Giáo xứ Vinh Hương

Sự hiện diện của Đấng phục sinh

Thứ sáu - 09/04/2021 17:48
- Suy niệm Chúa Nhật II Phục Sinh năm B

Chúng ta vừa long trọng mừng lễ Phục Sinh. Bầu khí ồn ào náo nhiệt của những cuộc kiệu rước đã lắng xuống, những bận rộn của Tuần Thánh cũng đã đi qua. Đối với một số tín hữu, Tuần Thánh và lễ Phục Sinh giống như những ngày lễ hội mỗi năm tổ chức một lần, lễ xong là hết. Đây là cái nhìn thiển cận và là một lối suy nghĩ lệch lạc về đời sống Đức tin. Để tránh những hiểu lầm đó, Phụng vụ hôm nay khẳng định với chúng ta rằng Chúa Phục sinh đang hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu. Người hiện diện như mối dây liên kết chúng ta nên một trong tình bác ái và sự chia sẻ nâng đỡ lẫn nhau. Hình ảnh cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem là lời mời gọi chúng ta hãy noi gương mà sống xứng đáng với danh nghĩa những môn đệ Chúa Kitô (Bài đọc I). Nếu các tín hữu có thể coi mọi sự là của chung và chuyên cần tham dự bẻ bánh, siêng năng cầu nguyện và nhiệt thành thực thi bác ái là vì họ tin Chúa Giêsu phục sinh đang ở giữa họ, để nâng đỡ, soi sáng họ trong đời sống Đức tin.

Một sự hiện diện gây ngạc nhiên: Bài Tin mừng hôm nay kể lại hai cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Cuộc gặp gỡ thứ nhất vào buổi chiều chính ngày phục sinh; cuộc gặp gỡ thứ hai sau đó tám ngày. Trong cả hai cuộc gặp gỡ này, tâm trạng của các môn đệ đều ngạc nhiên và vui mừng. Các ông ngạc nhiên vì chính các ông đã chứng kiến cái chết của Chúa mà nay Người sống lại; các ông vui mừng vì cuộc gặp gỡ này giúp các ông hiểu rõ hơn sứ mạng của Chúa. Cuộc gặp gỡ thứ nhất không có Tôma; cuộc gặp gỡ thứ hai, Tôma là trung tâm chú ý của mọi người. Nếu có những người xác tín vào sự phục sinh của Chúa, thì lại có những người chưa sẵn sàng để đón nhận tin vui này. Tôma đại diện cho những người chỉ tin khi chứng minh được bằng kinh nghiệm.

Một sự hiện diện giúp các môn đệ thêm sức mạnh: Cuộc gặp gỡ với Đấng phục sinh đã làm thay đổi suy nghĩ và quan niệm của các môn đệ. Các ông đã theo Chúa ít là ba năm, nhưng trước biến cố thập giá, con mắt và tâm trí các ông vẫn bị bao phủ. Trường hợp hai môn đệ buồn bã về quê ở Emmaus cho thấy các ông thất vọng trước cuộc khổ nạn của Thày mình. Khi hiện ra với các môn đệ, Đấng Phục sinh đã ban cho các ông Thánh Thần, là Đấng ban sức mạnh. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho các ông, giúp các ông hiểu biết kế hoạch của Chúa Cha. “Như Cha đã sai Thày, Thày cũng sai anh em”, không chỉ được sai đi, các môn đệ còn được Chúa ban quyền tha tội và cầm buộc. Tha tội và cầm buộc là chính sứ mạng của Chúa Giêsu. Từ nay, các ông lên đường, có Chúa ở với các ông. Các ông không còn sợ hãi, vì các ông hoạt động nhân danh Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại từ cõi chết.

Một sự hiện diện toả sáng niềm vui. Sự hiện diện của Đấng phục sinh tác động và ảnh hưởng đến các tông đồ cũng như cộng đoàn tín hữu. Thánh Luca đã kể về một cộng đoàn tín hữu chỉ có một lòng một ý. Mọi người đều chuyên tâm cầu nguyện và chia sẻ bác ái. Kinh nghiệm về Đấng phục sinh đã giúp họ loại bỏ những bất đồng, để sống Đức tin. Trở về với nhân vật Tôma, ông không còn thách thức Chúa nữa, nhưng tâm phục khẩu phục. Lời thưa: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” vừa là lời tuyên xưng Đức tin, vừa là lời sám hối chân thành. Đó cũng là tâm tình yêu mến chân thành mà người môn đệ bày tỏ với Thày mình. Hai môn đệ Emmaus đã vui mừng trở về Giêrusalem ngay trong đêm để kể lại với anh em mình về Đấng phục sinh. Tôma tuyên xưng đức tin với niềm vui và tình yêu mến. Mỗi chúng ta cũng vui mừng vì cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Đấng đã chết và đã sống lại.

Chúng ta cử hành mầu nhiệm Phục sinh với niềm xác tín vào sự hiện diện của Chúa. “Phúc cho những người không thấy mà tin”. Tin là chấp nhận một điều dù con mắt không nhìn thấy. Tin cũng là chấp nhận một chuỗi những điều bị coi như nghịch lý so với quan niệm thông thường. Quả vậy, còn gì “nghịch lý” hơn là một người đã chết rồi sống lại? Còn gì “nghịch lý” hơn một người đã sống cách đây hai ngàn năm, mà hôm nay vẫn đang hiện diện giữa chúng ta? Thiên Chúa quyền năng cũng là Thiên Chúa của những nghịch lý ấy, và Ngài làm cho những nghịch lý trở thành hiện thực.

 “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Thông điệp ấy vẫn có giá trị đến ngày hôm nay. Là những tín hữu, chưa ai trong chúng ta được thấy Chúa trực tiếp. Chúng ta chỉ cảm nhận Chúa bằng Đức tin. Con tim và lý trí mách bảo chúng ta Chúa đang hiện diện và những ai tn vào Người thì sẽ không phải thất vọng.

Chúa nhật II Phục sinh cũng là Chúa nhật kính Lòng Chúa thương xót. Cuộc đời của Chúa Giêsu, giáo huấn của Người, cuộc khổ nạn thập giá và phục sinh, tất cả đều diễn tả lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Nhận ra lòng thương xót của Chúa, chúng ta được mời gọi thực thi lòng thương xót đối với anh chị em đồng loại, để tình thương của Chúa lan toả đến mọi người, mọi môi trường xã hội. Đức Thánh Cha Phanxicô ước mong nơi nào có cộng đoàn tín hữu, nơi đó sẽ trở thành một linh địa của lòng thương xót. Đây cũng là điều đã thực hiện nơi cộng đoàn tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem mà sách Công vụ đã kể lại.

 “Đức tin là sự tin tưởng sống động và táo bạo vào ơn Chúa, chắc chắn và vững bền tới mức một người có thể cược cả đời mình cho nó hàng nghìn lần” (Sưu tầm).

 

Tác giả bài viết: +TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây