sống trọng hơn của ăn, và thân thể trọng hơn áo mặc” để con chỉ biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài.

 

19/06/22 CHÚA NHẬT TUẦN 12 TN – C
Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô
Lc 9,11b-17

 

CỘNG TÁC VIÊN CỦA PHÉP LẠ

Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá.” (Lc 9,13)

Suy niệm: Khi kể lại phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ nhất này, các thánh sử đã cho thấy có những người thông phần vào công việc lạ lùng của Chúa. Thấy đám đông có nguy cơ phải đói, các môn đệ xin Thầy giải tán đám đông để “họ vào các làng mạc tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn” vì các ông biết khả năng giới hạn của mình: chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Thế nhưng Chúa lại bảo: Chính anh em hãy lo cho họ ăn.” Vâng lời Chúa, các ông tổ chức đám đông thành nhóm năm mươi người một và cộng tác với Ngài phân phát cho dân lương thực được Chúa làm phép lạ hoá nên nhiều từ năm chiếc bánh và hai con cá ít oi đó.

Mời Bạn: Khi làm phép lạ, Chúa không làm theo lối ‘bao thầu trọn gói’ nhưng Ngài muốn con người cộng tác với Ngài tùy lượng ơn Chúa ban cho. Trong nhiều trường hợp, đức tin, sự quảng đại, lời cầu nguyện tha thiết, khiêm tốn của người đến xin là điều kiện để phép lạ xảy ra. Phép lạ là điểm hội tụ của những tấm lòng vàng: tấm lòng đầy từ bi nhân hậu của Chúa và tấm lòng của những ai thành tâm tin tưởng chạy đến kêu xin Chúa ra tay cứu giúp.

Sống Lời Chúa: Tôi có thể xây dựng một “Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ” bằng những lời cầu nguyện, hy sinh nhỏ bé của tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa không đi một mình, nhưng luôn có các môn đệ ở bên, cùng tham gia vào sứ vụ của Chúa. Xin Chúa cùng đi với con trên muôn nẻo đường đời và cho con biết dọn đường khai lối để Chúa đến với các tâm hồn đang khao khát tình yêu Chúa.

 

20/06/22 THỨ HAI TUẦN 12 TN
Mt 7,1-5

 

HÃY TỰ TRÁCH MÌNH!

“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt mình lại không để ý tới?” (Mt 7,3)

Suy niệm: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng” vốn là cái tật cố hữu của con người. Biết thế nên Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy bắt đầu từ việc “lấy xà” trong mắt mình trước khi “lấy rác” ra khỏi mắt anh chị em. Lý do là vì ai trong chúng ta cũng đều có tội, bất toàn. Đã bất toàn, ắt phán đoán của chúng ta sẽ thiếu sót, thiên lệch. Đã có tội, ắt nhận định của chúng ta sẽ không còn đủ trong suốt, chính đáng. Ấy là chưa kể những xét đoán của ta có khi lại là võ đoán, đầy ác ý. Quyền xét đoán hãy dành cho Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng Thánh Thiện, và giàu lòng tha thứ trước khi là Vị Thẩm phán chí công!

Mời Bạn: Chúng ta đã biết và cũng đã thực hành ít nhiều việc “phê và tự phê”. Phê bình là cách giúp nhau thăng tiến. Nhưng đó không phải là chỉ trích, nói xấu để “hạ” nhau. Một cộng đoàn mà ai cũng chỉ lo “lấy rác trong mắt người anh em mà không thấy xà trong mắt mình”, chẳng những là không nên, mà còn chỉ tổ làm hư sự thôi.

Sống Lời Chúa: Người thứ ba (thường là vắng mặt) trong câu chuyện thường ngày của bạn là kẻ hay bị “lấy rác” nhiều nhất. Hãy ngưng ngay việc “lấy rác người vắng mặt” đơn giản là vì điều đó là không khả thi mà chỉ chất thêm “rác” trong mắt bạn thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, “nếu Chúa chấp tội nào có ai đứng vững được ư?” Thế mà chúng con thường coi mình vô tội để rồi tự làm quan tòa xét đoán kẻ khác! Nghĩ lại chúng con thấy mình vô duyên và ích kỷ quá. Xin Chúa tha thứ cho chúng con và giúp chúng con sống bác ái hơn, đặc biệt trong cách nói, cách nghĩ về người khác.

 

21/06/22 THỨ BA TUẦN 12 TN
Th. Lu-y Gon-da-ga, tu sĩ
Mt 7,6.12-14

 

QUA CỬA HẸP VÀO NƯỚC CHÚA

“Hãy qua cửa hẹp mà vào… nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7,13-14)

Suy niệm: Mọi lời nói và việc làm của Chúa Giê-su đều nhằm đem lại ơn cứu độ, hạnh phúc vĩnh cửu cho con người. Thế nhưng, quan điểm hạnh phúc có thể khác nhau tùy theo từng người. Nhiều người thích tìm hạnh phúc trên con đường rộng thênh thang; lắm kẻ lại chọn con đường hẹp và âm thầm. Lời Chúa hôm nay là lời cảnh báo cho những ai thích đi con đường rộng thênh thang ấy, “vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong.” Đường thênh thang là lối sống theo ý muốn riêng, chứ không dựa trên Lời Chúa. Đó là con đường của số đông, cổ võ nhân sinh quan hưởng thụ, ích kỷ, gây gương mù gương xấu. Những người này thường “cả vú lấp miệng em” làm nhụt chí người đi đường hẹp. Trái lại, người đi con đường hẹp chọn sống theo Lời Chúa, chấp nhận hy sinh quên mình, để có thể tự do sống cho Chúa và người khác.

Mời Bạn: Lời Chúa cảnh cáo hôm nay có thể làm bạn giật mình, con đường rộng rãi, thênh thang vẫn hấp dẫn bạn hơn, vì dễ đi, dễ thở, không phải vất vả nhiều. Có thể bạn vẫn muốn đi theo Đức Ki-tô, nhưng là một Đức Ki-tô phục sinh không phải qua thập giá nhọc nhằn! Mời bạn xem lại con đường mình đang đi, để chọn đúng đường, nhắm đúng hướng, và đó là đường cũng như hướng Chúa Giê-su mong muốn nơi bạn.

Sống Lời Chúa: Một khi đã chọn con đường hẹp thập giá, bạn cần chỉnh sửa lại lối nhìn, lối nghĩ, và cách hành động của mình cho hợp con đường hẹp ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa làm gương cho con khi chọn con đường hẹp thập giá. Xin cho con luôn đồng hành với Chúa trên con đường Chúa muốn dẫn con đến sự sống đời đời.

 

22/06/22 THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Th. Gio-an Phi-sơ, giám mục và Tô-ma Mô, tử đạo      
Mt 7,15-20

 

TRỒNG CÂY LÀNH, ĂN TRÁI NGỌT

“Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.” (Mt 7,17-18)

Suy niệm: Mùa hè tới được đánh dấu bằng những buổi tổng kết cuối năm của các trường học. Thầy cô hài lòng, phụ huynh hãnh diện, học sinh cũng vui mừng vì bao công sức, tiền bạc và tâm huyết đầu tư suốt một năm trời nay kết thành trái ngọt qua những kết quả học tập cuối năm, những tờ giấy khen, những món phần thưởng. “Xem quả thì biết cây”, Lời Chúa áp dụng một kinh nghiệm dân gian ai nghe cũng hiểu. Thế nhưng những điều xem ra là trái ngọt đó có thể lại tiềm ẩn những con sâu của bệnh thành tích, của nạn dịch “bằng thật chất lượng ảo”, mà hậu quả di hại đến cả xã hội, đến nhiều thế hệ.

Mời Bạn: Là Ki-tô hữu, bạn có sứ mạng là những ngôn sứ thật ươm trồng cây lành để sinh trái ngọt cho Thiên Chúa. Trước tiên, bạn đã tháp nhập chính mình vào cây nho tươi tốt là Đức Ki-tô chưa? Tiếp đến mời bạn nhổ sạch những bụi cỏ dại, bứng tận gốc những loài cây độc tức là loại bỏ những gian dối, bất công, hận thù, những thú vui ích kỷ bất chính ra khỏi tâm hồn mình. Và mời bạn mạnh dạn nhân rộng những hành động tốt đẹp, mời gọi các bạn cùng với mình thực thi sứ mạng ngôn sứ thật: trên một khu đất mà các loại cây tốt mọc lớn mạnh thì các loài cây độc không có cơ phát triển nữa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc lành để xây dựng Nước Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhắc con biết sử dụng ơn Chúa Thánh Thần để con biết nhận định đâu là những hoa quả xấu của những ngôn sứ giả và con mạnh dạn làm những việc lành để sinh hoa trái tốt cho nước Chúa.

 

23/06/22 THỨ NĂM TUẦN 12 TN
Sinh nhật thánh Gio-an Tẩy giả
Lc 1,57-66.80

 

GIA ĐÌNH CÓ ĐẠO

Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà… Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. (Lc 1,58.65)

Suy niệm: Thuật lại cuộc chào đời của Gio-an, thánh Lu-ca hữu ý đề cập đến một lớp nhân vật thường ít được chú ý: đó là những người láng giềng của gia đình Da-ca-ri-a. Niềm vui không gói kín trong gia đình này mà lan tỏa sang những người láng giềng. Khi mô tả những người láng giềng “kinh sợ,” Lu-ca không có ý nói họ bị kinh hoàng vì một tai hoạ nào đó. Ở đây thánh Lu-ca dùng kiểu nói trong Cựu Ước diễn tả tâm trạng choáng ngợp trước những “điềm thiêng dấu lạ” là dấu chỉ sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa. Những người láng giềng “kinh sợ” vì cảm kích trước ân phúc quá lớn lao và rõ ràng mà Chúa đang thực hiện nơi gia đình này.

Mời Bạn: Mỗi gia đình Ki-tô hữu cũng được mời gọi chuyển trao sứ điệp yêu thương cứu độ của Thiên Chúa cho người xung quanh. Chúng ta làm việc này trước hết bằng cách mỗi thành viên trong gia đình dứt khoát chọn lựa trung thành với thánh ý Chúa – như bà Ê-li-sa-bét và như ông Da-ca-ri-a trong sự kiện chọn tên cho Gio-an.

Chia sẻ: Gia đình bạn đang tự chứng minh cho bà con lối xóm rằng mình là gia đình có đạo bằng cách nào? Chừng đó đủ chưa hay bạn thấy cần phải làm gì thêm nữa?

Sống Lời Chúa: Trong cung cách sống hằng ngày của mình giữa khu xóm, chúng ta không quên mình có bổn phận trở nên những chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa cho người xung quanh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho gia đình chúng con trở thành quyển “Tin Mừng sống” cho láng giềng của mình.

 

24/06/22 THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Thánh Tâm Chúa Giê-su
Lc 15,3-7

 

VUI MỪNG VỚI TỪNG CON CHIÊN

“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất sao?” (Lc 15,4)

Suy niệm: Ở Pa-lét-tin, đàn chiên là tài sản chung của cả làng, thường được giao cho vài ba người chăn. Nếu chiều tối các người chăn dẫn đàn chiên về làng mà báo tin có chiên đi lạc, thì cả làng nóng lòng chờ mong. Vì thế, khi thấy người chăn chiên trở về từ đàng xa với con chiên lạc trên vai, cả làng reo lên vui mừng và cảm tạ Chúa. Đức Giê-su đã dùng hình ảnh vui tươi ấy để nói cho chúng ta biết niềm vui chẳng những của của Thiên Chúa mà của cả Hội Thánh khi một người tội lỗi hối cải trở về. Chúng ta cứ ngỡ chuyện một người tội lỗi hoán cải là chuyện nhỏ, chuyện vụn vặt thường ngày không đáng kể. Dụ ngôn này giúp ta có nhận thức đúng hơn về tấm lòng của Chúa.

Mời Bạn nhận ra mỗi người đều có chỗ quan trọng trong Trái Tim Chúa, quan trọng đến độ Chúa không đủ kiên nhẫn chờ một người lầm lạc thong thả trở về, nhưng đích thân Ngài đi tìm để đưa người lầm lạc ấy về với lòng yêu thương của Ngài.

Sống Lời Chúa: Lâu nay bạn có dửng dưng trước những Ki-tô hữu đang lạc xa Chúa không? Bạn hãy uốn nắn trái tim của mình cho giống Trái Tim Chúa, bằng cách quan tâm hơn đến một người Ki-tô hữu đang lạc xa Chúa, và giúp người ấy trở về với Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lâu nay chúng con chưa quan tâm đến những anh em tín hữu đang lạc xa Chúa, vì vậy chúng con không cảm nhận được niềm vui lớn lao của Chúa khi tìm được một con chiên lạc. Xin cho trái tim con biết quảng đại như Trái Tim Chúa.

 

25/06/22 THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ
Mt 8,5-17

 

ĐƯỢC YÊU DÙ BẤT XỨNG

“Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Mt 8,8)

Suy niệm: Điều gì khiến một viên đại đội trưởng, người “có lính tráng dưới quyền” lại là người Rô-ma, đế quốc đang cai trị người Do Thái, lại thốt là những lời khiêm tốn như vậy trước một người con bác thợ (x. 12,55) mang tên Giê-su? – Vì viên đại đội trưởng này biết Đức Giê-su là ai và mình là gì. Ông biết mình đang đối diện với Đấng Thánh của Thiên Chúa, một người được Thiên Chúa sai đến. Vì thế, ông khiêm tốn nhìn nhận sự bất xứng của mình, chỉ là phàm nhân, không đáng được diễm phúc đón tiếp Chúa tại nhà ông. Cùng với sự khiêm tốn đó, ông tin rằng Đức Giê-su Ki-tô, vị sứ giả của Thiên Chúa, không chỉ đầy quyền năng, mà còn giàu lòng thương xót. Và ông, dù bất xứng, vẫn được Chúa yêu mến và đoái thương.

Mời Bạn: Trước khi rước Mình Thánh Chúa, bạn và tôi vẫn lặp lời viên đại đội trưởng đã thưa với Chúa, để nhắc nhở mình về sự bất xứng và tình yêu Chúa dành cho ta. Tuy nhiên, lắm lúc vì thói quen, ta vẫn đáp lời ấy cách máy móc, nên dù rước Chúa, ta vẫn chưa thực sự đón Chúa vào nhà, vẫn chưa có kinh nghiệm được Chúa chữa lành các thương tích trong tâm hồn. Bạn có thấy điều đó đang xảy ra với mình không?

Sống Lời Chúa: Mỗi lần rước Chúa, bạn hãy ý thức sự bất xứng của mình cũng như tình yêu của Chúa để rước Chúa cách sốt mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không chê tâm hồn chúng con bất xứng, sẵn sàng đến với tâm hồn chúng con mỗi ngày. Xin cho chúng con biết Chúa và biết mình để mỗi ngày, chúng con chạy đến cùng Chúa, siêng năng đón rước Chúa ngự vào lòng. Amen.

 

26/06/22 CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – C
Lc 9,51-62

 

CHỌN CHÚA TRÊN HẾT

“Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,62)

Suy niệm: Thánh I-nhã, vị sáng lập Dòng Tên, khi còn trẻ đã say mê tìm kiếm những danh vọng trần gian của một hiệp sĩ Tây-ban-nha. Vào thế kỷ 16, trong một trận chiến ở Pamplona, I-nhã đã bị thương và phải trải qua một cuộc phẫu thuật thập tử nhất sinh. Trong những ngày dưỡng thương, nhờ đọc được cuốn sách về Cuộc Đời Chúa Ki-tô và Gương Các Thánh, I-nhã đã được ơn hoán cải và quyết tâm trở thành “hiệp sĩ của Chúa Ki-tô”. Bằng kinh nghiệm từ chính cuộc đời mình, thánh nhân đã để lại cho các Ki-tô hữu con đường nên thánh bằng những nguyên tắc của “sự chọn lựa”, biết chọn Chúa trên hết mọi sự trong cuộc đời mình và mọi sự đều để làm “Vinh Danh Chúa Hơn” được ghi lại trong Sách Linh Thao.

Mời Bạn: Những đòi hỏi của Tin Mừng luôn mời bạn có câu trả lời mang tính triệt để. Chúa luôn mời gọi bạn chọn Ngài và Ý muốn của Ngài trên hết mọi sự trong cuộc đời mình. Kinh nghiệm của thánh I-nhã là đặt mình trước ngưỡng cửa của sự chết, để biết mình nên chọn gì khi có những phân vân phải chọn lựa. Bạn có sẵn sàng để mình chọn Ý Chúa là điều quan trọng nhất trong mỗi lựa chọn của mình chưa?

Chia sẻ: Chia sẻ kinh nghiệm của bạn về một lần bạn phải lựa chọn giữa Ý Chúa và ý mình? Bạn đã chọn điều gì và bạn đã nhận được gì?

Sống Lời Chúa: Đọc kinh “Cúi Xin Chúa Sáng Soi”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con lòng mến; để nhờ lòng say mê yêu Chúa mà con dám can đảm lựa chọn điều Chúa muốn trong mỗi lựa chọn của con. Amen.

 

27/06/22 thứ hai tuần 13 tn
Th. Sy-ri-lô, giám mục A-lê-xan-ri, tiến sĩ HT
Mt 8,18-22

 

theo Chúa đừng tính toán

“Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” (Mt 8,22)

Suy niệm: Con người thường bị ảnh hưởng, lôi cuốn bởi ngoại cảnh, những việc, những người sống chung quanh mình. Vì vậy, đi theo làm môn đệ Đức Ki-tô đòi hỏi ta phải vừa can đảm lẫn hy sinh: can đảm để vượt qua tiếng thị phi, hy sinh để từ bỏ những gì quen thuộc với mình. Một bạn trẻ muốn đi tu có khi phải trải qua kinh nghiệm đó: chấp nhận bị chúng bạn dèm pha, cũng như phải vui vẻ hy sinh cuộc sống tiện nghi, ấm cúng của ơn gọi gia đình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho thấy để làm môn đệ Ngài, ta phải chấp nhận: (1) Sự phiêu lưu, tính liều lĩnh: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu;” (2) Tính dứt khoát, không do dự: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, còn anh hãy theo tôi.” Theo Chúa là một hành trình kéo dài cả cuộc đời, đòi hỏi ta đón nhận cái giá rất đắt của người môn đệ Vị Chúa chịu đóng đinh, để rồi có thể vui hưởng khúc ca Alleluia với Đấng Phục sinh.

Mời Bạn: Do đó, bạn không nên quá bận tâm tính toán hơn thiệt khi làm người môn đệ Chúa. Vì một khi Chúa gọi bạn – dù sống ơn gọi tu trì hay đời gia đình – Ngài sẽ ban ơn đủ cho bạn. Vấn đề là bạn có xác tín bước khởi đầu ơn gọi nào cũng đòi hỏi sự quyết tâm dấn thân; thế nhưng, không có vinh quang nào sánh bằng khi bạn kết thúc hành trình ơn gọi ấy.

Sống Lời Chúa: Là người sống đời gia đình hay bậc tu trì, tôi tạ ơn Chúa mỗi ngày, cầu xin cho mình luôn trung thành với ơn gọi ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con biết vì Chúa mà cho đi không cần tính toán. Nhờ đó, con có thể phụng sự Chúa cách quảng đại hơn mỗi ngày.

 

28/06/22 THỨ BA TUẦN 13 TN
Th. I-rê-nê, giám mục, tử đạo
Mt 8,23-27

 

TRÊN SÓNG NƯỚC

“Người này là người như thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”(Mt 8,27)

Suy niệm: Con thuyền hôm ấy vượt biển theo lệnh của Thầy Giê-su: Thầy xuống thuyền trước, các môn đệ theo sau. Những tưởng trên thuyền có Thầy mọi sự sẽ bình an, dễ dàng. Nhưng không, biển động mạnh, sóng ập vào dường như muốn nhấn chìm con thuyền. Thầy vẫn ngủ, ngủ bình an, đang khi các môn đệ hoảng loạn. May thay, các ông vẫn còn nhớ có Thầy ở đây và đánh thức Thầy. Bài trình thuật cho thấy Thầy Giê-su có quyền năng trên thiên nhiên, trên cả nỗi sợ hãi của con người. Câu hỏi “Người này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” sẽ được trả lời khi Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, với lời tuyên xưng của Tô-ma: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

Mời bạn – Chia sẻ: Theo Chúa Giê-su là một hành trình đòi hỏi người môn đệ từ bỏ sự sợ hãi, dám tin vào Ngài, dù có lúc tưởng như Ngài đang ngủ. “Trong một thời điểm khó khăn hay giai đoạn khủng hoảng, chúng ta tự khép mình, tự rào mình trong những vấn đề của mình và để Chúa Giê-su ra khỏi con thuyền đời ta” (ĐTC Phanxicô). Trên sóng nước của cuộc sống này, bạn đang chèo chống một mình, hay vẫn ghi nhớ Chúa đang ở cùng thuyền với mình?

Sống Lời Chúa: Dâng Chúa các đau khổ, thất vọng bạn đang gánh chịu, thậm chí cả trong quá khứ. Xin Người ban cho lòng bạn được bình an, sống đức tin giữa những gian nan thử thách đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thấy Chúa thật gần, tình yêu Chúa vẫn đang tràn ngập trên từng nẻo đường con đi. Lạy Chúa là Đường, Sự thật và Sự sống của đời con. Amen.

 

29/06/22 THỨ TƯ TUẦN 13 TN
Th. Phê-rô và Phao-lô, tông đồ
Mt 16,13-19

 

CẢM NGHIỆM ĐỨC TIN

“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)

Suy niệm: Có những chân lý người ta “ngộ” ra như trong một tia chớp của một phút xuất thần nhưng lại có tác động sâu xa, định hướng cả một cuộc đời. Đó là cảm nghiệm của Phê-rô khi tuyên xưng Thầy mình là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống,” lời tuyên xưng “không phải do phàm nhân mạc khải” nhưng do Thiên Chúa. Điều đó lại càng đúng với Phao-lô khi ngài “ngộ” ra Đức Ki-tô qua lời nói từ “luồng ánh sáng” trên đường đi Đa-mát: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (x. Cv 9,1-9). Dù cảm nghiệm đức tin của hai ngài có khác nhau, cả hai đều cùng một niềm say mê Đức Ki-tô, trung tâm điểm đời sống của mình: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Mời Bạn: Niềm xác tín say mê Đức Ki-tô nơi hai vị tông đồ cũng là động lực khiến các ngài hăng say rao giảng Tin Mừng không mệt mỏi và sức mạnh khiến các ngài dũng cảm hy sinh mạng sống để làm chứng cho lời mình rao giảng. Bạn được Chúa yêu thương ban ơn đức tin, trở thành chi thể của Hội Thánh, vốn được xây trên máu của các thánh Tông Đồ và Tử Đạo. Cùng với nhận thức đó, bạn hãy mạnh dạn sống niềm tin và lòng trung tín của mình.

Sống Lời Chúa: Nuôi dưỡng đức tin của mình bằng việc siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì gương anh hùng của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Xin cho con hôm nay trung kiên theo bước các ngài sống chứng nhân Tin Mừng trong đời sống Ki-tô hữu thường nhật.

 

30/06/21 THỨ năm tuần 13 tn
Các thánh tử đạo tiên khởi giáo đoàn Rô-ma
Mt 9,1-8

 

LIÊN ĐỚI THEO GƯƠNG CHÚA 

Bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt:  “Đứng dậy, vác chõng đi về nhà.” (Mt 9,6)

Suy niệm: “Bước đầu tiên trong sự tiến triển của nền đạo đức là cảm thức về sự liên đới với người khác” (A. Schweitzer). Ta liên đới với người anh em khi sẵn lòng đặt mình vào cuộc phiêu lưu, điều rủi ro để nâng đỡ người ấy. Bốn người khiêng đã vui lòng chịu vất vả, rủi ro khi liên đới với người bại liệt: đám người quanh Đức Giê-su đông quá, phải điều đình với chủ nhà để dỡ mái nhà. Cũng vậy để liên đới, Đức Giê-su chấp nhận chữa trị cho người bại liệt trước những đôi mắt săm soi của giới lãnh đạo Do Thái. Có điều Ngài nhắc nhở ta không chỉ chú trọng đến sức khỏe thể lý, nhưng trước hết phải quan tâm đến việc chữa lành tâm hồn. Hồn an xác mạnh là toàn bộ đời sống con người.

Mời Bạn: “Mọi người đều cần sự giúp đỡ và tùy thuộc vào người khác. Sự liên đới là điều kiện cần thiết để bộc lộ bất cứ cá nhân nào” (E. Fromm, nhà tâm lý học). Liên đới không phải chỉ là nâng đỡ khi có cơ hội, mà là sự gắn bó lâu dài với nhau. Là con cái Chúa và môn đệ Chúa Ki-tô, ta liên đới với mọi người, với các Ki-tô hữu khác. Sự liên đới ấy mời gọi bạn, mỗi khi có thể, nỗ lực dấn thân góp sức để đem lại thiện ích cho bất cứ người anh em nào.

Sống Lời Chúa: Tôi xem lại lâu nay mình như hòn đảo hay đã liên đới với đoàn thể, giáo xứ cách nhiệt tình. Cần liên đới hơn ở lãnh vực nào để bộc lộ tư thế Ki-tô hữu của mình?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa liên đới với loài người khi xuống thế làm người, ở với, cứu giúp con người. Xin giúp con nhìn lên mẫu gương Chúa để có những việc làm cụ thể bày tỏ tình liên đới với người khác. Amen

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây