Giáo xứ Vinh Hương

Yêu thương và Hiệp nhất

Thứ bảy - 30/05/2015 19:09

THIÊN CHÚA BA NGÔI: Yêu thương và Hiệp nhất

(Chúa Nhật 31.05.15)

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta long trọng mừng kính Một Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm cao cả nhất trong đạo, và cũng có thể nói là mầu nhiệm khó hiểu nhất đối với tâm trí loài người chúng ta. Một mà ba, ba mà một?! Cho dẫu là khó, nhưng không phải là không thể, nhờ ơn Chúa, chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, và hy vọng từ chỗ hiểu biết đó, chúng ta ngày càng thêm tin tưởng và yêu mến, nhất là sống theo mẫu gương Chúa Ba Ngôi trong suốt cả cuộc đời.

Trước hết, chúng ta phải cám ơn Chúa Giêsu vì chính Người đã dạy chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ đến Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải khá rõ ràng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn xác nhận rằng, chúng ta chỉ thờ phượng một Thiên Chúa mà thôi, vẫn là một Thiên Chúa ấy, Thiên Chúa mà cha ông và các bậc tiền bối Israel vẫn thờ phượng. Người là Thiên Chúa duy nhất, không còn Chúa nào khác, như trong bài đọc I chúng ta vừa nghe ông Mose nói với dân chúng. Chúa Giêsu đã không nói về một vì Thiên Chúa nào mới, nhưng Người đã mạc khải rõ hơn cho chúng ta về một Thiên Chúa với Ba Ngôi phân biệt, mà Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con và Ngôi thứ ba là Thánh Thần.

Ba Ngôi phân biệt nhưng không tách biệt. Trong mọi sự, cho dù Ba Ngôi khác biệt nhưng đều thống nhất suy nghĩ và hành động cùng nhau trong tinh thần hiệp nhất tuyệt hảo. Có thể nói, Chúa Ba Ngôi là mô phạm, là mẫu gương tuyệt vời nhất cho con người chúng ta sống hiệp nhất và yêu thương. Tại sao lại có những mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, trong Giáo xứ, trong xã hội? Thưa bởi vì, chúng ta đã không sống theo mẫu hình Chúa Ba Ngôi. Trong khi Ba Ngôi luôn giao tiếp, thông truyền với nhau mọi sự, thì con người chúng ta, vì cái tôi “to đùng” của mình, mỗi người cứ thích làm theo ý riêng, nhiều khi chẳng cần đối thoại với ai, và thế là mạnh ai nấy sống mặc kệ, tôi chỉ biết có tôi, hoặc ở một thái cực khác là, tôi lại cứ thích áp đặt cho bằng được những suy nghĩ, quy luật, nguyên tắc của tôi cho người khác. Trong gia đình mà mạnh chồng chồng làm, mạnh vợ vợ làm, mạnh con con sống, mỗi người một ngả, cái nhà chỉ còn như một chỗ trọ không hơn, thì còn gì là hiệp nhất? Trong Giáo xứ, Hội đồng mục vụ thì cứ làm theo những gì mệnh danh là “đã quen”, rồi cha xứ cũng không chịu lắng nghe ai mà cứ thích làm theo ý kiến sáng tạo của riêng mình, thì làm gì có hiệp nhất thực sự? Muốn có hiệp nhất thì phải có đối thoại, có người nói người nghe, rồi từ những khác biệt, ta cùng tìm ra những điểm chung để đúc kết; và một khi đã quyết định rồi thì cho dù không thích, tất cả mọi người cần phải đồng lòng thực hiện, như vậy mới là hiệp nhất chứ!

Xét cho cùng, để có được sự hiệp nhất trong đa dạng, thì nền tảng căn bản chính là tình yêu. Nếu chúng ta thực sự yêu thương nhau, chúng ta mới có đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhau, để đối thoại với nhau, để cùng ngồi lại và tìm ra một tiếng nói chung, cho dẫu chúng ta có rất nhiều khác biệt. Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi Ngôi là phân biệt với hai Ngôi kia, Cha không phải là Con, mà Con không phải là Cha, Thánh Thần không phải là Cha, mà Con cũng không phải là Thánh Thần. Tuy nhiên, Ba Ngôi hiệp nhất nên một với nhau trong mọi sự, trong mỗi suy nghĩ và hành động của mình, vì Ba Ngôi yêu thương nhau hoàn toàn trọn vẹn. Ba Ngôi yêu thương nhau nên hoàn toàn cởi mở với nhau, không giấu gì nhau, Ngôi này hoàn toàn trao hiến trọn vẹn bản thể mình cho Ngôi kia. Cho nên, Chúa Giêsu cũng đã từng khẳng định: “Cha và ta là một” (Ga 10, 30), hoặc “Thánh Thần sẽ lấy những gì là của Thầy (cũng là của Cha) mà loan báo cho anh em” (xem Ga 16, 14-15). Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc bình an viên mãn, vì Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau hết lòng, thông truyền và cho nhau biết tất cả mọi sự, và cùng nhau hành động trong tất cả mọi công trình nhất là công trình sáng tạo và cứu độ loài người chúng ta. Do đó, nếu các gia đình, các cộng đoàn, các xã hội muốn có được hạnh phúc bình an giống như Thiên Chúa, thì chỉ có cách là phải sống yêu thương hiệp nhất như Thiên Chúa Ba Ngôi mà thôi.

Tóm lại, mừng kính Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta hết lòng cảm tạ Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm cao cả tuyệt vời này. Hướng về Chúa Ba Ngôi, chúng ta được nhắc nhớ sống yêu thương và hiệp nhất. Và như thế, Thiên Chúa Ba Ngôi không còn là một khái niệm trừu tượng nào đó nằm ngoài cuộc sống chúng ta, mà là nguyên lý sống căn cốt nhất cho mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, mỗi Giáo xứ, cũng như cho toàn thể vũ trụ và thế giới hôm nay.

 

Vui Chứng Nhân.

Nguồn tin: www.thanhlinh.net

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây