Giáo xứ Vinh Hương

Chúa Giêsu yêu thương những người mắc bệnh phần xác cũng như phần hồn

Thứ sáu - 10/02/2012 16:17
Chúa Giêsu yêu thương những người mắc bệnh phần xác cũng như phần hồn

Anh Chị Em thân mến,

Hôm nay, Chúa Nhật Thường niên VI năm B, Tin Mừng tường thuật chuyện người phong cùi đáng thương được Chúa Giêsu chữa lành vì biết chạy đến với Chúa với lòng đầy tin cậy:

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi! " Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.” (Mc 1,40-42).....

Cộng đoàn phụng vụ chúng ta hôm nay suy niệm Lời Chúa về đề tài: Chúa Giêsu yêu thương những người mắc bệnh phong hủi phần xác cũng như phần hồn.

++++++

Người phong hủi là người khổ nhất trong thân xác cũng như trong tâm hồn.

          Người phong hủi là người khổ nhất trong thân xác. Họ bị coi như một “mồ mả đang di động”, một thây ma đang di chuyển. Họ phải ở trong sa mạc, nơi hoang vắng, nơi mồ mả, trong một trại dành riêng. Đi đâu, họ cũng phải hô to “Tôi ô uế! Tôi ô uế!” để người ta biết mà đề phòng.

Khi bệnh đến hồi ác liệt, thân xác người phong hủi trở thành ghê tởm: đôi mắt bị khoét sâu; lỗ mũi thành một lỗ hổng to, thông sâu xuống cuống họng; đôi tai nứt hết; lưỡi đỏ hoét và đầy những mụt nhọt; khuôn mặt méo mó; móng tay và móng chân rụng xuống đất; tóc rụng và râu không còn nữa.  Ai cũng phải xa lánh họ. Ngay cả xác chết của họ, loài vật cũng chê, không con nào thích ăn. 

Đó là những đau khổ to lớn trong thân xác của người phong hủi . Những đau khổ trong tâm hồn của người phong hủi cũng không kém phần to lớn. Thấy mọi người đối xữ rất tàn tệ với mình, bỏ rơi mình, người phong hủi sống cuộc đời tuyệt vọng: họ lầm lì, không nói, buồn sầu, cô độc, đi lang thang như làn gió, bị các cơn đau nhức dữ dội làm cho họ nhảy cuồng lên; họ bất mãn với số phận hẩm hiu của mình, nên đập phá, la hét; họ ghét tất cả mọi sự và ghét tất cả mọi người.

Người phong hủi hôm nay trong bài Tin Mừng, dù bị luật cấm không cho đến gần ai, vẫn tìm cách gặp cho được Chúa Giêsu, quỳ trước mặt Người để xin được chữa khỏi bệnh. Anh phong hủi đã vượt qua những mặc cảm của bản thân mình để đến với Chúa và điều quan trọng hơn nữa là chính lòng tin và lòng hy vọng của anh vào Đức Giêsu. Nhờ lòng tin cậy ấy, Chúa đã chạm đến anh và anh được khỏi bệnh.

Chúa Giêsu rất thương yêu những người đau bệnh phần xác: Ngài mang lấy bệnh hoạn của con người chúng ta vào trong thân xác của Ngài: “Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8.16-17). Ngài lo cho bệnh nhân bất cứ ngày nào, ngay cả trong ngày Hưu Lễ: “Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.....Chúa Giêsu bảo anh bại tay: "Anh giơ tay ra! " Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.” (Mc 3,1-6). Ngài đồng hóa với những người đau ốm bệnh tật: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,36)

Chúa Giêsu chữa lành người mắc bệnh phong hủi phần xác, nhưng điều quan trọng hơn nũa, Chúa Giêsu tìm đủ mọi cách để chữa người mắc bệnh phong hủi phần hồn, đó là những kẻ tội lỗi.

Chúa Giêsu nói Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Ngày đêm, Ngài nói Ngài đi tìm người tội lỗi và vác người tội lội trên vai về để ăn mừng. Ngài đợi chờ người tội lỗi như khi trưa đứng bóng, ngồi nơi giếng nước để chờ người đàn bà tội lỗi đến múc nước. Ngài để ý đến người tội lỗi như khi Ngài nhìn lên cây, nơi ông Giakêu đang núp trên đó. Ngài yêu thích dạy dỗ những người tội lỗi là những kẻ đi theo Ngài để tìm sự tha thứ và bình an. Ngài vui lòng ngồi ăn với những người tội lỗi. Ngài chăm chú lắng nghe người tội lỗi nói như khi Ngài lắng nghe tiếng thì thào của tngười trộm lành trên cây thập giá.

Về đàng thiêng liêng, tội lỗi được ví như một thứ bệnh phong hủi thiêng liêng. Phong hủi là hình bóng của tội lỗi: thân thể người phong hủi bị hư nát lần lần, trước ngoài da, sau đến thịt, thật là ghê tởm! Bệnh phong hủi làm cho thân xác mất mọi vẻ đẹp bên ngoài, nơi mặt, mắt, mũi, miệng, tay chân... Tội lỗI cũng làm cho linh hồn mất mọi vẻ đẹp bên trong: trí khôn lụn bại, trí nhớ cùn mằn, trí tưởng tượng hèn hạ, tâm tình đê tiện.  

Bệnh phong hủi làm người khác lánh xa, còn tội lỗi làm chúng ta xa Chúa. Bệnh phong hủi gây thiệt hại nặng nề cho mọi người. Tội lỗi gây ra gương xấu, lôi kéo nhiều người phạm tội, chạy theo ma quỷ.

Tội là vấn đề rất quan trọng. Nếu chúng ta không tin có tội, chúng ta cũng không tin có Chúa. Nếu chúng ta không tin có tội, chúng ta sẽ tha hồ phạm tội dễ dàng bởi vì đối với kẻ không tin có tội, đời sống đạo đức thánh thiện nào có ý nghĩa gì nữa đối với họ.

Trong Thánh-Kinh, chúng ta thấy tội lỗi có mặt khắp nơi. Trong thời ông Noe, tội lổi của loài người quá làm mất lòng Chúa, Chúa cho lụt hồng thủy tiêu diệt, lúc đó, chỉ có tám người được cứu thoát vì không rơi vào sa đọa chung. Trong thời ông Abraham, cả hai thành Xôđôma và Gômôra đông đúc, nhưng không tìm ra được mười người lành thánh, vì thế, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa nổi lên, và hai thành nầy phải bị tiêu diệt. Trong sa mạc, mặc dầu được Thiên Chúa đặc biệt nâng đỡ bảo vệ, mặc dầu được Ngài ban cho muôn vàn ân huệ, Dân riêng của Chúa vẫn phạm nhiều tội lỗi, đến đổi Chúa phải than rằng: “Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán” (Tv 95,10)

Vì thế, Trước mặt Chúa, ai cũng phải nhìn nhận mình là kẻ có tội. Thánh Gioan Tông Đồ nói: “Nếu ta nói rằng ta không có tội thì ta lầm lạc, và sự thật không ở trong ta.” (1 Ga 1,8). Thánh Phaolô cũng quả quyết : “ Mọi người đều đã phạm tội và đã làm mất vinh quang của Thiên Chúa ban” (Rm 3,23). Vì thế, mỗi người chúng ta phải năng cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi.” Giáo Hội ý thức điều nầy rất rõ trong con cái mình, nên để cầu nguyện với Đức Mẹ Chúa Trời, Giáo Hội không thấy tĩnh từ nào ám hạp cho tất cả mọi người, cho bằng tĩnh từ “có tội”: “cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nầy và trong giờ lâm tử.

+++

Hiện nay, con người trên trần gian này vẫn mang nhiều thứ bệnh phần xác. Chúng ta hãy tìm đủ cách để xoa dịu các bệnh tật đau khổ phần xác bằng đời sống bác ái và tận tình phục vụ giúp đỡ.

Nhất là hiện nay, con người mang rất nhiều thứ bệnh phần hồn vì mất ý thức về tội lỗi, không cho cái gì có tội, nên phạm tội khắp nơi, phạm tội bất cứ lúc nào, và phạm tội một cách dễ dàng.

Lạy Chúa Giêsu, theo lời Chúa dạy và theo gương Chúa sống, xin cho chúng con biết yêu thương và phục vụ các bệnh nhân, là những người đau đớn phần xác.

Lạy Chúa Giêsu, theo lời Chúa dạy và theo gương Chúa sống, xin cho chúng con biết yêu thường những kẻ tội lỗi là những người đau đớn phần hồn, yêu thương bằng cách cầu nguyện cho kẻ có tội biết ăn năn trở lại với Chúa, và bằng cách treo cao gương tốt đời sống thánh thiện để lôi kéo kẻ có tội trở về đàng lành.

lạy Chúa, xin Chúa nhậm lời chúng con cầu nguyện!

Amen!

Tác giả bài viết: Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

Nguồn tin: conggiao.info

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây