Giáo xứ Vinh Hương

Linh mục tốt cần học suốt đời

Thứ tư - 24/04/2024 21:04
Linh mục tốt cần học suốt đời


Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần học hỏi. Mỗi câu đều cho thấy giá trị của việc học và cần học liên lỷ. Chẳng hạn: “Học khôn đến chết, học nết đến già”, hoặc “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”… Những câu này áp dụng cho mọi người, mọi thời và dĩ nhiên, trong đó có cả linh mục nữa. Khi học tiếng Hungary, tôi học được một câu tục ngữ liên quan đến việc học của người linh mục: “Jó pap holtig tanul – A good priest learns until death – Linh mục tốt cần học cho đến chết!” Điều này có ý nghĩa gì trong sứ mạng hoặc ơn gọi của một linh mục?

  1. Ơn gọi hiến dâng gắn liền với việc học

Trở lại câu chuyện Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đến và ở lại với Chúa. “Các môn đệ đã đến xem chỗ Ngài ở và lưu lại với Ngài” (Ga 1,39). Họ đang học cách bước theo Chúa và cách trở nên người môn đệ như lòng Chúa ước mong. Các môn đệ không ở lại với Chúa để ngồi chơi xơi nước. Chúa cũng không muốn các ông tìm lợi lộc chóng qua, danh vọng trần thế hoặc ăn sung mặc sướng ở đời này. Tin Mừng cho thấy rằng Chúa Giêsu đã huấn luyện, dạy dỗ và trui rèn các ông thành những kẻ lưới người như lưới cá (Mc1,18). Trong hành trình này, Chúa trao cho các ông nhiều bài học khác nhau vốn cần thiết trên con đường sứ vụ. Có lẽ bài học cuối cùng mà các môn đệ phải bước qua; đó là: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.” (x. Mt 16,21-28).

Để bước theo Chúa trên mọi nẻo đường bất kể chông gai, việc học là cơ hội để các linh mục có thể theo Chúa sát hơn. Lý do? Ơn gọi là tương quan trực tiếp của đương sự với Thiên Chúa. Ơn gọi này lại hướng đến phục vụ con người, giúp tha nhân đến gần Thiên Chúa. Để hoàn tất sứ mạng này, học tập là phương tiện quan trọng để mục vụ. Dĩ nhiên không phải cứ học giỏi là linh mục chu toàn tốt được sứ mạng của mình. Nhưng nếu không có học vấn, ai dám chắc mục tử ấy có thể hướng dẫn đúng đắn và hiểu được lối suy nghĩ của đoàn chiên trong từng bối cảnh thời đại? Vì lý do này, Giáo luật đòi hỏi các chủng sinh phải trải qua những năm tháng học triết và thần học.

Triết học giúp con người suy tư và đi vào các vấn đề một cách thấu đáo hơn. Do đó, những năm triết học giúp người mục tử không chỉ hiểu biết về những tư tưởng triết lý, mà còn cho họ những nền tảng để suy tư, tìm kiếm và yêu thích sự khôn ngoan (Philosophy – love of wisdom). Nhờ đó, “người học triết được nhạy bén và chuẩn bị cho họ có đủ khả năng hơn để theo các lớp thần học.” (Giáo Luật 251). Một khía cạnh khác, thần học là môn học bắt buộc cho tất cả những ai muốn làm linh mục. Dĩ nhiên, ai cũng có thể học thần học trong các chủng viện, trường dòng, học viện, phân khoa thần học ở các đại học. Giáo Hội mời gọi người học thần học một cách chung, “trong ánh sáng đức tin và dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, am tường toàn bộ giáo lý Công giáo dựa trên mặc khải của Thiên Chúa, tìm được lương thực cho đời sống thiêng liêng của họ ở đó và họ có thể loan truyền và biện hộ cho giáo lý ấy một cách đúng đắn trong khi thi hành thừa tác vụ.” (Giáo Luật 252).

Khi hoàn tất việc học trên đã đủ chưa? Thưa là chưa. Hằng năm các giáo phận cũng tổ chức thường huấn, tĩnh tâm cho các linh mục. “Thường huấn là một hành trình huấn luyện để tự mình học tập suốt đời, ở mọi lứa tuổi và mọi giai đoạn, trong mọi môi trường và bối cảnh sống.”[1] Giáo hội biết rằng linh mục cần được “update” lượng kiến thức để theo kịp với bối cảnh học thức ngày càng nâng cao của đoàn chiên. Linh mục nào bỏ bê việc học, hoặc không cố gắng tự học, người ấy có nguy cơ đuối sức trước những thay đổi của xã hội. Tắt một lời, ơn gọi này đòi người linh mục thường xuyên học tập một cách khiêm nhường và trong niềm hy vọng. Khiêm nhường để cho thấy mình chưa hoàn hảo, ý thức mình mỗi ngày “được mời gọi hãy nên hoàn thiện.” (Mt 5,43-48). Hy vọng để biết mình còn mục tiêu phấn đấu trong mục vụ. Càng học, càng hy vọng, người mục tử càng có những sáng kiến để giúp ích hơn cho Dân Chúa. Hoặc nói như Hồng Y Cahal B. Daly: “Hiện nay, học tập suốt đời được coi là cần thiết để đạt được sự thực hành phù hợp trong hầu hết mọi ngành nghề. Mặc dù chức linh mục là một ơn gọi độc nhất và không thể xếp vào các nghề nghiệp khác, tuy nhiên, thường huấn là cần thiết không kém để thi hành sứ vụ linh mục cách hiệu quả.”[2]

  1. Học đến lúc chết

Tôi gặp rất nhiều linh mục gương mẫu trong việc học. Dù lớn tuổi, họ vẫn đọc sách, vẫn tìm hiểu về những vấn đề của giáo hội và xã hội. Nói theo ngôn ngữ tuổi trẻ, họ luôn theo kịp “trend-xu hướng” của thời đại. Từ đây, họ không trở nên lạc hậu hoặc lỗi thời, nhưng có thể đi cùng với thời đại của con chiên.

Thực ra việc học suốt đời là lời mời gọi của Giáo hội dành cho từng linh mục, vì họ “phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc đào tạo trường kỳ của mình trong Giáo hội.” Có thể thấy, “đào tạo trường kỳ bảo tồn sự tươi trẻ cho tinh thần, điều mà không một ai có thể áp đặt từ bên ngoài nhưng mỗi người phải không ngừng kín múc nơi chính mình. Chỉ người nào luôn nuôi sống khát vọng học tập và lớn lên, người đó mới có được sự tươi trẻ ấy.” (Tông Huấn Pastore Dabo, 79). Ngoài ra, tâm thế vươn lên này sẽ giúp các linh mục thoát khỏi “một loại mỏi mệt nội tâm”. Ngôn ngữ Việt Nam mô tả tình trạng này: an phận thủ thường! Nếu không mở lòng học tập, người linh mục chỉ bằng lòng với số phận, với cuộc sống bình thường hiện tại, không muốn hoặc ngại phải thay đổi. Nếu vậy, không ai dám chắc người mục tử ấy có thể sống đúng với căn tính của linh mục của mình: “Cuộc sống linh mục bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, múc lấy sức mạnh nơi Vị Mục Tử Nhân Lành đã được Cha sai đến trong quyền lực của Chúa Thánh Thần.” Chán nản hoặc dừng lại, nghĩa là người linh mục đang rời xa căn tính của mình. (Tông Huấn Pastore Dabo, 3).

Không cần nói, ai cũng biết xã hội ngày nay thay đổi quá nhanh. Nhất là khi Việt Nam mở cửa, dòng xoáy của thời đại đã và đang đưa giáo dân đi theo nhiều hướng suy nghĩ và thái độ sống khác. Rất nhiều vấn đề đòi Giáo hội, cụ thể là các mục tử cần tìm hiểu thấu đáo. Từ đó, người mục tử mới giúp được đoàn chiên đi theo đúng con đường mà Thiên Chúa mong chờ. Hiểu thấu đáo thì cần học hỏi. Hoặc nói theo ngôn ngữ của Công Đồng Vaticanô II, chúng ta cần nhạy bén với dấu chỉ thời đại. (Gaudium et spes, số 4-1 và 11-1). Cha Xavier Debilly, đặc trách chủng viện Truyền giáo Pháp nhấn mạnh: “Không có danh sách dứt khoát về các dấu chỉ thời đại”. Điều này cũng có thể hiểu rằng hoàn tất việc huấn luyện không có nghĩa là các linh mục sẽ xử lý được mọi thứ trong mục vụ. Không bao giờ! Linh mục cần học và hỏi, cần đọc ra và phân định những dấu chỉ thời đại trong gia đình, giữa những người láng giềng, giữa các đồng nghiệp, trong cộng đoàn, ở giáo xứ hay giáo phận,… để làm sao giữ vững giáo lý đức tin nhưng vẫn tiếp cận tốt với các thực tại đời thường trong đó vang vọng những tác động của cuộc khủng hoảng xã hội, di cư, khí hậu; trong đó diễn tả những nhu cầu và mong đợi của những người mong manh nhất, của các phụ nữ, của nhóm thiểu số tính dục[3]… Càng học hỏi, các linh mục càng mục vụ tốt hơn!

Học suốt đời có tương quan gì với phẩm chất của linh mục? Thưa là rất liên quan. Linh mục là người đi theo Chúa suốt đời. Càng yêu mến Chúa, linh mục càng được mời gọi phục vụ và học tập. Tương quan này đượcc hiểu trong nhiều từ ngữ khác nhau như: “Những nhà phúc âm hoá mới”, “những linh mục ngang tầm với thời đại”, “những linh mục được đào tạo hẳn hoi” (bien formés), “một trình độ đào tạo trí thức ưu tú”, “không phải […] bất cứ những mục tử nào nhưng những mục tử như lòng Ngài mong ước”. (Tông Huấn Pastore Dabo, 3).

  1. Một tay nắm lấy Chúa, tay kia nắm lấy dân

Dĩ nhiên linh mục cần am tường Kinh Thánh và các Giáo huấn của Giáo hội. Đây là hai nguồn tri thức vô tận, cần đào sâu không ngừng. Giáo hội mời gọi các linh mục “cần phải chuyên chăm đọc Kinh Thánh như một cuốn sách thiêng liêng đặc biệt và đào sâu Kinh Thánh bằng việc học hỏi trong truyền thống đức tin của Giáo hội, để đừng có ai trong họ phải trở nên kẻ làm công việc giảng thuyết Lời Chúa cách hão huyền, trong khi tự thâm tâm lại chẳng hề lắng nghe (Thánh Augustinô, Serm. 179,1 : PL 38,966)” (Tông Huấn Pastore Dabo 47). Càng học hỏi Kinh Thánh và hiểu trong truyền thống đức tin Tông truyền thánh thiện của Giáo hội, linh mục càng đi đúng hướng và nên người loan báo Tin Mừng như lòng Chúa ước mong. Điều này thôi vẫn chưa đủ!

Một điều nữa cũng quan trọng. Xưa nay Giáo hội vẫn cần các mục tử “mang mùi của chiên”, nghĩa là gần gũi với giáo dân. Đức Thánh Cha Phanxicô rất thường xuyên chia sẻ với các linh mục phải là “những người có khả năng biết sống, biết cười và biết khóc với anh chị em giáo dân; nói một cách dễ hiểu, biết giao tiếp với họ”.[4] Những việc này cũng cần học và hỏi, cần khiêm nhường và quảng đại. Khiêm nhường để lắng nghe và cộng tác với giáo dân. Nhất là trong tiến trình hiệp hành, điều này quá cần thiết cho một linh mục! Quảng đại để linh mục có thể đón nhận cả những tiếng nói trái ngược với mình.

Chúng ta thấy rằng ngôn ngữ thần học là cần thiết nhưng chưa đủ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ ra rằng: “những người giảng thuyết thường sử dụng các từ ngữ họ đã học trong thời kỳ học tập và trong các môi trường chuyên môn mà không nằm trong ngôn ngữ thông thường của người nghe. Các từ ngữ này thích hợp trong thần học và huấn giáo, nhưng ý nghĩa của nó thì đa số các Kitô hữu không hiểu được.” Chìa khóa để mở lối cho khó khăn này là “hãy mang lây mùi chiên.” Nếu chúng ta muốn thích nghi với ngôn ngữ của dân chúng và đem Lời Chúa đến được với họ, chúng ta cần chia sẻ đời sống của họ và có sự quan tâm trìu mến đối với họ.” (x. Tông Huấn Evangelii Gaudium158). Hoặc nói như Đức Phaolô VI: “các tín hữu… mong đợi nhiều từ bài giảng, và sẽ được rất nhiều lợi ích từ bài giảng, miễn là nó đơn sơ, rõ ràng, trực tiếp và thích hợp”[5]. Đây là tiến trình cần học hỏi không ngừng, và cũng được Giáo luật đòi hỏi: “các linh mục tự huấn luyện trong cuộc sống hằng ngày qua tương quan với tha nhân, qua các biến cố nhằm giúp mỗi người trung thành cách sáng tạo đối với ơn gọi và xứ vụ”. (x. Gl 279, 670).

Để kết thúc, chúng ta mượn lời cầu nguyện của Lm. Nguyễn Cao Siêu SJ dành cho sinh viên, (cũng hợp với tôi và nhiều linh mục nữa):

Lạy Cha là nguồn mạch Ánh sáng,

là Nguyên lý tối cao phát sinh muôn vật,

xin Cha tuôn đổ ánh sáng thần linh

xuống tâm trí u tối của con.

Xin xua đuổi khỏi con

bóng tối của tội lỗi và mê muội.

Xin cho con óc minh mẫn để hiểu sâu,

trí nhớ tốt để ghi khắc lâu bền,

phương pháp tốt để thu được kết quả.

Xin cho con có khả năng

giải thích cách sáng sủa điều mình đã học,

trình bày cách mạch lạc điều mình đã tiếp thu.

 

Lạy Cha,

việc học đòi con phải hy sinh,

cố gắng nghiêm túc và kiên trì.

Ước gì con biến bàn học thành nơi thờ phượng Cha,

khi con học tập hết mình

với ước mơ phụng sự quê hương và Giáo Hội. Amen[6]

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Từ Điển Công Giáo, mục từ Thường Huấn.

[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-huan-linh-muc-la-can-thiet-52751

[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thanh-ngu-cac-dau-chi-thoi-dai-co-nghia-la-gi–50426

[4] https://dcctvn.org/duc-phanxico-voi-cac-linh-muc-hay-tro-nen-nhung-muc-tu-mang-mui-cua-chien/

[5] PHAOLÔ VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (8-12-1975), 43: AAS 68 (1976), 33.

[6] Rabboni số 60

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây