Giáo xứ Vinh Hương

Đêm Của Lòng Thương Xót

Thứ tư - 23/12/2015 18:25

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2015
ĐÊM CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Is 9, 1-6 ; Tt 2, 11-14 ;  Lc 2, 1-14

Trong đêm thánh này chúng ta nghe lại lời tiên tri Isaia: “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người ngồi trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9, 1).

Cách Chúa Giêsu 765 năm, Isaia đã được chọn để loan báo về một mùa hồng ân, một thời kỳ cứu rỗi. Lời tiên báo đó hôm nay đã được thực hiện qua tin vui mà thiên thần đã loan báo cho các mục đồng trong đêm đông lạnh giá nơi cánh đồng Belem: “Tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em”(Lc 2, 10). Đấng đó sẽ làm: “vinh danh Thiên Chúa trên trời”. Cũng chính Đấng đó sẽ đem đến:“bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Đấng đó là ai? Thưa là Đức Giêsu Kitô, trong đêm hôm nay đã trở thành trung gian giữa Thiên Chúa Cha và loài người chúng ta.

Đức Thánh Cha trong Tông thư Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót) đã viết:“Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu Lòng Thương Xót”; và: “Lòng Thương Xót là cầu nối giữa Thiên Chúa và con người”.

Như vậy đêm Đức Giêsu Kitô sinh ra, đêm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người chính là đêm của Lòng Thương Xót.
Trong đêm nay, hãy để ánh sáng lời Chúa soi dẫn cho chúng ta khám phá ra được phần nào dung mạo Thương Xót của Thiên Chúa.

I.       DUNG MẠO THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

1.      Dung mạo khiêm hạ
Khởi đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, Luca cho biết sự kiện “Hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ”. Augustô là hoàng đế của La mã, chuyện ông kiểm tra dân số trên phần đất của ông là chuyện bình thường. Ở đây, ông cho “kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ”. Dĩ nhiên Luca nói quá, nhưng theo sách sử, thì quả thật Augustô đã cho kiểm tra dân số trong nhiều miền khác. Mục đích của ông là muốn bành trướng thế lực của mình, muốn mọi người phải suy phục vương quyền của ông.

Đức Giêsu Kitô giáng sinh trong triều đại và trong lúc con người muốn khẳng định uy lực của họ. Ngài xây dựng vương quốc của Ngài không phải bằng việc khẳng định sức mạnh của tài năng hay quân sự, mà bằng sự khiêm hạ, qua đó Đức Giêsu muốn thể hiện khuôn mặt khiêm hạ của Thiên Chúa Cha.

2.      Dung mạo cảm thông
Cũng chính vì Augustô truyền kiểm tra dân số, mà Giuse phải dẫn theo bạn mình là Maria trở về nguyên quán để khai hộ khẩu: “Khi hai người đang ở đó, thì Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa”. Mẹ phải đặt con mình trong máng cỏ “vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. Sự kiện này cho thấy khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa ở chỗ hòa mình vào trong xã hội, trong cuộc sống, trong thời đại của Ngài. Vì vậy Ngài hiểu được con người trong thời đại đó, sống gần gũi để cảm thông và chia sẻ với họ.

Dưới ánh sáng lời Chúa chúng ta nhận ra được “dung mạo thương xót của Thiên Chúa” với khuôn mặt khiêm hạ và khuôn mặt cảm thông.

II.   THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT
Để sống Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong tông thư“Dung mạo lòng thương xót” như sau: “Tuyệt đối cần thiết cho Giáo hội và cho sự khả tín của thông điệp Giáo hội đưa ra là Giáo hội phải sống và làm chứng cho lòng thương xót”.

Phải sống và làm chứng cho lòng thương xót; phải phản chiếu gương mặt thương xót của Thiên Chúa nơi chính cuộc đời của mỗi chúng ta. Hơn thế nữa, đó còn là sứ mạng của mỗi người chúng ta: trở thành ánh sao để chỉ cho muôn dân nhận ra Con Thiên Chúa

1.      Dung mạo khiêm hạ
Người ta sẽ nhận ra khuôn mặt khiêm hạ của Thiên Chúa nơi con người khiêm hạ của chúng ta. Hãy chiêm ngắm Ngôi Hai Thiên Chúa nằm co ro trong máng cỏ giữa đêm đông để chúng ta không còn kiêu căng, ngạo mạn; không muốn tìm khẳng định mình bởi tài năng, tiền bạc và quyền lực.

Ngược lại biết chấp nhận sự thật nơi chính bản thân mình: vẫn là một con người yếu đuối cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa và người khác. 

Đồng thời làm tất cả những gì mình có thể làm được để phục vụ gia đình, Giáo hội và anh chị em đang sống chung quanh, nhất là những người nghèo khổ.

2.      Dung mạo cảm thông
Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người để cảm thông với thân phận con người chúng ta. Vượt lên trên mọi lý lẽ, mọi tiêu chuẩn của con người, Thiên Chúa hành động theo Lòng Thương Xót.

Người khác cũng sẽ nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa một cách mạnh mẽ nhất bằng sự cảm thông mà chúng ta dành cho người khác, nhất là “những người nghèo của Thiên Chúa”; những người nghèo cả về vật chất, tinh thần và luân lý.

Sự cảm thông một cách sâu xa được Đức Thánh Cha nhắc tới và thể hiện một cách hết sức tự nhiên nơi chính cách sống trong cương vị Giáo hoàng của Ngài.

Sự cảm thông được thể hiện qua việc ra khỏi chính mình, đặt mình trong vị trí của người khác. Sự cảm thông không thể có được bằng lý thuyết, mà đòi hỏi chúng ta phải lên đường hằng ngày. Khi lên đường chúng ta sẽ gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau khiến con tim chúng ta không còn xơ cứng. Khi lên đường chúng ta sẽ hiểu được phần nào hoàn cảnh của anh chị em mình.

Đừng bao giờ lấy tiêu chuẩn của mình để nhìn và gán ghép cho người khác. Hãy đối xử với nhau bằng sự cảm thông sâu xa. Đó là khuôn mặt của Thiên Chúa.

Tình yêu đã giáng sinh. Thiên Chúa đã làm người. Chúng ta nhận ra Người không phải bằng việc: “Gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, nhưng bằng “Dung Mạo Lòng Thương Xót” qua sự khiêm hạ và cảm thông của Thiên Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta cũng biết sống khiêm hạ và cảm thông để trở thành ánh sao chỉ cho nhiều người thấy được “Dung Mạo Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trực

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây