Giáo xứ Vinh Hương

“Dân Ngoại” – Chúa nhật XX Thường niên – Năm A

Thứ bảy - 19/08/2023 05:21
“Dân Ngoại” – Chúa nhật XX Thường niên – Năm A

“DÂN NGOẠI”
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

Trong các lớp giáo lý dành cho người trưởng thành, đôi khi có những học viên rất băn khoăn về tương lai hậu vận của mình. Họ lo lắng vì nếu họ gia nhập Công giáo, thì cha mẹ tổ tiên ông bà của họ, vốn là những người “bên lương” sẽ ra sao ở đời sau? Bởi lẽ người Công giáo tin sẽ hưởng phúc Thiên đàng, mà cha mẹ và người thân của họ lại không phải là người Công giáo. Những người dạy Giáo lý phải giúp họ hiểu rằng, ở đời sau, chỉ có chỗ dành cho người lành là Thiên đàng và nơi dành cho người ác là hỏa ngục, chứ chẳng có nơi nào ở giữa hai thực tại này. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, những ai chưa hoặc không có cơ may để đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su, mà chân thành sống theo lương tâm và thực thi bác ái, thì cũng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Giải thích này giúp người dự tòng an tâm, vì họ sẽ không mất gia đình mãi mãi.

“Dân ngoại”, đó là khái niệm người Do Thái xưa vẫn dùng để chỉ những người không thuộc dân tộc họ. Ngày nay, một số tín hữu vẫn dùng hai từ này để chỉ những người không cùng tôn giáo. Xưa cũng như nay, hai từ này đều gợi lên sự phân biệt, thậm chỉ mỉa mai và coi thường người khác. Chúa Giê-su đã đến trần gian để khẳng định: Thiên Chúa là Cha của mọi dân tộc. Những ai tin vào Chúa Giê-su, thì không còn phân biệt về dòng tộc hay ngôn ngữ, văn hóa, mà tất cả đều làm thành gia đình của Thiên Chúa. Một cách mật thiết hơn, những tín hữu Ki-tô làm thành một thân thể, gắn bó với nhau và luôn cảm thông chia sẻ hài hòa. Thân thể này có Chúa Giê-su là Đầu.

Thực ra, vào thời ban đầu, các tông đồ vẫn giữ quan điểm cho rằng ơn Cứu độ chỉ dành cho dân tộc Do Thái, vì họ là dân riêng Thiên Chúa chọn. Qua thị kiến chiếc khăn lớn từ trời buông xuống, có đủ mọi sinh vật, với lời mời làm thịt mà ăn, thánh Phê-rô đã nhận ra thông điệp: mọi dân tộc đều có thể được cứu độ trong Đức Giê-su (x. Cv 10, 9-16). Trong vụ việc mấy người Do Thái gây rối và phá đám tại An-ti-ô-ki-a khi hai tông đồ giảng, ông Phao-lô và ông Ba-na-ba đã mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13,46-47). Đây là bước quyết định quan trọng, thay đổi quan niệm xưa cũ. Từ đây, thánh Phao-lô dành hết tâm huyết của mình cho dân ngoại.

Cả ba bài đọc Lời Chúa hôm nay đều nhấn mạnh đến khái niệm “dân ngoại”, nhưng không phải để phân biệt và kỳ thị. Trái lại, những khẳng định này nhằm giới thiệu Thiên Chúa là Thượng Đế của muôn dân. Ngôn sứ I-sai-a (Bài đọc I) khẳng định: nhà Chúa sẽ là nhà cầu nguyện cho muôn dân. Ai cũng có quyền được đến với Chúa. Ngài sẵn sàng đón nhận mọi người và lắng nghe tâm sự của họ. “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, đều trở nên tôi tớ của Người…”. Như thế, chẳng có ai bị Thiên Chúa loại trừ. Ngài yêu thương hết thảy mọi người. Thánh Phao-lô (Bài đọc II) lại diễn tả tình thương của Thiên Chúa thể hiện qua việc Thiên Chúa đã sai thánh nhân đi rao giảng Tin Mừng cho các dân ngoại. Vì thế, vị tông đồ này tự nhận mình là “Tông đồ của các dân ngoại”. Quả thật, nhờ thánh Phao-lô mà cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi không còn đóng khung nơi người Do Thái, nhưng đến với các dân. Là một nhà truyền giáo không mệt mỏi, ngài đi đến các nơi xa xôi để rao giảng Đức Giê-su và thiết lập cộng đoàn tín hữu. Thánh Mát-thêu (bài Tin Mừng) kể với chúng ta: lúc đó Chúa Giê-su đang ở miền đất của dân ngoại, tức là Tia và Xi-đon. Người phụ nữ gốc Canaan đến xin Chúa chữa cho con gái của bà đang bị quỷ ám khổ sở. Mặc dù xem ra có vẻ như Chúa Giê-su khước từ thẳng thừng, người phụ nữ vẫn nài xin Chúa chữa con mình. Tình mẫu tử của bà đã khiến bà chấp nhận mọi gian nan, kể cả khi Chúa Giê-su nói với bà: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Lời khước từ thật cay nghiệt, nhưng không làm bà nản lòng. Cuối cùng, bà được nghe lời nói ngọt ngào của Chúa: “Lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy”.

Giáo hội Ki-tô thực ra cũng phát xuất từ dân ngoại. Chúng ta đâu phải người Do Thái, nhưng nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được tháp nhập vào dân Israel mới, là con cháu Abraham do lòng tin chứ không phải do máu huyết.

“Lạy Con Vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!” Đó là tiếng kêu than của cả nhân loại, đang tổn thương bầm dập vì chiến tranh, bạo lực và thiên tai sự dữ. Đặc biệt, đó là lời van xin của các Ki-tô hữu trong nghi thức sám hối khởi đầu Phụng vụ Thánh Thể: “Xin Chúa Ki-tô thương xót chúng con!”. Chúng ta hãy tin tưởng đến với Chúa Giê-su. Người đã bảo đảm với chúng ta: Ai xin thì sẽ được; ai tìm thì sẽ thấy; và ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7,7-11).

Tác giả bài viết: +TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn tin: www.tonggiaophanhanoi.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây