Dẫn nhập
“Chức linh mục trong Giáo hội vô cùng cao trọng” (Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, PO 1). Tuy nhiên, sự cao trọng của các linh mục không phải bởi quyền cao chức trọng, đặc quyền đặc lợi… nhưng vì các linh mục được Thiên Chúa ban ân sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân (PO 2). Nhờ đó, các linh mục được tham dự vào quyền bính của Đức Kitô để cai quản Thân mình Ngài là Giáo hội (x. PO 3, 7), đồng thời được đặc cử để phụng sự Đức Kitô là Thầy, là Tư Tế và là Vua (x. PO 1, 7). Việc cai quản này, giống như Đức Giêsu đã nói với các Tông đồ, không phải theo kiểu thế gian nghĩa là “những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (x. Mc 10,42), nhưng “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (x. Mc 10,44).
Dựa trên Lời Chúa, huấn quyền của Giáo hội và chút ít kinh nghiệm cá nhân, xin chia sẻ một vài lời về việc cai quản giáo xứ.
1. “Biết” đoàn chiên
“Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Mối liên hệ mật thiết giữa mục tử và đoàn chiên được Thánh Gioan diễn tả qua động từ “biết”. Mục tử biết đoàn chiên, như Chúa Cha biết Chúa Con, và Chúa Con biết Chúa Cha (x. Ga 10,15), như Chúa Giêsu biết từng con chiên trong đàn, và biết một cách tường tận.
Linh mục quản xứ là hiện thân của Chúa Giêsu – alter Christus, được mời gọi tiếp tục hành vi yêu thương của Chúa Giêsu, biết đoàn chiên của mình, biết bằng lý trí, trái tim và đức tin. Linh mục biết đoàn chiên qua việc gặp gỡ, lắng nghe, từ đó tìm giải pháp thích hợp nhất cho đoàn chiên.
Linh mục không phải là người làm thuê, cũng không phải là viên chức làm công ăn lương, nhưng là mục tử, hiện thân của Chúa Giêsu, coi sóc đoàn chiên của Ngài.
2. Phục vụ đoàn chiên
“Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Đó là ưu tư của Chúa Giêsu. Ưu tư của Chúa Giêsu cũng phải là ưu tư của các linh mục quản xứ. Bởi vì, các ngài được sai đến để bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng đoàn chiên.
Là mục tử nhân lành, linh mục quản xứ sẽ “hủy mình đi” để dấn thân phục vụ đoàn chiên. Không kết án ai, nhưng tha thứ và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của họ. Là cánh tay nối dài của Chúa Giêsu, ngài sẵn sàng lên đường để tìm kiếm những con chiên lạc và đưa chúng về với đoàn chiên. Không coi chiên như “món hàng”, hay “nguồn lợi tức” để gia tăng lợi nhuận cho mình, nhưng dấn thân phục vụ để đoàn chiên được sống và sống dồi dào.
Như vậy, linh mục quản xứ luôn đóng vai trò mục tử của đoàn chiên. Không sao lãng trong việc rao giảng Lời Chúa và trao ban các bí tích. Bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống Giáo hội được cử hành với tất cả đức tin và lòng nhiệt thành. Thấu hiểu đoàn chiên, đồng lao cộng khổ, chia vui sẻ buồn với đoàn chiên.
3. Hy sinh cho đoàn chiên
Noi gương Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành, linh mục quản xứ sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15). Đây là động lực chính giúp linh mục vượt qua mọi khó khăn khi phục vụ đoàn chiên. Việc hiến thân cho đoàn chiên mời gọi linh mục khám phá và tái khám phá những phương thế hữu hiệu cho đoàn chiên. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện đơn giản, nhưng là công việc đòi hỏi nhiều hy sinh, thậm chí đổ máu đào (x. 1Pr 5,1-4). Sở dĩ đoàn chiên không nghe tiếng chủ chiên, vì họ không nhận ra tình yêu mà mục tử dành cho họ.
Trong thời đại hôm nay, người mục tử nhân lành cần thi hành sứ vụ của mình bằng lòng khoan dung; đồng hành với người đau khổ, nghèo đói, bất hạnh, bị gạt ra bên lề xã hội…; mạnh dạn lên tiếng, thức tỉnh đoàn chiên khỏi giấc ngủ miên man của chủ nghĩa hưởng thụ, tương đối hóa; giúp họ xa tránh tác động của “nền văn minh sự chết”; bảo vệ sự sống của đoàn chiên và không bao giờ thỏa hiệp với thế gian nhằm mưu cầu sự bình an giả tạo. Vì vậy, “các linh mục có trách nhiệm xả thân phục vụ Dân Cha để nuôi dưỡng họ bằng Lời của Cha và làm cho họ sống bằng các bí tích của Cha; các linh mục sẽ là những chứng nhân thực sự cho Đức tin và Đức ái, sẵn sàng hiến mạng sống mình như Đức Kitô đã hiến dâng mạng sống cho đàn em và cho Cha” (Tông huấn Pastores dabo vobis, PDV 15).
Theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, mục tử thích hợp cho Giáo hội hiện nay là người mang lấy mùi chiên, nghĩa là người gần gũi với đoàn chiên. Mục tử có khi đi trước chiên, nghĩa là mục tử chấp nhận rủi ro, đối diện với hiểm nguy, cạm bẫy, hố sâu, vực thẳm… có khi đi giữa chiên để duy trì sự hiệp nhất và giữ vững tinh thần cho đoàn chiên, có khi đi sau chiên để thúc đẩy đoàn chiên.
4. Lời nói và thái độ của mục tử
“Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại” (Tt 3,4). Chúng ta nhận ra tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại qua lời nói và việc làm của Ngài. Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta đạt tới cao điểm khi Ngài trao ban chính Con Một của Ngài cho chúng ta. Chúa Giêsu là Lời yêu thương của Chúa Cha.
Họa lại mẫu gương là chính Chúa Giêsu, linh mục cần yêu thương cộng đoàn đã được trao phó cho mình qua lời nói và việc làm. Thánh Phaolô khuyên nhủ ông Timôthê: “Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch” (1Tm 5,1-2). Khi thi hành mục vụ, linh mục cần phải cư xử hài hòa, lịch sự và tôn trọng mọi tín hữu, ngay cả những người lương dân đang sinh sống trong giáo xứ của mình.
Lời nói, hành vi và thái độ sống của linh mục rất quan trọng. Một cử chỉ khiếm nhã, thô thiển của linh mục có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh tốt đẹp của hàng linh mục. Một lời bông đùa thiếu tế nhị, không đúng chỗ của linh mục có thể làm tổn thương và làm cho người khác đau khổ. Tuy nhiên, một lời nói chân thành, bác ái của linh mục có thể dẫn người khác vào mối tương quan tốt đẹp.
5. Mục tử chăm sóc đoàn chiên
Mục tử cần có trái tim đầy ắp yêu thương như Chúa Giêsu. Nhờ đó, khi chăm sóc đoàn chiên, mục tử yêu thương, cảm thông, bao dung, động lòng trắc ẩn… với từng con chiên
Với trái tim mục tử như Chúa Giêsu, linh mục lo lắng tìm mọi phương thế thích hợp để chăm sóc và hướng dẫn đoàn chiên, ngay cả khi phải đối diện với nhiều khó khăn và thách đố. Tình yêu của mục tử không chỉ dành cho đoàn chiên một cách chung chung, nhưng đòi hỏi mục tử biết, quan tâm và chăm sóc từng con chiên, nhất là những con chiên đau khổ, nghèo khó, bệnh tật… Có như vậy, đoàn chiên mới nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, và họ nhận được ơn biến đổi, trở thành chứng tá của Chúa giữa trần gian.
6. Mục tử phục vụ đoàn chiên
Mục tử cần phục vụ đoàn chiên với tất cả tấm lòng chân thành, quảng đại và thậm chí sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên, như Tông huấn Pastores Dabo Vobis khẳng định: “Cốt lõi của đức ái mục vụ là trao hiến chính mình, trao hiến hoàn toàn cho Giáo hội, theo hình ảnh sự trao hiến của Đức Kitô và thông phần với Ngài…. Không phải chỉ những việc chúng ta làm, nhưng là việc chúng ta trao hiến chính mình mới biểu lộ tình yêu của Đức Kitô dành cho đoàn chiên của Ngài” (23).
Mục tử cần phải chăm sóc và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của đoàn chiên qua các công việc cụ thể hằng ngày: Cử hành các bí tích, thăm hỏi, động viên, khích lệ… “vui với kẻ vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Hơn nữa, như Thánh Phêrô đã dạy: “Lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ” (1Pr 5,2).
7. Mục tử chăm sóc đoàn chiên
Ngoài xã hội, người ta vẫn lên án tệ quan liêu, hách dịch, xa rời dân chúng… của các nhân viên hành chính Nhà nước. Linh mục, tôi tớ của Chúa, và tôi tớ của mọi người cũng không thể hành xử quan liêu, trưởng giả… Thánh Phêrô đã căn dặn các mục tử như sau: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em… Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa trao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,2-3). Linh mục đã tự do lãnh nhận tác vụ linh mục, hãy sống như Tông huấn Pastores Dabo Vobis khuyên nhủ: “Linh mục, một khi đã đón nhận ơn gọi thi hành tác vụ, có nhiệm vụ làm cho ơn gọi ấy trở thành một lựa chọn do tình yêu, nhờ đó Giáo hội và các linh hồn trở thành mối lợi chính yếu của linh mục” (23).
8. Mục tử rao giảng Lời Chúa cho đoàn chiên
Rao giảng Lời Chúa là sứ mạng được trao phó cho các linh mục: “Các giám mục, với các linh mục là những cộng sự viên của ngài có nhiệm vụ trước tiên là phải loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi người, theo lệnh truyền của Chúa. Các ngài là sứ giả của đức tin, dẫn đưa những môn đệ mới đến với Đức Kitô, và là những vị thầy đích thực được ban thẩm quyền của Đức Kitô để giảng dạy đức tin tông truyền” (Giáo lý Hội thánh Công giáo, GLHTCG 888). Vì vậy, các linh mục phải ý thức về sứ vụ rao giảng Tin Mừng như một khí cụ của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần phải ngày càng được cụ thể hoá trong mục vụ” (Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống Linh mục, số 63).
Như vậy, linh mục phải rao giảng Lời Chúa cho mọi người: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Để sứ mạng loan báo Tin Mừng có hiệu quả, “linh mục phải đón tiếp Lời Chúa với một tấm lòng vâng phục và cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm nhuần sâu xa các tư tưởng và các tâm tình của ngài làm phát sinh nơi ngài một tinh thần mới, tư tưởng của Đức Kitô” (Tông huấn Verbum Domini 80).
Linh mục cần thống nhất lời rao giảng với đời sống của mình. Thánh Phaolô đã nhắn nhủ Titô: “Chính anh em hãy làm gương về mặt đức hạnh. Khi anh em giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh” (Tt 2,7). Công đồng Vaticanô II còn quả quyết: “Các ngài không thể là thừa tác viên của Đức Kitô nếu không trở nên chứng nhân và nên người ban phát một đời sống khác với đời sống trần thế này” (PDV 3). Hơn nữa, “lời giảng không chỉ trình bày lời Chúa cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Tin Mừng vào các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống” (PDV 4).
9. Mục tử thánh hóa đoàn chiên
Linh mục thánh hóa dân Chúa theo mẫu gương của Chúa Giêsu. Ngài liên lỉ cầu nguyện và tôn vinh Chúa Cha. Ngài nuôi dưỡng mình bằng lương thực là ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 4, 34). Công đồng Vaticanô II đã quả quyết: “Đức Kitô, Đấng Chúa Cha đã thánh hóa, thánh hiến và sai xuống trần gian ‘đã tự hiến thân vì chúng ta, để cứu chúng ta khỏi mọi điều bất chính và để thanh luyện đoàn dân được Ngài tuyển nhận, dân nhiệt thành làm việc thiện’, và Người đã trải qua cuộc khổ hình để đi vào vinh quang; cũng thế, khi đã được Chúa Thánh Thần thánh hiến và được Đức Kitô sai đi, các linh mục hãm dẹp tính xác thịt nơi bản thân và trao hiến trọn vẹn chính mình để phục vụ nhân loại, và như thế, các ngài có thể tiến tới trên đường thánh thiện, được nên phong phú trong Đức Kitô để đạt đến con người hoàn thiện” (PDV 12).
Dưới quyền Đức Giám mục giáo phận, linh mục hướng dẫn cộng đoàn đạt tới sự thánh thiện như Chúa và Giáo hội mong ước. Linh mục thánh hóa dân Chúa bằng các bí tích, đặc biệt biệt là bí tích Thánh Thể, vì bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo hội: “Giám mục cũng là người phục vụ ân sủng của chức tư tế tối cao, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể do chính ngài dâng và ngài bảo đảm việc hiến dâng nhờ các linh mục, là các cộng sự viên của ngài” (GLHTCG 893). Linh mục thánh hoá cộng đoàn bằng gương mẫu đời sống đức tin của mình, như lời Thánh Phêrô khuyên nhủ: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã trao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,3). Nhờ đó, các ngài “cùng với đoàn chiên Chúa đã trao phó đạt tới sự sống vĩnh cửu.” (Hiến chế Lumen Gentium, số 26).
Việc cử hành phụng vụ nói chung và các bí tích nói riêng là phương thế thánh hóa dân Chúa mà Giáo hội vẫn thực hành trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Khi cử hành bí tích Thánh Thể, linh mục nhận thấy rõ tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Ngài đã yêu nhân loại cho đến chết, và đã trở nên Bánh Trường sinh nuôi dưỡng các linh hồn thế nào thì các linh mục cũng hãy hiến thân cho đoàn chiên của mình như vậy.
10. Mục tử cai quản đoàn chiên
Cai quản liên quan tới quyền bính. Quyền bính trong Giáo hội khác với quyền bính trong xã hội. Quyền bính trong Giáo hội không bắt nguồn từ thể chế nhân loại nhưng bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu thiết lập Giáo hội và Ngài là thủ lãnh của Giáo hội.
Việc cai quản Giáo hội được Giáo hội diễn tả như sau: “Như vị đại diện và sứ giả của Đức Kitô, các Giám mục cai quản các Giáo hội địa phương được trao phó cho mình bằng những lời khuyên bảo, khích lệ, gương sáng của mình, và cũng bằng thẩm quyền và quyền thánh chức, mà các ngài phải thực thi để xây dựng trong tinh thần phục vụ, là tinh thần của Thầy mình” (GLHTCG 894). Linh mục, cộng sự viên đắc lực của Giám mục, được Giám mục chia sẻ quyền cai quản để phục vụ cộng đoàn theo tinh thần của Đức Kitô: “Các linh mục được mời gọi thi hành quyền bính và phục vụ Đức Giêsu Kitô Đầu và Mục Tử của Giáo hội bằng cách thôi thúc và dẫn dắt cộng đoàn Giáo hội, nghĩa là bằng cách quy tụ gia đình của Thiên Chúa, một cộng đoàn huynh đệ chỉ có chung một linh hồn, và nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, các linh mục dẫn dắt cộng đoàn ấy đến với Thiên Chúa là Cha” (PDV 26).
Linh mục lãnh nhận vai trò cai quản giáo xứ, trước hết phải trở thành mẫu gương cho cộng đoàn tín hữu. Linh mục là phàm nhân với nhiều giới hạn và yếu đuối, vì vậy, linh mục có thể dễ “cảm thông với những ai dốt nát và lầm lạc” (GLHTCG 896), lắng nghe, và quan tâm đến họ.
Linh mục cai quản giáo xứ bằng tình yêu thương; dùng sự công bằng mà đối xử với mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sốt sắng hay nguội lạnh, đạo mới hay đạo cũ, có công trạng hay không đối với giáo xứ… không ngần ngại lắng nghe giãi bày của các tín hữu… Như vậy, linh mục – mục tử của giáo xứ mới hiểu được từng người trong giáo xứ, và làm cho giáo xứ trở thành một phần trong Nhiệm thể Đức Kitô, như chỉ dạy của Giáo hội: “Các linh mục phải noi gương Chúa để cư xử thật nhân hậu với tất cả mọi người” (PDV 6) và “là những người cai quản và chăn dắt đoàn Dân Chúa, các ngài được tình yêu của vị Mục Tử nhân lành thúc đẩy để dám thí mạng vì đoàn chiên, sẵn sàng hy sinh đến cùng…” (PDV 13). Hơn nữa, chính người mục tử cũng được nên hoàn thiện, như lời Công đồng Vaticanô minh định: “Sự tăng triển trong tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô lại định hình cho sự tăng triển trong tình yêu đối với Giáo hội: Chúng tôi chăn dắt anh em; cùng với anh em, chúng tôi được chăn dắt” (PDV 25).
Lời kết
“Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mc 6,36). Lời này của Chúa Giêsu chính là điều mà Chúa và Giáo hội vẫn luôn mong muốn nơi các linh mục. Hơn nữa, lời này của Chúa Cứu Thế còn cho thấy trách nhiệm của các linh mục đối với mọi người, cách riêng với những người được trao phó cho các linh mục. “Cho họ ăn” không chỉ đơn thuần là đáp ứng những nhu cầu vật chất, nhưng hơn hết là những nhu cầu thiêng liêng của mọi người. Đàng khác, câu Lời Chúa này còn cho thấy sự cần thiết của các linh mục đối với nhân loại hiện nay, họ đang đói khát Thiên Chúa và Lời của Ngài, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết: “Trong thời đại kỹ thuật thống trị thế giới và toàn cầu hóa: người ta vẫn cần vị Thiên Chúa tự biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô và là Đấng đã tụ họp chúng ta trong Giáo hội hoàn vũ, để học với Người và nhờ Người về cuộc sống chân thực và để giữ cho các tiêu chuẩn của nhân loại đích thực được hiện diện và hữu hiệu. Nơi nào con người không nhận thấy Thiên Chúa nữa, thì cuộc sống trở nên trống rỗng; tất cả trở nên thiếu thốn, rồi con người tìm nơi nương náu trong sự mê mẩn hoặc trong bạo lực, là những điều ngày càng đe dọa tuổi trẻ” (Thư viết cho các chủng sinh, năm 2010).
“Linh mục là người bị ăn” (Lời của linh mục Chevrier). Linh mục là Alter Christus, đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, tấm bánh bị bẻ ra cho mọi người, như Công đồng Vaticanô II đã nói: “Linh mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô, vì đã sinh họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn (x. 1Cr 4,15 và 1Pr 1,23). Nêu gương cho đoàn chiên (1Pr 5,3), linh mục phải làm sao hướng dẫn và phục vụ cộng đoàn địa phương của mình, để họ xứng đáng mang danh hiệu Giáo hội Thiên Chúa (x. 1Cr 1,2; 2Cr 1,1) là danh hiệu riêng riêng biệt của toàn thể Dân Thiên Chúa là Dân duy nhất. Linh mục hãy nhớ rằng mình phải tỏ ra cho tín hữu và lương dân, cho người Công giáo và ngoài Công giáo thấy gương mặt của một thừa tác vụ thực sự tư tế và mục vụ, phải minh chứng cho mọi người thấy chân lý và sự sống...” (Lumen Gentium, số 28).
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 141 (Tháng 05 & 06 năm 2024)
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Đào Hữu Thọ
Nguồn tin: www.hdgmvietnam.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn